Sinh viên  Giảng đường - Cuộc sống 00:51:53 Ngày 19/04/2024 GMT+7
Nỗi lo mùa nhập học
Tờ giấy báo trúng tuyển đại học chưa đến tay mà cả làng đã biết. Họ mạc, anh em hỉ hả chia vui, cha được dịp nở mày nở mặt và con cũng không giấu nụ cười kiêu hãnh, tự hào. “Mẹ ơi! Vì sao mẹ khóc...?”, đứa em hỏi ngây thơ khi thấy mẹ lau nước mắt. “À! Tại mẹ mừng quá!...”. Nắm chặt bàn tay mẹ chai sạn, có lẽ chỉ con mới hiểu được vì sao mẹ cười đấy mà khóc đấy, mừng vậy nhưng mà lo lắm.
Nhọc nhằn kiếm nơi ăn, chốn ở
Để có được tên trong danh sách sinh viên nội trú tại Ký túc xá Mễ Trì (ĐHQGHN) phải là đối tượng ưu tiên chính sách hoặc hộ nghèo, vùng sâu, vùng xa vậy để có được khoản tiền trên 1 triệu đồng/1 sinh viên/10 tháng quả là khó khăn đối với không ít sinh viên và phụ huynh đến từ tỉnh lẻ. Vẫn biết phòng ở 8 người, giường đẹp, đèn tuýp, có tủ, có quạt, lại có cả điện thoại, đầy đủ gấp nhiều lần ở quê nhưng nộp tiền xong dạ cứ tần ngần. Người có may mắn được nội trú đã vậy, còn kẻ phải ngoại trú nỗi lo lắng càng bộn bề. Nào tiền học phí, tiền nhà ở, điện nước, đồ dùng sinh hoạt, sách vở, tiền quỹ. Các cửa hàng quanh khu trọ sinh viên đều đã chuẩn bị sẵn từ trong hè một lượng hàng lớn để đón khách. Dường như họ đã thuộc lòng điệp khúc:“Giá điện mới tăng thì giá hàng cũng tiến”. Nhớ giờ này năm trước, giá cả cũng “trèo ngược” khi người ta vin vào dịch lợn tai xanh rồi giá xăng tăng. Từ gói bột giặt, cái mắc áo cho đến quyển vở hay cái đèn học chỉ sau một đêm giá đã tăng đến giật mình. Nhiều sinh viên năm nhất biết lo xa, ngay từ khi nhận giấy báo nhập học đã lên thuê sẵn nhà trọ và sắm đồ dùng chuẩn bị cho một cuộc sống mới. Nhưng giá cả cứ biến động liên tục đã khiến họ chùn tay. Đa số các mặt hàng đều tăng giá từ 3% đến 28%. Hồng Hoa (cô sinh viên năm nhất Khoa Ngôn ngữ học, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN) lau mồ hôi trán, phân trần : “Đắt đỏ quá các anh ạ! Em mới mua có mấy thứ như giá sách (42.000 đồng), màn một (40.000 đồng), bàn gấp (38.000 đồng), đèn bàn (50.000 đồng), mắc áo, chiếu nhựa, giấy dán tường, đồng hồ báo thức mà đã hết ngót 800.000 đồng. Với số tiền mẹ con em mang theo chắc là không đủ...!”. Chị Thu Hà (chủ một cửa hàng ở cổng phụ KTX Mễ Trì) giảng giải: “Chỉ mua sắm những đồ lặt vặt thôi thì nhiều cô cậu mang theo 700.000 đồng đến 900.000 đồng cũng chẳng đủ. Dụng cụ học tập của học sinh, sinh viên thời điểm này khá đắt, quy luật mà...”. Lê Nhật (phòng 204 nhà B1, KTX Mễ Trì ) lắc đầu: “Trước đây, tụi em chỉ ăn suất cơm 20.000 đồng là đủ no, vậy mà bây giờ vẫn suất như thế, giá không dưới 25.000 đồng. Ngoài các khoản ăn uống và mua sắm, hàng tháng chúng em còn phải đóng tiền điện nước, tiền trông xe...”. Lê Hồng Hạnh (sinh viên K56 Vật Lý, Trường ĐHKHTN) chia sẻ: “Năm rồi, mỗi tháng em xin bố mẹ 1.700.000 đồng là đủ, vậy mà năm nay vừa mới xuống được gần hai tuần túi đã gần viêm. Tình trạng này, có lẽ phải đi làm thêm...”
Với những sinh viên ngoại trú, nỗi lo tăng giá còn nặng nề hơn rất nhiều. Diễm Trang (sinh viên năm thứ hai Khoa Maketing, Trường ĐH Thương mại) kể: “Ở Cầu Giấy rất nhiều nhà trọ đồng loạt leo giá. Căn phòng em ở giá tăng tới 30%. Trước khi nhập học bố mẹ em đã cho 5 triệu đồng để đóng góp các khoản và mua sắm mọi thứ, nhưng giờ thì e thiếu...”. Nhìn những bậc phụ huynh “tay xách nách mang” từ quê ra đưa con vào cổng trường đại học, chúng tôi tự hỏi: “Trong số hơn một nửa sinh viên mang hộ khẩu ở nông thôn, miền núi sẽ có bao nhiêu người vượt qua được giai đoạn giá hàng hoá leo thang như thế này...?”.
Phụ huynh nghèo đeo đẳng nỗi lo!
“Nuôi con ăn học, ai chẳng mong chúng đỗ đạt nên người. Con được vào ĐH, niềm vui nhiều mà nỗi lo cũng không ít...” - bác Thái An (một phụ huynh quê ở Thọ Xuân, Thanh Hoá) đưa con ra tìm nhà để chuẩn bị nhập học vào Học viện Báo chí Tuyên truyền tâm sự. Đâu chỉ lo chuyện sức khoẻ, học hành của con mà họ còn phải tính làm sao có đủ tiền để hàng tháng gửi cho con. Giá càng tăng thì khoản chu cấp phải càng lớn. Chúng tôi gặp cô Trần Thị Xuân (quê ở Trực Ninh, Nam Định) có cậu con trai lớn đỗ vào Trường ĐH Công nghệ (ĐHQGHN). Trong làng, ngoài xã, họ hàng, anh em ai cũng mừng cho cô. Nhưng để có tiền đưa con lên Hà Nội nhập học, vợ chồng cô đành bấm bụng bán đi 5 tạ thóc, một đôi lợn bột và gần chục con gà. Ngoài ra để tiện cho chi phí, cô còn phải vay nóng mỗi người thân một ít. “Thế mà giờ đây đã hết quá nửa...!” - cô Xuân thở dài. Còn phụ huynh Nguyễn Thiện (quê ở Điện Biên) cũng có hai người con, 1 học ở Trường ĐH Kinh tế Quốc dân năm thứ ba, 1 học ở Khoa Luật thuộc ĐHQGHN khi được hỏi chỉ ngồi thở dài. Cậu em vừa xuống trước làm thủ tục vào KTX, nhập phòng xong đã gọi điện về xin thêm tài trợ. Vậy là mấy ngày hôm sau, cô chị xuống Hà Nội, bố mẹ đành chạy đôn đáo để đưa cho chị thêm cả khoản tiền của em.
Chị Lê Thị Thu, phụ huynh của một tân sinh viên năm thứ nhất Khoa Kinh tế Quốc tế (Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN) thì cứ áy náy, không an tâm khi đưa cho con gần 3 triệu đồng tiền ăn tiêu tháng đầu: “...Quả là chi phí cho em nó nhập trường đã vượt xa dự toán của gia đình. Đưa cho em nó ngần ấy có lẽ chưa hết tháng đã phải gửi thêm. Thôi thì bố mẹ bớt ăn, bớt tiêu dành dụm cho con cái chứ biết làm sao...”. Giá cả tăng, tăng ở mọi nơi, mọi nẻo. Ngay các chuyến xe khách lên thành phố người ta cũng kiếm cớ nọ, kia để tăng tiền vé. Các chủ nhà trọ thì hào hứng ra mặt, giá phòng đua nhau leo thang. Ngoài chợ, giá thực phẩm cũng biến động không ngừng. Anh Huy (quê ở Tiên Lãng, Hải Phòng) đưa con lên nhập học Trường ĐH Giáo dục (ĐHQGHN) xác nhận: “Mọi thứ đắt hơn trước quá nhiều. Ngay mấy người bán sách cũ ở cổng Trường ĐHSPHN cũng lập luận: giá xăng là 23.600 đồng/lít thì giá sách cũng phải tăng chứ không thể để như trước. Tôi cứ nghĩ mãi mà không tìm được mối liên hệ nào giữa giá xăng và giá sách cũ...”
Trước nỗi lo của các ông bố, bà mẹ nghèo nhiều em sinh viên mới chân ướt, chân dáo nhập trường đã tự lên cho mình một kế hoạch làm thêm. Ngọc Thuỷ (sinh viên khóa QH.T.2012 Khoa Môi trường, Trường ĐHKHTN) bật mí: “Em đã nhờ các chị khóa trước giới thiệu cho mối để đi gia sư thêm ngoài giờ lên giảng đường, hy vọng sẽ đỡ đần được gánh nặng chi phí cho bố mẹ...”. Thuỷ bỏ lửng câu nói, đôi mắt cương nghị nhìn ra xa xăm. Phía ấy còn không ít khó khăn, thách thức nhưng chúng tôi tin rằng những tân sinh viên nghèo có nghị lực sẽ biết cách để vượt qua, tạo lập cho mình một định hướng tương lai tươi sáng.
 Nguyễn Hương - Bản tin số 259
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC