Văn hóa 11:43:13 Ngày 19/04/2024 GMT+7
Con chữ bị vùi trong rác
Con đường dẫn sâu vào thôn làng xộc xệch gồ ghề, những căn nhà bề bộn ruồi muỗi vo ve phải giăng màn suốt ngày… Những quán karaoke nhạc đèn chát chúa, những quán Internet, quán bia tấp nập kẻ ra người vào… Bức tranh cuộc sống với hai mảng màu đối lập của Bắc Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội) vẫn còn ám ảnh trong tôi.
Thất học vẫn cứ bám trụ nơi này
Chúng tôi đến thôn Lương đình, Bắc Sơn khi chiều đã chập choạng. Nơi đây có tới hơn 90% người dân theo nghề đi bãi (đi bới rác ở bãi Nam Sơn). Từ ngày bãi rác Nam Sơn mở cửa cho dân bới bãi, cuộc sống của người dân nơi đây đã khấm khá hơn trước rất nhiều. Họ không cần phải chạy ăn từng bữa như xưa, không phải đối diện với cái đói ngặt nghèo. Nhiều nhà còn đổi đời nhờ vào đi bãi.
Cũng chính từ ngày người dân Bắc Sơn có thể kiếm sống nhờ vào bãi rác thải, những thanh niên ở đây cũng mặc định gắn mình với nghề này. Trước kia, Bắc Sơn có nhiều thanh niên thất học, lý do vì nghèo đói. Cái đói dai dẳng và thất học đã tạo thành một vòng tròn quẩn quanh. Hiện nay, khi mà người dân ở đây có thể nói họ đã sống được nhờ vào bãi rác thì thanh niên vẫn thất học, nghỉ học sớm. Họ cho rằng học ra đi làm công nhân cũng không thể kiếm nhiều tiền bằng việc đi bãi. Chỉ mất 3 tiếng mỗi đêm, mỗi người khỏe mạnh cũng có thể kiếm được hơn 100 nghìn đồng từ việc đi bãi. Trong khi đó, với tấm bằng phổ thông, đi làm công nhân, lương cơ bản cũng chỉ được hơn 1 triệu /tháng. Nếu đánh đổi việc học tập tốn sức, tốn tiền và việc nghỉ học đi bãi sớm, những người trẻ tuổi ở Bắc Sơn chọn cách thứ hai.
Có nhiều lý do để lý giải cho việc những thanh niên ở Bắc Sơn dù trong hoàn cảnh sống nào cũng chọn việc bỏ học sớm. Anh Tạ Văn Tiến ( sinh năm 1989) ở Lương đình cho biết: “Dù cho chúng tôi làm việc gì chúng tôi cũng không thích bằng việc đi bãi. đi làm ở công ty rất gò bó về thời gian. đi bãi tuy là nhục nhưng thoải mái và vui vẻ. Ra đó ai thích làm gì thì làm. Tôi có thể đi hay không đi tùy ý.”. Ngay trong suy nghĩ, thanh niên ở đây đã coi đi bãi là mục tiêu chí hướng, vậy thì họ đâu cần học hành gì nữa. Cũng có những người bỏ học vì năng lực học quá kém, lại thêm mọi người xung quanh đa phần đều nghỉ học đi bãi nên họ cũng xuôi theo. Em Tạ Văn Trường (sinh năm 1995) cũng đã nghỉ học đi bãi được gần 2 năm nay. Mẹ em chán chường kể lại: “đầu năm học lớp 9, tôi đã mua đầy đủ dụng cụ học tập cho nó. Vậy mà nó mới học được 4 buổi đã nói với tôi là “con học dốt quá, thôi mẹ cho con nghỉ học đi bãi kiếm tiền đỡ mẹ. Con có đi học cũng tốn tiến của bố mẹ”. Dù cô có khuyên nhủ cỡ nào Trường cũng không bao giờ quay trở lại lớp học nữa. Trường hợp của Tạ Văn Vũ (sinh năm 1990) thì nghỉ học do một lần bị thầy giáo dùng thước đánh vào tay. Sau hôm đó mặc dù thầy giáo cũng đã tới tận nhà động viên Vũ đi học trở lại nhưng Vũ đã nhất quyết không đi. Có những gia đình thì bản thân các em chưa muốn nghỉ học nhưng vì kết quả học tập của các em quá kém, các em lại ham chơi nên gia đình cũng bắt các em nghỉ học đi bãi cho “được việc”. Dù thế nào , chung quy lại, người dân ở đây vẫn coi nhẹ giá trị của con chữ. Họ nghĩ rằng dù có chữ hay không thì họ, con cháu họ vẫn sống tốt nhờ vào bãi thải.
Nhưng cái gì cũng có hạn, nhất là quỹ đất dành cho việc quy hoạch bãi thải ở Nam Sơn. Theo Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản cảnh báo thì tới năm 2012, bãi rác Nam Sơn sẽ bị lấp đầy, không thể xử lý rác được nữa. Khi chúng tôi đề cập tới vấn đề này, hầu như ai cũng thờ ơ và cho rằng điều đó là không thể. Chị Tạ Thị Hằng nói: “năm ngoái đóng cửa một lần rồi nhưng dân ở đây phản đối, cuối cùng vẫn phải mở cửa cho dân vào bới”. Còn những thanh niên đang tuổi ăn chơi thì luôn nghĩ sẽ chẳng bao giờ bãi rác hết đất. Hết bãi này ta chuyển sang bãi khác. Dường như họ đã xác định sẽ ăn đời ở kiếp với bãi, nhưng bãi thì sắp “hết hạn sử dụng” rồi. Chỉ có một số người khi nghe tới điều này thì cũng buồn bã nghĩ rằng khi bãi đóng cửa, họ sẽ quay lại cuộc sống tăm tối ngày xưa.
Giàu nghèo nơi bãi rác
Đó là câu nói trong cuộc trao đổi của chúng tôi với anh Tạ Văn Tùng (sinh năm 1986), người có thâm niên đi bãi. Thực tế ấy ai cũng dễ dàng nhận ra khi vào Bắc Sơn thời điểm này. Và chỉ cần một ngày tiếp xúc với những thanh niên ở đây, chúng tôi đã lý giải được tại sao.
Những thanh niên đi bãi đa phần nghỉ học sớm. Công việc đi bãi diễn ra vào đêm sớm, ban ngày họ có rất nhiều thời gian rảnh rỗi. Mặc dù Bắc Sơn vẫn còn ruộng nương nhưng sau khi đi bãi về thì những thanh niên này không muốn tham gia vào việc đồng áng nữa. Vậy là cả một ngày họ chơi dài. Dân gian có câu, “nhàn cư vi bất thiện”, khi con người quá rảnh rỗi thì sẽ nảy sinh nhiều tiêu cực. Khi cuộc sống của người dân Bắc Sơn có nhiều thay đổi thì những loại hình giải trí hiện đại bắt đầu du nhập vào xóm núi. Dọc theo con đường từ bãi rác vào Phố Chấu khoảng 3 km mà có tới gần chục quán Karaoke. Bắc Sơn còn nghèo vậy mà cũng có trên 2 chục quán bia, 4-5 quán Interner. Và những loại hình giải trí này được thanh niên ở đây tận dụng triệt để.
Ban đêm, những thanh niên ở đây lai lưng bới bãi để có thể kiếm được mấy trăm bạc. Ban ngày, họ bắt đầu vung tay đốt sức lao động của mình không thương tiếc. Ngồi cùng Tạ Văn Vũ trong quán Karaoke, anh chia sẻ: hầu như tối nào thanh niên ở đây cũng đi uống bia, hát Karaoke. Mỗi tối họ thường đi hát từ 2-3 tiếng, có hôm hát từ tối tới 4 giờ sáng mới về. Giá phòng hát ở đây trung bình 40 nghìn đồng /tiếng. Vậy là mỗi đêm họ cũng tiêu hết số tiền mình kiếm được từ việc đi bãi. đó là còn chưa kể các trò vui tiêu cực khác như đánh bạc, lô đề cũng đủ khiến kinh tế gia đình khánh kiệt. Khi được hỏi là tiêu tiền như vậy mà không thấy tiếc sao, Vũ thản nhiên: “Như vậy là bình thường, đi vui là chính có gì đâu mà tiếc”.
Cuộc sống của những thanh niên Bắc Sơn phụ thuộc vào bãi rác, họ sống hôm nay mà không biết đến ngày mai. Những thú vui của cuộc sống hiện đại lại đang lan tràn tới nơi này. Khi biết tận dụng, chúng sẽ khiến cuộc sống con người dễ chịu hơn nhưng nếu lạm dụng, chúng sẽ làm tha hóa con người. Trong khi những người vợ, người mẹ đang ngày ngày dầm sương, bới móc ở bãi thải vô cùng cực khổ thì những người chồng, người con của mình lại đang đắm chìm trong những thú vui phù phiếm. Vậy thì làm sao mà cái nghèo không đeo bám họ dai dẳng cho được.
Những tia hy vọng
Chúng tôi tìm đến nhà em Nguyễn Anh Tuấn sau khi em đi thi học kỳ về. Tuấn đang học lớp 12 của trường THPT Trung Giã. Hằng ngày, Tuấn dậy sớm cùng mẹ đi bãi, đến khi về, tắm rửa rồi lại tới trường. Mặc dù nhà nghèo, hoàn cảnh lại éo le khi mà bố em bệnh tật triền miên nhưng Tuấn vẫn kiên trì học tập. Chúng tôi thật sự ngạc nhiên trước nghị lực của em. Bạn bè cùng trang lứa chỉ có thể chọn giữa học hành và đi bãi. Nhưng Tuấn đã can đảm chọn cả hai. Vẫn biết có vô vàn khó khăn luôn kề cận nhưng lòng quyết tâm của cậu bé 18 này là vô cùng lớn. để có được sự cố gắng vượt trội ấy, Tuấn đã có sự động viên của bố mẹ và bà nội. Cả gia đình em, mặc dù luôn khốn khó nhưng vẫn cố gắng để các con được học hành tới nơi tới chốn. Họ cũng nhận ra được muốn thay đổi cuộc đời chỉ có con đường duy nhất là học. Khi được hỏi nếu tương lai không thi Trường Cao đẳng Công nghiệp như em mơ ước thì em sẽ làm gì, Tuấn khẳng định sẽ đi làm công ty chứ không đi bãi. Dường như em đang nuôi trong mình mơ ước thoát khỏi cuộc sống phụ thuộc vào bãi thải.
Chú Dương Văn Hùng, người duy nhất ở thôn Lương đình có 2 người con đã và đang học đại học. Chính những suy nghĩ đúng đắn trong tư tưởng của một người bố đã giúp chú nuôi dạy các con thành tài. Chú cho rằng: “cha mẹ phải định hướng cho con cái nhất là về việc học hành. Có như vậy chúng nó mới đi đúng đường.” Ở Bắc Sơn, nếu như con cái có ý định bỏ học đi bãi, dường như bố mẹ không cản mà coi đó là cái lẽ thường, con mình không học được thì nghỉ đi bãi, có gia đình còn bắt con nghỉ học. Chính những suy nghĩ đơn giản lệch lạc ấy đã khiến cho tương lai thế hệ trẻ ở Bắc Sơn càng trở lên tăm tối hơn.
Trước đây, cái chữ ở Bắc Sơn bị vùi trong đói nghèo nhưng hôm nay, cái chữ ấy bị vùi trong rác thải. Nếu thế hệ trẻ nơi đây vẫn mãi phụ thuộc vào bãi thải, đắm chìm trong những trò giải trí vô bổ, cái nghèo và thất học vẫn sẽ là một vòng luẩn quẩn đeo bám họ, đeo bám con cháu họ sau này.
 
 Thanh Xuân - Bản tin số 243, tháng 5/2011
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC