Đô thị Hòa Lạc 17:48:17 Ngày 23/04/2024 GMT+7
Cần thiết phân tầng đại học ở Việt Nam
Trong quá trình phát triển, đặc biệt là trong những thập niên gần đây hệ thống giáo dục đại học ở các nước trên thế giới đã và đang có những biến đổi sâu sắc cả về quy mô, cơ cấu loại hình, mô hình đào tạo v.v... với xu hướng đa dạng hoá, chuyển từ giáo dục tinh hoa cho số ít sang nền giáo dục đại học đại chúng; từ tháp ngà kinh viện sang thực tiễn cuộc sống với những thay đổi sâu sắc cả về mục tiêu, nội dung, chương trình và phơng pháp dạy học, cơ chế quản lý...
Giáo dục đại học Việt Nam cũng đang thay đổi theo yêu cầu của xu thế toàn cầu hoá, quốc tế hoá trong cơ chế thị trường định hướng XHCN, nhằm cung cấp cho sự nghiệp CNH, HĐH rút ngắn quy trình đào tạo nhân lực chất lượng cao, đào tạo nguồn nhân tài cho đất nước, đủ trí tuệ và bản lĩnh khi hội nhập WTO và cạnh tranh để phát triển kinh tế - xã hội, đưa Việt Nam sớm thoát khỏi nghèo nàn và lạc hậu.
Vì sao cần phải phân tầng các đại học ở Việt Nam?
Để có thể luận bàn về vấn đề phân tầng đại học ở Việt Nam, chúng ta cần trả lời một câu hỏi: Nền giáo dục đại học Việt Nam đang ở đâu? Để từ đó đưa ra được một triết lý giáo dục đúng đắn.
Thứ nhất, nói về số lượng: trong mấy năm trở lại đây, Bộ GD&ĐT đã ban hành nhiều Quyết định và trình Thủ tướng Chính phủ cho phép mở khá nhiều trường ĐH và CĐ. Từ năm 2005, con số xấp xỉ 300 thì năm 2011 con số đã xấp xỉ 500 (trong đó có 376 đại học và trường đại học). Dự kiến đến năm 2015, Việt Nam sẽ có thêm 115 trường ĐH mới và khoảng 150 trường CĐ mới, phấn đấu đưa tỷ lệ 150 sinh viên/ 10 000 dân (gần bằng 1/2 của Thái Lan, 1/3 của Hàn Quốc và một số nước trong AUN).
Điều này sẽ giúp cho việc tăng số lượng học sinh THPT sau khi tốt nghiệp vào học các trường ĐH và CĐ, giảm tình trạng dư thừa sau THPT, giải quyết vấn nạn thiếu chỗ học, đồng thời giảm thiểu được các tệ nạn xã hội do sự dư thừa nhiều học sinh bị trượt đại học gây nên. Theo Vietnamnet đưa tin: năm 2011 cả nước có 1 589 302 thí sinh dự thi ĐH,CĐ thì có tới 600 000 thí sinh bị trượt!
Điều này cũng dẫn đến tình trạng khá nhiều trường ĐH dân lập, tư thục, trường ĐH công do UBND Tỉnh quản lý nhiều nơi chưa đủ lực lượng cán bộ giảng dạy, chưa hoàn tất cơ sở vật chất, và đặc biệt là các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo còn bất cập; nhưng số ngành đào tạo thì rất nhiều, các cơ quan quản lý không đủ sức kiểm tra chất lượng đào tạo.
Như vậy là nhu cầu mở trường là có thực, là cần thiết. Tờ báo Mỹ Whashington Post ngày 10/8/2011 viết về nền giáo dục đại học Việt Nam như sau: Hệ thống giáo dục đại học Việt Nam chưa phát triển kịp để đáp ứng nhu cầu xã hội. Với gần 85 triệu dân, Việt Nam chỉ có gần 500 trường ĐH,CĐ, trong khi đó Mỹ có 310 triệu dân và có 4 400 trường ĐH, CĐ.
Thứ hai, nói về chất lượng: Thực tế cho thấy, cứ sau một mùa tuyển sinh khá nhiều trường ĐH, CĐ lại kiến nghị với Bộ GD&ĐT giảm điểm sàn xuống dưới 13 điểm (nếu cộng các ưu tiên, chế độ chính sách mà Bộ đã ban hành thì có đến 5 điểm) chẳng lẽ 8 điểm thi 3 môn vẫn cần giảm tiếp điểm sàn, nếu không một số trường sẽ không tuyển nổi sinh viên, sẽ phải đóng cửa. Trong khi đó điểm sàn vào một số đại học, như ĐHQGHN không thể dưới 17 điểm! một số ngành của ĐHQGHN năm nào cũng chỉ tuyển trên 20 điểm trở lên. Xét về học lực thì cứ hơn nhau 5 điểm đã thuộc đẳng cấp khác rồi chứ không thể còn là may rủi!
Thứ ba, nói về sứ mạng: Đảo qua các trang web của các đại học thì thấy sứ mạng ( sứ mệnh) được các đại học tuyên bố khác nhau lắm, cả về tiêu chí xét chọn vào học, lẫn chuẩn đầu ra của các ngành đào tạo (ngay cả 3 công khai theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT cho dù không ai kiểm tra, thẩm định xác thực) cũng khác nhau lắm. Trên báo Tiền Phong, số ra thứ Tư, 30/11 có bài “Quyền tự chủ cho các trường đại học – Không thể giao tràn lan” (trang 4, pv Hồ Thu), hơn 170 đại biểu dự Hội thảo Đổi mới cơ chế tài chính đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập tại Hà Nội hôm 29/11. Thứ trưởng Bùi Văn Ga kết luận: Sự cào bằng trong phân bổ ngân sách không tạo ra thế cạnh tranh...
Thứ tư, nhìn ra thế giới: Các nước tiên tiến đều chú trọng xây dựng nền giáo dục đại học chất lượng cao và thu hút nhiều người đến học. Đặc biệt là Mỹ, số sinh viên Việt Nam du học ở Mỹ 3 năm gần đây tăng rất nhanh, đứng thứ 12 trong số các lưu học sinh các nước du học ở Mỹ. Con số sinh viên nước ngoài du học ở Việt Nam chưa nhiều, mới chủ yếu là sinh viên Trung Quốc.
Nên phân tầng các đại học ở Việt Nam thế nào?
Mục tiêu của giáo dục đại học là đào tạo ra những con người có đủ năng lực làm chủ bản thân và làm chủ xã hội ( nói cụ thể là có phẩm chất đạo đức, nhân cách tốt, lý trí và kiến thức vững vàng, năng lực làm việc và kỹ năng sống lành mạnh...). Đôi khi vì bị ảnh hưởng của cơ chế thị trường mà mục tiêu đào tạo bị đẩy xô lệch. Các chương trình đào tạo kinh tế, quản trị kinh doanh chủ yếu dạy người ta làm giàu hơn là phục vụ cộng đồng; các chương trình Luật dạy người ta cách thắng kiện hơn là tính trung thực; còn các chương trình Y, Dược thì dạy người ta cách khám chữa bệnh nhiều hơn là sống sao cho lành mạnh...Vì thế việc xuất hiện những đại học chỉ cần mục tiêu cung cấp nguồn nhân lực cho địa phương hơn là đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo và bồi dưỡng nhân tài; còn những đại học lớn, tầm cỡ thì đang kiên quyết giữ ổn định quy mô đào tạo vừa, tập trung mọi nguồn lực để nâng cao chất lượng đào tạo, hội nhập quốc tế. Hai loại hình trường đại học đó không thể và không nên coi là giống nhau.
Mỗi nước lại có các cách đi khác nhau: Ở Mỹ, số lượng các trường tư nhiều hơn các trường công lập, trong khi đó ở Pháp lại không cho phép có trường đại học tư thục nào.
Cuối năm 2009, Bộ GD&ĐT có xây dựng một Đề án đổi mới giáo dục đại học ở Việt Nam và đề nghị các trường cho ý kiến đóng góp. Trong bản góp ý của ĐHQGHN đã nêu rõ: Đề án không đề cập đến việc phân loại hoặc xếp loại các trường đại học. ở Mỹ, các trường đại học được phân thành 8 loại: đại học nghiên cứu I, đại học nghiên cứu II, đại học đào tạo tiến sĩ I, đại học đào tạo tiến sĩ II, đại học đào tạo thạc sĩ I, đại học đào tạo thạc sĩ II,... Mỗi loại đều có tiêu chuẩn cụ thể.
Việc xếp loại các trường đại học sẽ làm cho: Việc đầu tư của Nhà nước và xã hội cho các trường đại học có hiệu quả; Các trường đại học lựa chọn và xác định được chính xác nhu cầu của xã hội và mục tiêu đào tạo của nhà trường hơn; Sinh viên dễ dàng lựa chọn trường đại học phù hợp để theo học.
Trong thực tế đang tồn tại hai loại hình đại học công lập và đại học ngoài công lập. Các đại học, cao đẳng ngoài công lập có Hiệp hội do GS. Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng bộ GD&ĐT làm chủ tịch Hiệp hội và trong một lần Hội nghị VUN (Việt Nam Universities Net) đã có ý kiến hợp nhất các đại học trong và ngoài công lập thành một tổ chức Hiệp hội các đại học và cao đẳng Việt Nam, nhưng chưa trở thành hiện thực!
Bộ GD&ĐT thì đã coi 2 ĐHQG và các đại học Thái Nguyên, Vinh, Huế, Đà Nẵng và Cần Thơ ( gọi chung là các đại học vùng) là các đại học lớn, trên thực tế thì đang có khái niệm Đại học trọng điểm quốc gia Việt Nam. Đó là những đại học (cấp vùng và cấp quốc gia), trường đại học, và học viện hàng đầu của quốc gia, được chính phủ ưu tiên giao quyền tự chủ như: được tự in và cấp bằng tiến sĩ; được toàn quyền cử cán bộ đi học nước ngoài, trừ những trường hợp du học bằng ngân sách nhà nước; được chủ động mời và tiếp nhận giảng viên, sinh viên nước ngoài đến học và giảng dạy; được đề xuất mở những ngành đào tạo chưa có trong danh mục đào tạo. Bên cạnh đó, Hiệu trưởng sẽ quyết định phân bổ ngân sách đầu tư thiết bị và xây dựng cơ bản mà không phải thông qua Bộ GD&ĐT.
Hiện nay, ở Việt Nam có 16 cơ sở giáo dục đại học được chọn xây dựng thành đại học trọng điểm quốc gia bao gồm 2 đại học quốc gia, 5 đại học vùng theo lãnh thổ, và 9 trường đại học, học viện theo các lĩnh vực và ngành trọng điểm quốc gia (sư phạm, y - dược, kinh tế, nông - lâm - ngư nghiệp, công nghệ, kỹ thuật quân sự).
Theo kế hoạch của chính phủ, sẽ xây dựng 20 trường đại học nghiên cứu trọng điểm quốc gia có trình độ đào tạo và nghiên cứu tiên tiến làm đầu tàu cho sự phát triển mạng lưới các trường đại học Việt Nam. Về đội ngũ giảng viên sẽ có trình độ tiến sĩ >75%. (Nguồn Bách khoa toàn thư Wikipedia).
Như thế có thể phân loại, phân tầng các đại học đã “tự phát” sinh ra, chỉ có điều Bộ GD&ĐT chưa nêu rõ tiêu chí, tiêu chuẩn, quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của các đại học này khác với các đại học khác mà thôi.
 PGS.TS Nguyễn Văn Nhã - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC