Sinh viên  Giảng đường - Cuộc sống 20:25:24 Ngày 24/04/2024 GMT+7
Bí quyết học sử của một thủ khoa
Trần Thị Bích Hường đã có những thành tích đáng nể khi còn là học sinh. Năm lớp 10 Hường đạt giải ba kỳ thi HSG Sử cấp tỉnh. Năm học lớp 11 Hường giành giải nhất cấp tỉnh, giải ba cấp quốc gia. Lớp 12 Hường gặt hái được khá nhiều thành công như giải nhì HSG cấp tỉnh, giải nhất kỳ thi HSG Quốc gia môn Sử. Kỳ thi tuyển sinh ĐH vừa qua Hường đã đạt 25,5 điểm, đạt Thủ khoa Đại học Khoa học xã hội và nhân văn.

>>>> Bản tin số 254 (pdf)

>>>> Bí quyết học sử của một thủ khoa (pdf)

Trước đây, Hường không hề yêu Sử. Ngày thi vào lớp Văn (Trường cấp III chuyên Thái Nguyên), Hường thiếu 0,25 điểm và phải chuyển qua lớp Sử. Học trường chuyên đã là một thử thách lớn nhưng lại học trong môi trường không phải là môn học “tủ” của mình nên ban đầu Hường gặp không ít khó khăn.

Sử không thể một chốc một lát mà biết hết ngay được, sách sử thì nhiều mà số năm, tài liệu khó nhớ. Nhưng sau đó tiếp xúc nhiều với Sử, Hường đã thấy đam mê. Thêm nữa, môi trường học tập và giảng dạy ở Trường THPT Chuyên Hùng Vương cũng giúp Hường nhiều.

Giữa lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới với Hường đều có những điều thú vị và hấp dẫn riêng. Nhưng em thích học sử Việt Nam hơn vì: “Sử Việt Nam giúp mỗi người hiểu hơn về quá khứ của chính mình, thêm yêu và tự hào về những truyền thống quý báu của dân tộc”

Khối C đều là các môn học có lượng kiến thức lớn, đòi hỏi phải ghi nhớ nhiều nên Hường không học thuộc lòng từng câu, từng chữ trong SGK. Hường học theo cách chọn ý chính: “Theo em ghi nhớ ý chính để từ đó triển khai bài. Như vậy vừa có thể đảm bảo nội dung cần thiết mà vẫn mở rộng ý, hơn nữa lại không bị lệ thuộc vào cách hành văn của người khác”. Cùng với việc học kiến thức trong SGK, Hường cũng đọc sách tham khảo theo từng chuyên đề, chọn lọc ý, bổ sung dẫn chứng quan trọng để bài viết sâu hơn. Hường chăm chỉ tìm đọc các câu chuyện về danh nhân, về những sự kiện nổi tiếng thế giới để mở rộng kiến thức

Trên lớp, Hường tập trung nghe để hiểu bài, sau đó về nhà đọc lại kết hợp làm bài tập. Theo Hường, để học tốt khối C cần học theo từng phần nhỏ “mưa dầm thấm lâu”. Nếu học kiến thức dồn nhiều sẽ nhớ nhanh và tiết kiệm thời gian nhưng lại nhanh quên. Vì thế Hường lựa chọn cách học từng phần nhỏ để chủ động nhớ lại kiến thức bất cứ khi nào có thể, tránh nhầm lẫn.

Theo Hường, tinh thần thoải mái sẽ giúp em làm bài thi tốt. Khi vào phòng thi, Hường thường hít thở sâu để bình tĩnh hơn và thoải mái hơn vì theo em  tinh thần thoải mái sẽ giúp mình làm bài thi tốt. Khi nhận đề thi việc đầu tiên Hường làm là đọc lướt qua một lượt để biết đề có bao nhiêu câu, từ đó phân phối thời gian cho từng câu. Đề Văn, Sử, Địa đều thi theo hình thức tự luận nên Hường dành thời gian luyện viết và trình bày bài. Sau đó lựa chọn câu nào làm trước câu nào làm sau theo khả năng của mình. Hường thường chú ý đến biểu điểm cho từng câu để phân phối thời gian, câu nào nhiều điểm em sẽ dành nhiều thời gian hơn.

Trước khi viết bài vào giấy thi, Hường viết ra nháp những  ý quan trọng  để lúc viết bài từng ý mạch lạc, rõ ràng và không bị trùng lặp. Em trình bày mỗi ý thành từng đoạn và viết bài có 3 phần mở bài, thân bài, kết bài đối với 2 môn Văn, Sử.

Bích Hường mong muốn sẽ tiếp tục theo đuổi môn Sử, ấp ủ ước mơ trở thành một giảng viên ĐH để truyền cho học trò niềm đam mê môn Lịch sử. 

 

 Đỗ Quyên - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC