Sinh viên  Nhịp cầu bè bạn 16:14:23 Ngày 18/04/2024 GMT+7
Sinh hoạt Đoàn... "đóng băng"
Chuông vừa reo hết giờ, Ngân đã vội vã chạy lên thông báo cho cả lớp ở lại để Đại hội chi Đoàn. Nhưng đáp lại lời kêu gọi của cô chỉ là những cái nhìn thờ ơ và những bước chân vội vã ùa ra khỏi lớp học. Ngân trở lại với vài ba cộng sự trong BCH. Hình ảnh cô trở nên bé nhỏ và bất lực giữa giảng đường rộng thênh thang.

Vì sao lại thế?

Muôn lý do đưa ra là ngàn lời giải thích của mỗi bạn trẻ. Lý do thứ nhất mang một cái tên nghe rất quen trong giới sinh viên bây giờ. Đơn giản theo họ "cái gì có lợi thì làm và ngược lại". Tham gia các hoạt động Đoàn - Hội vừa mất thời giờ lại không mang đựơc lợi ích gì cả. Hoàng Toán (sinh viên K51 - Khoa Sinh học, Trường ĐHKHTN) kể: "Mấy lần trước mình cũng tham gia sinh hoạt nhưng thấy nội dung của nó chán và tẻ nhạt nên bây giờ mình thôi luôn. Đến chỉ ngồi nghe những giáo điều không có gì là thiết thực với đời sống của chúng mình...". Theo Toán hầu hết những gì trong các buổi sinh hoạt đưa ra không sát hợp với những tâm tình và  nguyện vọng của sinh viên. Các buổi họp chỉ toàn nêu lên những chủ trương, chính sách phương hướng hành động rất chung chung. Để chứng minh cho ý kiến của mình, Toán dẫn tôi đến dự buối sinh hoạt chi Đoàn của một lớp ở Khoa Hoá học. Cả căn phòng rộng lơ thơ hơn chục đoàn viên ngồi gật gù trước bài phát biểu dài lê thê của thủ lĩnh xong lại lục tục kéo nhau về.

Một trong những đêm văn nghệ được đánh giá là hiệu quả, thu hút được nhiều sinh viên tham gia của Đoàn thanh niên và Hội sinh viên trường ĐHNN.

Lý do nhãn tiền của sinh viên nhất vẫn là vấn đề giải quyết cái "túi cháy". Không có tiền thì khó mà thành công trong bất cứ việc gì - châm ngôn sống của thế hệ 8X, 9X. Với tình hình giá tăng đến chóng mặt như hiện nay, sinh viên không tự cứu mình thì ai cứu? Trông chờ bố mẹ ư? Phần nhiều sinh viên đến từ những tỉnh lẻ xa xôi và khó khăn, chuyện ăn học đã khiến cha mẹ ngày đêm lo đến bạc đầu. Những đồng tiền được gom lại từ hạt lúa, mớ rau thấm tháp gì nơi đô thị đắt đỏ. Để sống được không ít bạn phải làm thêm ngoài giờ, phải vật lộn với mọi công việc bán thời gian. Nguyễn Thuỷ (sinh viên năm thứ 3, Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường ĐH Thương mại) chia sẻ: "Năm thứ nhất mình cũng là thủ lĩnh và nhiệt tình trong mọi công việc. Nhưng đến năm thứ 2, khi tìm được việc làm thêm thì mình phải xin nghỉ...". Đây là một thực tế chân thực trong nhịp sống của sinh viên ngày nay. Những công việc mà sinh viên nhận được đa phần là bán thời gian như bồi bàn, gia sư, bán hàng... vì thế thời gian là do chủ sắp xếp, bạn trẻ thường không có quyền lựa chọn. Nói như Thuỷ có một công việc đã là tốt lắm. Còn đối với các công việc liên quan đến điện ảnh hay truyền hình thì vấn đề thời gian càng khó giải quyết. Đơn cử như trường hợp của Phương Thảo (sinh viên K51 Khoa Du lịch, Trường ĐHKHXH&NV): "Mình tham gia đóng phim, rồi dẫn chương trình nên thời gian cực kì eo hẹp. Sắp sếp được thời gian để lên giảng đường đã khó nói gì đến thời gian tham gia sinh hoạt Đoàn. Giờ giấc nằm ở trong tay người thuê mình mà...". Đi kiếm tiền chính là giải pháp cho cái "túi cháy" vì thế "tôi không đi họp đoàn". Một lí do tiếp theo được đưa ra: Tôi không thích họp hành. Hoàng Long (sinh viên K51 Khoa Kinh tế, Trường ĐH Xây dựng) tâm sự: "Các buổi sinh hoạt thường tổ chức ngay sau giờ học, lúc ấy mệt ai còn muốn ngồi họp hành nữa!". Từ thực tế cho thấy, lời Long nói là đúng. Các chi đoàn tranh thủ thời gian trống để huy động mọi người tham gia vì chính họ cũng không có thời gian. Hàng trăm quan điểm với vô vàn lý do khác nhau đều xuất phát từ vấn đề thiếu thời gian, nhưng thực tế như thế nào thì chính chúng ta hiểu rõ. Đoàn nằm ở đâu trong chúng ta? Tôi không khỏi chạnh lòng khi nhận được cái lắc đầu không biết địa điểm Văn phòng Đoàn của một sinh viên Trường ĐHKHTN.

Trở trăn với câu hỏi không lời đáp

Trở lại hình ảnh Ngân nơi giảng đường rộng lớn. Bạn buồn bã: "Là Bí thư chi đoàn mệt mỏi lắm. Phải lo toan bao nhiêu việc nhưng nhiều lúc không ai hiểu cho mình cả...". Như Ngân kể buổi sinh hoạt nào của chi đoàn K50 Khoa Báo chí cũng vắng tanh, vắng ngắt. Những người tham gia thì toàn buôn chuyện không ai để ý đến nội dung trong buổi họp. Ngân cho biết thêm: "Lớp nào không biết chứ lớp mình thì khó lắm. Dân làm báo mà, không có cách nào cả. Hết cách rồi!". Còn Hương Giang (Chủ tịch Hội sinh viên Khoa Trắc địa, Trường  ĐH Mỏ - Địa chất) trăn trở: "Không ai ép buộc được ai cả. Mỗi người đều có cách suy nghĩ riêng. Vì vậy Đoàn khó thay đổi được họ. Có phát động cũng cần phải nhiều thời gian và cần sự hỗ trợ của các ban ngành liên quan...". Tâm lý lãnh đạm với phong trào của đoàn viên khiến các thủ lĩnh Đoàn nhiều phen trăn trở nhưng vẫn không làm sao tìm ra cách "phá băng". Công Thành (sinh viên K51 Khoa Kinh tế, Trường ĐH Xây dựng) mệt mỏi: "Sau Đại hội Đoàn toàn quốc, BCH chúng tôi đưa ra nhiều quyết sách mới nhưng sinh viên không ai hưởng ứng. Mọi hoạt động vẫn trong tình trạng trì trệ...". 

Trao đổi với chúng tôi, chị Nguyễn Thu Vân (Phó bí thư Đoàn Trường ĐHKHTN) chia sẻ: "Thực trạng "đóng băng" trong các hoạt động Đoàn ở các trường phản ánh được khá nhiều điều thực tế. Hiện nay các phong trào chưa giải quyết được những mối quan tâm của các đoàn viên, thanh niên. Chính vì vậy các tổ chức chi đoàn, liên chi đoàn cần kết hợp chặt chẽ với Đoàn trường để chung tay tìm hướng giải quyết". Theo chị muốn cho sinh viên quan tâm tới tổ chức Đoàn thì phải mang lại lợi ích cho họ, cho họ thấy tầm quan trọng của việc tham gia các phong trào. Và giải pháp mà nữ thủ lĩnh đoàn này đưa ra là: "Trước hết theo tôi các cán bộ đoàn cần tìm những nguồn học bổng cho sinh viên, tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí lồng ghép tư tưởng vào trong đó. Giúp đoàn viên tự tìm hiểu những chính sách chủ trương của đoàn để họ phát huy sức trẻ của mình. Như vậy thì họ sẽ thấy việc sinh hoạt đoàn trở nên hấp dẫn. Và đặc biệt là mỗi cán bộ Đoàn phải gương mẫu thực hiện"...

Tham gia vào các phong trào Đoàn là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi chúng ta. Đó là hành động thiêng liêng mà mỗi người trẻ cần góp sức. Vì Đoàn cũng giúp ta trưởng thành hơn, tạo cho ta nhiều cơ hội phát huy bản thân mình. 

 Nguyễn Thu Hà (K50 Báo chí, Trường ĐHKHXH&NV) - Bản tin ĐHQG Hà Nội, 205 - 2008
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC