ĐHQGHN - Dấu ấn trong tôi 03:01:22 Ngày 20/04/2024 GMT+7
Trường Đại học Giáo dục – Trung tâm sáng tạo đổi mới đào tạo giáo viên của cả nước
Với mô hình đào tạo giáo viên, chuyên gia giáo dục đặc sắc, tạo dấu ấn nổi bật trong hệ thống các trường sư phạm trong cả nước, Trường ĐHGD, ĐHQGHN, đã được Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Bộ GD&Đ tin tưởng giao nhiệm vụ quan trọng, đó là xây dựng Nhà trường thành một trong ba Trung tâm Sáng tạo Đổi mới đào tạo giáo viên của cả nước. GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc - một nhà giáo tâm huyết đã chia sẻ với Bản tin ĐHQGHN những suy nghĩ xung quanh vấn đề này.
Xin Giáo sư cho biết sự khác biệt trong đào tạo giáo viên của Trường Đại học Giáo dục so với các trường đại học sư phạm khác trong cả nước?
Trước hết, tôi phải khẳng định Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN, thuộc hệ thống các trường đại học sư phạm trong hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam. ngoài hoạt động nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng, về hoạt động đào tạo Trường ĐHGD xác định có 2 nhiệm vụ chính: Đào tạo nhà giáo chất lượng cao cho mọi bậc học, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên phổ thông và giảng viên các trường đại học, cao đẳng; Đào tạo chuyên gia quản lý giáo dục, bồi dưỡng cán bộ quản lý cho ngành giáo dục. Hai nhiệm vụ đào tạo chiến lược này đã được nhà trường tập trung đầu tư triển khai ngay từ ngày đầu thành lập Khoa Sư phạm (nay là Trường ĐHGD).
Việc đào tạo giáo viên ở Trường Đại học Giáo dục được tổ chức theo mô hình nối tiếp a+b trong đại học đa ngành, đa lĩnh vực của ĐHQGHN: trong đó giai đoạn a (gồm 103 -105 tín chỉ) sinh viên sư phạm được đào tạo khối kiến thức khoa học cơ bản cùng với sinh viên các ngành khoa học cơ bản tương ứng do 2 trường đại học thành viên uy tín, đó là Trường ĐHKHTN và Trường ĐHKHXH&NV và giai đoạn b (gồm 37 tín chỉ) được đào tạo khối kiến thức đặc thù sư phạm, kiến thức khoa học giáo dục, nghiệp vụ sư phạm, triển khai thực hành, kiến tập, thực tập sư phạm do Trường Đại học Giáo dục thực hiện.
Về sự khác biệt trong đào tạo giáo viên theo mô hình a+b được triển khai ở Trường Đại học Giáo dục so với các trường đại học sư phạm truyền thống, thực sự tôi không có ý định so sánh, tôi muốn khẳng định một số điểm sau đây về mô hình đào tạo giáo viên trong đại học đa ngành, đa lĩnh vực như ĐHQGHN, mà theo chúng tôi đó là những điểm ưu việt của mô hình này. Thứ nhất, đây là mô hình đào tạo mở, liên thông mạnh, mềm dẻo dễ điều chỉnh từ đào tạo cử nhân khoa học cơ bản sang đào tạo cử nhân sư phạm và ngược lại. Thứ hai, hiệu suất đào tạo cao bởi lẽ sử dụng được đội ngũ giảng viên giỏi chuyên môn, giáo sư đầu ngành các ngành khoa học cơ bản tham gia vào đào tạo sư phạm. Thứ ba, triết lý đào tạo của mô hình là trước khi trở thành người đi dạy về cái gì đó thì phải giỏi cái đó đã , theo đó người giáo viên được đào tạo giỏi về chuyên môn khoa học cơ bản, rồi được chuẩn bị tinh thông về nghiệp vụ sư phạm, đồng thời có năng lực quản lý. 
Giáo sư vừa nói bên cạnh nhiệm vụ đào tạo giáo viên, Trường đã và đang rất chú trọng thực hiện nhiệm vụ đào tạo chuyên gia về giáo dục, cán bộ quản lý giáo dục. Cụ thể như thế nào, thưa Giáo sư?
Trường ĐHGD luôn chú trọng thực hiện song song 2 nhiệm vụ đào tạo giáo viên và đào tạo chuyên gia về giáo dục. Trường đã triển khai đào tạo chuyên ngành quản lý giáo dục ở cả 3 bậc đào tạo: cử nhân (chỉ đào tạo các nhà QLGD đã có trình độ cao đẳng giáo dục), thạc sĩ và tiến sĩ. Điều đáng nhấn mạnh là Trường ĐHGD là cơ sở đào tạo đầu tiên được phép triển khai đào tạo tiến sĩ ngành Quản lý giáo dục (2001), tính đến nay có hơn 50 tiến sĩ Quản lý giáo dục đã tốt nghiệp tại Trường. Bên cạnh đó, Trường thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng kỹ năng quản lý cho cán bộ ngành giáo dục, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên cao đẳng và đại học trong cả nước.
Nhằm nâng cao chất lượng của các chương trình đào tạo của Trường, nâng cao năng lực đào tạo của giảng viên, tiếp thu công nghệ đào tạo tiên tiến, tiếp cận chuyển giao các chuyên ngành đào tạo mới, Trường đã tiên phong trong việc xây dựng chuyên ngành đào tạo Tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên và triển khai đào tạo thạc sĩ chuyên ngành này với sự phối hợp, hỗ trợ đào tạo của các chuyên gia từ trường đại học giáo dục của Đại học Vanderbuilt, một trường đại học có uy tín cao, trong hai năm qua liên tục xếp thứ nhất của Hoa Kỳ. Chương trình đào tạo các chuyên gia về Tâm lý học đường, chăm sóc sức khỏe tâm thần. Chương trình Tâm lý học thực hành và tư vấn hướng nghiệp, đào tạo các chuyên gia hướng nghiệp ở trình độ thạc sĩ với sự phối hợp hỗ trợ cuả Viện Lao động và hướng nghiệp, Cộng hoà Pháp .
Trường luôn chủ động trong việc liên kết đào tạo với các trường đại học nước ngoài có uy tín để tổ chức triển khai đào tạo các chuyên ngành chưa có ở Việt Nam như Lãnh đạo và quản lý giáo dục, Quản lý hệ thống thông tin, Quản lý xã hội, Công nghệ đào tạo và việc làm …
Được biết Trường ĐHGD được đánh giá là một trong những đơn vị đào tạo sau đại học năng động, và phát triển nhà trường theo định hướng nghiên cứu. Xin Giáo sư nói rõ về vấn đề này?
Theo chủ trương chung của ĐHQGHN là ưu tiên phát triển đào tạo sau đại học, phát triển đại học theo định hướng đại học nghiên cứu, Trường ĐHGD rất chú trọng đến công tác đào tạo sau đại học và liên kết quốc tế đào tạo sau đại học.  Về công tác đào tạo sau đại học, xin được nhấn mạnh 2 điểm: luôn gắn hoạt động đào tạo sau đại học với nghiên cứu khoa học; tiếp tục duy trì tỷ lệ học viên sau đại học/sinh viên là 1,5/1. 
Thưa Giáo sư, được biết Trường ĐHGD đang chuẩn bị cho ra mắt bạn đọc ấn phẩm Báo cáo Giáo dục thường niên?
Từ năm 2011, Trường ĐHGD thực hiện Đề án “Báo cáo thường niên Giáo dục Việt Nam” do Giám đốc ĐHQGHN giao nhiệm vụ tại Quyết đình số 1651/QĐ-KHCN. “Báo cáo thường niên Giáo dục Việt Nam” là một ấn phẩm có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhằm đạt 3 mục tiêu:
Thứ nhất, xây dựng ấn phẩm “Báo cáo thường niên Giáo dục Việt Nam” với các bài viết có tính học thuật cao về các vấn đề cấp thiết hoặc đang được quan tâm nhất về giáo dục Việt Nam có đối chiếu và so sánh với tình hình giáo dục quốc tế, cùng với những phân tích, lý giải thuyết phục với các nhà lãnh đạo hoạch định chính sách giáo dục Việt Nam.
Thứ hai, trên cơ sở triển khai “Báo cáo thường niên Giáo dục Việt Nam”, Trường có mong muốn gây dựng nhóm cán bộ nghiên cứu mạnh về giáo dục, thu hút các chuyên gia nghiên cứu giáo dục trong và ngoài nước. Đồng thời, các bài viết trong Báo cáo này sẽ phục vụ cho công tác đào tạo, đặc biệt đào tạo sau đại học của Trường.
Và thứ ba là phát triển thương hiệu và uy tín Truờng Đại học Giáo dục và ĐHQGHN.
Đến nay, số đầu tiên của “Báo cáo thường niên Giáo dục Việt Nam” gồm 17 bài viết (hơn 500 trang) của các chuyên gia có uy tín, đầu ngành giáo dục Việt Nam, tập trung vào chủ đề “Giáo dục đại học Việt Nam - Chất lượng và quản lý”, đã được nghiệm thu đánh giá qua hai cấp cơ sở và cấp Đại học Quốc gia, dự kiến được xuất bản vào tháng 11 năm 2012 vào dịp chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam.
Vừa qua, Trường ĐHGD đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo tin tưởng giao nhiệm vụ rất quan trọng, đó là xây dựng Trường thành một trong ba Trung tâm Sáng tạo Đổi mới đào tạo giáo viên của cả nước, Trường sẽ có kế hoạch hành động gì để thực hiện nhiệm vụ này, thưa Giáo sư?
Đúng như vậy, đây là một niềm vui, một cơ hội lớn, song cũng là một thách thức không nhỏ đối với Trường ĐHGD. Là một cơ sở giáo dục còn non trẻ, đã được sự tin tưởng của lãnh đạo ngành giáo dục, việc giao nhiệm vụ này chứng tỏ sự đúng đắn của một mô hình đào tạo mới, khẳng định uy tín sư phạm của nhà trường trong xã hội. Trường chuẩn bị xây dựng Đề án phát triển Trung tâm Sáng tạo đổi mới đào tạo giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, sẽ trình Giám đốc ĐHQGHN trong năm 2012. Đề án sẽ đề cập đến mô hình đào tạo giáo viên, chương trình đào tạo, các điều kiện triển khai đào tạo giáo viên và những đề xuất triển khai đào tạo giáo viên, cán bộ quản lý thế kỉ 21.   
Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!
 Đức Minh (thực hiện) - Bản tin số 259
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC