Sinh viên  Blog' SV 12:08:55 Ngày 19/04/2024 GMT+7
Phía sau thành công của một nhà khoa học nữ
Như bao người phụ nữ khác, trước tiên, tôi phải thực hiện các thiên chức với gia đình. Việc này không khó khăn nhưng khiến quĩ thời gian dành cho nghiên cứu của tôi bị giới hạn đáng kể. Đôi khi sự say mê nghiên cứu của tôi bị gián đoạn bởi những công việc thường nhật của gia đình và bản thân.

Theo thống kê sơ bộ tính đến năm 2008, với 20 bài báo quốc tế, Đỗ Thị Hương Giang là một nữ cán bộ khoa học trẻ của ĐHQGHN có nhiều bài báo được đăng tải trên các tạp chí quốc tế nhất. Việc nghiên cứu có ý nghĩa thế nào đối với một giảng viên chuyên ngành vật lý kỹ thuật và công nghệ nanô?

Mỗi cán bộ của Khoa Vật lý kỹ thuật và Công nghệ nanô nói riêng và của Trường ĐH Công nghệ nói chung đều nhận thấy việc nghiên cứu khoa học là rất cần thiết, có nghĩa vô cùng quan trọng. Chúng tôi nhận thức sâu sắc được rằng, để xây dựng Trường ĐH Công nghệ trở thành một trường đại học nghiên cứu thì mọi giảng viên phải gắn chặt công tác giảng dạy với nghiên cứu. Thông qua nghiên cứu, chúng tôi có thể cập nhật được nhiều thông tin, tri thức khoa học tiên tiến trên thế giới và truyền đạt các thông tin mới này tới sinh viên thông qua việc giảng dạy.

Nghiên cứu khoa học là công việc bắt buộc để giảng viên nâng cao chất lượng bài giảng, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Thông qua nghiên cứu khoa học, đội ngũ cán bộ khoa học của ĐHQGHN nói chung và Trường ĐH Công nghệ nói riêng có thể hợp tác với các nhà khoa học trong và ngoài nước có cùng lĩnh vực chuyên môn, góp phần nâng cao vị thế và uy tín trên trường quốc tế.

Lý do để Đỗ thị Hương Giang đến với vật lý kỹ thuật và công nghệ nanô? Hướng nghiên cứu của chị là gì?

Sau khi bảo vệ xong luận án tiến sĩ tại Pháp, năm 2005, tôi quyết định quay về Việt Nam làm việc. Qua tìm hiểu, tôi thấy chuyên nghành đào tạo của Khoa Vật lý và Công nghệ nanô, Trường ĐH Công nghệ rất phù hợp với khả năng của bản thân nên đã đề đạt nguyện vọng vào làm cán bộ giảng dạy của khoa và cũng gắn bó với Khoa từ đấy.

Hiện nay, xu hướng chung của các nghiên cứu thuộc lĩnh vực vật lý kỹ thuật và công nghệ nanô trên thế giới thiên về định hướng ứng dụng trong đó lấy công nghệ nanô làm nền tảng nghiên cứu. Cùng chung mục tiêu đó, tôi và các nhà khoa học của Phòng thí nghiệm Vật lý kỹ thuật và Công nghệ nanô đã chuyên tâm nghiên cứu về vật liệu và linh kiện cấu trúc micrô và nanô. Chúng tôi cũng đã thành công trong việc nghiên cứu cơ bản triển khai ứng dụng ra được một số các sản phẩm như: cảm biến từ trường độ nhạy cao, cảm biến sinh học, cảm biến ứng suất…

Những nghiên cứu trong lĩnh vực Vật lý kỹ thuật và công nghệ nanô có ý nghĩa thế nào với đời sống xã hội?

Công nghệ nanô đang ngày càng phát triển và trở thành một ngành công nghiệp quan trọng trong đời sống. Hiện nay, công nghệ nanô đang phát triển với tốc độ rất nhanh và thâm nhập ngày càng nhiều vào các lĩnh vực: công nghiệp, điện tử, hóa học, sinh học, mỹ phẩm, y tế, môi trường… Công nghệ nanô góp phần giải quyết hàng loạt các vấn đề trong đời sống con người như chuẩn đoán và trị bệnh, thực phẩm, dược phẩm,...

Bài báo đầu tiên của Giang được công bố trên các tạp chí quốc tế khi nào?

Năm 2002, một năm sau khi tôi tốt nghiệp đại học. Trung bình, mỗi năm tôi có 3 công trình đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế.

Những khó khăn đối với một nữ giảng viên để có được những thành công trong nghiên cứu là gì?

Như bao người phụ nữ khác, trước tiên, tôi phải thực hiện các thiên chức với gia đình. Việc này không khó khăn nhưng khiến quĩ thời gian dành cho nghiên cứu của tôi bị giới hạn đáng kể. Đôi khi sự say mê nghiên cứu của tôi bị gián đoạn bởi những công việc thường nhật của gia đình và bản thân. Là nữ giảng viên say mê nghiên cứu khoa học, nhiều khi tôi cũng phải phân vân giữa những chọn lựa.

Để có được những thành công khiêm tốn trong nghiên cứu khoa học như ngày hôm nay, tôi bày tỏ sự biết ơn chân thành sự hậu thuẫn của các thành viên trong gia đình và những người đồng nghiệp lớn tuổi trong Khoa. Theo tôi, lòng say mê, sự kiên trì bền bỉ và sự ủng hộ của đồng nghiệp và gia đình sẽ là chìa khóa dẫn đến thành công của các nhà khoa học nữ

 Kim Chi - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 223, 2009
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC