05:43:29 Ngày 20/04/2024 GMT+7
Đại học nghiên cứu: Khẳng định để phát triển
Các trường đại học nghiên cứu là trung tâm của kinh tế tri thức toàn cầu trong thế kỷ 21 và phục vụ hệ thống giáo dục sau trung học trên toàn thế giới. Tập sách “Con đường dẫn đến sự ưu tú trong học thuật” sẽ phân tích về việc các trường đại học nghiên cứu đã được xây dựng và trưởng thành như thế nào trong 10 quốc gia. Đó là những trường tổng hợp tinh hoa với nhiều vai trò về mặt xã hội và học thuật. Những trường này là cầu nối chủ chốt giữa tri thức và khoa học toàn cầu với hệ thống tri thức và khoa học của quốc gia.
Bối cảnh toàn cầu trong thế kỷ 21
Các trường đại học nghiên cứu là một phần không thể tách rời của giáao dục đại học và môi trường xã hội toàn cầu (OECD 2009; Altbach, Reisberg, and Rumbley 2010). Thực tế chủ yếu trong thế kỷ 21 của giáo dục đại học toàn thế giới là hiện tượng đại chúng hóa, là vai trò của khu vực tư nhân và tư nhân hóa giáo dục đại học công; là cuộc tranh luận vẫn đang tiếp diễn về lợi ích công và lợi ích tư trong giáo dục đại học; là sự trỗi dậy của các quốc gia châu Á như những trung tâm học thuật, và gần đây hơn là khủng hoảng kinh tế toàn cầu và những ảnh hưởng của nó đối với giáo dục đại học.
Với số sinh viên nhập học hàng năm chiếm tới ít nhất 30% số người trong độ tuổi vào đại học, đại chúng hóa trở thành hiện thực chủ yếu của giáo dục đại học trong nửa cuối thế kỷ qua. Từ năm 2000, số người vào đại học và cao đẳng đã tăng từ 100 triệu lên tới 150 triệu trên toàn thế giới (OECD 2008) và sự mở rộng này vẫn đang tiếp tục ở nhiều nơi trên thế giới. Một nửa số người vào đại học trong hai thập kỷ tới sẽ tập trung ở hai nước: Trung Quốc và Ấn Độ, nhưng vì hai nước này tỉ lệ vào đại học chỉ là 22% và 10% số người trong độ tuổi, họ còn có thể mở rộng thêm một phạm vi hết sức đáng kể (Altbach 2009). Sự mở rộng giáo dục đại học toàn cầu đã được tiếp sức bằng nhu cầu tăng cao chưa từng có số người muốn tiếp cận với bằng cấp đại học, với niềm tin rằng những bằng cấp ấy hứa hẹn một thu nhập tốt hơn và mở ra nhiều cơ hội hơn cho cả cuộc đời. Hiện tượng đại chúng hóa có một ý nghĩa rất to lớn, tuy nhiên, về mặt tài chính và khó khăn trong cơ sở hạ tầng, có thể thấy rõ vấn nạn về chất lượng đào tạo và câu hỏi về tiềm năng hoàn vốn đầu tư mờ nhạt trong thị trường lao động, khi có quá nhiều người có bằng đại học so với khả năng chấp nhận của nền kinh tế.
Hiện tượng đáng kể tiếp theo là giáo dục đại học tư, không phải là vấn đề mới nhưng những hình thức và ảnh hưởng của nó đang diễn biến với một tốc độ nhanh chóng. Các trường đại học tư phi lợi nhuận đã thống trị phần lớn Đông Á trong nhiều thế hệ; Nhật, Hàn Quốc, Philippines, Đài Loan và Trung Quốc có đến 60-80% sinh viên học tại các trường tư. Các trường tư phi lợi nhuận cũng rất mạnh ở Hoa Kỳ và nhiều nước châu Mỹ Latin.
Một hiện tượng mới hơn, là sự hình thành những trường tư vì lợi nhuận tập trung vào hoạt động giảng dạy nhằm đáp ứng nhu cầu của sinh viên về những ngành học cụ thể, lấp đầy khoảng trống mà nhiều trường công không thể đáp ứng (Altbach 1999). Bởi vì các trường đại học nghiên cứu - trừ những trường ở Nhật bản và Hoa Kỳ - hầu hết là trường công, sự trỗi dậy của thành phần tư đặt ra một số thách thức, chủ yếu là về mặt quản lý và bảo đảm chất lượng dù rằng trường tư hiếm khi có tham vọng trở thành một trường nghiên cứu mạnh. Những khó khăn trong việc bảo đảm rằng trường tư về đại thể là phục vụ cho lợi ích công, là một vấn đề chính sách có ý nghĩa trọng yếu trong giáo dục đại học thế kỷ 21 (Teixeira 2009).
Tinh thần của Trường Đại học Nghiên cứu
Một trường đại học nghiên cứu không chỉ là một tổ chức, đơn vị, mà còn là một tư tưởng (Ben-David 1977; Shils 1997a). Tạo ra và duy trì một tổ chức dựa trên một khái niệm không phải là điều dễ dàng. Tâm điểm của một trường đại học nghiên cứu là đội ngũ giảng viên, những người phải gắn bó với tư tưởng nghiên cứu không vụ lợi - nghiên cứu tri thức vì bản thân tri thức - cũng như gắn bó với những nhân tố thực tế của hoạt động nghiên cứu và sử dụng nó cho xã hội hiện tại.
Một trường đại học nghiên cứu là một tổ chức tinh hoa và có cơ chế sử dụng con người dựa trên tài năng và phẩm chất trong những lĩnh vực như chính sách tuyển sinh, tiêu chuẩn tuyển dụng, thăng tiến và trong những yêu cầu đối với bằng cấp của giảng viên và sinh viên. Tuy nhiên, những thuật ngữ kiểu như “tinh hoa” hay “chế độ nhân tài” không nhất thiết được ưa chuộng trong thời đại dân chủ khi việc mở rộng cơ hội tiếp cận đại học đã trở thành đề xướng khẩn thiết của giáo dục đại học trong nhiều thập kỷ. Tuy vậy, đối với những trường đại học nghiên cứu, để có thể thành công, họ cần phải tuyên bố một cách tự hào về những đặc điểm này của họ. Trường đại học nghiên cứu không thể nào dân chủ; nó công nhận địa vị đứng đầu của phẩm chất và tài năng, và những quyết định mà nó đưa ra dựa trên sự theo đuổi nghiêm ngặt tính ưu việt. Đồng thời, nó là những tổ chức tinh hoa, theo nghĩa có tham vọng đạt được sự tốt nhất - như thường được phản ánh trong vị trí xếp hạng đầu bảng - về giảng dạy, nghiên cứu và tham gia vào mạng lưới tri thức toàn cầu.
Cũng vậy, sinh viên là thành tố trung tâm trong cái hồn của trường đại học. Không phải chỉ vì họ được chọn theo chế độ nhân tài trong số những người thông minh nhất của xã hội, và có lẽ của cả thế giới, mà còn vì họ phải có sự gắn kết với mục đích của nhà trường và với đạo đức khoa học. Họ phải đáp ứng kỳ vọng thực hiện mọi hoạt động với chất lượng cao. Tuy trường đại học nghiên cứu là đơn vị nằm tại tâm điểm của nền kinh tế tri thức, nó cũng còn là nơi dành thời gian cho phản ánh và phê bình, cho việc suy xét về văn hóa, tôn giáo, xã hội, và các giá trị. Tinh thần của trường đại học nghiên cứu phải rộng mở cho những ý tưởng, nó phải có nguyện vọng thách thức những niềm tin chính thống đã được xác lập. Và vì trường đại học nghiên cứu có sự nối kết vững chắc với xã hội, nó không phải là những cái “tháp ngà”, một phê phán ta rất thường nghe. Von Humboldt chủ tâm gắn trường đại học với nhu cầu của nhà nước và xã hội. Một vị hiệu trưởng trong những ngày đầu của University of Wisconsin – Madison, một trường đại học nghiên cứu xuất sắc của Hoa Kỳ, đã tuyên bố rằng “biên giới của một trường đại học là biên giới của nhà nước” (Veysey 1965, 108–9). Nhận định này biểu trưng cho lý tưởng phục vụ nhu cầu của xã hội cũng như lý tưởng sáng tạo và phổ biến tri thức.
Một nhân tố trọng yếu trong tinh thần của một trường đại học nghiên cứu là nguyên tắc về tự do học thuật (Shils 1997b; Altbach 2007). Không có tự do học thuật, một trường đại học không thể nào hoàn thành được sứ mạng của mình, cũng không thể nào trở thành một trường đẳng cấp quốc tế. Lý tưởng Humboldt truyền thống về tự do học thuật là quyền tự do của giảng viên và sinh viên trong việc theo đuổi hoạt động giảng dạy, nghiên cứu, công bố và diễn đạt mà không bị cấm đoán. Ở nhiều nơi trên thế giới,   lý tưởng về tự do học thuật đã mở rộng đến việc diễn đạt bất cứ chủ đề hay đề tài nào, ngay cả khi nó vượt quá ranh giới phạm vi khoa học cụ thể của một lĩnh vực tri thức chuyên ngành. Nhân tố chủ chốt của tự do học thuật là khái niệm rộng mở con đường tìm kiếm tri thức, và đó là giá trị cốt lõi của một trường đại học.
Một trường đại học nghiên cứu, nhất là một trường có tham vọng đạt đến đẳng cấp thế giới, là một tổ chức đặc biệt dựa trên một bộ tư tưởng và nguyên tắc độc nhất vô nhị. Không có sự cam kết rõ ràng và liên tục với những giá trị tinh thần của chính mình, một trường đại học nghiên cứu không thể nào đạt đến thành công được.
Một loại Giáo sư Đặc biệt
Cộng đồng khoa học là đối tượng tạo ra trường đại học nghiên cứu. Bởi vậy, giới khoa học cần được đào tạo tốt để thực hiện việc giảng dạy và nghiên cứu của họ với chất lượng cao nhất.
Sự gắn bó của họ với văn hóa nghiên cứu đòi hỏi một giải pháp mạnh mẽ. Giảng viên, chuyên viên nghiên cứu của một trường đại học nghiên cứu thường có bằng tiến sĩ hoặc tương đương, được đào tạo tại những trường đại học hàng đầu trong nước họ hay trên thế giới. Các giáo sư của trường đại học nghiên cứu, cũng như bản thân nhà trường, cả hai đều có tính cạnh tranh và tính tập thể. Giới khoa học này thấm nhuần khát vọng đóng góp cho khoa học và tri thức, vừa là cho tiến bộ khoa học vừa là xây dựng sự nghiệp và uy tín. Đồng thời, họ làm việc theo nhóm, đặc biệt là trong khoa học, và hiểu được tầm quan trọng của sự hợp tác. Giáo sư của các trường đại học nghiên cứu đóng góp rất nhiều cho khoa học qua các bài báo nghiên cứu và sách. Ấn phẩm của họ vượt xa so với chuẩn mực thông thường của nghề giảng viên (Haas 1996). Thực ra, có lẽ có đến 90% bài báo khoa học xuất hiện trên các tập san hàng đầu là tác phẩm của các giáo sư trong những trường đại học nghiên cứu mạnh.
Trong một thế giới mà nhiều người trong giới khoa học làm việc bán thời gian và không được hưởng nhiều bảo đảm an toàn cho công việc, các giáo sư của trường đại học nghiên cứu là những người làm việc toàn bộ thời gian, hầu hết là được bảo đảm hợp lý bằng biên chế, và được trả lương tương xứng, nếu không phải là một mức lương hoành tráng thì ít ra cũng đủ bảo đảm cuộc sống cho chính họ và gia đình. Nói cách khác, giáo sư của trường đại học nghiên cứu là những người, so với các đồng nghiệp ở trường khác, là những nhà khoa học có đặc quyền. Để một trường đại học nghiên cứu có thể thành công, giới khoa học phải được hưởng những điều kiện làm việc cho phép họ cống hiến cho công việc một cách tốt nhất.
Giáo sư của các trường đại học nghiên cứu thường có một nhiệm vụ giảng dạy khá nhẹ nhàng; họ được dành thời gian để thực hiện nghiên cứu và công bố kết quả nghiên cứu. Trong những trường đại học nghiên cứu ở những nước phát triển nhất, nhiệm vụ giảng dạy của họ hiếm khi nhiều hơn hai môn mỗi học kỳ và ở một số trường, một số ngành, có thể ít hơn. Nơi nào việc giảng dạy nặng hơn, như ở các nước đang phát triển, thì nơi đó mức độ gắn bó với hoạt động nghiên cứu và năng suất nghiên cứu có khuynh hướng sẽ thấp hơn.
Giáo sư của các trường đại học nghiên cứu có khuynh hướng quốc tế trong ý thức và thường là cả trong công việc. Họ tăng cường hợp tác với đồng nghiệp ở nước khác và nhiều khi qua lại giữa các nước, nhận công việc ở những nơi điều kiện làm việc, lương bổng, cơ sở làm việc tốt nhất. Điều này càng đóng góp thêm vào tình trạng chảy máu chất xám ở các nước đang phát triển. Tuy vậy, như ta thấy trong những năm gần đây, giới khoa học có trình độ quốc tế đã hoạt động đồng thời ở nhiều nước, có khi cùng lúc giữ những chức vụ khoa học ở vài ba quốc gia hay hơn nữa.
Giới khoa học làm việc tại các trường đại học nghiên cứu không có nhiều người, nhưng là một phần cực kỳ trọng yếu của toàn bộ giới khoa học. Dù họ là số ít, họ tạo ra những kết quả nghiên cứu quan trọng bậc nhất. Ở nhiều nước, họ đào tạo ra hầu hết những nhà khoa học khác. Bởi vậy, quan điểm và định hướng của họ có một ảnh hưởng đáng kể đến nghề làm khoa học nói chung.
Quản trị và Lãnh đạo
Quản trị, như đã được phân biệt với quản lý, liên quan đến việc các quyết định được hình thành như thế nào. Các trường đại học nói chung đều phải được quản lý và lãnh đạo. Hơn thế nữa, trong trường hợp tốt nhất, họ là một cộng đồng của các học giả. Với những nhu cầu quản lý phức tạp, các trường đại học hiện đang ngày càng quan liêu (Shattock 2010); tuy vậy, họ có khác biệt hết sức đáng kể với những tổ chức khác về nhiều mặt trọng yếu. Trước hết, để đạt được thành công, các trường đại học phải bao gồm những người giảng dạy và nghiên cứu (tức cộng đồng học thuật) trong quá trình ra quyết định (tức trong việc quản trị) của nhà trường (Rosovsky 1990). Các trường đại học nghiên cứu đặc biệt cần đến sự can dự của giới học thuật trong quá trình đi đến những quyết định quan trọng của nhà trường. Quyền lực của các giáo sư trong các trường đại học nghiên cứu điển hình bao giờ cũng có một mức độ lớn hơn và quyền tự chủ trong học thuật cũng được đảm bảo mạnh mẽ hơn so với những trường khác. Sinh viên tuy không nhất thiết liên quan trực tiếp đến hoạt động quản trị, cũng phải được coi là một bên liên quan trọng yếu của cộng đồng học thuật.
Lãnh đạo hoạt động khoa học là một việc ngày càng quan trọng hơn trong kỷ nguyên của những tổ chức khoa học phức tạp. Vai trò của người đứng đầu trường đại học là quản lý và thực hiện hoạt động khoa học. Có người cho rằng hiệu trưởng trường đại học phải là những học giả hàng đầu, trong khi ý kiến khác thì thiên về những nhà quản lý có nhiều thành công, đôi khi là những người nằm ngoài giới khoa học, nên là người nắm vai trò lãnh đạo nhà trường (Goodall 2009). Trong các trường đại học nghiên cứu, hiệu trưởng phải là người có uy tín khoa học và phải bày tỏ sự tôn trọng và một hiểu biết sâu sắc về sứ mạng khoa học của nhà trường. Đồng thời, họ phải có khả năng đại diện cho nhà trường trước mặt xã hội và phải biện minh được tính chất quan trọng và trung tâm của nhà trường. Lãnh đạo giới khoa học hiện đại là một nhiệm vụ đa diện và ngày càng phức tạp, và tìm được một nhà lãnh đạo tài ba là vô cùng khó.
Những đặc quyền lớn lao của giới khoa học - kiểm soát việc thu nhận, tuyển dụng và sa thải các giáo sư, kiểm soát chương trình đào tạo và cấp bằng - là những nhiệm vụ cốt lõi của nghề giáo sư. Những trường đại học hiện đại tốt nhất là những trường có cơ chế đồng quản trị, trong đó cộng đồng khoa học kiểm soát các quyết định về đào tạo và về học thuật, các nhà quản lý thì chịu trách nhiệm về nguồn lực, cơ sở vật chất và những vấn đề quản lý khác.
Nghiên cứu Cơ bản và Nghiên cứu Ứng dụng
Các trường đại học nghiên cứu thực hiện việc nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực và chuyên ngành. Họ là nguồn chủ yếu của nghiên cứu cơ bản. Ở một số nước, những nghiên cứu này là liên kết hợp tác giữa các doanh nghiệp tư nhân (chẳng hạn các công ty dược) và giới nghiên cứu khoa học, do vậy họ có trách nhiệm chủ chốt trong việc tạo ra tiến bộ khoa học. Nghiên cứu cơ bản là tinh hoa của chức năng phục vụ lợi ích công; không ai thu được lợi nhuận trực tiếp từ nghiên cứu khoa học cơ bản. Đã thế, những nghiên cứu có tính chất nền tảng, nhất là trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và y sinh học, thường rất tốn kém. Việc tài trợ cho nghiên cứu khoa học cơ bản đã và đang là vấn đề đau đầu với nhiều nước. Trong khoa học xã hội và nhân văn, khi việc nghiên cứu ít tốn kém hơn, thì câu hỏi lại được đặt ra là về tính hữu dụng của nó. Đồng thời, người ta ngày càng nhấn mạnh hơn đến nghiên cứu ứng dụng, đến liên kết giữa trường đại học và các doanh nghiệp, và nói chung, đến những sản phẩm nghiên cứu tạo ra thu nhập. Mâu thuẫn giữa mục tiêu khoa học truyền thống của trường đại học và khao khát muốn kiếm ra tiền từ hoạt động nghiên cứu, thường là từ các doanh nghiệp, đã tạo ra những mâu thuẫn lợi ích và có khi là những mối quan hệ không mấy thích hợp (Slaughter and Rhoades 2004). Xây dựng một sự quân bình phù hợp nhằm tránh việc coi thường nghiên cứu cơ bản trong dòng xoáy tìm kiếm sự ổn định tài chính cho nhà trường, là một nhiệm vụ khó khăn.
Những Khó khăn Hiện tại và Tương lai
Vấn đề trọng tâm đối với thành công của một trường đại học nghiên cứu là nguồn tài chính tương xứng và ổn định. Các trường đại học nghiên cứu sẽ ngày càng bị thách thức hơn trong việc tự tìm kiếm nguồn tài chính cho mình từ các nhà tài trợ tiềm năng, thông qua việc bán các sản phẩm trí tuệ và qua hoạt động tư vấn, cũng như sẽ ngày càng dựa vào nguồn thu học phí nhiều hơn.
Các trường đại học nghiên cứu có nhiều tiềm năng hơn các trường khác trong việc thu học phí cao. Các trường đại học nghiên cứu tư ở Hoa Kỳ đã và đang làm như vậy rồi. Tuy nhiên, hầu hết các trường đại học nghiên cứu công lập trên toàn thế giới không được phép thu học phí cao do những khế ước lịch sử hay những giới hạn luật định cho dù là chi phí đào tạo ở những trường này cao hơn và sinh viên có nguyện vọng muốn trả tiền cao hơn để được học ở những trường này do chất lượng đào tạo và danh tiếng của nhà trường.
Trong một thời đại mà tinh thần giải trình trách nhiệm ngày càng phát triển, các trường đại học nghiên cứu sẽ bị thử thách trong việc duy trì sự tự chủ về quản lý của mình và kiểm soát những quyết định quan trọng về đào tạo. Các trường đại học nghiên cứu đang ở trong một vị trí không mấy dễ chịu, đa phần là vì các tổ chức nhà nước chịu sự điều chỉnh của nhiều quy định quan liêu và phần khác do sự phức tạp của bản thân hệ thống học thuật. Cho dù các trường đại học nghiên cứu đòi hỏi được tự chủ trong việc tự xác định con đường của riêng mình trong việc đạt đến sự ưu việt và trong việc quản lý nguồn lực, nhưng những áp lực về giải trình trách nhiệm trong việc phải chứng minh những giá trị gia tăng và sự tồn tại thích đáng của mình với vô số các bên liên quan cũng đang xâm lấn chuẩn mực tự chủ theo cách hiểu truyền thống đối với nhiều trường đại học nghiên cứu.
Các trường đại học nghiên cứu quốc gia sẽ ngày càng khó khăn hơn trong việc thu hút những tài năng hàng đầu, cả các sinh viên và giáo sư, trong một thị trường khoa học cạnh tranh toàn cầu. Các trường đại học phải cạnh tranh không chỉ với các trường đại học khác, mà còn với các thành phần kinh tế bên ngoài nhà trường, thường là trả lương cao hơn, và thành phần này thì đang tăng trưởng từng ngày. Họ thấy tiền lương trả cho giới khoa học thường là không khớp với số tiền mà các thành phần kinh tế bên ngoài có thể trả. Các nhà khoa học hàng đầu ở những nước đang phát triển hoặc những nước có thu nhập trung bình cũng bị cám dỗ ra nước ngoài làm việc. Trong những năm gần đây, những sinh viên giỏi nhất cũng bị những trường hàng đầu ở nước ngoài thu hút bằng học bổng, bằng những điều kiện học tập cực tốt và bằng danh tiếng của nhà trường. Dù khó mà giữ chân các giáo sư, những trường đại học có thể đưa ra mức lương cạnh tranh một cách khiêm tốn và những điều kiện làm việc tốt có thể thành công tương đối trong việc giữ người tài. Nhưng đó là một sự phấn đấu không ngừng của tất cả các nước.
Các trường đại học nghiên cứu, như đã nói trên, ở hầu hết các nước, là những trường công. Áp lực tư nhân hóa phần nhiều là sẽ phá hủy các trường đại học nghiên cứu bởi vì những trường này chủ yếu gắn bó với những hoạt động phục vụ lợi ích công, như nghiên cứu cơ bản và hướng dẫn sinh viên trong nhiều bộ môn chuyên ngành. Nếu các trường đại học nghiên cứu bị buộc phải nhìn vào thị trường để trả lương cho các giáo sư và trang trải các chi phí liên quan, thì chính sách này sẽ tiềm tàng khả năng phá hủy chất lượng và trọng tâm của các hoạt động nghiên cứu, khiến nhà trường xao nhãng sứ mạng cốt lõi của họ (Geiger 2004b). Mối mâu thuẫn giữa tìm kiếm nguồn tài trợ và sự tự chủ về mặt học thuật cần được quản lý một cách rất thận trọng.
Tương lai của trường đại học nghiên cứu
Vì các trường đại học nghiên cứu là những tổ chức trọng tâm trong mọi xã hội tri thức và công nghệ, và vì họ được xem là cốt lõi của một hệ thống giáo dục đại học đẳng cấp quốc tế, tương lai của họ khá sáng sủa. Thực tế là xã hội hiện đại không thể nào vận hành được mà không có các trường đại học nghiên cứu. Những người cho rằng các trường đại học hiện đại sẽ chuyển thành đào tạo từ xa về cơ bản cũng có lý khi chúng ta xem xét các yếu tố công nghệ, đại chúng hóa, nghề nghiệp hóa, tư nhân hóa, hay khủng hoảng tài chính gần đây. Đầu thế kỷ 21 là thời kỳ vừa khủng hoảng vừa biến đổi của giáo dục đại học trên phạm vi toàn cầu. Và hoàn toàn có thể là một số bộ phận của giáo dục đại học sẽ thay đổi một cách hết sức cơ bản.
Tuy nhiên, một thành phần của giáo dục đại học sẽ khó lòng chuyển đổi theo một cách khác nhanh chóng - đó là các trường đại học nghiên cứu. Những trường này có sức mạnh của truyền thống, và họ đã đạt được những thành tích rất tốt. Trường đại học nghiên cứu vào năm 2050 sẽ khó lòng khác một cách cơ bản so với các trường đại học nghiên cứu ngày nay.
Xây dựng các trường đại học nghiên cứu trong những nước chưa từng có đại học nghiên cứu, hay nâng cấp các trường hiện có để phục vụ cho hệ thống như những trường đại học nghiên cứu là một hiện tượng đang diễn ra trên toàn thế giới (Mohrman, Ma, and Baker 2008). Điều này chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Để hoàn toàn hội nhập vào kinh tế tri thức toàn cầu và để hưởng lợi từ khoa học và tri thức, mọi quốc gia và mọi hệ thống học thuật đều tin rằng họ cần phải có ít nhất một trường đại học nghiên cứu có thể vận hành ở trình độ đẳng cấp quốc tế (Deem, Mok, and Lucas 2007). Bởi vậy, tập hợp các trường đại học nghiên cứu đang nhanh chóng mở rộng từ những trung tâm khoa học truyền thống ở châu Âu và Bắc Mỹ đến những nền kinh tế đang phát triển và mới nổi trên toàn thế giới (Liu, Wang, and Cheng 2011).
Những trường này có mang lại một phương tiện hữu hiệu nhất cho sự phát triển quốc gia trong những giai đoạn khác nhau của tăng trưởng kinh tế hay không là một cân nhắc quan trọng thường bị bỏ qua trong cuộc chạy đua xây dựng một trường đại học hoành tráng ở mọi nước. Trong những nước nhỏ và dễ tổn thương, chẳng hạn, với những nền kinh tế có quy mô nhỏ, hiệu quả lớn hơn có thể đạt được thông qua những trường xuất sắc trong khu vực. Bất kể thực tế ấy, tầm quan trọng của các trường đại học nghiên cứu gần như là một phổ niệm toàn cầu.
-------
Nguồn: The Road to Academic Excellence-The Making of World-Class Research Universities. World Bank Report. Editors: Altbach & Salmi, 2011
 
 GS. Philip G. Altbach (Người dịch: TS. Phạm Thị Ly) - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Các bài mới hơn
  • Không có bài nào mới hơn !
Các bài cũ hơn
  • Không có bài nào cũ hơn !
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC