02:16:16 Ngày 19/04/2024 GMT+7
Ba huy chương vàng và một huy chương bạc trong kỳ thi Olympic Hoá học Quốc tế ‘2005 - Kết quả của sự khổ luyện hay may mắn?
Vừa qua, Việt Nam đã có 5 đội tuyển quốc gia tham dự các kỳ thi học sinh giỏi Olympic quốc tế. Đặc biệt, năm nay đội tuyển Olympic Hóa học của Việt Nam đã đạt được thành tích xuất sắc nhất từ trước tới nay. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS. Lê Kim Long - Phó Chủ nhiệm Khối THPT chuyên Hóa Trường ĐHKHTN, Phó trưởng đoàn Việt Nam tham gia Olympic Hóa học lần thứ 37 tổ chức tại Đài Loan...

PV: Thưa thầy, được biết thầy vừa tham gia việc đưa đội tuyển học sinh Việt Nam tham gia Olympic Hóa học lần thứ 37 tổ chức tại Đài Loan trở về, và đây là đội mang về chiến thắng vẻ vang nhất năm nay. Trước hết xin thầy cho biết quá trình thành lập đội tuyển Hoá và về kỳ thi Olympic Hoá học.

TS. Lê Kim Long: Vào tháng 7 hàng năm, kỳ thi quốc tế học sinh giỏi môn Hoá học (International Chemistry Olympiad, IChO) lại được tổ chức tại một nước. Kỳ thi IChO 37 năm nay tổ chức tại Đài Loan. Mỗi nước được cử tối đa 4 học sinh THPT để tham gia kỳ thi. Việt Nam đã tham gia IChO từ năm 1996 tại Matxcơva. Lần này đoàn Việt Nam tham dự là lần thứ 10.

Giống như các môn khác, Bộ Giáo dục & Đào tạo tổ chức kỳ thi tuyển chọn (gọi là vòng 2 để phân biệt với vòng 1 là kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia) từ các em có thành tích cao của kỳ thi vòng 1 để chọn ra bốn em học sinh giỏi nhất. Bốn học sinh được chọn năm nay có 3 em đang học tại Khối THPT Chuyên Hoá của trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội (gồm Nguyễn Hoàng Minh - HS lớp 11, Nguyễn Mai Luân và Nguyễn Huy Việt - HS lớp 12) và 1 em Ngô Xuân Hoàng là HS lớp 12 trường THPT chuyên Nguyễn Trãi, Hải Dương. Bốn em đã được triệu tập từ ngày 24/05/2004.

Các thầy cô giảng dạy lý thuyết tại Khách sạn Mỹ Lan, ở 334 Bà Triệu. Số nhà của khách sạn rất lý thú là trùng với địa chỉ của trường: 334 Nguyễn Trãi. Học sinh được huấn luyện thực hành chủ yếu tại Khoa Hoá học trường ĐHKHTN, ĐHQGHN. Ngoài ra học sinh còn được huấn luyện tại các phòng máy vào loại hiện đại nhất của Việt nam như phòng máy NMR, MS,... tại Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, tại Phòng thí nghiệm Hoá dầu Khoa Hoá học ĐHKHTN.

Điểm khác biệt lớn nhất so với các năm là Bộ Giáo dục & Đào tạo đã giao cho trường ĐHKHTN chủ trì việc huấn luyện đội tuyển Toán, Hoá, Sinh và Tin học. Trách nhiệm đặt lên vai Khối THPT chuyên Hoá lại càng lớn, nhất lại là khi Khối THPT chuyên Hoá có tới 3 thành viên của đội tuyển.

PV: Với tư cách là một cán bộ đưa đoàn đi thi, thầy có nhận xét gì kết quả mà đội tuyển Việt Nam đã đạt được trong kỳ thi này?

TS. Lê Kim Long: Ba em Nguyễn Mai Luân, Nguyễn Hoàng Minh, Ngô Xuân Hoàng đoạt Huy chương Vàng và em Nguyễn Huy Việt đoạt Huy chương Bạc. Đoàn Việt Nam được xếp hạng không chính thức ở vị trí số 2 sau Hàn Quốc (với 4 huy chương vàng). Đây thực sự là một bước tiến quan trọng của học sinh Việt Nam trong các kỳ thi Hoá quốc tế. Chúng ta đã tham dự 10 kỳ thi. Trong 9 kỳ thi trước các em học sinh của chúng ta luôn luôn đạt được các huy chương đồng và bạc nhưng chỉ đạt được 2 Huy chương Vàng của em Bình và em Phương Anh (đều của Hải Phòng).

TS. Lê Kim Long (thứ 2 từ trái sang) với đội tuyển olympic Hóa học

PV: Thưa thầy, so với các đội tuyển bạn ưu điểm và yếu điểm của đội tuyển Việt Nam là gì?

TS. Lê Kim Long: Điểm mạnh của đội tuyển Hoá của Việt Nam năm nay là trình độ đồng đều, giỏi và đều có khát vọng chiến thắng, tự tin vào khả năng của mình. Em Nguyễn Mai Luân đã thi năm ngoái nên năm nay em tỏ ra vững vàng và tự tin. Em Luân đã chủ động chia sẻ các kinh nghiệm của mình với các bạn Việt, Hoàng và Minh. Theo tôi đây là điểm rất quan trọng thể hiện sự đoàn kết vì thành tích chung của cả đoàn chứ không phải ai biết người nấy. Các em đã chia sẻ kiến thức và tài liệu để nắm bắt kiến thức tốt nhất. Em Hoàng Minh tuy là học sinh lớp 11 nhưng khá tự tin để theo kịp các anh lớp 12. Kết quả là điểm chung cuộc của các em khá sát nhau. Chênh lệch điểm của người thấp nhất và người cao nhất chỉ là 7 điểm/100.

Khi chúng tôi nhận nhiệm vụ huấn luyện và qua trao đổi với các thầy đã từng dẫn các đoàn đi thi ở các năm trước các thầy đều có nhận xét rằng điểm yếu cố hữu của học sinh Việt Nam là thực hành. Nếu cải thiện được khả năng thí nghiệm thì kết quả của đoàn sẽ tốt ngay (tuy nhiên cũng không được giảm giờ huấn luyện lý thuyết). Đây không chỉ là “gót chân Asin” của học sinh trong đội tuyển ngành Hoá mà cả các ngành Vật lý, Sinh học. Phương tiện thí nghiệm thông thường của của các trường kể cả trường ĐHKHTN đều khá nghèo nàn. Dụng cụ thí nghiệm đạt chuẩn quốc tế rất ít và khó kiếm. Năm nay chúng tôi đã phần nào khắc phục được yếu điểm này cho các em bằng cách tăng số giờ thực hành lên gấp đôi. Chúng tôi đã thuê và mượn các dụng cụ thí nghiệm hiện đại. Ngoài ra các em còn được đi tham quan các phòng thí nghiệm hiện đại và trò chuyện với các chuyên gia trong các lĩnh vực thiết bị thí nghiệm.

Điểm yếu thứ 2 là học sinh (kể cả nhiều thầy cô) là tự ti, hạn chế trong giao tiếp với người nước ngoài. Điều đó sẽ hạn chế việc phát huy hết khả năng làm bài lúc thi. Học sinh giỏi Toán của ta thường ngược lại họ rất tự tin. Chúng tôi nhận thấy điều này và khích lệ các em thể hiện hết mình. Ngay khi đến các em đã kết bạn với các bạn đoàn khác. Các em có nói rằng các đoàn khác học ghê lắm. Theo tôi càng gần ngày thi các em càng học nhiều thì càng không có tác dụng tốt. Các em học tốt ở nhà thì lúc này cần xả hơi một chút trước khi thi. Các em đã viết bài giới thiệu về từng thành viên lên tập san của cuộc thi (Catalyzer). Sáng ngày 17/7 chúng tôi nhìn thấy ảnh của các em trên tập san của cuộc thi chúng tôi rất mừng vì các em đã tự tin hơn. Tôi cho rằng yếu tố này rất quan trọng.

PV: Với thành tích 3 huy chương vàng, 1 huy chương bạc của đội tuyển Việt Nam, bè bạn quốc tế đã nhận xét/đánh giá như thế nào?

TS. Lê Kim Long: Chúng tôi nhận được sự ủng hộ nhiệt thành của hầu hết các đoàn. Trước hết là các đồng nghiệp Nga. Khi Ban tổ chức trao giải cho các học sinh đoàn Việt Nam xong, GS. Lunhin Chủ nhiệm Khoa Hoá học trường Lômônôxôp đã đến bắt tay chúc mừng chúng tôi và nhắc lại kỷ niệm lần tham gia đầu tiên của đoàn Việt Nam tại Matxcơva năm 1996. Trưởng đoàn Cu Ba dù một thầy và 1 trò cũng đạt được Huy chương Vàng đầu tiên cũng chia sẻ niềm vui với chúng tôi. Hầu hết các nước đã thấy sự vươn lên mạnh mẽ của đoàn chúng ta. Đoàn Hàn Quốc (với 4 huy chương vàng) đã chúc mừng chúng tôi và hẹn gặp với thành tích cao hơn tại IChO 38 tại Hàn Quốc.

PV: Thầy có nhận xét gì về cuộc thi Olympic Hóa học năm nay?

TS. Lê Kim Long: Tôi mới chỉ tham gia dẫn đoàn đi lần này là lần thứ 2. Năm ngoái tại CHLB Đức tôi chỉ là Quan sát viên khoa học (chỉ xem người ta làm gì để bắt chước). Năm nay tôi mới chính thức là phó đoàn. Trưởng đoàn là GS.TS. Từ Vọng Nghi. GS. Nghi đã là quan sát viên đầu tiên của Việt Nam từ những năm 1995 tại Trung quốc. GS. Nghi làm trưởng đoàn tại IChO 36 tại Đức. GS. Nghi là người rất có kinh nghiệm trong công tác huấn luyện và có nhiệt tình với công tác huấn luyện này. Để GS. Từ Vọng Nghi đánh giá sẽ tốt hơn.

Thực tế, cả thầy và trò chúng tôi đều đánh giá đề thi của IChO 37 không hóc búa bằng đề thi của IChO 36 tại CHLB Đức. Tuy nhiên dễ ta thì cũng dễ người, nên để được kết quả như vậy phần lớn là do công tác huấn luyện ở nhà. Thực tế khi lên đường chúng tôi không khuyến khích các em mang tài liệu theo vì thời gian còn rất ít mà học nữa thì quá căng thẳng. ở Đài Loan chúng tôi chỉ cho các em rà lại một ít về kiến thức Hoá sinh.

Học sinh Khối chuyên Hoá chúng tôi trước đây chưa chúng tỏ được nhiều trong các kỳ thi IChO. Tuy vậy Huy chương bạc đầu tiên của đoàn Việt Nam thuộc về học sinh của khối chuyên Hoá. Chúng tôi đã tham gia đoàn nhiều lần nhưng chưa lần nào giành được Huy chương Vàng. Cả thầy và trò đều có ước mơ cháy bỏng là chứng minh được mình ở đẳng cấp này. Lần này chúng tôi đã thành công và có rất nhiều kinh nghiệm cho các kỳ thi sau.

PV: Thưa thầy, kỷ niệm nào làm thầy nhớ nhất trong chuyến đưa đoàn đi thi lần này?

TS. Lê Kim Long: Chúng tôi nhớ nhất là niềm vui khi thấy hình ảnh của 4 thành viên trên tờ Catalyzer. Chúng tôi đã thầm nghĩ rằng hình ảnh này sẽ đánh dấu một thành công đây và điều đó chứng tỏ các em rất nghe lời chỉ đạo của các thầy.

Kỷ niệm thứ hai là chúng tôi đi cả một buổi trong thành phố mà chỉ mua được mỗi 2 chiếc Simcard để lắp vào máy điện thoại gọi về Việt Nam. Chúng tôi thật sự ngạc nhiên vì sự quản lý chặt chẽ về mạng lưới điện thoại di động. Muốn sử dụng phải có hộ chiếu và chứng minh nhân dân, đồng thời phải đến Tổng công ty Bưu chính Trung Hoa để đăng ký.

PV: Thấy có muốn nói gì với những học sinh THPT chuyên Hóa nói riêng và học sinh các khối chuyên nói chung?

TS. Lê Kim Long: Học sinh chuyên Hoá đã quen với việc thi chọn học sinh giỏi ở cấp quốc gia. Trên trường quốc tế các em học sinh của khối chuyên Hoá đã góp phần đáng kể để chứng tỏ được thương hiệu Việt Nam. Chúng tôi muốn nhắn nhủ với các em học sinh giỏi Hoá không chỉ trong khối Chuyên của ĐHKHTN mà của cả nước rằng việc giành được thành tích cao như vậy đã khó nhưng giữ cho được thành tích cao như thế và cao hơn còn khó hơn nhiều. Hãy nhìn các bạn Trung Quốc mà xem bao nhiêu lần họ đi thi thì bấy nhiêu lần họ giành được cả 4 Huy chương Vàng. Có một lần một học sinh Trung Quốc được Huy chương Vàng nhưng điểm không cao mà lãnh đạo đoàn họ mắng cho tơi bời. Ngẫm cho chúng ta: "Các thầy vẫn quá hiền". Các thầy cần phải nghiêm khắc hơn nữa chăng? Các em còn phải phấn đấu hơn nữa để thấy rằng thành công hôm nay không phải do may mắn tình cờ.

ở Việt Nam, có một quan niệm tai hại là nếu một em học giỏi lập tức được miễn hết các việc trong nhà. Nhiều phụ huynh cho rằng, để con em mình tập trung học tập thì phải "ưu tiên", chỉ cho con em mình học, học và học thôi, việc gia đình đã có cha mẹ lo. Có thầy giáo đã nhận xét học sinh khối chuyên như những con gà công nghiệp, học thì giỏi mà ngờ nghệch, thậm chí có khi không biết mình đã nói hỗn hay không biết tự lo cho chính bản thân mình… Điều này thật tai hại cho các em học sinh chuyên Hoá và sinh viên ngành Hoá nói riêng và ngành khoa học thực nghiệm nói chung. Tay chân các em trở nên vụng dại và khó có thể làm thí nghiệm giỏi được. Hãy chăm chỉ rèn luyện việc nhà như vo gạo, rửa rau, đãi sạn, đãi thóc trong gạo, quét nhà... và vận dụng các quy luật khoa học để có kinh nghiệm trong thực hành khoa học. Các việc ấy khá giống một thí nghiệm Hoá học đấy. Chúc các em học và hành đều giỏi.

PV: Xin cảm ơn thầy về cuộc trao đổi này.

 Mai Anh (thực hiện) - Ảnh: TL - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 174, tháng 8/2005
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Các bài cũ hơn
  • Không có bài nào cũ hơn !
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC