19:42:48 Ngày 18/04/2024 GMT+7
5 cụm công trình xuất sắc
Năm 2011 tiếp tục là năm ĐHQGHN có nhiều thành tích nổi bật trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Đặc biệt, trong đợt xét tặng giải thưởng KHCN cấp Nhà nước vừa qua, 5 nhà khoa học đã và đang công tác tại ĐHQGHN vinh dự có công trình khoa học được đề cử giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước và đã được hội đồng cấp nhà nước bỏ phiếu thông qua. Bản tin ĐHQGHN xin trân trọng giới thiệu 5 cụm công trình khoa học xuất sắc này.
1. Cụm công trình “Việt Nam - cái nhìn địa - văn hoá” (1998), Trên mảnh đất ngàn năm văn vật (2000), Văn hoá Việt Nam - tìm tòi và suy ngẫm (2000) (cố GS. Trần Quốc Vượng): khai mở các lí thuyết nghiên cứu văn hoá và phương pháp tiếp cận liên ngành trong nghiên cứu văn hoá Việt Nam
GS. Trần Quốc Vượng là một trong những nhà khoa học tên tuổi của Việt Nam, là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu lịch sử văn hoá Việt Nam cổ truyền. Ông nổi tiếng là có kiến thức uyên bác trong nhiều lĩnh vực của KHXH&NV như khảo cổ học, cổ sử học, dân tộc học, tâm lí học, nghệ thuật học, văn hoá học, địa lí học - lịch sử... Cụm 3 công trình nghiên cứu về văn hóa trên là tập hợp kết quả nghiên cứu xuất sắc của ông trong nhiều năm, được xuất bản từ năm 1998 đến năm 2000.
Các công trình này đã giới thiệu những lí thuyết văn hóa nói chung và những vấn đề cụ thể của văn hóa Việt Nam và văn hóa Thăng Long - Hà Nội nói riêng; phản ánh khá toàn diện các khía cạnh của văn hóa Việt Nam như: diễn trình văn hóa Việt Nam, những vấn đề văn hóa dân gian (folklore, lễ hội, ẩm thực, truyền thuyết, âm nhạc, các loại hình diễn xướng dân gian…), tiếp xúc và giao lưu văn hóa, nghệ thuật, ứng xử, danh nhân, lịch sử văn hóa Thăng Long – Hà Nội…
Bên cạnh việc cung cấp những kiến thức, tư liệu về văn hóa Việt Nam, văn hóa Thăng Long - Hà Nội, giá trị nổi bật của cụm công trình là góp phần đặt nền móng cho việc sử dụng cách thức nghiên cứu liên ngành (liên địa lí - lịch sử - dân tộc học - khảo cổ học) trong nghiên cứu văn hóa Việt Nam - một ngành khoa học còn non trẻ trong ngành KHXHNV. Cụ thể hơn, cụm công trình đưa ra định hướng trong việc nghiên cứu văn hóa Việt Nam trong bối cảnh tiếp xúc với văn hóa Đông Nam Á và Đông Á nói riêng và văn hóa bên ngoài nói chung; đưa ra cách nhìn nhận, nghiên cứu về bản sắc văn hóa Việt Nam, các thành tố của văn hóa Việt Nam (điều kiện tự nhiên, xã hội, tôn giáo, tín ngưỡng…); sự kết hợp giữa lịch sử, địa lí, văn hóa trong nghiên cứu các khu vực, vùng miền trong cả nước. Cụm công trình được đánh giá là có ý nghĩa nền tảng trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam.
GS.TS Nguyễn Quang Ngọc (Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển): Cụm 3 công trình nghiên cứu về văn hoá của cố GS. Trần Quốc Vượng là những thành tựu khoa học đặc biệt xuất sắc, đã mang đến những nhận thức quan trọng về lịch sử, văn hoá Việt Nam, có đóng góp đặc biệt quan trọng trong việc hình thành lí thuyết, phương pháp nghiên cứu văn hoá Việt Nam.
“Việt Nam - cái nhìn địa - văn hoá” là một nghiên cứu tổng quan, khái quát về văn hoá của các vùng miền trên đất nước Việt Nam. Giá trị khoa học của công trình không chỉ nằm ở phương pháp nghiên cứu mà còn ở cách thức luận giải các vấn đề của văn hoá trong mối quan hệ biện chứng với các điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội, khẳng định tính đa dạng trong sự thống nhất của văn hoá Việt Nam.
 Cuốn “Trên mảnh đất ngàn năm văn vật” lại là một chuyên khảo sâu sắc về vùng đất Thăng Long - Hà Nội. Giá trị khoa học của công trình không chỉ dừng lại ở chỗ cung cấp cho người đọc những kiến giải về lịch sử, văn hoá của Thăng Long xưa mà còn dựa vào những quy luật của sự vận động, phát triển để định hướng cho những giá trị văn hoá của Hà Nội.
“Văn hoá Việt Nam - tìm tòi và suy ngẫm” lại mang những giá trị khoa học sâu sắc khi tác giả đi từ những phân tích về thành tố của văn hoá Việt Nam để tổng hợp thành những nguyên lí của sự vận động của văn hoá Việt Nam trước những tác động của lịch sử, kinh tế, xã hội. Người đọc không chỉ bị hấp dẫn bởi các tri thức về văn hoá mà còn bị lôi cuốn vào các nguyên lí - lí thuyết văn hoá, tưởng như rất khô cứng nhưng lại được luận giải bằng những ví dụ rất gần gũi, đầy tính thuyết phục.
Có thể nói cụm 3 công trình của cố GS. Trần Quốc Vượng có giá trị khoa học rất cao, đặt nền tảng cho phương pháp nghiên cứu liên ngành cũng như khẳng định vị thế của nghiên cứu văn hoá trong ngành KHXHNV Việt Nam.
2. “Thăng Long - Hà Nội thế kỷ XVII-XVIII-XIX” (1993) (PGS.TS Nguyễn Thừa Hỷ): công trình khoa học xuất sắc về Thăng Long - Hà Nội
Từ một luận án tiến sĩ Sử học bảo vệ thành công năm 1984, tác giả - PGS.TS Nguyễn Thừa Hỷ - đã phát triển thành cuốn sách “Thăng Long - Hà Nội thế kỷ XVII-XVIII-XIX” xuất bản năm 1993. Do giá trị khoa học lớn của nó, cuốn sách đã được dịch sang tiếng Anh, xuất bản năm 2002. Năm 2006, dựa trên công trình trên, tác giả cộng tác với Dự án “Tủ sách Thăng Long 1000 năm văn hiến” bổ sung tư liệu và viết lại thành hai cuốn sách mới là “Kinh tế - xã hội đô thị Thăng Long - Hà Nội thế kỷ XVII-XVIII-XIX” và “Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: tuyển tập tư liệu phương Tây”, xuất bản năm 2010.
Công trình tập trung nghiên cứu về Thăng Long - Hà Nội - một đô thị trung đại tiêu biểu của Việt Nam trong các thế kỷ XVII-XVIII-XIX. Đây là giai đoạn có tính chất bản lề, đánh đấu bước chuyển quan trọng của Thăng Long - Hà Nội, một đô thị truyền thống trước những tác động to lớn của đời sống chính trị - xã hội đất nước, của bối cảnh hội nhập khu vực và quốc tế, của chủ nghĩa thực dân từ các nước tư bản phương Tây.
Giá trị nổi bật của công trình là đã đưa ra một hướng tiếp cận mới về đô thị Việt Nam truyền thống dựa trên kết cấu kinh tế - xã hội, cung cấp những nguồn tư liệu gốc đương thời, đặc biệt là các tư liệu bằng tiếng nước ngoài, được xử lí một cách khoa học, giúp các nhà nghiên cứu tiếp tục đi sâu và mở rộng vấn đề. Công trình khuyến khích phương pháp nghiên cứu cấu trúc hệ thống, liên ngành, chú trọng đến tính khách quan, phức hợp và toàn diện của lịch sử. Công trình cũng gợi mở, khuyến nghị một số luận điểm mới về xây dựng và phát triển đô thị, kinh tế hàng hoá, nền dân chủ đô thị, hội nhập quốc tế, đặt lại một số vấn đề trước đây chưa được làm sáng tỏ.
Năm 2002, khi đề nghị dịch công trình này sang tiếng Anh, nhà văn hoá người Mỹ Bacbara Cohen đã từng nhận xét: “Khai thác một khối lượng những tư liệu gốc khó tiếp cận bằng nhiều thứ tiếng, GS. Hỷ đã giới thiệu một kho báu những sự kiện đan dệt thành một bản tiểu sử có giá trị về sự phát triển của một trong những đô thị quan trọng nhất ở Đông Nam Á. Ông xây dựng nên một bức tranh hấp dẫn và xác đáng của sự chuyển đổi kinh tế, xã hội của Hà Nội và những tác động của nó đến quy hoạch diện mạo hình thể của đô thị. Quyển sách này có giá trị cho những sinh viên ngành lịch sử đô thị châu Á và cho những doanh nhân muốn tìm hiểu nền tảng sâu xa để biết rõ những nguồn gốc của những hoạt động kinh doanh ở Việt Nam”.
PGS.TS Trần Thị Vinh (Viện Sử học): “Đây là một công trình khoa học có giá trị xuất sắc nghiên cứu về Thăng Long - Hà Nội. Tác giả Nguyễn Thừa Hỷ đã dày công khảo cứu về các lĩnh vực kinh tế - xã hội của Thăng Long - Hà Nội qua 3 thế kỷ bằng những nguồn tài liệu xác thực đương thời. Đặc biệt, tác giả đã sử dụng và khai thác rất tốt, rất thuần thục nguồn tài liệu bằng tiếng phương Tây do những du kí của những người nước ngoài mà đại bộ phận là các giáo sĩ, thương nhân, quan chức phương Tây đến Hà Nội đương thời - là nguồn tài liệu vô cùng quý báu mang tính chứng nhân đương đại để phục dựng lại diện mạo của đô thị và mô tả các mặt đời sống của nhân dân ở Thăng Long. Trong số 221 đầu sách tham khảo thì có tới gần 100 đầu sách được sử dụng trực tiếp bằng tiếng Anh, tiếng Pháp. Điều này làm tăng giá trị khoa học của công trình và tính chính xác cũng như chất lượng của công trình.
Ai quan tâm đến Thăng Long - Hà Nội cũng phải tìm đọc và sử dụng có hiệu quả những kết quả nghiên cứu của công trình của PGS.TS Nguyễn Thừa Hỷ. Đây là một trong những công trình để đời, giúp ích nhiều cho sự hiểu biết sâu sắc về Thăng Long - Hà Nội thời trung đại. Tuy đã ra mắt bạn đọc gần 20 năm nhưng tính phục vụ của nó đối với thực tiễn vẫn còn nguyên giá trị”.
3. Ngữ âm tiếng Việt (1977) (GS.TS Đoàn Thiện Thuật): công trình khoa học toàn diện và hệ thống về Ngữ âm tiếng Việt
Cuốn “Ngữ âm tiếng Việt” được xuất bản lần đầu năm 1977, đến nay đã được tái bản nhiều lần, được coi là cuốn giáo trình không thể thiếu đối với đào tạo sinh viên, học viên, NCS chuyên ngành Ngôn ngữ học về lĩnh vực ngữ âm tiếng Việt. Tác giả là GS.TS Đoàn Thiện Thuật - chuyên gia đầu ngành về Ngữ âm tiếng Việt của Việt Nam.
Nội dung cuốn sách là cấu trúc âm vị học tiếng Việt. Tác giả đã làm sáng tỏ một vấn đề quan trọng, đó là trong tiếng Việt, ranh giới của âm tiết trùng với ranh giới của hình vị và lấy âm tiết làm điểm xuất phát phân tích âm vị học. Căn cứ vào thái độ của người bản ngữ qua việc cấu tạo từ, phép lặp từ, vần thơ, nói lái mà thấy âm tiết tiếng Việt gồm 3 bộ phận là thanh điệu, âm đầu và vần. Trong Vần lại có những yếu tố nhỏ hơn là âm đệm, âm chính, âm cuối. Đây là lần đầu tiên sách đưa ra một mô hình âm tiết 5 thành phần và chia ra 2 bậc. Sách Ngữ âm tiếng Việt 1977 khi in ra được dùng trong tất cả các trường đại học và là cơ sở lí luận cho việc viết sách và dạy ghép vần ở trường phổ thông.
GS.TS Mai Ngọc Chừ (Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN): “Công trình là một bức tranh toàn cảnh, toàn diện và hệ thống về tất cả những vấn đề liên quan đến âm tiết tiếng Việt. Tác giả đã tập hợp và phân tích tất cả các quan điểm của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước về âm tiết tiếng Việt và đưa ra những đánh giá có sức thuyết phục đối với từng quan điểm. Người viết đã làm sáng tỏ được bản chất của âm tiết tiếng Việt và các ngôn ngữ cùng loại hình đơn lập, đó là âm tiết là vỏ ngữ âm của hình vị. Sau khi phân tích, đánh giá các giải pháp và tiếp thu kết quả nghiên cứu của người đi trước, tác giả đã đưa ra quan điểm riêng của mình về cấu trúc âm tiết tiếng Việt và các hệ thống âm vị học của tiếng Việt. Quan điểm này, về cơ bản cho đến nay vẫn được nhiều người chấp nhận.
Ở Việt Nam, tất cả các sinh viên, học viên cao học, NCS khi làm luận văn, luận án về ngữ âm đều coi cuốn sách là “cẩm nang” của mình. Nhiều nhà nghiên cứu khi xem xét các ngôn ngữ dân tộc ở Việt Nam cũng đã tìm đọc Ngữ âm tiếng Việt của GS. Đoàn Thiện Thuật. Cuốn sách có thể coi là một giáo trình “mẫu mực” về tính sư phạm và giá trị thực tiễn. Dù được biên soạn cách đây 30 năm nhưng những điều được trình bày trong sách vẫn không bị lạc hậu, trái lại vẫn có giá trị khoa học và thực tiễn cao. Có thể kiểm định điều này bằng cách so sánh nội dung của bản in gần đây nhất với bản in đầu tiên, tác giả gần như không sửa gì. Điều đó chứng tỏ sức sống lâu bền của công trình”.
4. Cụm công trình “Từ vựng học tiếng Việt” (1985) và “Từ và nhận diện tiếng Việt” (1996) (GS.TS Nguyễn Thiện Giáp): xây dựng khung lí thuyết nhất quán và triệt để, để xử lí vấn đề về định nghĩa và nhận diện từ tiếng Việt
Cuốn Từ vựng học tiếng Việt xuất bản lần đầu năm 1985, là một trong các giáo trình cơ bản của Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nay là Khoa Ngôn ngữ học, Trường ĐHKHXH&NV. Sách đã vận dụng những nguyên lí hiện đại trong từ vựng học và ngữ nghĩa học của thế giới vào việc giải quyết những vấn đề về từ vựng, ngữ nghĩa tiếng Việt được nghiên cứu; và ở lĩnh vực nào công trình này cũng đã thể hiện những đóng góp riêng.
Đóng góp của công trình thể hiện ở chỗ: đã cập nhật lí luận hiện đại của ngôn ngữ học thế giới vào nghiên cứu từ vựng và ngữ nghĩa tiếng Việt; đã miêu tả nghĩa học của từ vựng tiếng Việt một cách toàn diện; đồng thời, miêu tả khá rõ các lớp từ vựng tiếng Việt về các phương diện nguồn gốc, phạm vi sử dụng, mức độ sử dụng, miêu tả quá trình phát triển lịch sử cũng như các vấn đề chuẩn hoá của từ vựng tiếng Việt. Giáo trình này đã được nhiều trường đại học và cao đẳng trong cả nước sử dụng làm tài liệu giảng dạy. Năm 2010, cuốn sách được NXB Giáo dục tái bản lần thứ 10.
Từ và nhận diện từ tiếng Việt là kết quả của một đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ "Vấn đề nhận diện và phân loại các đơn vị từ vựng tiếng Việt" và dự án sản xuất thử nghiệm cấp Bộ "Từ và âm tiết trong tiếng Việt". Đây là một công trình công phu, có chất lượng tốt, đóng góp không nhỏ vào việc giải quyết một vấn đề hết sức quan trọng nhưng cực kì nan giải trong Ngôn ngữ học. Công trình đã chỉ ra sự chưa nhất quán, chưa hợp lí, chưa phù hợp với thực tế của những cách xác định từ và hình vị trong tiếng Việt. Trên cơ sở thành tựu của ngôn ngữ học hiện đại, tác giả đã đề xuất một giải pháp riêng nhằm khắc phục những nhược điểm nói trên.
PGS.TS Vũ Đức Nghiệu (Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN): “Đây là cụm công trình khảo luận những vấn đề lí luận chuyên sâu về từ và từ vựng tiếng Việt. Với hai công trình này, lần đầu tiên khung lí thuyết về định nghĩa và nhận diện từ nói chung, cũng như khung lí thuyết và định nghĩa, nhận diện từ của tiếng Việt nói riêng, được tổng kết đầy đủ; đồng thời đề xuất, áp dụng các khung lí thuyết đó một cách chặt chẽ, triệt để, nhất quán và có tính khách quan cao.
Những vấn đề lí luận mà hai công trình này đề xuất đã đem đến cho Việt ngữ học một cách nhìn nhận mới và lí giải mới đối với những vấn đề hữu quan cần giải quyết, nhờ xuất phát từ thực tiễn của chính Việt ngữ, phối hợp tốt với những quan điểm khoa học hợp lí trong lí luận ngôn ngữ học. Mặt khác, những vấn đề cần phải giải quyết đã được hai công trình này xử lí khách quan trên các chiều quan sát hỗ trợ nhau một cách biện chứng.
Hai công trình này thực sự là một bước tiến trong lĩnh vực nghiên cứu lí luận về từ và từ vựng tiếng Việt, nếu xét cả về tính chất mới mẻ lẫn tính chất hệ thống, triệt để và phù hợp với thực tiễn”.
5. Cụm công trình: Sự nghiệp văn học, báo chí Hồ Chí Minh và một số vấn đề lí luận, thực tiễn văn hoá, văn nghệ Việt Nam (GS.NGND Hà Minh Đức): cái nhìn toàn diện, hệ thống về sự nghiệp văn thơ, báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh và một số vấn đề lịch sử văn học, lí luận văn học, nghệ thuật.
Cụm công trình gồm Nhóm công trình 1: “Sự nghiệp văn thơ Hồ Chí Minh”, “Báo chí Hồ Chí Minh” (phần chuyên luận); Nhóm công trình 2: “Tự lực văn đoàn - trào lưu và tác giả” (phần chuyên luận), “Một nền văn hoá văn nghệ đậm bản sắc dân tộc với nhiều loại hình nghệ thuật phong phú”. Cụm công trình của GS.NGND Hà Minh Đức là thành tựu đặc biệt xuất sắc, nghiên cứu toàn diện, có hệ thống và thành công nhất về sự nghiệp văn thơ, báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh và một số vấn đề lịch sử văn học, lí luận văn học, nghệ thuật.
Các công trình về Hồ Chí Minh với những kiến giải khoa học sâu sắc và có sức thuyết phục cao đã khái quát những đóng góp to lớn của tác giả Hồ Chí Minh cho sự nghiệp văn học và báo chí của dân tộc. Về cuốn “Sự nghiệp văn thơ Hồ Chí Minh”, PGS.TS Thành Duy trên báo Văn nghệ số ra ngày 2/9/2010 nhận xét: “Có thể nói đây là một tập sách quý, một tập sách có mặt kịp thời trong những ngày chúng ta kỷ niệm 120 năm ngày sinh Hồ Chí Minh, trong bối cảnh cả nước đang tiến hành Đại hội Đảng các cấp để tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc và bước vào giai đoạn tổng kết Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Cần phải khẳng định nghiên cứu về văn thơ Hồ Chí Minh, Hà Minh Đức không chỉ có nhiều đóng góp qua những bài viết xuất sắc nêu được cái hay, cái đẹp và những giá trị tư tưởng sâu sắc trong tác phẩm của Người..., hơn thế nữa tác giả còn là người bảo vệ khá xuất sắc về thơ Hồ Chí Minh qua bài viết nhiệt huyết, đầy sức thuyết phục nhằm phê phán Lê Hữu Mục với ý định xuyên tạc phủ nhận Nhật ký trong tù của Người”. PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn trên báo Sài Gòn giải phóng số ra ngày 14/5/2000 nhận xét về “Báo chí Hồ Chí Minh”: “Một trong những mặt mạnh của công trình là đã bao quát đầy đủ và thâm nhập kỹ lưỡng các nguồn tư liệu cũng như những ý kiến đánh giá của nhiều người khác về tác phẩm của Hồ Chí Minh. Chính trên cơ sở đó mà người viết vừa định hướng các bài báo, vừa xác định được vị trí, vai trò của chúng trong chiều dài những chặng đường lịch sử của báo chí cách mạng và nền báo chí Việt Nam nói chung. Dõi theo sự nghiệp báo chí gần 60 năm gắn liền với cuộc đời của nhà cách mạng Hồ Chí Minh, người viết không chỉ thông tin lược thuật nội dung qua từng thời kỳ mà tiến tới xác định chiều sâu văn hoá các trang báo, bản sắc và dấu ấn độc đáo của chủ thể sáng tạo, sự phong phú của sắc điệu ngôn ngữ và sự đa dạng của thể loại báo chí”.
Các công trình về một số vấn đề văn hoá nghệ thuật của GS. Hà Minh Đức có giá trị cao về văn học sử cũng như phương pháp luận nghiên cứu. Các công trình này đã đánh giá một cách sâu sắc về vị trí và những đóng góp của nhóm Tự lực văn đoàn - một trào lưu văn học trước đây chưa được đánh giá thoả đáng; đồng thời lí giải một cách thuyết phục về những đặc trưng của nền văn hoá Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc. Cụm công trình được đánh giá là có ảnh hưởng sâu rộng trong việc nghiên cứu văn hoá, văn học Việt Nam thế kỷ XX. Báo Văn nghệ số ra ngày 14/7/2007 đã đăng ý kiến nhận định của Lê Thị Đức Hạnh về “Tự lực văn đoàn - trào lưu và tác giả”: “... là công trình công phu, có nội dung, có giá trị học thuật cao. Trong phần khảo luận, mỗi vấn đề, mỗi ý, mỗi câu chữ đều được đào sâu suy nghĩ qua những phân tích sắc bén, liên hệ, so sánh mở rộng rồi tổng hợp chính xác... làm nên sức nặng và sức hấp dẫn cho những trang viết...Tất cả đã tạo nên thành công của cuốn sách”.
 Thanh Hà - Bản tin số 250 - 251
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Các bài mới hơn
  • Không có bài nào mới hơn !
Các bài cũ hơn
  • Không có bài nào cũ hơn !
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC