Hình ảnh 05:45:54 Ngày 19/04/2024 GMT+7
Sức sống của một thương hiệu
Chương trình Ðào tạo Thạc sĩ Chuyên ngành Khoa học Máy tính đạt trình độ quốc tế thuộc Nhiệm vụ chiến lược của ÐHQGHN đã được triển khai tại Trường Ðại học Công nghệ từ năm 2007. Cho đến nay, Trường Ðại học Công nghệ đã tuyển sinh được 4 khóa với 85 học viên. PGS.TS Nguyễn Việt Hà - Phó Hiệu trưởng Trường ÐHCN đã dành cho Bản tin ÐHQGHN một phỏng vấn ngắn.

Thưa PGS. TS Nguyễn Việt Hà, tại sao Trường Ðại học Công nghệ lại chọn Chuyên ngành Khoa học Máy tính để triển khai đào tạo đạt trình độ quốc tế?

Sứ mệnh và nhiệm vụ của Trường ÐHCN là đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực trình độ cao, chất lượng cao trong các ngành công nghệ cao, lấy Công nghệ Thông tin (CNTT) làm trung tâm, được hỗ trợ và tạo môi trường, địa bàn phát triển CNTT. Khoa CNTT là một trong các khoa trọng điểm của cả nước, là khoa có bề dày lịch sử, có nhiều thành tích trong hoạt động đào tạo và có đội ngũ cán bộ mạnh. Vì vậy mà lãnh đạo Nhà trường khi đó đã quyết định chọn một chuyên ngành thuộc lĩnh vực CNTT để xây dựng đề án đào tạo thạc sĩ đạt trình độ quốc tế.

Việc lựa chọn Chuyên ngành Khoa học máy tính (KHMT) một phần còn do ÐHQGHN chỉ định và đặt hàng.

Ở Khoa CNTT của trường thì Bộ môn KHMT cũng là một trong các bộ môn được thành lập đầu tiên và có đội ngũ cán bộ đông đảo nhất. Vì những lí do đó mà Trường ÐHCN và Khoa CNTT đã lựa chọn chuyên ngành KHMT cho nhiệm vụ chiến lược. Có thể nói đây là sự lựa chọn sáng suốt và có sự đồng thuận, thống nhất cao từ lãnh đạo ÐHQGHN xuống dưới cơ sở.

Xin Phó Giáo sư cho biết các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, cơ chế, chuẩn đầu ra… mà Trường ÐHCN đã chuẩn bị để đảm bảo được mục tiêu đào tạo đạt chuẩn quốc tế của chương trình này?

Một trong những yếu tố chủ chốt để thực hiện chương trình đào tạo này là đội ngũ giảng viên. Với tầm nhìn xa và tâm huyết của nhiều thế hệ lãnh đạo Trường ÐHCN và Khoa CNTT, Khoa CNTT đã đào tạo, bồi dưỡng được nhiều cán bộ giảng viên có năng lực thực sự và cũng thu hút được nhiều tiến sĩ tốt nghiệp nước ngoài về công tác. Ðến thời điểm hiện tại, Khoa đã có 33 tiến sĩ, trong đó có rất nhiều anh, chị đã nhận bằng tiến sĩ rồi đã trải qua một chương trình nghiên cứu sau tiến sĩ tại một số trường đại học có danh tiếng ở nước ngoài và họ có thể giảng dạy tốt bằng tiếng Anh.

Ở bậc đào tạo thạc sĩ, điều quan trọng là phải gắn chặt hoạt động dạy và học với hoạt động nghiên cứu. Trong chương trình này, chúng tôi yêu cầu học viên phải làm việc tại phòng thí nghiệm của các bộ môn. Học viên được nhận giáo viên hướng dẫn ngay sau khi nhập học và giảng viên có trách nhiệm hướng dẫn và giám sát hoạt động nghiên cứu và thảo luận kết quả nghiên cứu của học viên trong suốt thời gian học viên theo học.

Khoa và Trường cũng thường xuyên tổ chức các seminar khoa học, tạo điều kiện và yêu cầu học viên tham dự các hội nghị quốc tế. Chúng tôi cũng đã mời được một số lượt giảng viên nước ngoài sang giảng dạy tham gia trực tiếp phản biện và làm thành viên hội đồng chấm luận văn. Cho đến thời điểm hiện tại, về cơ bản chúng tôi đã thực hiện được 50% các môn học giảng dạy bằng tiếng Anh.

Xin Phó Giáo sư đánh giá sơ bộ về chất lượng những sản phẩm đào tạo đầu tiên trên cơ sở đối chiếu với mục tiêu đặt ra ban đầu?

Hiện nay đã có 13 học viên khóa 1 bảo vệ luận văn, trong số đó có 4 học viên đã được ÐHQGHN ký quyết định công nhận học vị và cấp bằng. Các trường hợp còn lại đang chờ bổ sung các điều kiện về trình độ ngoại ngữ và đăng tải công trình khoa học.

Cả 13 học viên nói trên đều đã viết luận văn và bảo vệ luận văn bằng tiếng Anh trước hội đồng quốc tế có sự tham gia của các giáo sư thuộc các trường đại học có uy tín như ÐHQG Singapore (NUS), Ðại học New South Wales (UNSW). 10 trong số 13 học viên của cả khóa đào tạo có công trình nghiên cứu được đăng tải trong kỷ yếu hội nghị quốc tế hoặc tại Tạp chí Khoa học của ÐHQGHN.

Về cơ bản, tôi cho rằng chất lượng đầu ra của chương trình như vậy là đáp ứng được các mục tiêu đặt ra ban đầu của đề án. Số lượng học viên tuy còn có hạn chế, chủ yếu do còn ít học viên đầu vào của chương trình chưa đạt được tiêu chuẩn cứng theo chuẩn của ÐHQGHN về trình độ tiếng Anh, nhưng tôi cho rằng nếu chúng ta quyết tâm thì có thể khắc phục được điểm yếu này ở các khóa kế tiếp.

Sau 3 năm đào tạo, Phó Giáo sư đánh giá thế nào về hiệu quả mà chương trình mang lại trong việc nâng cao chất lượng đào tạo nói chung của Nhà trường cũng như năng lực giảng dạy và nghiên cứu của giảng viên?

Tôi nghĩ là vẫn còn hơi sớm để nói về hiệu quả của chương trình. Tuy nhiên có thể nói rằng sau 3 năm triển khai thì cả Nhà trường, Khoa và các giảng viên đã có tự tin trong việc tổ chức đào tạo chất lượng cao, tiếp cận trình độ quốc tế. Do yêu cầu cao của chương trình nên các giảng viên tham gia giảng dạy và hướng dẫn học viên cũng trưởng thành đáng kể cả về năng lực chuyên môn lẫn ngoại ngữ. Ðể hướng dẫn được học viên cao học học tập và nghiên cứu trong vòng 2 năm có kết quả có thể viết được thành một bài báo cho một hội nghị quốc tế thì cán bộ hướng dẫn cũng phải nỗ lực rất cao.

Trường ÐHCN có chủ trương gì trong việc hướng tới tính bền vững của chương trình đào tạo?

Qua thực tiễn triển khai thực hiện, chúng tôi thấy rằng để có thể đưa chương trình phát triển bền vững thì cần phải quan niệm đây là một nhiệm vụ chính trị thường xuyên và nó phải được tích hợp chặt chẽ với các nhiệm vụ khác của đơn vị như hoạt động nghiên cứu, phát triển đội ngũ cán bộ, phát triển cơ sở vật chất...

Lấy ví dụ, nếu chúng ta yêu cầu một giảng viên vẫn phải đảm bảo định mức giảng dạy tại những lớp thuộc các hệ đào tạo chuẩn rồi sau đó mới cộng thêm khối lượng hoạt động giảng dạy và hướng dẫn nghiên cứu trong nhiệm vụ chiến lược vào khối lượng công tác chung của họ thì không thể nâng cao được chất lượng đào tạo. Trong giai đoạn vừa qua, Trường và Khoa đã tích cực chỉ đạo và điều hành theo hướng coi nhiệm vụ giảng dạy và hướng dẫn nghiên cứu trong chương trình đào tạo thuộc Nhiệm vụ Chiến lược là nhiệm vụ thường xuyên. Các giảng viên đủ điều kiện được giao thực hiện và quy đổi hợp lí khối lượng công việc theo số tiết dạy chuẩn để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của họ. Trong khi bảo đảm chế độ chi trả thù lao một cách phù hợp. Chúng tôi tích cực tuyên truyền, quảng bá về chương trình để hình thành “tư duy” đào tạo chất lượng cao đạt trình độ quốc tế trong cả giảng viên và học viên. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng hết sức nỗ lực tổ chức thực hiện tốt theo các nội dung và biện pháp đã xây dựng và trải nghiệm nhằm đưa chương trình đào tạo thạc sĩ KHMT trở thành một mô hình đào tạo tiêu biểu và trở thành thương hiệu đào tạo của đơn vị.

Từ thực tiễn đào tạo, Trường có đề xuất gì với ÐHQGHN về các giải pháp hỗ trợ?

Như tôi đã nói ở trên, một khó khăn lớn là còn thiếu các hướng dẫn chi tiết về xây dựng và vận hành các chương trình đào tạo thuộc Nhiệm vụ chiến lược. Chúng ta quan tâm nhiều đến chất lượng giảng dạy và chuẩn đầu ra, nhưng lại chưa quan tâm đúng mức đến việc đổi mới quy trình quản lí đào tạo tương ứng. Ví dụ như trong các chương trình đào tạo thạc sĩ ở nhiều trường đại học tiên tiến thì không có khái niệm môn học bắt buộc, tính mềm dẻo của các chương trình đào tạo này rất cao. Tuy nhiên, khi đưa vào hệ thống của chúng ta thì lại phải tuân thủ việc phân bổ các khối kiến thức theo quy chế của ÐHQGHN. Ở các trường nói trên thì giáo viên hướng dẫn luận văn là người quan trọng nhất trong việc đánh giá luận văn, nhưng chúng ta lại có “xu hướng” khuyến nghị, thậm chí có yêu cầu không để giáo viên hướng dẫn tham gia với tư cách thành viên của hội đồng chấm luận văn. Theo tôi để thực sự hướng tới chuẩn trình độ quốc tế thì chúng ta cần mạnh dạn đổi mới các quy trình quản lí tương ứng.

Việc đào tạo thạc sĩ trong Nhiệm vụ chiến lược gắn chặt với hoạt động nghiên cứu của giảng viên. Do vậy, để nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo thì cần thông suốt chủ trương và có các giải pháp thực hiện đầu tư mạnh mẽ hơn nữa về kinh phí thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ cho các giảng viên, các nhóm nghiên cứu tham gia các chương trình đào tạo này.

Về lâu dài, các yếu tố đầu vào tốt có tính then chốt, quyết định chất lượng đào tạo. Hiện nay, việc triệu tập học viên SÐH nhập học còn lệch pha với sự cách quãng về thời gian khá dài so với năm học của bậc đào tạo đại học. Vì vậy nhiều sinh viên giỏi của trường đã không “chờ” để tiếp tục theo học bậc SÐH. Tôi cho rằng, nếu các chương trình đào tạo thạc sĩ các ngành khoa học tự nhiên và công nghệ thuộc Nhiệm vụ chiến lược có thể được thực hiện theo thể thức đào tạo liên thông từ bậc đại học thì sẽ có thể có được sinh viên với chất lượng đầu vào tốt hơn, và các hoạt động nghiên cứu trong quá trình đào tạo như vậy sẽ có tính chuyên sâu hơn.

Xin cảm ơn Phó Giáo sư!

 THANH HÀ (thực hiện) - Bản tin ĐHQG Hà Nội số 239/2011
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC