17:53:11 Ngày 18/04/2024 GMT+7
Nói tục & Viết tục
Trang mạng của báo điện tử VietnamNet (4-1-2013) có đăng bài “Choáng với bài văn tục tĩu của học sinh lớp 12” ngay lập tức đã nhận được hàng trăm “comment” trao đổi. Câu chuyện bắt đầu từ một bài kiểm tra Văn, với đề ra là “Em hãy trình bày suy nghĩ của em về hiện tượng nói tục chửi bậy trong học đường hiện nay”. Một học sinh (có tên Vũ Hoàng L.) đã có một bài văn lạ lùng đến nỗi cô giáo đã không ngần ngại hạ bút cho điểm không (0) với lời phê: Cần xem lại đạo đức bản thân. Bài làm theo đề của cô giáo, mà đề này (về chuyện chửi bậy, nói tục) quả là chuyện đang là vấn nạn gây bức xúc về cách nói năng của giới trẻ bây giờ. Cậu học trò nọ đã không lạc đề mà làm đúng chủ đề đặt ra. Vậy thì điều gì đã làm cho cô giáo không chấp nhận?
Trước hết, phải nói ngay rằng, chuyện chửi (chửi mắng, chửi tục, chửi bậy, nói tục...) là một hiện tượng mà trong giao tiếp ở ngôn ngữ nào cũng có (Đã có nhiều công trình trên thế giới nghiên cứu về các lối chửi khác nhau). Và trong mọi ngôn ngữ, chửi luôn bị coi là hành vi “phản chuẩn”, “kém văn hóa”. Như thế hiển nhiên là nó không được khuyến khích. Ấy thế nhưng, chuyện chửi vẫn tồn tại như một nhu cầu “tất yếu” của cuộc sống. Chuyện chửi, nói tục trong tiếng Việt cũng đã có từ lâu đời và ngày nay, trong xã hội văn minh, nó không chỉ vẫn “sống dai hơn đỉa” mà còn có cơ phát triển đa dạng với nhiều màu sắc. Điều đáng ngạc nhiên (và đáng buồn) là đối tượng sử dụng lời chửi tục lại không nghiêng về những người có “văn hóa thấp”, như một số cư dân thất học, những người làm nghề đặc thù (buôn bán ngoài chợ búa, dân lao động cơ bắp, kẻ du thủ du thực...) mà lại thuộc về giới trẻ “tuổi ăn tuổi học”, là thế hệ “tương lai gần” của đất nước.
Chửi, chửi tục, với tư cách là một hành vi ngôn ngữ phản ứng tức thì, nhằm giải tỏa một trạng thái tâm lí bất thường trước một hiện tượng nào đó (bị tác động từ ngoại cảnh). Có lẽ trong cuộc đời, ai rồi cũng có lúc bực mình tới mức nổi xung mà “văng tục” hay “chửi cho hả” một vài câu. Nhưng về mặt bản chất, thì văng tục (bất ngờ thốt ra một câu tục) khác với nói tục (là thói quen thường xuyên tuôn ra những lời chua ngoa, tục tĩu, bẩn thỉu). Một đằng là hành vi thiếu kiềm chế nhất thời, một đằng là hành vi đã ăn sâu vào tính cách. Không ít người có thói quen cứ mở miệng là “đệm” đủ loại. Họ thản nhiên nói tục, “hồn nhiên” như cơm ăn nước uống. Cậu học trò kia đã nói đúng: “Ai mà chẳng nói tục chửi bậy. Mình cũng hay nói bậy lắm”. Cậu đã phản ánh đúng thực trạng của giới trẻ hiện nay. Nhưng cái lỗi lớn nhất của bài văn là cách “tả thực” một cách thô thiển, tự nhiên chủ nghĩa. Bởi chuyện nói tục (mang tính khẩu ngữ) với chuyện viết tục (thể hiện bằng văn tự) là khác nhau. Chữ viết là một sản phẩm của văn hoá. Vì vậy văn bản viết (cho số đông người đọc) phải có tính văn hóa, tức là phải có sự chọn lựa và thể hiện sao cho phù hợp. Khi chửi tục (đa số các dân tộc) người ta thường đưa ra các từ chỉ sự bẩn thỉu (những thứ cặn bã, cứt đái...), sự xấu xa (quân mất dạy, lũ khốn nạn, đồ chó má...) và nhất là các từ tục (chỉ cơ quan sinh dục hay hoạt động sinh dục giữa nam và nữ), cốt để miệt thị và hạ nhục đối tượng. Nhưng viết nguyên văn những từ đó (ngay cả khi đã lựa chọn) cũng luôn là vấn đề kiêng tránh. Đa số người viết chọn cách viết tắt chữ cái đầu (thí dụ: c., l., b., đ.m., v.v.). Tôi nói “đa số” vì trong một số văn bản (từ điển chẳng hạn) thì phải ghi rõ nguyên văn rồi giải thích. Còn trong các văn bản khác (báo chí truyền thông, văn chương, thư từ...) thì chuyện viết tới mức “rõ mười mươi” là điều hiếm gặp (Tôi biết có vài nhà văn ta, vì sở thích - và nhất là khi họ đã thành danh - cứ nhất quyết đòi cơ quan xuất bản phải viết rõ, không được viết tắt)
Trở lại bài văn của học trò lớp 12 vừa nói, ta thấy người viết đã bộc lộ sự non kém cả về năng lực nhận thức và kĩ năng viết. Bởi viết về chuyện chửi tục đâu phải dẫn nguyên xi lời chửi tục? Và cũng chẳng ai “thật thà” tới mức nói rằng chính mình đã nói những câu tục thế này, thế nọ. Phản ứng của bạn Hoàng Lê Mai (Trường THPT Trần Phú) là hợp lí: “Học sinh nói tục đã là không nên, ngang nhiên viết những từ thô tục vào bài văn thì đúng là không thể chấp nhận được”.
Nói và viết là hai mặt biểu hiện của ngôn ngữ. Nhưng với chuyện nói tục, chửi tục mà “nói sao viết vậy” thì lại không được, rất không được. Đó là một kĩ năng thể hiện văn hoá ngôn từ mà ta phải học hỏi và trau dồi.
 PGS.TS Phạm Văn Tình - Bản tin số 265 – VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Các bài mới hơn
  • Không có bài nào mới hơn !
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC