00:08:19 Ngày 19/04/2024 GMT+7
Ước mơ của ông giáo làng
Chúng tôi về nhà của ông ở xóm 12, xã Quỳnh Thạch (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) vào một buổi chiều đầu tháng 10. Trong căn nhà nằm lọt thỏm cuối xóm, nơi chỉ còn hai vợ chồng nhà giáo đã về hưu, tôi được nghe ông nói về chuyện sưu tầm cũng như mong ước cuối đời.
60 năm sưu tầm sách báo
Thời trai trẻ, Đậu Xuân Tiêu rất hăng hái sản xuất, tham gia thanh niên xung phong, du kích địa phương. Ông được kết nạp Đảng và được cử đi du học ở Trung Quốc năm 1954. Hai năm sau, ông tốt nghiệp Khu học xá Trung ương Trung Quốc rồi về nước. Khi đó, cùng với hàng ngàn thanh niên, tri thức đã hăng hái lên vùng trung du và miền núi phía Bắc để xây dựng vùng kinh tế mới, dạy học cho đồng bào theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông đã xin về Việt Bắc. Nơi ông nhận công tác là dạy học ở một xã của huyện Lục Ngạn, Bắc Giang bây giờ. Tại đây, những năm tháng dạy học, ông đã có dịp sống cùng và hiểu phong tục, tập quán của một số dân tộc thiểu số. Cũng tại nơi này, ông đã kết duyên với một nữ giáo viên quê hương quan họ Kinh Bắc. Khi Bác Hồ qua đời, ông là người dẫn đầu đoàn nhà giáo Nghệ Tĩnh về UBND huyện Lục Ngạn để dâng hương, đặt vòng hoa tưởng nhớ. Từ năm 1971 trở đi, ông xin được chuyển công tác về quê và dạy học ở nhiều địa phương trong huyện Quỳnh Lưu.
Sau 20 năm dạy học tại quê nhà, ông về hưu và bắt đầu sưu tầm những câu danh ngôn, ca dao, dân ca, tục ngữ. Qua một thời gian, ông cho đóng thành sách với khoảng 7000 câu, có những câu mà ông tâm đắc như: “Cái đức của trời đất là được sống mãi. Cái phú quý nhất của thánh nhân là được vị trí của cao sang. Vị trí đó được cụ thể hóa ở tình nhân ái” (Khổng Tử). Ngoài ra, ông còn sưu tầm hàng nghìn số của 31 đầu báo, tạp chí trong và ngoài nước như báo Nhân dân, Công an nhân dân, báo Lao động… cùng hàng trăm cuốn sách văn chương, bài thuốc cổ truyền. Những cuốn sách, số báo qua thời gian đã cũ kỹ, phai màu nhưng vẫn được ông xếp ngăn nắp, bày biện cẩn thận trong căn phòng trên gác căn nhà của mình.
Đặc biệt nhất và đáng quý nhất trong bộ sưu tập của ông là những cuốn sách, tư liệu, tranh ảnh, mẩu chuyện về Bác Hồ. Trong đó phải kể đến những cuốn sách như “Hồ chủ tịch sống mãi trong sự nghiệp chúng ta”; cuốn “Hồi ký về Hồ chủ tịch” của 13 người từng sống và làm việc bên Bác. Ông vừa mở tủ sách ra vừa khoe với tôi: “Hiện giờ, tôi có 400 bức ảnh của Bác, còn tài liệu, văn thơ hay câu chuyện của Người thì nhiều lắm”. Không chỉ sưu tầm sách báo trong nước, ông còn dày công đi đây, đi đó để góp nhặt, mua những cuốn sách của các tác gia nổi tiếng như Leptonxtoi, Macxim Gorki… Ở mảng này, ông tâm đắc nhất là cuốn “Khuyến học” của Fukuzawa (viết năm 1872 đến 1876) nói đến những bài học về tính tự lực, tự cường của người Nhật Bản. “Người ta đi nước ngoài về thường mua cái nọ, cái kia nhưng tôi đi học ở Trung Quốc về quang gánh 2 đầu toàn là sách. Dạy học khi đó không nhớ lương bao nhiêu nhưng khi đi nhận về là tôi đem mua sách. Tôi mê đọc sách đến nỗi có khi đi bộ từ trường về nhà là đọc xong một cuốn sách rồi. Lúc đó mà có một mẫu báo để đọc là quý lắm”, ông tâm sự.
Ước muốn lập thư viện
Bao năm qua, cứ 5 giờ sáng hàng ngày, ông đã chỉnh tề quần áo, mở bài quốc ca thật to để làm lễ chào cờ tại chính sân nhà mình rồi tập thể dục. “Đây là một việc làm thường xuyên, bà con dân làng ban đầu họ cũng bực mình vì tiếng loa to nhưng lâu rồi chắc họ cũng hiểu việc làm của tôi mà không kêu ca, phàn nàn nữa”, ông bộc bạch.
Về hưu, ông còn thường xuyên viết bài góp ý xây dựng Đảng, nền giáo dục các cấp. Những lần Đại hội Đảng, họp Quốc hội ông cũng gửi đơn thư góp ý xây dựng Đảng, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục, bộ máy chính quyền, chống tham nhũng. Trong thư của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An gửi cho ông ngày 4/12/1996 có đoạn viết: “Thay mặt lãnh đạo ngành xin chân thành cảm ơn những ý kiến tâm huyết góp xây dựng Nghị quyết TW II khóa VIII và xin ghi nhận những ý kiến đó trong việc chỉ đạo sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo trên địa bàn tỉnh đồng thời báo cáo lên cấp trên tham khảo. Chúng tôi kính mong ông với kinh nghiệm đã tích lũy được đóng góp thêm nhiều ý kiến góp phần đưa sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo có thêm những bước phát triển mới đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.
Ngoài ra, ông còn làm thơ, viết báo. Hiện giờ, ông đã có 3 tập thơ: “Hồi ký của nhà giáo”; “Đấu tranh là hạnh phúc”; “Công bằng và chân lí”. Con cái, bạn bè khuyên tuổi cao đừng đọc nữa để sức mà nghỉ ngơi nhưng một ngày không viết, không đọc cái gì là ông thấy bứt rứt, khó chịu. Đọc, viết là một phần của cuộc sống ông giáo làng đã ở tuổi “thất thập cổ lai hi” này. Bao năm sưu tầm sách báo, đặc biệt là tranh ảnh của Bác, điều ông tâm đắc nhất là đã học được ở Bác rất nhiều để sống trong đời mà không thấy hổ thẹn với lương tâm, với người xung quanh mình.
Tủ sách của ông có nhiều nhưng cũng chỉ để phục vụ cho cán bộ, giáo viên trong xã cần tìm kiếm tư liệu chứ học sinh, sinh viên không mấy ai biết đến. “Lớp trẻ bây giờ không ham sách, thích chơi bời nhiều nên có mấy đứa biết đến tủ sách của ông giáo già như tôi đâu. Tôi đã đề xuất lên chính quyền địa phương mong được hỗ trợ kinh phí in 400 bức ảnh của Bác cỡ lớn (vì hiện tại hơn 400 bức ảnh về Bác mà ông sưu tầm được chủ yếu là ảnh cỡ nhỏ), xây dựng thư viện sách nhằm giáo dục ý thức người dân trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người và nâng cao văn hóa đọc. Tuy nhiên, vì không có điều kiện nên UBND xã chưa chấp thuận. Nhiều lúc tôi thấy xót xa cho tủ sách và ước muốn làm một cái gì đó cho quê hương mình”, ông nói mà những nếp nhăn dưới mái đầu bạc trắng như co lại.
Chiều buông. Từ biệt căn nhà nhỏ của vợ chồng ông, không biết ước mong cuối đời của người suốt đời cống hiến vì sự nghiệp giáo dục biết đến bao giờ mới có thể trở thành hiện thực?
 Hồ Ngợi - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Các bài mới hơn
  • Không có bài nào mới hơn !
Các bài cũ hơn
  • Không có bài nào cũ hơn !
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC