22:51:23 Ngày 19/04/2024 GMT+7
Người quai búa nửa thế kỉ ở phố Lò Rèn
Vào những năm đầu của thập kỷ 60, thế kỷ trước, có một khu phố chuyên làm nghề rèn nông cụ, công cụ sản xuất, chi tiết máy…phát triển hưng thịnh. đó là phố Lò Rèn, một dãy phố nhỏ với chiều dài hơn trăm mét, ngày xưa chỉ lơ thơ hai dãy nhà tranh, một vài chóp nhà gạch nhỏ. Giờ đây trên con phố ấy chỉ còn lại hai hộ gia đình bám trụ với nghề. Chúng tôi tìm đến nghệ nhân Nguyễn Thế Lai, ông là đời thứ ba nối nghiệp cha ông tại căn nhà số 30.
Giữa trăm nghề chọn một nghề
Theo truyền tụng, từ thời Hùng Vương, ở vùng châu thổ sông Hồng có người họ Lỗ tên Cao Sơn, thông minh tuấn tú, giỏi võ nghệ lại ham thích các việc thủ công. Biết người Thục giỏi nghề rèn sắt, ông tìm đường sang học được các bí truyền của nghề đó, về nước còn cải tiến thêm khiến nghề rèn không thua kém nghề rèn của họ, rồi đem dạy cho mọi người. Nước Nam có nghề rèn là do ông, nên sau khi ông qua đời, người người làm nghề rèn tôn ông làm Tổ sư… Nghệ nhân Nguyễn Thế Lai đã bắt đầu cuộc trò chuyện với chúng tôi bằng huyền tích của cái nghề rèn cha ông để lại. Thời gian trôi qua, những câu chuyện ấy cứ được truyền tụng từ đời này qua đời khác, vậy mà bao đổi thay thời cuộc vẫn phăng phăng chảy trôi với bao biến cố, thăng trầm. Nét mặt ông thoáng buồn, vừa tiếp chuyện vừa nhìn ra dãy phố đã gắn bó với cha ông, với cuộc đời mình ròng rã hàng thế kỷ. Nghề thợ rèn gian truân và cực nhọc. Chẳng vậy mà chân dung của người thợ rèn đã đi vào thơ ca: “Giữa trăm nghề chọn nghề thợ rèn/Ngồi xuống nhọ lưng, quệt ngang nhọ mũi /Suốt tám giờ chân than, mặt bụi”.
Cuộc đời của ông Lai trải qua 65 năm và cũng chừng ấy thời gian gắn liền với cực nhọc. Ông nói: “Khổ lắm! đã theo cái nghề này thì khổ mấy cũng phải chấp nhận. Nhà tôi đã bao đời làm thợ rèn, khi làm ăn phát đạt lúc thất bát là lẽ thường tình. Vậy mà giờ đây thu nhập cũng chẳng đáng là bao, không đủ trang trải chi phí thời bão giá”. Vừa châm những thanh sắt đỏ rực từ trong lò ra ông vừa giải thích: Làm nghề này đòi hỏi người thợ phải có một sức khỏe, nhưng không phải là vai u thịt bắp. Người thợ rèn phải có được cái tinh của thợ kim hoàn, có được cái khéo léo của thợ may và cái uyển chuyển của thợ dệt. Những chi tiết kim loại đòi hỏi phải có sự chính xác cao độ, chỉ cần ngọn lửa quá to, sản phẩm sẽ già, giòn và dễ gãy. Chẳng may quai búa nặng, sản phẩm sẽ biến dạng hay sơ ý một đường uốn sai lệch, những chi tiết sẽ không khớp... Những bài học đó, người làm nghề này đều biết rõ.
Với ông, cách nhóm lò, chọn than và cách đặt bếp cũng là một nghệ thuật và theo ông phải chính xác nhất, hoàn thiện nhất. Sự phối hợp giữa hai người thợ phải hết sức hài hòa. Hiệu lệnh của người phó cả là tiếng búa phụ, bằng mắt, bằng tay…Và người phó hai cứ thế làm theo lệnh. Sự ăn nhập phải chính xác 100% chứ ở nghề rèn không cho phép sai số. Mỗi thời mỗi khác, cách đây mấy năm thì chiếc máy ép nước mía là sản phẩm gia đình ông sản xuất khá nhiều. Nhưng rồi, nhiều cơ sở sản xuất đại trà lại tung ra những mẫu mã đẹp mà giá thành lại rẻ hơn nên khách cũng thưa dần. Thành ra, ông Lai lại sản xuất những dụng cụ đời thường, các dụng cụ cho thợ xây, thợ khoan cắt hay những chi tiết máy móc nào đó.
Quai búa giữ nghiệp cha ông
Ông Lai không biết nghề rèn đến với gia đình mình từ bao giờ, chỉ chắc chắn rằng, cụ tổ từ ba đời trước đã “gánh” cái nghề nặng nhọc này từ đất Hòe Thị ra lập nghiệp ở phố Hàng Bừa (tức phố Lò Rèn ngày nay). Ông Lai nhớ lại: “Trước đây, phố Lò Rèn là một địa chỉ quen thuộc của hầu hết bà con nông dân nội, ngoại thành Hà Nội và của các chủ thầu xây dựng. Những sản phẩm ngày ấy chủ yếu là cuốc, xẻng, nông cụ, lan can, hàng rào bằng sắt hay có khi là những chi tiết kim loại của chiếc xe kéo tay. Bếp lò đỏ lửa suốt ngày, tiếng phì phò của bễ hơi, hoa lửa đỏ rừng rực với những muội khói than, mùi sắt thép...”.
Cụ Nguyễn Thế Canh – tức cha của ông Nguyễn Thế Lai là một trong những nghệ nhân có danh trong đất Hà thành. Năm 1945 phố Hàng Bừa đổi tên thành phố Lò Rèn thì đến những năm 1948 -1949, chiếc xích lô đầu tiên của Hà thành cũng chính là của cụ Nguyễn Thế Canh làm ra. Ngày đó, những mặt hàng của gia đình sản xuất đến đâu, bán hết đến đấy, cụ Canh cùng những người thợ làm việc đêm ngày và thu nhập cũng rất lớn – bình quân một ngày có khi được cả vài lạng vàng là chuyện bình thường.
Thời kỳ Cách mạng Tháng Tám 1945, Nghiệp đoàn thợ rèn đã được thành lập tại đình Lò Rèn. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, các bễ lò rèn vẫn nổi lửa, người thợ vẫn làm ra những dụng cụ thiết yếu cho đời sống của nhân dân, và còn rèn những vật phẩm phục vụ công cuộc kháng chiến trong đó có các loại vũ khí thô sơ như lưỡi lê, kiếm để cung cấp cho quân đội, cho du kích. đến năm 1954, tại đình Lò Rèn đã có buổi lễ long trọng thành lập Liên đoàn thợ rèn. Mọi hoạt động của công nhân Liên đoàn thợ rèn đều được tổ chức tại đình. Cụ Canh cùng hai người bác bí mật rèn súng kíp, giáo, mác cho Tự vệ để tiến hành cướp chính quyền. Trước kia, sản phẩm của người thợ rèn gồm lưỡi cày, bừa, cuốc, liềm, hái, dao phát bờ, kéo... đáp ứng cho nhu cầu của dân kinh thành và dân các tỉnh lên Hà Nội mua. Dần dần, nhu cầu xã hội phát triển nhiều mặt hàng sắt, người thợ rèn luôn thích ứng và không ngừng cải tiến mẫu mã, chất lượng kỹ thuật. đầu thế kỷ XX, thợ Lò Rèn Hà Nội đã sản xuất bulông theo đơn đặt hàng của công trình xây dựng đường sắt Hà Nội đi Vân Nam và Hà Nội đi Sài Gòn. Rồi tất cả các đồ sắt cho các công trình xây dựng công sở, xây dựng các công trình văn hoá công cộng lớn như cửa sắt hoa, hàng rào, cổng, bản lề... đều được người thợ rèn ở Hà Nội làm ra. Và nhiều mặt hàng công cụ người thợ rèn Hà Nội chế tạo rất đẹp và bền như khoan, kìm, búa, tràng, đục...
Khi tên nghề chỉ còn là… tên phố
Ở đây, ai cũng biết đến xưởng rèn của ông Nguyễn Thế Lai tại số nhà 30. Ông Lai năm nay đã bước sang tuổi 65, sau mấy chục năm theo nghề xương cốt ông không còn vững chắc, bệnh tật bắt đầu tìm đến. Nhiều hôm khi đang rèn mà mặt mày cứ xa xẩm lại, mọi vật xoay như chong chóng. Hóa ra, ông bị chứng huyết áp cao, đó còn chưa kể những bệnh về đường hô hấp do suốt ngày phải hít bụi than bởi mỗi lúc rèn xong móc trong mũi ra một cục đen sì. Anh Nguyễn Tiến Thành, là con trai duy nhất của ông Lai năm nay bước sang tuổi 30 cũng là người nối nghiệp ông cha. Anh Thành trước kia học xong trung cấp điện, chẳng biết duyên nợ thế nào lại quyết định quay về theo cái nghề cực nhọc này. Gần chục năm vào nghề, nhưng ông Lai nhận thấy ở con trai mình không có niềm đam mê, không có sự yêu nghề và điều đó cũng làm ông phần nào buồn phiền, suy nghĩ. Ông chia sẻ: “Không yêu nghề thì làm sao mà làm tốt được, tôi biết điều đó qua những quai búa…”.
Phố Lò Rèn nhỏ hẹp, nhà số lẻ thì từ số 1 đến 27, số chẵn từ 8 đến 42 và giờ đây chỉ còn lại duy nhất hai gia đình bám trụ nghề. Tất cả đều chuyển sang buôn bán quần áo, inox, cắt tóc – gội đầu, karaoke… chứ chẳng ai còn thiết tha gì với cái nghề “phì phò ống bễ” nữa. Trước khi chia tay, ông còn ngậm ngùi: “Các cháu là may đấy, chứ chục năm nữa mà quay lại phố Lò Rèn chắc không còn gặp cảnh cha con tôi ngồi rèn thế này nữa đâu”. điều đó cũng thật dễ hiểu, khi thời thế thay đổi, các phố xá, hàng quán của Thủ đô nghìn năm tuổi nói riêng và các làng nghề ven Hà thành nói chung bây giờ cũng không còn giữ được các nghề cổ truyền. Theo chân những người thợ rèn, đã không ít lần chúng tôi tìm đến thôn Đa Sỹ, quận Hà Đông, Hà Nội, nơi nổi tiếng với nghề rèn, nhưng sự phát triển nhanh của xã hội trong nhiều năm qua đã biến nơi này thành khu dân cư mới, biến nền đất trước đây vốn nhôm nhoam những sắt vụn, dầu mỡ, dao kéo, búa đe… thành đất vàng, đất ngọc. Và cái kết của cái nghề rèn như ông Nguyễn Thế Lai tâm sự cuối cũng chỉ còn lại ở cái tên phố nằm lọt thỏm giữa lòng Hà Nội.
 
 
 
 MAI MẬT - Bản tin ĐHQGHN số 246 tháng 8/2011
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Các bài mới hơn
  • Không có bài nào mới hơn !
Các bài cũ hơn
  • Không có bài nào cũ hơn !
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC