ĐHQGHN - Dấu ấn trong tôi 13:52:52 Ngày 19/04/2024 GMT+7
Gây hấn: hành vi phức tạp của con người
Công trình Hành vi gây hấn - Phân tích từ tâm lí từ góc độ tâm lí học xã hội của GS.TS Trần Thị Minh Đức - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phụ nữ - là 1 trong 4 “Công trình khoa học tiêu biểu ĐHQGHN năm 2011”. Kết quả nghiên cứu góp phần hạn chế và đẩy lùi những hành vi bạo lực trong đời sống xã hội hiện nay

>>> Bản tin số 258 (pdf)

>>> Gây hấn: Hành vi phức tạp của con người (pdf)

Đây là công trình nghiên cứu đầu tiên ở Việt Nam về một hiện tượng tâm lí xã hội của con người - Hành vi gây hấn. Công trình đã tập hợp, tổng hợp và phân tích hành vi gây hấn của con người từ nền tảng tri thức và quan điểm nghiên cứu của Tâm lí học xã hội. Trong đó làm rõ các khái niệm cơ bản xung quanh vấn đề gây hấn, phân loại hành vi gây hấn, phân tích nguyên nhân, hậu quả của hành vi gây hấn đối với các cá nhân, các nhóm, gia đình và xã hội.

Tác giả đã làm sáng tỏ khái niệm gây hấn, một hiện tượng tâm lí tiêu cực, phức tạp nhất trong hiện tượng tâm lí xã hội của con người, một hành vi cố tình làm tổn hại về thể chất hay tinh thần người khác hoặc bản thân. Kết quả nghiên cứu khẳng định, hiện tượng tâm lí này xuất hiện thường xuyên trong các tương tác xã hội và sự ảnh hưởng tiêu cực của hành vi này là khó lường trước được. Gây hấn không chỉ thể hiện đơn giản ở việc khích bác, cố tình thêu dệt câu chuyện làm tổn thương người khác hay giải quyết tình huống bằng cách đấm đá nhau giữa các cá nhân và các nhóm. Những chuyện thanh toán lẫn nhau, thuê mướn giết người, hay khủng bố, chiến tranh đều là biểu hiện của gây hấn ở cấp cá nhân, nhóm, quốc gia hay quốc tế. Gây hấn có mặt ở khắp nơi, từ các chuyện xích mích nho nhỏ giữa những đứa trẻ trong gia đình, chuyện bố mẹ đánh mắng con hay bạo lực vợ - chồng, đến chuyện bắt nạt học đường, nơi công sở hay công cộng; từ việc công kích lẫn nhau ở Quốc hội đến những cuộc ném bom xâm lược..., tất cả đều nhằm mục đích làm tổn thương nhau về mặt tâm lí, thể chất hay huỷ hoại tài sản.

Công trình đã có nhiều đóng góp cho việc xây dựng cơ sở lí luận cho chuyên ngành Tâm lí học xã hội. Cách nghiên cứu và phân tích một vấn đề thực tiễn xã hội dựa trên nền tảng các quan điểm khoa học của ngành sẽ giúp cho các nghiên cứu sinh, học viên cao học, người nghiên cứu có cơ sở vận dụng lí thuyết vào phân tích một hiện tượng tâm lí xã hội mà họ quan tâm. Từ các kết quả điều tra thực tế, công trình đã cung cấp tri thức về thực trạng gây hấn trong học sinh, sinh viên và bạo lực trong các gia đình ở Việt Nam. Đồng thời góp phần vào việc hoạch định chính sách của nhà nước đối với các vấn nạn trong gia đình và học đường.

GS.TS Nguyễn Ngọc Phú, Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng: Công trình là nguồn tư liệu có tính thời sự dành cho các nhà giáo dục và các nhà Quản lí xã hội.

Công trình Hành vi gây hấn - Phân tích từ góc độ Tâm lí học xã hội do GS.TS Trần Thị Minh Đức thực hiện dựa trên kết quả nghiên cứu thực tiễn về những biểu hiện gây hấn trong gia đình, trường học; những ảnh hưởng của gây hấn từ các phương tiện truyền thông như ti vi, phim ảnh, game bạo lực,... Có thể nói, đây là công trình đầu tiên ở Việt Nam lí giải các hình thức gây hấn của con người từ góc độ sinh học, xã hội học, giáo dục học, giới, văn hoá tập tục. Đặc biệt, tác giả tập trung phân tích bản chất gây hấn, phân loại hành vi gây hấn, phân tích chuyên sâu, hậu quả của loại hành vi này đối với các cá nhân, các nhóm, gia đình và xã hội từ các lí thuyết của tâm lí học xã hội.

Công trình được đúc rút từ các kết quả điều tra thực tế và phân tích chúng theo các quan điểm khoa học. Vì vậy, nó được xem như một nguồn tư liệu có tính thời sự cho các nhà giáo dục, các nhà Quản lí xã hội, cũng như những ai quan tâm đến hành vi gây hấn đang có xu hướng tăng trong xã hội hiện nay.

GS.TS Trần Hữu Luyến, Trường ĐHNN, ĐHQGHN: Góp phần đấu tranh ngăn chặn, hạn chế, làm giảm thiểu, khắc phục hành vi gây hấn và bạo lực trong xã hội, gia đình, và trong học đường.

Công trình đã làm rõ được hành vi gây hấn là làm tổn thương cho người và vật có chủ ý, bản chất của gây hấn là bạo lực và các biểu hiện phong phú, đa dạng của hành vi này ở trong xã hội, trong nhà trường và trong gia đình; đã chỉ ra được các lí thuyết về gây hấn, như thuyết bản năng, thuyết động lực, thuyết hành vi, thuyết học tập xã hội, cũng như cách xem xét về bạo lực gia đình; như điều kiện sống, đặc biệt là kinh tế xã hội, phương tiện truyền thông và các yếu tố tâm lí.

Công trình đã chỉ ra khá đầy đủ, rõ ràng thực trạng hành vi gây hấn ở nhiều góc độ; ở phạm vi toàn cảnh của xã hội loài người, từ những cuộc chiến đẫm máu mang tội ác diệt chủng trong lịch sử đến các cuộc gây hấn trên chính trường và bạo lực trong cuộc sống.

Tư liệu để làm rõ những thực trạng trên rất phong phú, không chỉ bằng quan sát, trưng cầu ý kiến, mà còn bằng tổng kết, khái quát hoá các nguồn tài liệu sách báo, truyền thông đại chúng và những câu chuyện, những chân dung rất sống động về hành vi gây hấn trong xã hội nói chung, trong học đường nói riêng. Những kết quả thực tiễn này là một tài liệu tham khảo rất bổ ích không chỉ cho những nhà quản lí, những người làm công tác xã hội, mà còn cho các nhà sư phạm, cho các gia đình để đồng hành trong cuộc đấu tranh ngăn chặn, hạn chế, làm giảm thiểu, khắc phục hành vi gây hấn và bạo lực trong xã hội, trong gia đình và trong học đường. Công trình không chỉ có ý nghĩa trong nước, mà cả trên thế giới bởi không một dân tộc, một quốc gia chân chính nào lại dung hoà với hành vi gây hấn.

GS.TS Vũ Dũng - Viện trưởng Viện Tâm lí học: Công trình góp phần vào việc bảo tồn và phát huy những giá trị nhân văn truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Hành vi gây hấn là một vấn đề đã và đang được nhiều nhà Tâm lí học xã hội quan tâm. Bởi đây là một dạng hành vi xã hội đặc biệt. Hậu quả của nó rất đa dạng và nhiều khi rất nghiêm trọng đối với tính mạng con người, đối với ổn định của cộng đồng và xã hội.

Ở nước ta, trong những năm gần đây hành vi gây hấn có chiều hướng gia tăng, chúng xảy ra trong môi trường học đường, trong quan hệ gia đình, công sở, nơi công cộng... gây nên sự lo ngại cho xã hội, ảnh hưởng xấu đến những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Tuy vậy, những nghiên cứu về bạo lực từ góc độ tâm lí xã hội còn rất khiêm tốn. Những hành vi này cần được nghiên cứu sâu hơn, toàn diện hơn để chỉ ra được những nguyên nhân tâm lí - xã hội sâu xa của chúng.

Công trình Hành vi gây hấn - phân tích từ góc độ tâm lí đã tập hợp được nhiều dẫn chứng thực tiễn về hành vi gây hấn trong nước và nước ngoài, trong đó có những dẫn chứng thời sự cao. Công trình sẽ góp phần nhất định trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị nhân văn truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong quan hệ con người, hạn chế và đẩy lùi những hành vi bạo lực trong đời sống xã hội hiện nay.

 

 Việt Hà - Bản tin số 258
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC