Đô thị Hòa Lạc 21:20:09 Ngày 18/04/2024 GMT+7
Đăng kí sở hữu trí tuệ trong các đại học
Các đại học có chức năng chính là giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học. Hiện nay một trong những vấn đề không kém phần quan trọng của các đại học, đặc biệt là các đại học kĩ thuật là chuyển giao công nghệ, đưa các kết quả nghiên cứu khoa học áp dụng vào thực tiễn sản xuất kinh doanh.

Cần có quy định cụ thể và quản lí hoạt động SHTT trong trường ĐH

Các Trường ÐH tại Việt Nam cần phải thiết lập quy định quản lý chi tiết hoạt động SHTT. Quy định về SHTT phải cụ thể hóa công tác tổ chức hoạt động SHTT của Trường bao gồm các vấn đề như các loại tài sản trí tuệ do trường quản lý, bộ phận quản lý và triển khai công tác SHTT, các quy định về việc hỗ trợ giảng viên và cán bộ đăng ký xác lập quyền SHTT và thương mại hóa tài sản trí tuệ, vấn đề về phân chia lợi nhuận sau khi thương mại hóa tài sản trí tuệ, các chính sách khuyến khích, khen thưởng và xử phạt các vi phạm trong hoạt động SHTT,...

Hơn nữa, cần thúc đẩy mối quan hệ giữa trường ÐH và doanh nghiệp nhằm giúp Trường xây dựng một cơ sở khoa học bền vững và mang tính cạnh tranh. Do vậy, nhằm tăng cường CGCN và thúc đẩy thương mại hóa tài sản trí tuệ, các Trường nên có những thay đổi cơ bản về nhận thức như sau:

- Tạo thói quen, cách ứng xử theo hướng “thương mại hoá” sản phẩm công nghệ.

- Khuyến khích các tổ chức R&D trong Trường quảng bá kết quả nghiên cứu có định hướng, khả năng ứng dụng cao và đăng ký xác lập quyền SHTT đối với các công trình nghiên cứu của mình ở trong và ngoài nước.

- Áp dụng hệ thống thưởng và khuyến khích các nhà khoa học dựa trên giá trị thương mại sáng kiến của họ.

- Có biện pháp khen thưởng, tuyên dương các nhà khoa học có nhiều tài sản trí tuệ được chứng nhận tại cơ quan có thẩm quyền về SHTT.

Ðể góp phần thúc đẩy, tổ chức và quản lý hoạt động SHTT một cách hiệu quả và đồng nhất, việc quy định rõ về thủ tục xác lập quyền SHTT, xác định rõ về lợi ích, quyền sở hữu tài sản trí tuệ và phân chia hợp lý lợi nhuận thu được từ việc thương mại hóa quyền SHTT là rất quan trọng.

Xác định rõ chủ sở hữu kết quả nghiên cứu là một vấn đề quan trọng vì nó giúp các đơn vị và các nhà khoa học nhận thức được rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Cơ sở để phân định quyền sở hữu về căn bản là dựa trên các phân tích về mức độ đóng góp tài chính, phương tiện, thời gian, thông tin, v.v. của mỗi bên đối với mỗi đơn vị tài sản cụ thể. Theo kinh nghiệm của một số nước, luật SHTT các nước này đều quy định rõ ràng việc sở hữu các kết quả nghiên cứu do sử dụng ngân sách nhà nước: tài chính, trang thiết bị, thời gian, nhân tài, vật lực, v.v. đều thuộc về Nhà nước hoặc cơ sở của Nhà nước như trường ÐH, viện nghiên cứu công lập.

Cụ thể, Ðiều 28.a, Luật Khuyến khích hoạt động nghiên cứu trong trường ÐH của Liên Bang Thụy Sĩ ngày 01/08/2000 quy định cụ thể về việc chuyển giao các kết quả nghiên cứu: “Chính phủ Liên Bang có thể tài trợ cho các hoạt động nghiên cứu theo các điều kiên sau: tài sản trí tuệ và quyền sở hữu tài sản trí tuệ có được từ kết quả nghiên cứu được tài trợ của Liên Bang phải được chuyển giao cho cơ sở nghiên cứu nơi tác giả thực hiện nghiên cứu”. Theo kinh nghiệm của Hoa Kỳ được quy định trong Bayh-Dole Act năm 1980 thì trường ÐH sở hữu kết quả hoạt động nghiên cứu được Chính phủ tài trợ và có nghĩa vụ cố gắng thương mại hóa quyền SHTT này.

Do vậy, trong quy định về thủ tục xác lập quyền SHTT tại các trường ÐH cần xác định rõ các kết quả nghiên cứu của cán bộ, giảng viên và đơn vị trong Trường theo các đề tài dự án các cấp hoặc các nghiên cứu, thử nghiệm có sử dụng trang thiết bị, PTN hoặc cơ sở vật chất của Trường, khi làm thủ tục đăng ký quyền SHTT hoặc ký kết các hợp đồng li-xăng, CGCN đều phải được ghi rõ chủ sở hữu là Trường. Trong trường hợp có sự tham gia, đóng góp của các đơn vị ngoài trường, để đảm bảo quyền lợi cho các đơn vị này, Trường cũng cần quy định thêm là Trường sẽ cùng thỏa thuận với các đơn vị này để cùng đứng tên chủ sở hữu Văn bằng bảo hộ độc quyền.

Việc xác định rõ chủ sở hữu kết quả nghiên cứu là cơ sở cho việc phân chia lợi nhuận cho các bên tham gia. Phân chia lợi nhuận là một trong các công cụ quan trọng nhằm thúc đẩy hoạt động sáng tạo và CGCN trong trường ÐH cũng như nhằm tổ chức và quản lý hoạt động SHTT. Hiện nay tại Việt Nam chưa có quy định pháp lý thật cụ thể việc phân chia này. Do vậy, để đề xuất ra cơ chế phân bổ lợi nhuận từ việc thương mại hóa tài sản trí tuệ cho các trường ÐH tại Việt Nam, cần tham khảo những chính sách đang được áp dụng trong trường ÐH tại một số nước tiên tiến trên thế giới.

Tại trường ÐH Waseda, Nhật Bản, trường ÐH có hoạt động CGCN và doanh thu từ CGCN và li-xăng quyền SHTT lớn nhất tại Nhật Bản, tiền bản quyền được chia cho các bên theo tỷ lệ như sau: (Tổng số tiền bản quyền thu được sau khi đã trừ các khoản chi phí)

- Nếu từ 10 triệu Yên trở lên thì 40% cho tác giả và 60% cho trường ÐH.

- Nếu trong khoảng 2-10 triệu Yên thì 50% cho tác giả và 50% cho trường ÐH.

- Nếu dưới 2 triệu Yên thì 70% cho tác giả và 30% cho trường ÐH .

Tại Mỹ, thông thường tỷ lệ phân bổ có thể là: 40% cho tác giả sáng chế, 40% cho đơn vị nơi làm việc của tác giả (PTN, Trung tâm, Khoa hoặc Viện nghiên cứu của trường ÐH nơi tác giả làm việc) và 20% cho TLO (trong trường hợp TLO là đơn vị hạch toán độc lập với trường ÐH) .

Tại Thụy Sĩ, các trường ÐH đều có chính sách phân bổ tiền bản quyền cho các bên tham gia giống nhau. Tiền bản quyền thường được chia 03 phần cho 03 bên tham gia chính là trường ÐH (TLO thuộc trường ÐH), cơ sở nơi tác giả nghiên cứu (PTN, Trung tâm, Khoa, Viện) và tác giả. Ví dụ, tại trường ÐH Genève thì mức chia như sau: 1/3 cho trường ÐH (qua TLO), 1/3 cho cơ sở nơi tác giả thực hiện nghiên cứu và 1/3 cho tác giả. Ðối với Ðại học Basel thì theo tỷ lệ: trường ÐH là 30%, cơ sở nơi tác giả trực tiếp thực hiện nghiên cứu là 30% và tác giả là 40%.

Theo chủ trương khuyến khích ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học (NCKH) và phát triển công nghệ, để thúc đẩy và tổ chức hoạt động SHTT, các Trường cần quy định cụ thể tỷ lệ phân chia tiền bản quyền dựa trên cơ sở quy định pháp luật của Nhà nước và kinh nghiệm của các trường ÐH tại một số nước trên thế giới như sau:

- (Các) Tác giả: 40-50%

- Trường ÐH (bao gồm cả tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ KHCN như phòng thí nghiệm, bộ môn, khoa, trung tâm, viện, bộ phận SHTT và các đơn vị môi giới, trung gian khác (nếu có, tùy theo mức đóng góp): 50-60%.

Thành lập bộ phận chuyên trách về SHTT

Tại các nước phát triển, việc bảo hộ kịp thời quyền SHTT đối với các kết quả nghiên cứu gần như đã trở thành một tập quán trong hoạt động KHCN. Ở góc độ kinh doanh, các tổ chức có nhiều giao dịch thương mại liên quan đến quyền SHTT như trường ÐH, viện nghiên cứu, doanh nghiệp đều có bộ phận chức năng quản lý việc khai thác các quyền này.

Nhằm thống nhất đầu mối tổ chức, quản lý và triển khai hoạt động SHTT cũng như CGCN của Trường, việc thành lập văn phòng hoặc trung tâm CGCN mà trước hết là bộ phận chuyên trách SHTT là rất cần thiết và cấp bách theo xu thế chung và kinh nghiệm thực tế tại các trường ÐH nghiên cứu trên thế giới. Bộ phận chuyên trách SHTT không những đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đăng ký, theo dõi và bảo hộ các quyền SHTT của các Trường mà còn đóng vai trò là một cơ quan đầu mối thực hiện CGCN, xúc tiến việc thương mại hoá các sản phẩm công nghệ của Trường, liên hệ tìm đầu ra, tìm nguồn tài trợ NCKH và phân chia lợi nhuận cho các bên tham gia theo mô hình một TLO.

Ngoài ra, Bộ phận này được thành lập không chỉ có tác dụng tăng cường hiệu quả trong hoạt động NCKH, CGCN của các Trường mà còn định hướng hoạt động NCKH-CGCN trên cơ sở quyền SHTT đã được bảo hộ, tăng cường thu nhập cho các Nhà khoa học và trường ÐH, đảm bảo việc đầu tư của các doanh nghiệp với những công nghệ đã được cấp bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích.

Tuy nhiên, tùy thuộc điều kiện tài chính, nhân lực và hoàn cảnh thực tế, các trường ÐH kỹ thuật có thể thiết lập Bộ phận tổ chức và quản lý hoạt động SHTT theo khả năng và quy mô của mình. Tùy thuộc điều kiện mỗi trường, bộ phận SHTT có thể được thành lập như một bộ phận trực thuộc trường như phòng, ban hoặc có thể mang tư cách pháp lý hoạt động như một đơn vị hạch toán độc lập, có con dấu riêng như một trung tâm.

 Phan Quốc Nguyên - Bản tin ĐHQG Hà Nội
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC