Sinh viên  Giảng đường - Cuộc sống 10:22:04 Ngày 20/04/2024 GMT+7
Chàng trai người Dao không tay vào Đại học
Gần 12h trưa, khu nhà ăn kí túc xá Mễ Trì chật cứng sinh viên vào mua cơm. Lẫn trong dòng người đứng xếp hàng, chàng thanh niên người Dao 25 tuổi nhanh nhẹn chọn đồ rồi tự bê đĩa cơm. Xong xuôi, cậu đi múc canh, nước mắm mang về bàn. Mọi công việc ấy, Lở đều làm thành thạo bằng đôi tay cụt đến gần cùi chỏ.
Kẹp chiếc thìa vào giữa cánh tay, Lý Láo Lở (xã A Mú Sung, huyện Bát Xát, Lào Cai) vét gọn cơm, thức ăn trong đĩa vào một góc rồi cúi xuống xúc ăn ngon lành. Cơm vương ra ngoài bàn và dính trên má, Lở kẹp tờ giấy ăn lau gọn gàng. Trông cảnh tượng ấy, nhiều bạn ngạc nhiên, lạ lẫm, không ít người quay đi thương cảm.
Xuống Hà Nội gần 4 tháng, Lở đã dần quen với cuộc sống đông đúc, bận rộn ở đây. Hàng ngày, cậu quanh quẩn trong phòng học bài để theo kịp các bạn "đủ tay" và đến giờ đi học mới ra khỏi phòng. Hôm nào có lịch họp với nhóm tình nguyện, cậu lại ôn bài trước rồi mới đi.
Thấy Lở không lành lặn, các bạn cùng phòng "miễn" cho việc dọn dẹp nhưng thỉnh thoảng cậu vẫn cầm chổi quét nhà, đun nước. Máy tính hết pin, Lở lấy sạc trong ba lô rồi thoăn thoắt cắm vào ổ điện. Với chàng trai dân tộc Dao, cuộc sống hàng ngày vẫn diễn ra như bao người bình thường khác, dù với đôi tay cụt.
Sinh ra ở xã vùng cao A Mú Sung, Lở mồ côi mẹ từ nhỏ. Bố Lở đi bước nữa và có thêm một người con. Khi học Trung học cơ sở ở thị trấn, cậu cùng các bạn phải đi bộ 8 tiếng đường rừng rồi đi xe ôm mới tới được trường. Ở trọ tại trường nên lúc nào muốn về, Lở phải tích trữ lương khô hoặc đồ ăn dọc đường.
Nhiều lần không có gì ăn, đói quá lại xấu hổ không dám vào xin cơm của các nhà ven đường, Lở phải hái đu đủ và uống nước rừng cầm hơi. Cậu nhớ có lần đói lả không đứng dậy nổi phải ghé vào lán của người làm đường xin cơm. Lần ấy cậu được một bữa cơm "nhớ đời".
Hoàn cảnh khó khăn, năm lớp 6, Lở định bỏ học ở nhà vào rừng săn chim cùng bạn bè. Thấy cậu nghỉ, thầy giáo phải lên tận nhà để động viên quay lại lớp. Trong lần đi lao động ở trường năm lớp 8, Lở không may bị điện cao thế phóng vào và vĩnh viễn mất đi đôi tay.
Nhớ về những chuỗi ngày bí bách và tuyệt vọng ấy, cậu chia sẻ: "Em thấy bực bội khi không thể tự làm được gì, đến ăn cũng phải bón. Nếu cứ mãi thế, cuộc sống của mình sẽ phải phụ thuộc vào người khác. Nghĩ vậy, em cố gắng làm những gì có thể, tập ăn, tập cầm chổi quét nhà, cho lợn ăn rồi đến cầm bút".
Lở cho biết, mới đầu, bắt đôi tay cụt làm việc thật khó nhưng kiên trì, dần dần cậu đã có thể đảm đương mọi công việc nhà, thậm chí cả làm nương rẫy.
Sau tai nạn, Lở nghỉ ở nhà 3 năm. Suốt thời gian ấy, cậu nuôi mơ ước được đi học lại và vào đại học. Để viết được chữ, cậu kẹp bút vào ngón chân, rồi hai bàn chân nhưng không viết nổi. Không bỏ cuộc, Lở lấy dây buộc bút vào chỗ tay cụt nhưng được một lúc thấy tay đau. Cuối cùng, cậu kẹp bút vào giữa hai cánh tay, dù nét chữ nguệch ngoạc nhưng Lở cũng tạm hài lòng với cách ấy.
Nhà neo người, bố Lở muốn con trai lấy vợ. Sợ phải lập gia đình sớm, cậu trốn xuống Lào Cai làm thuê để có cơ hội đi học. Một thời gian sau, cậu quay lại học rồi thi đỗ THPT. Trước đó, Lở nuôi 6 con trâu và yên tâm sẽ không phải xin bố mẹ tiền học phí nhưng không may lúc cậu vắng nhà, trâu bị bắt trộm. Tốt nghiệp THPT, Lở vừa học CĐ Kế toán ở Lào Cai vừa đi làm thuê kiếm tiền ăn học.
Trong lúc đang học cao đẳng, Lở được các thầy cô giới thiệu về Trường ĐHKHXH&NV (ĐHQGHN). Ban đầu định học khoa Sử nhưng sau khi tham khảo ý kiến thầy cô, Lở quyết định nộp hồ sơ vào khoa Khoa học Quản lý và được tuyển đặc cách.
Một mình xuống Hà Nội nhập học, Lở tự thuê nhà một tháng trước khi chuyển vào kí túc xá trường. Nhận được suất học bổng đầu năm học cùng số tiền cô giáo chủ nhiệm hỗ trợ, Lở mua máy tính xách tay để việc ghi chép đỡ vất vả hơn. Trước đây, khi chưa có máy tính, Lở vẫn kẹp bút vào giữa hai cánh tay cụt. Viết chậm, không theo kịp các bạn, nhiều khi phần tay đau nhức, rỉ máu thấm ra cả vở. Có máy tính, cậu tự mình luyện cách dùng và đến giờ đã sử dụng thành thạo. Vừa học đại học, Lở vừa học nốt chương trình cao đẳng Kế toán tại một cơ sở ở Hà Nội. Lịch học dày đặc khiến cậu chưa thể đi kiếm việc mặc dù muốn làm thêm.
Trong lúc chuyện trò, Lở thỉnh thoảng gặp khó khăn trong việc diễn giải ý của mình bằng tiếng phổ thông. Mỗi lần như vậy, cậu lại lấy cánh tay cụt xoa xoa lên đầu rồi dụi mắt. Thỉnh thoảng, Lở giấu hai cánh tay không lành lặn ấy ra sau lưng. Lý giải cho nghị lực của mình, chàng trai tật nguyền nhắc đi nhắc lại suy nghĩ của mình: "Nghề nghiệp ổn định sẽ giúp em có cuộc sống tốt hơn. Với chuyên ngành của mình, sau này em có thể làm được nhiều công việc khác nhau ở địa phương".
Do cùng ở Lào Cai, lại gần phòng trong kí túc xá nên Mùa A Lo (dân tộc Mông) xung phong làm "đôi bạn cùng tiến" hỗ trợ Lở. Chưa quen với cách học ở đại học nên Lở vẫn thấy khó, khó nhất là môn tiếng Trung. Cậu bảo ngày cấp 3 rất giỏi học thuộc lòng, nhưng giờ không thể nhớ được cả một cuốn giáo trình dày.
Mới vào kỳ một năm đầu, Lở đã đăng kí làm thành viên của hai nhóm tình nguyện. Những hôm cùng các bạn tới giúp đỡ người tàn tật hay tham dự buổi tập huấn về sức khỏe sinh sản, Lở thấy mình bớt nhút nhát và hòa nhập hơn với mọi người.
"Tham gia các hoạt động này khiến em thấy tự tin, chẳng còn xấu hổ vì mình cụt tay hay là người dân tộc. Em học được thêm nhiều kỹ năng, kiến thức và còn biết chụp ảnh nữa", Lở hào hứng khoe.
Nam sinh này cho hay, từ ngày xuống Hà Nội, cậu chưa về nhà. Bố mẹ và người thân cũng chưa xuống thăm vì cả đời họ chưa đi xa bao giờ. Sống nhờ vào nương, rẫy nên gia đình cũng hiếm khi có tiền gửi cho con. Hàng tháng, Lở sống tằn tiện nhờ vào số tiền hỗ trợ của các nhà hảo tâm. Cậu khoe, tiền ăn chỉ mất có 900.000 đồng một tháng, vài trăm còn lại, để dành chi những khoản cần thiết.
Kỳ này, Lở quyết tâm giành học bổng để có thêm tiền trang trải sách vở, quần áo và các khoản đóng góp. Thương cậu sinh viên nghèo hiếu học, nhiều quán ăn ở kí túc thi thoảng cũng mời cậu suất cơm không lấy tiền.
Thầy Sa Anh, Hiệu trưởng trường Phổ thông số 2 Bát Xát (Lào Cai) cho hay, Lở có ý chí và việc em học hết cấp 3 rồi vào đại học là một kỳ tích. Ở trường, các thầy cô vẫn nêu gương Lở cho các khóa sau học tập.
Còn cô Phạm Thị Bích Ngọc, chủ nhiệm lớp K57 Khoa học Quản lý cho biết, cô luôn xem chàng trai người Dao này bình thường như các bạn khác. "Lớp đã cử bạn Mùa A Lo hỗ trợ Lở trong cuộc sống cũng như học tập. Mới vào kỳ đầu của năm nhất nên chưa thể đánh giá học lực của Lở mà phải đợi có kết quả thi hết kỳ. Mọi người luôn sẵn sàng giúp em, phần còn lại là tùy thuộc vào nỗ lực của Lở".
 Bình Minh - Bản tin số 262-263 – VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC