18:06:43 Ngày 20/04/2024 GMT+7
Đại học phải là nơi nuôi dưỡng nhân tài và sáng tạo
Hội nghị Hiệu trưởng các trường đại học Việt Nam – Nhật Bản lần thứ 2 diễn ra tại Đại học Kyoto (Nhật Bản) từ 12 - 13 /3 /2012, do Đại học Kyoto và ĐHQGHN đồng tổ chức, với sự bảo trợ của Bộ GD&ĐT Việt Nam, Hiệp hội xúc tiến Khoa học Nhật Bản (JSPS) và Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ của Nhật Bản đã thành công tốt đẹp. Hơn 150 đại biểu tới từ 43 trường Đại học Nhật Bản và 32 trường Đại học Việt Nam tham dự hội nghị. Xung quanh hội nghị này, GS.TSKH Vũ Minh Giang - Phó Giám đốc ĐHQGHN, đồng Trưởng Ban tổ chức hội nghị cho biết:
Trong bối cảnh Việt Nam và Nhật Bản đang đẩy mạnh hợp tác về phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt sau chuyến thăm Nhật Bản vào cuối tháng 10/2011 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hai Thủ tướng Việt Nam và Nhật Bản đã ký tuyên bố chung, trong đó nhấn mạnh về hợp tác phát triển nguồn nhân lực. Vì vậy, chủ đề của hội nghị là “Tăng cường hợp tác giáo dục và nghiên cứu giữa Việt Nam và Nhật Bản”.
Cùng với những báo cáo quan trọng được trình bày tại phiên toàn thể, hội nghị được chia thành 3 tiểu ban thảo luận song song để các đại biểu chia sẻ những quan điểm của mình về trường đại học trong thế kỷ 21; hợp tác giáo dục và nghiên cứu, đảm bảo chất lượng giáo dục; phát triển hệ thống trường đại học để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Xin Giáo sư cho biết mục tiêu của hội thảo?
Hội nghị nhằm đánh giá kết quả hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu khoa học giữa các trường đại học Việt Nam và Nhật Bản trong thời gian qua, đồng thời tạo cầu nối để các trường đại học hai nước giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu, tổ chức quản lý, xây dựng chất lượng đào tạo… Cùng với đó là đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác, hỗ trợ của các trường đại học Nhật Bản đối với các trường đại học của Việt Nam trong thời gian tới, đặc biệt nhằm nâng cao khả năng nghiên cứu khoa học.
Mặt khác, hội nghị đã tạo dựng cơ sở vững chắc để phát triển quan hệ hợp tác giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học và sau đại học giữa hai nước trong đó nhấn mạnh, các trường đại học là môi trường thuận lợi để nuôi dưỡng nhân tài và sáng tạo.
Các đại biểu tham dự hội nghị nhận định như thế nào để hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Nhật Bản được tăng cường hơn nữa, thưa Giáo sư?
Các ý kiến đều cho rằng, muốn thúc đẩy hợp tác cần phải hiểu rõ thực trạng, khó khăn và hạn chế của sự hợp tác để từ đó có những giải pháp hiệu quả.
Hiện nay, số lượng sinh viên Việt Nam du học ở Nhật Bản đã đứng thứ tư trong số gần 20 nước có lưu học sinh ở Nhật, nhưng như vậy vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Về một phương diện khác, quan hệ hợp tác giáo dục Việt Nam – Nhật Bản còn hạn chế là sinh viên Nhật Bản sang Việt Nam chưa nhiều và đang có chiều hướng giảm đi. Các nhà quản lý giáo dục và cơ sở đào tạo hai nước đang dành nhiều thời gian để thảo luận nhằm tìm ra giải pháp khắc phục.
Đâu là nguyên nhân, thưa Giáo sư?
Thứ nhất là hàng rào ngôn ngữ, tiếng Nhật chưa phải là ngôn ngữ phổ biến. Bên cạnh đó, các thủ tục sang học tập tại Nhật còn phức tạp, giá sinh hoạt phí ở Nhật đắt đỏ.
Còn những du học sinh Nhật sang học tập ở Việt Nam bị điều tiết bởi quy luật cung cầu, khó tìm việc làm phù hợp khi trở về nước, cùng với đó là các học bổng khuyến khích sinh viên Nhật sang Việt Nam chưa nhiều.
Vậy hội nghị đã đưa ra giải pháp gì?
Nhật Bản muốn có nhiều du học sinh Việt Nam thì cần phải có nhiều chương trình quốc tế giảng dạy bằng tiếng Anh. Bên cạnh đó phải tăng cường học bổng không chỉ của chính phủ mà cần phải thu hút các học bổng từ các doanh nghiệp, tổ chức xã hội, cơ sở nghiên cứu.
Ngoài ra, Nhật Bản đang có chương trình “Z ngược”, khuyến khích du học sinh Nhật sang Việt Nam không chỉ học tập, nghiên cứu chuyên môn mà còn tham gia giảng dạy tại các cơ sở đại học có đào tạo tiếng Nhật, giảng dạy về Nhật Bản học. Với vị thế là trung tâm đào tạo và nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, ĐHQGHN là một trong những địa chỉ mà nhiều sinh viên Nhật đến học tập.
Giải pháp tiếp theo là xây dựng những cơ sở giáo dục đào tạo tại Việt Nam để tranh thủ kinh nghiệm, công nghệ và sự hậu thuẫn từ các trường đại học Nhật Bản, chẳng hạn như xây dựng một trường đại học theo mô hình Nhật Bản. ĐHQGHN cũng sẽ xây dựng trường ĐH quốc tế trong đó có sự giúp đỡ, tham khảo từ các trường đại học hàng đầu của Nhật Bản, kết nối với dự án công nghệ cao ở Hòa Lạc để trở thành một tổ hợp đào tạo và nghiên cứu chất lượng cao.
Đối với một hội nghị có ý nghĩa lớn và tính chất “phức tạp” như thế này, Giáo sư có thể cho biết tại sao lại chọn ĐHQGHN là đơn vị đồng tổ chức?
Trước hết phải nói đến vị thế của ĐHQGHN. Khi Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ của Nhật Bản giao cho Đại học Kyoto làm đầu mối thì Bộ GD-ĐT Việt Nam cũng đã chọn một đại học tương xứng của Việt Nam. ĐHQGHN là một lựa chọn đúng đắn. Hơn thế, ĐHQGHN còn có những quan hệ rất đặc biệt với Nhật Bản. ĐHQGHN tham gia mạng lưới 4 đại học hàng đầu Đông Á (BESETOHA) và có quan hệ mật thiết từ nhiều năm nay với Đại học Kyoto. Và khi Nhật Bản có chủ trương thực hiện dự án G30 với hướng tạo điều kiện cho khoảng 300.000 đến học tập tại các trường đại học của Nhật Bản, thì Văn phòng Hợp tác ĐHQGHN - Đại học Kyoto (VKCO), mà thực chất là văn phòng đại diện cho các trường đại học Nhật Bản, được chọn đặt ở ĐHQGHN.
Mặt khác còn phải kể đến uy tín của ĐHQGHN tại Nhật Bản ngày càng được nâng cao. Nhiều trường đại học và cơ sở nghiên cứu hàng đầu của Nhật Bản đã chủ động thiết lập quan hệ hợp tác với ĐHQGHN, nhiều chương trình hợp tác quan trọng đều có sự tham gia của ĐHQGHN.
Để làm tốt vai trò đồng tổ chức, ĐHQGHN đã nỗ lực vượt bậc và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, được tất cả các bên tham gia đánh giá tốt. Giám đốc ĐH Kyoto cùng với Giám đốc ĐHQGHN đảm nhiệm vị trí đồng chủ trì hội nghị, cùng với đó, Phó Giám đốc phụ trách đối ngoại của Đại học Kyoto và Phó Giám đốc ĐHQGHN là đồng Trưởng Ban tổ chức. Ban tổ chức đã làm việc nghiêm túc, khẩn trương, trách nhiệm để các trường đại học trong cả hai nước hiểu được ý nghĩa, quan tâm đến hội nghị và đã có 32 trường đại học Việt Nam tham gia.
Với tư cách là đồng Trưởng Ban tổ chức, Giáo sư đánh giá như thế nào về hội nghị?
Hội nghị đã đạt được những kết quả tốt đẹp, thu hút được sự quan tâm của nhiều cơ quan, trường đại học của cả hai nước. Hội nghị được đánh giá rất thành công không chỉ dừng lại ở mục tiêu là giúp các trường đại học hai nước hiểu sâu sắc hơn về nhau mà còn dẫn tới việc ký kết những hợp tác cụ thể, trong đó 8 biên bản ghi nhớ hợp tác được ký kết ngay tại hội nghị.
Các đại biểu tham dự hội nghị cũng đã đánh giá cao vai trò của ĐHQGHN trong việc tổ chức hội nghị này. Điều này một lần nữa khẳng định vai trò đại diện quốc gia của ĐHQGHN trên trường quốc tế. Tôi tin rằng, trong các chương trình hợp tác dài hạn tiếp theo, ĐHQGHN sẽ có vị thế mới.
Trong qúa trình chuẩn bị và tổ chức Hội nghị này, Văn phòng Hợp tác ĐHQGHN - ĐH Kyoto và Ban Quan hệ quốc tế ĐHQGHN được giao nhiệm vụ làm đầu mối liên lạc hai bên, tổ chức công tác hậu cần và chắp nối sự hợp tác giữa các trường cũng như hỗ trợ các trường trong việc quảng bá hình ảnh. Có thể nói ĐHQGHN đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần vào thành công chung của hội nghị và được các đại biểu hai phía đánh giá cao.
Xin cảm ơn GS!

 

 Đức Minh (thực hiện) - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Các bài mới hơn
  • Không có bài nào mới hơn !
Các bài cũ hơn
  • Không có bài nào cũ hơn !
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC