23:30:04 Ngày 19/04/2024 GMT+7
Thầy Trần Văn Giàu và những bài học lớn
Tết này thầy Giàu không còn được ăn Tết với chúng ta. Tuy nhiên, Thầy đã trải qua một cuộc đời đầy ý nghĩa và đạt tới những kỉ lục hiếm có. Ðó là người cao niên nhất trong số các nhà cách mạng lão thành, những vị lãnh đạo được nhận huân chương Hồ Chí Minh, các giáo sư, các anh hùng lao động, các danh nhân đoạt giải thưởng Hồ Chí Minh.

Vẫn biết cuộc đời là hữu hạn, sinh tử là quy luật của muôn đời nhưng sự ra đi của Thầy Giàu đã để lại biết bao tiếc thương, đau xót cho nhân dân cả nước. Trong tâm trí chúng tôi, những người từng được học thầy thì thầy vẫn sống mãi, thầy sống trong niềm kính trọng của mọi người, thầy sống như một tấm gương cao đẹp của một trí thức yêu nước đã chiến đấu, lao động hết mình vì sự nghiệp giải phóng đất nước cũng như vì sự nghiệp phát triển giáo dục và khoa học.

Thật không thể nào quên được nhà cách mạng tiền bối, cây đại thụ trong giới trí thức cùng người vợ yêu quý lại có thể sống thanh thản nhiều năm trong một căn hộ chật hẹp tại khu tập thể nhỏ bé tại phố Phan Huy Chú. Sau này khi đã có ngôi nhà khang trang tại Thành phố Hồ Chí Minh thì thầy cô lại quyết định đổi lấy 1000 cây vàng (năm 2001) để xây dựng một ngôi trường tặng quê hương của vợ và lập Giải thưởng khoa học mang tên Thầy để dành tặng cho những công trình khoa học xuất sắc trong lĩnh vực khoa học xã hội, các công trình nghiên cứu về Nam Bộ .

Thầy tên là Giàu vì sinh trưởng trong một gia đình giàu có nhất vùng Châu Thành ,Tân An (nay là Long An) nhưng thầy đã dứt bỏ giàu sang để chọn con đường học vấn và làm cách mạng.

Năm 1930, tại Toulouse, Pháp, Thầy không chỉ lo trau dồi kiến thức mà đã tự nguyện gia nhập Ðảng Cộng sản Pháp từ năm mới 19 tuổi. Năm 20 tuổi, thầy lên Paris tham gia cuộc biểu tình đòi chính phủ Pháp hủy án tử hình đối với các thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa Yên Bái. Vì sự kiện này Thầy bị bắt giam tại nhà tù Loa Roquillis và sau đó bị trục xuất về nước. Thầy không làm được lời hứa với gia đình là sẽ “đem về hai bằng tiến sĩ” nhưng sau những năm tháng sôi nổi tham gia cách mạng thầy lại tiếp tục làm thầy và đào tạo biết bao nhiêu giáo sư, tiến sĩ cho đất nước. Về Sài Gòn thầy vừa dạy học tại Trường Huỳnh Công Phát vừa liên hệ với cách mạng và được kết nạp vào Ðảng Cộng sản Ðông Dương. Thày cùng nhà văn hóa Hải Triều phụ trách Ban Học sinh và Ban Phản đế của Xứ ủy Nam Kỳ. Sau cao trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh, thầy được Ðảng cử sang học tại Trường Ðại học Ðông Phương Matxcơva. Năm 22 tuổi, thầy tốt nghiệp trường đại học này với luận văn Vấn đề ruộng đất ở Ðông Dương. Thầy trở lại Sài Gòn và tham gia tổ chức lại Xứ ủy Nam Kỳ, tham gia xuất bản tờ báo cách mạng Cờ đỏ và bộ sách Cộng sản tùng thư. Thầy nổi tiếng với những bài diễn thuyết hùng hồn trước hàng ngàn người nghe tại Sài Gòn nhằm thức tỉnh lòng yêu nước, trong dân chúng. Chính vì những hoạt động can đảm này, thầy bị thực dân Pháp kết án 5 năm tù và 10 năm quản thúc. Khi đó thầy mới 24 tuổi đời. Trong Khám lớn Sài Gòn, thầy được cử làm Tổng đại diện tù nhân để công khai đòi Cai ngục cải thiện chế độ sinh hoạt cho tù nhân. Chính vì sự dũng cảm này mà năm 26 tuổi, thầy đã bị đưa đi biệt giam tại nhà tù Bâtiment S cho đến tận khi mãn hạn tù vào năm 1940. Tuy vậy chỉ sau mấy ngày thầy lại bị bắt trở lại và bị đưa đi an trí tại trại Tà Lài (Tân Phú, Ðồng Nai). Một lần nữa thầy lại được các tù nhân bầu làm Tổng đại diện. Sau một năm, thầy tổ chức cuộc vượt ngục thành công. Thầy tìm cách trở lại hoạt động tại Sài Gòn. Năm 1943, thầy đảm nhiệm trọng trách Bí thư xứ ủy Nam Kỳ , Ở tuổi 32 dù không liên lạc được với Trung ương ngoài Bắc, thầy kể lại:“Không đành chịu ngồi chờ, bất đắc dĩ bọn tôi phải tự vạch ra một đường lối cách mạng” cho Nam Kì. Thầy đã chủ trương: "Ta phải mạnh hơn tất cả các chánh đảng và giáo phái thân Nhật cộng lại thì mới mong đem chính quyền về tay nhân dân được”. Ngoài việc khôi phục lại hệ thống Ðảng các cấp, thành lập Tổng công đoàn Nam Kỳ, Tân dân chủ đoàn, Hội truyền bá quốc ngữ, báo Thanh niên, báo Tiền phong, bộ sách bỏ túi tuyên truyền cách mạng…Thầy đã trực tiếp mở các lớp huấn luyện chính trị. Thầy đã cộng tác được với các đảng viên trí thức như Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Văn Thủ, Huỳnh Văn Tiểng… để lập lại các mối quan hệ với chi bộ địa phương, kết nạp những đoàn viên Thanh niên Tiền phong đáng tin cậy nhất vào những “đội xung phong” và thành lập các đơn vị Cứu quốc của Việt Minh. Thanh niên Tiền phong đóng vai trò vỏ bọc cho những nỗ lực của Ðảng vận động thanh niên yêu nước phục vụ sự nghiệp cách mạng trong tương lai… Phong trào này lan rộng trong giai đoạn mùa xuân và mùa hè 1945 tại các trường học, nhà máy và làng xã. Ðến tháng 8, Thanh niên Tiền phong đã có số hội viên trên một triệu, ở hầu hết các tỉnh Nam Bộ. Sau khi Nhật tuyên bố đầu hàng Ðồng minh, nhận thấy thời cơ đã đến, Thường vụ Xứ ủy thành lập Ủy ban khởi nghĩa đêm 15 tháng 8 năm 1945 và triệu tập hội nghị Xứ ủy Nam Kì mở rộng bàn về khởi nghĩa, với dự định sẽ khởi nghĩa vào ngày hôm sau, nhân cơ hội Lễ tuyên thệ của Thanh niên Tiền phong tại Sài Gòn. Hội nghị họp tại Chợ Ðệm tối 16, tuy nhiên, với kinh nghiệm Khởi nghĩa Nam Kì, một số đại biểu tranh luận gay gắt về thời điểm. Hội nghị đồng ý tiếp tục chuẩn bị chu đáo, chờ tin từ Hà Nội, dời ngày khởi nghĩa đến ngày 18. Sau khi nhận được tin Hà Nội khởi nghĩa thắng lợi, ngay sáng 20 tháng 8, hội nghị Chợ Ðệm lần thứ hai tiếp tục bàn việc khởi nghĩa. Thầy đề nghị chọn Tân An làm thí điểm khởi nghĩa và cử đại biểu trở về tỉnh phát động khởi nghĩa. Khởi nghĩa ở Tân An thành công tối 22 tháng 8. Hội nghị Chợ Ðệm lần thứ ba tối 23 tháng 8 đã lập tức chỉ định lập Ủy ban Hành chánh lâm thời cho toàn Nam Bộ, gọi tắt là Lâm ủy Nam Bộ, thầy được bầu làm chủ tịch. Chiều 24 tháng 8, lực lượng Thanh niên Tiền phong vũ trang dưới quyền lãnh đạo của Xứ ủy Nam Kì ở Tân An, Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Tây Ninh khởi nghĩa giành chính quyền và sau đó dồn về Sài Gòn. Ngày 25 tháng 8, đến lượt Sài Gòn nổ ra cuộc biểu tình lớn và hầu hết các cơ sở quản trị lọt vào quyền kiểm soát của Lâm ủy Nam Bộ. Tại Lễ đài Ðộc lập ngày 2 tháng 9 năm 1945, Lâm ủy Nam Bộ đã tổ chức buổi tiếp sóng Ðài Tiếng nói Việt Nam và phát thanh lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập qua hệ thống loa phóng thanh nhưng do kĩ thuật, việc tiếp sóng không thành. Ở tuổi 34, trong tình thế đó, thầy đã thay mặt cho Lâm ủy Nam Bộ ứng khẩu bài một diễn văn hoành tráng chào mừng ngày lễ Ðộc lập. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, trong hội nghị tại nhà số 629 đường Cây Mai (nay là đường Nguyễn Trãi), thầy được cử làm chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ. Thầy đã viết phát lời kêu gọi nổi tiếng Nam Bộ kháng chiến.

Sau đó, thầy được điều sang Campuchia và Thái Lan để lập căn cứ hậu cần cho Nam Bộ kháng chiến. Ðầu năm 1947, thầy được điều động ra Việt Bắc và bắt tay vào một sự nghiệp mới cho đến cuối đời - sự nghiệp giảng dạy và nghiên cứu, truyền bá khoa học. Trong thời gian ở Việt Bắc, thầy được Bác Hồ rất quý trọng, gần gũi và động viên. Thầy nhớ lại hai kỉ niệm đã được Bác thân mật giáo dục:

“Tôi ở trong Nam ra, lúc đi tôi không có bộ đồ Tây nào đàng hoàng, chỉ có quần áo sơ mi trông rất tềnh toàng. Khi ra Bắc tôi ở nhà ông Ðỗ Ðình Thiện vì ông là bạn học của tôi. Hôm chuẩn bị vào gặp Cụ Hồ, ông Thiện dẫn tôi ra phố Hàng Trống để may một bộ đồ nỉ hết sức đẹp, có bộ cúc áo trông rất sang trọng. Ông Thiện nói với tôi: “Ông Giàu ở Sài Gòn ra phải mặc như vậy để vào gặp Cụ Hồ…” Hôm vào gặp Cụ, tôi mặc bộ quần áo mới. Lúc gặp tôi, Cụ lại cầm tay áo xem cúc áo và khen “Bộ quần áo nỉ đẹp quá, bộ cúc áo cũng thật đẹp!”. Lúc này ông Thiện nói nhỏ với tôi: “Ông Cụ đang phê bình ông đấy!”. Khi về, tôi cất ngay bộ đồ này và lần sau đến gặp Cụ, tôi mặc bộ đồ kaki bình thường. Cụ bắt tay tôi niềm nở, không khen chê gì cả. Tôi hiểu, đó là cách Cụ “chỉnh” mình. Trong khoảng thời gian ở miền Bắc gần một tháng, hàng ngày tôi đến ăn cơm trưa với Cụ tại Phủ Chủ tịch. Tuy nhiên có nhiều bữa ghế của tôi trống vì tôi không đến, Cụ Hồ hỏi những người ngồi ăn chung: “Chú Giàu dạo này ăn ở đâu, sao ít thấy đến ăn trưa ở đây vậy?” Anh em nói với Cụ: “Chắc anh ấy đi ăn cơm ở nhà ông Ðỗ Ðình Thiện” (ông Ðỗ Ðình Thiện là một trong những nhà giàu bậc nhất Hà Nội khi đó và cũng là người đã đóng góp nhiều tiền vào kho bạc đang trống rỗng của chính quyền cách mạng). Sau đó tôi có nghe anh em nói lại, khi nghe nói tôi đi ăn ở nhà ông Ðỗ Ðình Thiện, Cụ Hồ bảo: “Chắc ăn cơm với Bác khổ quá nên chú Giàu đến ăn cơm nhà ông Ðỗ Ðình Thiện ngon hơn”. Bản thân tôi cũng nghe Cụ Hồ nói: “Ăn cơm với Bác cực quá nên chú lại ăn cơm với ông Thiện phải không…”. Rất nhẹ nhàng nhưng với tôi đó là lời nhắc nhở thật thấm thía.Trong lúc dân ta đang khổ, nạn đói năm 1945 đang còn ảnh hưởng đến bao người, đã là cán bộ phải biết khổ cùng với cái khổ của dân, phải sướng sau dân, vậy mà tôi là cán bộ cách mạng lại tìm đến chỗ cơm ngon để ăn thì quả là không được. Qua hai câu chuyện trên tôi thấy những gì Cụ dạy tôi rất sâu sắc và có tác dụng rất cao, cao hơn gấp nhiều lần nếu chỉ thẳng bảo tôi phải làm cái này, làm cái kia.”

Thầy đã tham gia xây dựng ngành Dự bị Ðại học từ trong chiến khu và sau ngày Hòa bình lập lại trên miền Bắc, thầy trở thành Bí thư Ðảng ủy đầu tiên của hai trường đại học. Ðó cũng là năm tôi có may mắn tham gia lớp sinh viên đầu tiên của Trường. Thầy trực tiếp giảng dạy và biên soạn giáo trình cho các môn Chính trị, Triết học, Lịch sử thế giới và Lịch sử Việt Nam. Thầy được Nhà nước phong học hàm Giáo sư đợt đầu tiên. Giữa năm 1956, Trường Ðại học Tổng hợp Hà Nội được thành lập, thầy được cử giữ chức vụ Bí thư Ðảng ủy Trường Ðại học Tổng hợp Hà Nội nhưng vẫn tham gia đào tạo ở Trường Ðại học Sư phạm Hà Nội .

Từ năm 1962, thầy được điều sang công tác tại Viện Sử học và bắt đầu chuyên tâm nghiên cứu về lịch sử và văn hóa cho đến tận cuối đời. Tổng tập Trần Văn Giàu khổ lớn đã được xuất bản năm 2006 đã ghi lại tóm tắt trên 12 công trình khoa học nghiêm túc mà thầy đã lần lượt cho xuất bản. Ðó là tư liệu giáo khoa vô giá đem lại cho đông đảo người đọc những kiến thức phong phú về triết học, sử học, văn hóa học. Tất cả được viết rất nghiêm túc và độc đáo ngay khi tuổi đã cao và có quyền được nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng tuổi già. Thầy coi làm việc là cách tốt nhất để duy trì trí tuệ và sức khỏe. Và thầy đã đạt xa mức cổ lai hi như quan niệm của nhà thơ Ðỗ Phủ.

Thầy thật sự sống mãi không chỉ trong lòng những đồng nghiệp, bạn bè, những học trò của thầy mà có lẽ còn sống mãi trong lòng đông đảo đồng bào cả nước. Một tấm gương sáng ngời đáng để cho mỗi chúng ta học tập, ngưỡng mộ và gắng sức noi theo.

 GS.NGND Nguyễn Lân Dũng - Bản tin ĐHQG Hà Nội số 239/2011
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Các bài mới hơn
  • Không có bài nào mới hơn !
Các bài cũ hơn
  • Không có bài nào cũ hơn !
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC