02:56:55 Ngày 24/04/2024 GMT+7
Tạ mùa no đủ
Chẳng biết tự bao giờ, tập tục biện lễ dâng tạ mùa màng no đủ trước mỗi vụ gặt đã gắn bó, trở thành một bộ phận không thể thiếu trong đời sống tâm linh của những người làm ruộng quê tôi. Tập tục còn ước định rằng, nếu chưa làm lễ tạ mùa thì dù cho gạo lúa đã thu về đầy bồ, chật cót, phơi phóng xong xuôi thì vẫn phải giữ nguyên, không được xay xát, đun nấu.
“Lớn lên từ đất, sống bằng nghề làm nông vậy nên có được no đủ, sung túc hay không phụ thuộc trực tiếp vào vụ lúa trĩu bông hay lép hạt. Tạ mùa là cách để chúng ta tri ân với trời đất, ông bà tổ tiên, cầu cho mưa thuận gió hòa, tránh được dịch bệnh, vụ lúa sau sẽ tốt hơn vụ này...” - những người già vẫn hay dặn dò cháu con như vậy. Khi cái nắng bắt đầu gay gắt, lúa trên đồng làng đã đến độ vàng hươm chỉ chờ thu hoạch thì cũng là lúc mọi người, mọi nhà bàn nhau chọn giờ tốt, ngày tốt để làm lễ cúng cơm tạ mùa. Người ta thường chọn ngày bình an tức là ngày mùng 8 của tháng âm lịch để tổ chức lễ cúng. Ngay từ sớm tinh mơ ngày đã định, khi mặt trời chưa ló rạng, chủ gia đình đã mang liềm ra ruộng lúa tốt nhất của nhà mình, chọn cắt một đon lớn gánh về. Tiếp theo, nhiệm vụ của những người phụ nữ là phải lựa ra những bông lúa đẹp, chắc, mẩy nhất bó thành một bó nhỏ rồi đặt lên bàn thờ gia tiên. Chỗ lúa còn lại được tuốt thành thóc, xay, giã, dần, sàng để có một mẻ gạo mới. Gạo đó để trong buồng, đợi đến chiều muộn khi mặt trời đã lặn sẽ đem thổi cơm kết hợp với thịt một con gà trống tơ, một miếng thịt lợn luộc rồi tất cả được xếp lên mâm. đến đúng đầu giờ Tuất (khoảng ngoài 7 giờ tối), lễ tạ mùa do người đàn ông lớn tuổi nhất trong nhà chủ trì sẽ chính thức bắt đầu.
Trong lúc lễ diễn ra, cổng và cửa nhà phải được đóng kín, toàn bộ các thành viên của gia đình phải tập trung trước gian thờ, nếu chủ tế chưa cho phép thì không ai được mở cửa bởi theo quan niệm lúa ấy vía lúa và những điều may mắn đang ở cả trong nhà, chỉ cần hé cửa nó sẽ bay sang nhà khác. Thắp 3 nén hương lên ban thờ, người chủ tế sẽ đọc lời khấn nguyện, vừa tạ ơn các bậc tiền nhân và các vị thần linh đã phù hộ cho lúa vụ này mẩy hạt sai bông vừa cầu mong cho sự độ trì được tiếp tục để vụ lúa tới thời tiết cũng thuận hòa, mùa mang bội thu, đủ đầy, sung túc... Lời cúng vừa dứt, mọi người cùng thành tâm cúi đầu hành lễ rồi đợi khi nhang tàn, bát cơm mới và các lễ vật sẽ được hạ xuống để cả nhà cùng nhau quây quần thụ lộc. Bất cứ một thành viên nào trong nhà dù là người già hay trẻ nhỏ đều được chia một chút cơm mới để ăn lấy may. Cũng có nhiều gia đình cẩn thận, khi chuẩn bị lễ vật tạ mùa còn đặt cạnh đĩa xôi, con gà, khổ thịt một quả trứng vịt luộc. Khi nhang tàn, việc đầu tiên sau khi hạ lễ, người chủ nhà sẽ bóc quả trứng luộc ra xem. Nếu như lòng đỏ quả trứng càng lớn chứng tỏ lúa vụ tới càng được mùa.
Chia lộc cho hàng xóm láng giềng vào ngày lễ tạ mùa, đó cũng là một tập tục đẹp của vùng quê tôi. Cơm mới thường rẻo và thơm, để có thể chia cho mỗi nhà được một nắm bằng cái bát con, mẹ tôi thường nấu một nồi cơm to rồi đợi khi ông làm lễ cúng xong, trước lúc cả nhà thụ lộc, mấy anh em sẽ phân công nhau đi chia cơm lộc với xóm giềng. Chẳng biết cái lộc đó đem đến may mắn như thế nào nhưng điều ý nghĩa nhất đọng lại trong chúng tôi chính là tình cảm làng xóm gắn bó, nồng ấm mặc dù để có được những lễ tạ mùa no ấm, người dân quê tôi tháng tháng, ngày ngày phải “đổ mồ hôi sôi nước mắt”…
 VĨNH MINH - Bản tin ĐHQGHN số 246 tháng 8/2011
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC