13:25:48 Ngày 20/04/2024 GMT+7
Một mô hình hợp tác quốc tế hiệu quả
Thành lập năm 2001 theo thỏa thuận hợp tác giữa Đại học Quốc gia Hà Nội và Quỹ Giáo dục Cao học Hàn Quốc, Trung tâm Hỗ trợ Nghiên cứu Châu Á (ARC) đang dần khẳng định vị thế của mình trong giới khoa học với những hoạt động tài trợ cho nghiên cứu khoa học chất lượng cao và có ý nghĩa. Nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập Trung tâm, Bản tin ĐHQGHN đã có cuộc phỏng vấn TS. Nguyễn Thị Anh Thu – Giám đốc Trung tâm ARC
Xin Giám đốc cho biết ý nghĩa của việc thành lập Trung tâm Hỗ trợ Nghiên cứu Châu Á tại ĐHQGHN?
Thế kỷ XXI được xem là kỷ nguyên của châu Á và các học giả phương Tây đang ngày càng chú ý hơn đến các tư tưởng và giá trị văn hóa châu Á. Nhận thức được tầm quan trọng của nghiên cứu khoa học trong việc phát huy các giá trị văn hóa và tư tưởng châu Á, Quỹ Giáo dục Cao học Hàn Quốc (KFAS) đã đề xuất ý tưởng thành lập các Trung tâm Hỗ trợ Nghiên cứu Châu Á ở các quốc gia trong khu vực, trong đó có Việt Nam, nhằm hỗ trợ các học giả châu Á nghiên cứu và thực hiện các hoạt động khoa học khác.
Với vị thế là một trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học lớn, đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, ĐHQGHN luôn giữ vị trí hàng đầu trong hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam. Hơn nữa, cả ĐHQGHN và Quỹ KFAS đều cùng chia sẻ quan điểm là cần phải thúc đẩy nghiên cứu khoa học và tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia châu Á để tạo một thế phát triển cân bằng và liên tục cho toàn châu Á.
Quỹ KFAS đã chọn ĐHQGHN để cùng ký thỏa thuận thành lập Trung tâm ARC tại Việt Nam. Với những gì mà Trung tâm ARC ở ĐHQGHN đã làm được trong suốt 10 năm qua cho thấy niềm tin đó đã đặt đúng chỗ.
Vậy Trung tâm đã có những đóng góp gì cho hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học ở ĐHQGHN nói riêng và Việt Nam nói chung?
Các hoạt động tài trợ của Trung tâm ARC đã có những đóng góp tích cực cho công tác đào tạo và nghiên cứu chất lượng cao ở ĐQHGHN nói riêng và ở các trường đại học, viện nghiên cứu khoa học trong cả nước nói chung.
Các kết quả nghiên cứu của những đề tài do Trung tâm tài trợ đều được đánh giá cao, thu được kết quả tốt với các bài báo được công bố trên tạp chí chuyên ngành trong nước và quốc tế, tạo ra các sản phẩm công nghệ, tạo điều kiện ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tế, góp phần tăng cường năng lực cho các nhà nghiên cứu, đào tạo nghiên cứu sinh và học viên cao học.
Các hội nghị, hội thảo khoa học tạo cơ hội cho các nhà khoa học chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, kết quả nghiên cứu và cùng thảo luận để tìm ra các giải pháp thực tế cho các vấn đề cấp bách hiện nay; giúp mở rộng trao đổi và hợp tác quốc tế trong nhiều lĩnh vực.
Các công trình khoa học xuất bản với sự tài trợ của Trung tâm đã trở thành nguồn học liệu quý giá trong nhiều lĩnh vực khác nhau, phục vụ đắc lực cho công tác nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước.
Các hoạt động khác giúp tăng cường giao lưu, hợp tác quốc tế, thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau.
Thông qua các hoạt động của mình, Trung tâm ARC đã trở thành cầu nối liên kết, mở rộng và tăng cường trao đổi, hợp tác giữa các nhà khoa học trong và ngoài nước. Ở một mức độ nào đó, có thể nói Trung tâm đã góp phần tích cực vào việc thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học, cải thiện chất lượng và năng lực nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam, tạo ra các kết quả nghiên cứu thực tiễn phục vụ cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Theo đánh giá của Giám đốc, hoạt động tài trợ nào của Trung tâm được coi là hiệu quả nhất?
Mỗi hoạt động tài trợ đều có những đặc thù riêng và tất cả các hoạt động tài trợ của Trung tâm ARC đều mang lại những hiệu quả nhất định. Có hoạt động tài trợ cho ra sản phẩm phục vụ trực tiếp cho đời sống (đề tài mới nghiệm thu của PGS.TS. Ngô Diên Tập, Trường ĐHCN, về “Nghiên cứu thiết kế và thử nghiệm hệ thống điều khiển từ xa có mật khẩu dựa trên cơ sở hệ thống nhúng”...); có hoạt động tài trợ lại góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao (đề tài của PGS.TS Hoàng Bá Thịnh, Trường ĐHKHXH&NV, đã đào tạo được 3 thạc sĩ và 6 sinh viên đại học); có hoạt động tài trợ (xuất bản phẩm) là tài liệu hữu ích cho các chuyên gia, những nhà nghiên cứu, giáo viên và sinh viên. Có hoạt động không đem lại sản phẩm hữu hình nhưng góp phần quảng bá hình ảnh của ĐHQGHN (như các hội nghị, hội thảo quốc tế và qua đó, ĐHQGHN được biết đến như một trung tâm nghiên cứu khoa học hàng đầu của Việt Nam).
Trong Mạng lưới các Trung tâm Nghiên cứu châu Á có 17 trung tâm, nhưng Trung tâm Nghiên cứu Châu Á ở ĐHQGHN luôn được đánh giá cao vì hoạt động hiệu quả và ngày càng phát triển. Điều gì đã tạo cho Trung tâm thế và lực để phát triển như vậy thưa Giám đốc?
Trong Mạng lưới các Trung tâm Nghiên cứu Châu Á (ARN), Trung tâm Hỗ trợ Nghiên cứu Châu Á ở ĐHQGHN luôn có số lượng các hoạt động tài trợ lớn và có chất lượng cao. Hơn nữa, Trung tâm còn quan tâm mở rộng và đa dạng hoá các hoạt động. Ngoài ra, Trung tâm là trung tâm đầu tiên và duy nhất trong mạng lưới ARN có website tại địa chỉ: www.arc.vnu.edu.vn và xây dựng được bộ nhận diện thương hiệu riêng với logo mới, chuẩn hoá các loại giấy tờ và giới thiệu về Trung tâm. Trang web không chỉ giúp quảng bá các hoạt động tài trợ của Trung tâm ARC ở ĐHQGHN và kết nối với 16 Trung tâm Nghiên cứu Châu Á ở các nước mà còn trở thành nguồn tư liệu bổ ích cho những nhà nghiên cứu, các học giả, giảng viên, sinh viên trong và ngoài nước.
Với sự đóng góp rất lớn của các chuyên gia đầu ngành trong và ngoài ĐHQGHN, các quy trình xét duyệt, cấp kinh phí và nghiệm thu các đề tài của Trung tâm đã được chuẩn hóa và đạt hiệu quả cao, đảm bảo chất lượng, nghiêm túc. Với các hoạt động khác, Trung tâm cũng thực hiện rất bài bản, có tính chuyên nghiệp và hiệu quả. Trung tâm quản lí và sử dụng hợp lí nguồn ngân sách tài trợ từ Quỹ Giáo dục Cao học Hàn Quốc và các nguồn tài trợ khác. Chính vì thế, Trung tâm luôn được các nhà tài trợ và các đối tác tin cậy, đánh giá cao. 
Phải nói rằng, Trung tâm có được thành công như ngày hôm nay, trước hết là nhờ có sự quan tâm, chỉ đạo trực tiếp và sát sao của các giám đốc ĐHQGHN đồng thời là Đồng Trưởng Ban chỉ đạo của Trung tâm (từ cố GS. Nguyễn Văn Đạo, đến GS. Đào Trọng Thi và hiện tại là GS. Mai Trọng Nhuận) và Phó Giám đốc Vũ Minh Giang, với tư cách ủy viên Ban chỉ đạo, Chủ tịch Hội đồng Chuyên môn của Trung tâm.
Hơn nữa, Trung tâm còn nhận được sự hỗ trợ tích cực và cộng tác hiệu quả từ các ban chức năng và các đơn vị trực thuộc ĐHQGHN, từ các đối tác khác trong và ngoài nước, đặc biệt là sự hỗ trợ từ Ban Quan hệ Quốc tế, ĐHQGHN.
Ngoài ra, không thể không nói tới những nỗ lực, sáng kiến và sự tận tâm của chính các cán bộ trong Trung tâm.
Vậy với tư cách là Giám đốc Trung tâm, Tiến sĩ định hướng thế nào cho các hoạt động của Trung tâm trong giai đoạn tiếp theo?
Trung tâm sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả tài trợ và phục vụ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh các hoạt động đào tạo, nghiên cứu, giao lưu văn hóa, hợp tác trong và ngoài nước, tích cực quảng bá hoạt động của Trung tâm trong mạng lưới các Trung tâm Nghiên cứu Châu Á; phát triển Trung tâm và chung sức thực hiện Nhiệm vụ chiến lược của ĐHQGHN.
Thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ phù hợp với hướng ưu tiên của Nhà nước, của ĐHQGHN nhằm giải quyết nhiệm vụ trọng tâm của ngành, đặc biệt là các nhiệm vụ trực tiếp phục vụ nhiệm vụ chiến lược của ĐHQGHN. Trong thời gian tới, Trung tâm dự kiến ưu tiên tài trợ các đề tài nghiên cứu về một số hướng mũi nhọn trong khoa học cơ bản (toán, lí, hóa, sinh học); sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học; biến đổi khí hậu và các giải pháp thích ứng, giảm thiểu các hậu quả của biến đổi khí hậu; các vấn đề về biển, hải đảo và chủ quyền biên giới, khoa học bền vững,…
Tiếp tục triển khai thực hiện dự án “Quản lí bền vững nước thải ở các khu vực nông thôn và các vùng ven đô của tỉnh Quảng Ninh và Hà Nội” đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, hiệu quả dự án. Tổ chức một số buổi seminar phổ biến kiến thức nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho người dân địa phương và hội nghị tổng kết nằm trong khuôn khổ dự án.
Tìm kiếm, xây dựng, phát triển và nâng cao hiệu quả hợp tác trong nước và quốc tế để thu hút các nguồn lực tài trợ khác ngoài nguồn tài trợ của Quỹ KFAS để tổ chức triển khai các dự án đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội.
Nâng cao năng lực phát triển hợp tác quốc tế, chuyên nghiệp hóa các hoạt động như tổ chức các khóa học ngắn hạn, trao đổi học sinh, sinh viên, tổ chức các sự kiện để thúc đẩy, tạo điều kiện phát triển, liên kết, hợp tác trong các hoạt động quốc tế nâng cao hơn nữa vị thế, uy tín của ĐHQGHN và Quỹ Giáo dục Cao học Hàn Quốc nói chung và của Trung tâm Hỗ trợ Nghiên cứu Châu Á nói riêng.
Xin cảm ơn Giám đốc.
 
Các hoạt động của Trung tâm ARC
- Tài trợ cho các hoạt động nghiên cứu khoa học (đề tài nghiên cứu, hội nghị/hội thảo khoa học, xuất bản công trình nghiên cứu).
- Thực hiện Chương trình Giao lưu Học giả Quốc tế (ISEF).
- Tham gia thực hiện các dự án quốc tế (Dự án hợp tác giữa ĐHQGHN và ĐH Barcelona, TBN về “Quản lí bền vững nước thải ở các khu vực nông thôn và các vùng ven đô của tỉnh Quảng Ninh và Hà Nội” trong khuôn khổ dự án nghị định thư giữa hai nước Việt Nam và Tây Ban Nha). Dự án hiện đã đi được nửa chặng đường và đã thu được những kết quả nhất định. Theo đánh giá của nhà tài trợ là Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế - AECID và các đối tác thì dự án đang rất thành công và có những đóng góp tích cực cho quá trình xử lí nước thải ở Quảng Ninh và Hà Nội, giúp bảo vệ môi trường một cách bền vững.
- Tham gia tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế (Hội nghị Giám đốc các Trung tâm Hỗ trợ Nghiên cứu Châu Á – tháng 12 năm 2006; Diễn đàn Hà Nội về Công nghệ Thông tin và Truyền thông – các năm 2007, 2008 và 2009;…).
- Phối hợp tổ chức trường hè cho sinh viên nước ngoài (vd: Các khóa trường hè cho SV của Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Đài Loan và trường ĐH Bang San Diego – Hoa Kỳ,…) .
- Triển khai các khóa đào tạo ngắn hạn (Khóa tập huấn về “Lồng ghép dân số và các vấn đề về giới vào kế hoạch hóa phát triển” cho các quan chức chính phủ Băng la đét,…).
- Mời các chuyên gia nước ngoài sang giảng bài tại ĐHQGHN (Bài giảng về Luật của các GS Hàn Quốc – các năm 2005, 2007, 2009 và 2010; Buổi nói chuyện của chuyên gia hàng đầu thế giới về di sản - Micheal Di Giovince, ĐH Chicago và nhà báo từng nhận giải thưởng Pulitzer - Alex S.Jones, ĐH Harvard – cuối năm 2011;…).
 Hồng Việt (thực hiện) - Bản tin số 250 - 251
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Các bài mới hơn
  • Không có bài nào mới hơn !
Các bài cũ hơn
  • Không có bài nào cũ hơn !
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC