22:17:00 Ngày 16/04/2024 GMT+7
Đâu cũng là nhà – đâu cũng là quê hương
Bất kỳ ai khi tới Minh Hải (nay đã tách thành 2 tỉnh Cà Mau - Bạc Liêu) đều không khỏi lấy làm ngạc nhiên khi đi tới đâu họ cũng nghe thấy cái tên Phan Ngọc Hiển.
Từ người già, trẻ em, anh xe ôm tới tay bợm nhậu, dù đang “biêng biêng”, nhưng hễ nghe nhắc tới Phan Ngọc Hiển là thái độ trở nên khác hẳn. Sự thành kính, trân trọng hiện lên trên từng nét mặt. đã từ rất lâu người dân nơi đây coi Phan Ngọc Hiển như người thân, ruột rà, là hình mẫu lý tưởng để họ noi theo. Tên ông đã từng được đặt cho một huyện thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Giờ cái tên này gắn liền với hàng chục địa danh ở Cà Mau, Bạc Liêu. Nào là huyện Phan Ngọc Hiển, xã Phan Ngọc Hiển, đại lộ Phan Ngọc Hiển, trường Phan Ngọc Hiển... Cuộc đời nhà báo, nhà văn, nhà giáo, nhà cách mạng Phan Ngọc Hiển đã được nhà thơ Nguyễn Bá khắc hoạ khá rõ nét trong bản trường ca Hòn Khoai, được nhà điêu khắc Phước Sanh thể hiện qua hình tượng cánh buồm tượng trưng cho khát vọng tự do, được nghệ sĩ Trọng Nguyễn xây dựng thành vở cải lương Bóng biển nổi tiếng đã từng làm bao thế hệ khán giả khi xem phải rơi lệ. Vậy Phan Ngọc Hiển là ai mà gắn bó máu thịt với hàng triệu người dân nơi đây. Sự nghiệp hoạt động cách mạng của ông đã để lại những gì cho các thế hệ mai sau?
Phan Ngọc Hiển sinh năm 1910 tại thị xã Cần Thơ (nay là thành phố Cần Thơ), trong một gia đình nghèo. Vừa mới lên 10, ông đã mồ côi mẹ. Không muốn đứa con nhỏ dại phải rơi vào cảnh tăm tối, người cha đã cố công làm lụng vất vả để nuôi dạy Phan Ngọc Hiển nên người. Trong số mấy anh chị em, ông là người được ăn học đến nơi đến chốn nhất. Sau khi rời trường tỉnh, Phan Ngọc Hiển lên Sài Gòn theo học tại trường trung học sư phạm với hy vọng trở thành thày giáo đem lại ánh sáng cho đời. Không như bao kẻ “an phận thủ thường” cốt lấy tấm bằng để kiếm miếng cơm manh áo, Phan Ngọc Hiển tuy vẫn cố gắng học tập để khỏi phụ công nuôi dưỡng của người thân, nhưng trong tận đáy sâu tâm khảm, ông vẫn ngầm nuôi một chí trai lớn. Từ sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914-1918) tình hình chính trị - xã hội nước ta có nhiều diễn biến phức tạp. Các hội, đoàn thể, đảng phái yêu nước manh nha xuất hiện thu hút đông đảo quần chúng nhân dân lao động đứng lên đấu tranh với bất công xã hội. Những bài viết nảy lửa của Nguyễn An Ninh, Phan Văn Trường, Trần Huy Liệu trên các tờ Chuông rè (La Cloch fêlée), An Nam (le Annam), đông Pháp thời báo đã có những tác động mạnh mẽ đến nhận thức, tư tưởng tầng lớp thanh niên. Các sự kiện gây chấn động dư luận trong nước và quốc tế lúc đó như phong trào đòi thả hai ông Phan Bội Châu (1925), Nguyễn An Ninh (1926), đặc biệt là đám tang cụ Phan Chu Trinh kéo dài gần một năm trời với khẩu hiệu “Truy điệu Tây Hồ nhật hoán tỉnh quốc dân hồn” báo hiệu cơn bão cách mạng đang đến gần. Người dân Nam Kỳ nói riêng, dân tộc Việt Nam nói chung không còn cam chịu thân phận nô lệ nữa. Họ đang tìm cách đứng lên đòi lại quyền sống cho mình. Không khí này không làm cho Phan Ngọc Hiển - chàng trai tỉnh lẻ vừa đặt chân lên đất Sài Gòn hoa lệ - bỡ ngỡ. Ngược lại, ông có cảm giác nơi đây mới thực là môi trường phù hợp để ông vùng vẫy, để thực hiện mọi khát khao, ước vọng của mình. Tham gia phong trào học sinh - sinh viên, ông luôn sát cánh cùng bạn bè xuống đường đấu tranh đòi nhà cầm quyền thực hiện cải cách xã hội. Nhận thấy mối nguy hiểm mà chàng thanh niên chưa đầy 20 tuổi này có thể đem lại, Ban Giám hiệu trường Trung học Sư phạm Sài Gòn đã nhiều lần cho gọi Phan Ngọc Hiển lên đe doạ, cảnh cáo nhưng không hiệu quả. Cuối cùng, nhà trường phải áp dụng hình thức đình chỉ học tập 1 năm đối với ông. Những biện pháp có tính răn đe này không làm lung lay lý tưởng cách mạng của Phan Ngọc Hiển. Khi trở lại Sài Gòn, ông tiếp tục lao vào trường hoạt động, đến năm 1931, Phan Ngọc Hiển mới chính thức tốt nghiệp.
Sẵn có tên trong “sổ đen” nên Phan Ngọc Hiển “được” phân công về dạy học tại Rạch Gốc, mảnh đất chót cùng của tỉnh Cà Mau. Rừng thiêng nước độc, muỗi mòng, đói khát, bệnh tật không làm nhụt ý chí của chàng trai vừa bước qua tuổi 20. Vừa tới Rạch Gốc, Phan Ngọc Hiển đã vận động bà con đóng góp xây dựng trường lớp khang trang, kêu gọi mọi người thực hiện nếp sống có vệ sinh, tạo điều kiện cho con em học tập, tự ông đứng ra lập hội ca nhạc, đội bóng đá để tập hợp, tuyên truyền tinh thần yêu nước cho thanh niên. đối với số tiền lương giáo viên nhà nước cấp, Phan Ngọc Hiển dùng để mua sách vở cho học sinh hoặc giúp đỡ những người khốn khó. để duy trì cuộc sống, ông thường xuyên cùng người dân nơi đây vào rừng đốn củi, đốt than, theo thuyền ra biển đánh cá, chèo ghe đi bán ba khía, ốc len... Nhiều người ái ngại cho nhà giáo trẻ vừa rời thành phố, chưa quen với đời sống khổ cực ở thôn quê, Phan Ngọc Hiển đã đáp lại tình cảm đó bằng một câu hết sức giản dị, chân thành “Cô bác ở đây sống được thì con cũng sống được chứ gì”. Nhờ biết hoà mình vào đời sống lam lũ, biết thông cảm, chia sẻ, đùm bọc những ai đang gặp khó khăn, hoạn nạn, Phan Ngọc Hiển ngày càng được nhân dân địa phương yêu thương, kính trọng. Tiếng lành đồn xa, lớp của ông thu hút được rất đông người đến học. Ngoài việc truyền đạt kiến thức, lễ nghĩa thông thường, Phan Ngọc Hiển luôn tìm cách đưa vào chương trình giáo dục lịch sử những kinh nghiệm khơi gợi lòng yêu nước, đề cao truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm của ông cha. Những việc làm của ông không thoát khỏi sự theo dõi sát sao của nhà cầm quyền. Sau vụ quần chúng nhân dân địa phương biểu tình đấu tranh đòi giảm thuế, tố cáo sự ức hiếp, nhũng lạm của đám hội tề (1935), bọn mật thám đã bắt Phan Ngọc Hiển với tội danh cầm đầu vụ nổi loạn. Trước sự đối đáp cứng cỏi, có tình có lý, hơn nữa, cũng không đủ chứng cứ, nên cuối cùng chúng buộc phải thả ông nhưng cấm ông không được dạy học tiếp. Không còn lệ thuộc vào đời công chức, Phan Ngọc Hiển ngao du khắp Nam Bộ, tìm cách bắt liên lạc với những người theo chủ nghĩa cộng sản. Tổ chức thấy Phan Ngọc Hiển rất am hiểu vùng đất Cà Mau nên đã cử ông về đây cùng cán bộ, đảng viên địa phương gây dựng phong trào và coi đây như là môi trường rèn luyện, thử thách một chiến sĩ cách mạng trẻ đầy triển vọng. Chỉ với thời gian rất ngắn, Phan Ngọc Hiển đã khẳng định được nhân cách của mình. đầu năm 1936, ông chính thức trở thành đảng viên đảng Cộng sản Việt Nam, nhanh chóng trở thành cán bộ cốt cán của chi bộ đảng địa phương. Chỉ trong quãng thời gian gần một năm, Phan Ngọc Hiển cùng các đồng chí của mình kết nạp nhiều thanh niên tốt vào hàng ngũ của đảng, xây dựng lực lượng nòng cốt cho những cuộc đấu tranh cách mạng đầy cam go sau này.
Cuối năm 1936, trước nguy cơ nạn đói lan tràn, huyện uỷ Cà Mau đã tổ chức một cuộc biểu tình lớn với sự tham gia của toàn bộ nhân dân các xã đấu tranh đòi giảm thuế, cứu đói, đòi trừng trị bọn sâu mọt đục khoét của dân. Diễn biến của cuộc biểu tình rất phức tạp dễ lây lan sang các huyện lân cận. Chính quyền thực dân đã ra lệnh bắt Phan Ngọc Hiển và một số đồng chí mà họ cho là đã tổ chức, cầm đầu cuộc biểu tình. Trước sức đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân bên ngoài và của các đồng chí đang bị giam tại nhà tù Bạc Liêu, cuối cùng, người Pháp buộc phải thả Phan Ngọc Hiển nhưng cho mật thám theo dõi ông hết sức gắt gao. để tránh tổn thất không cần thiết, xứ uỷ Nam Kỳ điều động Phan Ngọc Hiển về Sài Gòn làm biên tập cho tờ Lao động - Cơ quan bênh vực quyền lợi giai cấp cần lao của xứ uỷ Nam Kỳ, người quản lý là Nguyễn Thành A. đến cuối năm 1938, tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp. Chiến tranh thế giới lần thứ II chuẩn bị nổ ra. Phe cực hữu lên cầm quyền ở Pháp, đàn áp dữ dội những người cộng sản và các đảng phái theo xu hướng dân chủ - xã hội. Tình trạng bắt bớ những nhà cách mạng Việt Nam cũng bắt đầu được tiến hành. Trước thực tế này, đảng ta chủ trương chuẩn bị rút vào hoạt động bí mật, phân tán lực lượng. Nhiều đảng viên đi về nông thôn, Phan Ngọc Hiển trở lại Rạch Gốc lãnh đạo chi bộ đảng ở đây, cùng các đồng chí tổ chức, xây dựng chi bộ Hòn Khoai... đến đầu những năm 40 của thế kỷ 20, Nhật vào đông Dương, dân tộc ta phải chịu cảnh một cổ hai tròng. đây cũng là lúc cuộc chiến tranh Pháp - Thái nổ ra. Xứ uỷ Nam Kỳ nhận thấy phong trào cách mạng của quần chúng đang lên, là cơ hội thuận lợi để tiến hành khởi nghĩa. Khoảng giữa năm 1940, lệnh khởi nghĩa được gửi đến hầu khắp các địa bàn trọng điểm của Nam Kỳ, trong đó có Cà Mau mà địa điểm Hòn Khoai do Phan Ngọc Hiển xây dựng cơ sở từ lâu là nơi mở màn cho việc cướp chính quyền. Nhận được báo cáo của xứ uỷ Nam kỳ, Ban chấp hành Trung ương đảng ta gấp rút tiến hành một số cuộc họp, cuối cùng ra chỉ thị ngừng ngay cuộc khởi nghĩa lại. Thất bại của cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn cho thấy, lực lượng của ta chưa đủ mạnh, thời cơ tiến hành khởi nghĩa chưa chín muồi. đồng chí Phan đăng Lưu mang bản chỉ thị này về đến Sài Gòn thì bị bắt. Kế hoạch khởi nghĩa bị bại lộ, chỉ thị ngừng khởi nghĩa không đến được nhiều nơi. đêm ngày 13/12/1940 Phan Ngọc Hiển cùng các đồng đội tiến hành cướp đảo, giết chết tên sếp đảng Ôlivie, sau đó dùng thuyền vượt biển về phối hợp với lực lượng trên đất liền cướp chính quyền. Không liên lạc được với Tỉnh uỷ, Phan Ngọc Hiển chỉ huy anh em đánh chiếm đồn kiểm lâm Tân Ân, sau đó cùng bà con Rạch Gốc chạy vào rừng để bảo tồn lực lượng, tránh sự khủng bố của kẻ thù. Rừng đước rậm rạp đầy muỗi vắt, đâu đâu cũng là đầm lầy nước mặn. Cái đói, cái khát, sự mệt mỏi sau hơn 6 ngày vượt sông, vượt rừng đã hút tàn sức lực mọi người. Phan Ngọc Hiển và một số đồng chí rơi vào tay giặc, trong đó có Thường vụ tỉnh uỷ Quách Văn Phẩm.
Cơn quốc loạn ai là hồn nghĩa sĩ
Từ những năm 1935 - 1936 chính phủ cánh tả tại Pháp bước đầu thực hiện một số cải cách xã hội đối với thuộc địa. Người của Mặt trận Bình dân được cử đi khắp nơi để điều tra tình hình. Trước tình hình đó, Trung ương đảng Cộng sản đông Dương quyết định tạm gác khẩu hiệu độc lập dân tộc, chú trọng đấu tranh đòi các quyền tự do dân chủ, cải thiện đời sống nhân dân nhằm vào kẻ thù trước mắt là bọn phản động thuộc địa và tay sai, vào chủ nghĩa phát xít. đảng chủ trương thành lập Mặt trận Dân chủ, thông qua các nhân sĩ, trí thức ngoài đảng đứng ra tổ chức đông dương đại hội, lập Hội truyền bá chữ quốc ngữ. Một số chính trị phạm được tha trước kỳ hạn ra tranh cử vào Viện Dân biểu, đẩy mạnh hình thức đấu tranh nghị trường, dùng báo chí để vạch trần bọn Trôtkit...
Thực hiện chủ trương trên của đảng, tỉnh uỷ Sa đéc đã bí mật hỗ trợ cho tờ Tân Tiến (Giám đốc Lê Quang Trịnh, quản lý Hồ Văn Sao, sau là Trương Vĩnh Ny, lúc đầu ở Sa đéc sau chuyển về Sài Gòn). đây là một trong những tờ báo cách mạng lớn của cả dải đất Nam Bộ. Ngay từ những ngày đầu, Phan Ngọc Hiển (với bút danh Phan Phan) đã là phóng viên trụ cột của tờ báo này. Hiện nay, chính quyền địa phương Cà Mau - Bạc Liêu đã sưu tầm được 70 bài báo của Phan Ngọc Hiển viết cho Tân Tiến. Sự nghiệp làm báo của ông chắc chắn không chỉ dừng lại ở con số này. đọc những bài viết của Phan Ngọc Hiển trên báo Tân Tiến, ai cũng có thể nhận thấy đây là một cây bút có nghề, từng trải, có kinh nghiệm và vốn sống dồi dào, quan điểm, tư tưởng được thể hiện đầy bản lĩnh. điều này cho thấy, khi còn theo học ở trường Trung học Sư phạm, Phan Ngọc Hiển đã viết cho báo chí Sài Gòn đương thời. đáng tiếc là, cũng như hầu hết các nhà yêu nước, cách mạng lúc đó, Phan Ngọc Hiển phải thường xuyên sử dụng bút danh, nên đã gây ra rất nhiều khó khăn cho những ai quan tâm nghiên cứu về sự nghiệp hoạt động báo chí của ông. Qua 70 bài viết, Phan Ngọc Hiển đã bộc lộ rõ là một cây bút đa tài, sử dụng khá nhuần nhuyễn các thể loại xã thuyết (xã luận), phóng sự, điều tra, phỏng vấn, tường thuật, ký sự, tuỳ bút, thơ, truyện ngắn, truyện dài kỳ. Tuỳ theo từng đối tượng, đề tài mà ông có thể dùng riêng rẽ hay kết hợp một cách uyển chuyển hai hay ba thể loại trong một bài viết. đây chính là cái tạo nên phong cách Phan Ngọc Hiển, tạo điều kiện để ông mở rộng phạm vi phản ánh , dễ hấp dẫn, lôi cuốn độc giả. Tuy nhiên, theo đánh giá của một số người, thế mạnh của Phan Ngọc Hiển tập trung ở các thể loại điều tra. Không phải ngẫu nhiên mà ông Hồ Văn Sao đã tin tưởng giao nhiệm vụ cho Phan Ngọc Hiển đi khắp Nam Kỳ để nắm tình hình dân chúng tại các vùng thôn quê hẻo lánh. Chính nhờ chuyến đi này mà ông viết được những bài viết gây xôn xao dư luận lúc đó như Vào quê, Về vụ kiểm lâm Cà Mau, Vấn đề độc quyền nước mắm, Nhà thương... trong các bài điều tra này, tác giả bao giờ cũng đặt mình ở ngôi thứ nhất, là người chứng kiến hoặc thậm chí là người trong cuộc. đây là điều kiện tốt nhất để người viết trực tiếp bộc lộ chính kiến riêng, dễ sử dụng thế mạnh của ngôn ngữ biểu cảm. Qua đây, người đọc có thể cảm nhận được ngay thái độ của Phan Ngọc Hiển đối với thời cuộc. Sự đồng cảm, xót xa của ông luôn dành cho người nghèo, tầng lớp dưới đáy trong xã hội. Phan Ngọc Hiển coi việc mở mang dân trí như một cứu cánh để thoát khỏi lầm than, đói nghèo. để chống lại chính sách ngu dân của người Pháp, mơ ước cháy bỏng của ông là lập được ở mỗi làng một thư viện bình dân. Ông viết: “Ở thôn quê cái lệ cúng thần này thần nọ hết chẳng biết bao nhiêu tiền của - cúng rồi, dân chẳng đặng mở mang gì ráo, chỉ dọn rượu thịt ê hề cho mấy ông no say đặng quên pháp luật, đặng xưng chúa tể thôn quê! Tôi cho là vô ích... Nhiều ông giàu có trong đôi ba ngày xài cả bạc ngàn. Như trong hội chợ nào đấy có ông nọ dám chịu 500 bạc mướn một hội thổi kèn. Cái danh ấy là hư danh! Phải chi ngài để số tiền ấy xin chánh phủ cho phép lập một bình dân thơ viện trong làng thì quý biết chừng nào...”. - Bài Người thương nước nên mở mang dân trí. Ngoài tầng lớp lao động ra, Phan Ngọc Hiển quan tâm đặc biệt đối tượng thanh niên, luôn coi họ là lực lượng chính đưa đất nước thoát khỏi vòng nô lệ: “Thanh niên là một đám người có hồn, có chí, có lực... Làm thanh niên là làm cái sườn chống chỏi giông tạt, gió đùa, cho khỏi nhà xiêu cửa ngã. Làm thanh niên là làm những bức tường cao bảo tồn sự nghiệp tổ tiên để lại”. Phan Ngọc Hiển luôn khuyến khích thanh niên “Bước tới, bước tới, bước mau tới ánh sáng”. Con đường đến với ánh sáng ở đây là “học thầy, tự học, học bạn”. Thứ lý tưởng mà Phan Ngọc Hiển xác định cho thanh niên lúc này là học vấn, kiến thức chứ không phải con đường cách mạng mà đảng Cộng sản Việt Nam đã mở lối từ những năm 1930. Nói chung hạn chế lớn nhất trong các bài viết của Phan Ngọc Hiển là mới chỉ đấu tranh đòi cải cách xã hội, chưa đặt ra vấn đề đấu tranh xoá bỏ hiện thực, xây dựng một chế độ mới. đây cũng là hạn chế của hầu hết các tờ báo cách mạng đương thời.
Tân tiến ra đời, phát triển đúng vào dịp đông Dương đại hội đang được ráo riết chuẩn bị ở khắp Nam Kỳ. Chính vì vậy mà số bài viết của Phan Ngọc Hiển dành cho phong trào này chiếm một lượng không nhỏ. Tuy nhiên, không như một số người mắc chứng ảo tưởng, quá kỳ vọng vào phái đoàn điều tra của Mặt trận Bình dân, Phan Ngọc Hiển có cái nhìn tỉnh táo, thực tế hơn “điều cần nhứt chúng ta đừng quá ỷ lại vào người mà trái lại phải tin ở sức ta trước đã. Ta không chỉ vết thương, đốc-tờ biết để thuốc vào đâu? Ta không tranh đấu, bọn này đâu nhờ đến bàn tay sắt bóp chặt của nó” - bài Mặt trận Bình dân. Qua các nội dung Một bài tâm huyết kính dâng ông Justin Godart và Bài tâm huyết kính dâng cho quan Tổng trưởng Moutet và quan Toàn quyền Brévié, Phan Ngọc Hiển yêu cầu các nhân vật quyền thế này nên sâu sát hơn với nội tình của dân bản xứ, chớ nên tin vào những con số do chính quyền thuộc địa cung cấp. Nhân dịp này Phan Ngọc Hiển còn viết một loạt bài tố cáo tội ác cũng như các chính sách cai trị hà khắc của bọn phản động Pháp đối với đông Dương. Ông coi “lạm quyền phải là hột giống của phiến loạn. Lạm quyền đồng tội với phiến loạn”. Ông đặt câu hỏi “Ai lạm quyền?” rồi lại tự trả lời “Chỉ có người được chính phủ giao quyền”. Trên cơ sở này, Phan Ngọc Hiển quy trách nhiệm cho chính phủ về tình trạng lạm quyền tràn lan khắp nơi, nhất là nông thôn, coi đây là nguyên nhân thúc đẩy dân chúng làm loạn. để khắc phục tình trạng này, theo ông, cần “Mở rộng quyền cử tri”. Một biện pháp quá ngây thơ, ấu trĩ, nhưng lại phù hợp với tình hình lúc đó. Ngoài nội dung trên, Phan Ngọc Hiển còn đi sâu vào tìm hiểu tệ lậu của ngành y tế (bài Nhà thương), về sự lộng hành của các ông vua rừng (bài Về vụ kiểm lâm Cà Mau), đòi xoá bỏ chế độ giam giữ tù chính trị (bài Chúng tôi cũng ước mong ân xá chính trị phạm), phê phán đám dân biểu “giá áo túi cơm” (bài Tôi hỏi ông Bùi Quang Chiêu), lên án chính sách độc quyền (bài Vấn đề độc quyền nước mắm)... Có thể nói các bài viết của Phan Ngọc Hiển luôn có giá trị thực tiễn, thời sự. Vấn đề ông đặt ra tuy có vẻ cụ thể nhưng thực chất chúng lại mang tính khái quát, điển hình khá cao, luôn mới đối với mọi chế độ chính trị xã hội khác nhau.
Cũng như bao thanh niên có chí hướng khác, Phan Ngọc Hiển quyết tâm dành trọn đời mình cho cách mạng, cho quần chúng lao khổ. Ông biết gạt đi những gì riêng tư để toàn tâm toàn ý với lẽ sống chung. Trong bước đường hoạt động của mình, trái tim ông đã nhiều lần rộn rã, khắc khoải trước những bóng hồng. Nhưng rồi, ông phải chôn chặt kỷ niệm để đi theo tiếng gọi của hồn thiêng sông núi. Hoá thân vào nhân vật Quỳ (bài Mẹ hay chàng) Phan Ngọc Hiển nói rõ lòng mình: “Em, anh quyên sinh vì nước, em hy sanh vì tình mới đáng người chung thuỷ. Lúc thái bình chúng ta là bạn văn chương... Cơn quốc loạn ai là hồn nghĩa sĩ. Anh đã thường nói với em rằng “Anh yêu em chỉ trông ngày nhờ nụ cười của em mà gánh nỗi non sông, đoạt đặng cả mối hy vọng cao trọng. Bây giờ ngày đó đã đến vậy.” Giọt lệ giai nhân không làm chùn bước tráng sĩ, Phan Ngọc Hiển quan niệm về tình yêu và lý tưởng hết sức rõ ràng. Dưới đây chỉ có thể là tình yêu và lý tưởng của người cộng sản:
“Anh không thể nào lưu luyến với em mãi
Em yêu anh sao bằng hai mươi lăm triệu đồng bào,
Nếu ngày nào đời anh là đời đau khổ!
Một mình em không thể an ủi được lòng anh!
Thôi đi, em có yêu anh, hãy trông vào Tổ quốc
Em có nhớ em hãy ngó lại đồng bào!...”
Sau gần 7 tháng giam cầm, xét xử, ngày 12/7/1941, Thực dân Pháp đưa Phan Ngọc Hiển và 9 đồng chí có liên quan đến cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai ra xử bắn tại sân vận động thị xã Cà Mau trước sự chứng kiến của hàng ngàn người dân. Không biết trong đám đông đó có cô Hương, cô Cúc, cô Hường, những người đã từng thề non hẹn biển với Phan Ngọc Hiển qua các trang viết của ông hay không. Ai? Ai là người trong số họ đã nhỏ những giọt nước mắt muộn màng khi ông ngã xuống? Trước cái chết điều đó đâu còn quan trọng nữa, chỉ chắc chắn là hình ảnh Phan Ngọc Hiển sẽ khắc dấu mãi mãi trong trái tim người dân nơi đây. Ông sẽ là ngọn hải đăng không bao giờ tắt của cả vùng biển nghèo khó nơi tận cùng của Tổ quốc này.
 
 TS. Hoàng Văn Quang - Bản tin ĐHQGHNH số 243, tháng 5/2011
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Các bài mới hơn
  • Không có bài nào mới hơn !
Các bài cũ hơn
  • Không có bài nào cũ hơn !
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC