Sinh viên  Lăng kính sinh viên 15:22:54 Ngày 18/04/2024 GMT+7
Bài học từ cú vấp ngã
Tôi không bao giờ quên cái cảm giác của ngày đặc biệt ấy. Ngày đầu tiên trong đời tôi bước chân qua cánh cổng của trường đại học, nơi tôi vẫn thường mong ước bấy lâu. Đó là cảm giác háo hức pha chút hồi hộp như cảm giác của một tâm hồn nhỏ bé lần đầu tiên thoát xác, của mầm non đến ngày tách khỏi lớp vỏ bọc khô cứng, để vươn lên thấy ánh sáng mặt trời.
Không lâu sau cái ngày làm thủ tục nhập học, tôi đặt ra kế hoạch học tập cho riêng mình, phấn đấu để đạt bằng giỏi trong ngày tốt nghiệp... Cứ thế tôi mải miết theo đuổi kế hoạch học tập, không để thời gian cho bất cứ hoạt động vui chơi nào ngoài giờ học trừ việc đọc sách và tìm tài liệu tham khảo. Một ngày khi ngồi một mình trong phòng đọc sách, cô đơn, buồn tẻ, tôi lại tự hỏi liệu mình đã làm đúng chưa? Tôi nhận ra rằng mình còn đang học ở một ngôi trường mà không bao giờ trao bằng tốt nghiệp... Đó là trường đời. Tôi tự ép mình đi học ở ngôi trường ấy. Và cũng từ đó tôi xây cho mình một ý chí tự lập.
Những khi tan học thay vào những giấc ngủ vô bổ tôi đi làm bồi bàn cho một quán phở, nơi đầu tiên dạy tôi biết thế nào là sự bóc lột. Những lúc quán phở đông khách, nghe tiếng thúc giục, tiếng quát tháo của bà chủ khi nhân viên làm sai, tôi lại nhớ lại hình ảnh người cha thân thương cơm chưa khỏi dạ đã một mình chở từng tạ thóc kiếm tiền nuôi con. tôi cố gắng chịu đựng, cay đắng chấp nhận và thừa nhận những sai trái về mình. Ngày đó, mỗi lần bố tôi gọi điện, tôi nào dám nghe, vì bố mẹ không đồng ý việc tôi đi làm kiếm tiền đi học. Hai tháng làm việc trong quán phở, tôi đã học được rất nhiều, tôi mệt mỏi hơn, ngủ ít hơn, vội vã hơn và thấy quý trọng thời gian hơn. Tôi thấm thía nỗi vất vả của bố mẹ. Cảm giác lần đầu tiên nhận những đồng tiền tự tay mình kiếm được, mang về biếu mẹ mới thật sự ấm áp. Món quà đầu tiên tôi mua tặng mẹ là một chiếc khăn vào ngày sinh nhật. Lúc ấy lòng tôi thật ấm áp, bao nhiêu nỗi khổ mà tôi hằng chịu đựng như tan chảy theo những giọt nước mắt, cứ lăn dài và rơi xuống đất, thấm nhanh đi không còn một dấu vết.
Hè năm ấy tôi quyết tâm ở lại để kiếm cho mình một việc làm. Một xưởng may đã nhận tôi vào làm việc. Hằng ngày tôi phải dậy sớm và đi về khi đã không còn mấy ai qua lại bên đường. Hơi nóng của bàn là những ngày đầu chưa quen làm bàn tay tôi bỏng rát. gần những người dân lao động tôi được họ quý mến hơn và may mắn thay tôi được bà chủ thương và ân cần chỉ bảo. Có những hôm tôi phải ở lại làm đêm vì nhiều hàng cần là ngay để giao gấp và đi về với thân thể rã rời.
Tôi tiếp tục đi học và tình cờ làm một công việc mà đâu biết rằng nó đã làm cho suy nghĩ và tính cách mình thay đổi rất nhiều. Tôi được nhận vào làm bảo vệ tại một siêu thị, có thể vừa học vừa làm theo ca kíp và thời gian rảnh của mình. Bỏ bê việc học, ham tiền và sống không thật với chính những gì mình đang có, tôi thay đổi và tự an ủi mình rằng đời phải như vậy, và cứ như vậy tôi bon chen nhiều hơn lừa dối nhiều hơn và tự nguỵ biện cho mình nhiều hơn. Đồng tiền như xua đuổi những gì hiền hậu, thật thà trong tôi đi đâu mất và đổi lại là cảm giác lừa dối, mất niềm tin. Tôi không còn dám nhìn thẳng vào mắt người mẹ hiền. Tôi coi trọng việc làm thêm kiếm tiền hơn là việc học tập ở trường. Cuộc sống của một sinh viên trong tôi như đảo lộn. Tôi học ít hơn, nghỉ học nhiều hơn và cũng phải thi lại nhiều hơn. Thay vào đó là những ngày làm việc không ngừng nghỉ, với bất cứ công việc gì miễn sao kiếm dược nhiều tiền. Những mâu thuẫn trong suy nghĩ cứ dày vò tôi không dứt, tôi lang thang mà không biết mình nên đi về đâu, không dám dũng cảm cho mình một lối thoát, những đêm ngủ tôi không dám nhắm mắt.
Để không bị gục ngã tôi tự nhủ với mình rằng sẽ đứng dậy đối mặt với những gian nan và cố gắng hết mình để không phải hối tiếc. Tôi nhận làm ca buổi tối, dùng thời gian này để học hành chăm chỉ. Sau 6 tháng làm việc tại siêu thị, tôi đã dùng tiền kiếm được để mua máy tính xách tay để tiện cho quá trình học tập ở trường, tôi cũng mới mua được xe máy, dù phải vay thêm tiền của anh chị cùng chỗ làm, để thuận tiện cho việc đi lại. Tôi thấy yêu bản thân mình hơn, biết quý trọng đồng tiền hơn. Và tôi dần nhận ra câu trả lời cho câu hỏi trước đây, rằng “tôi sẽ làm gì để được là ai trên cõi đời này?”

 

 Trần Thị Mơ - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC