Giải thưởng ĐHQGHN
Trang chủ   >  KHOA HỌC CÔNG NGHỆ  >   Giải thưởng Khoa học - Công nghệ  >   Giải thưởng ĐHQGHN
Giải thưởng ĐHQGHN 2011: Nguy cơ tăng cao ô nhiễm asen trong nước ngầm ở Việt Nam do việc khai thác nước tầng sâu trong hơn một thế kỷ

Asen và mangan là các chất ô nhiễm phổ biến trong nước ăn uống tại nhiều nước trên thế giới. Với nguồn gốc tự nhiên là chủ yếu, trong điều kiện thuận lợi, asen và mangan được giải phóng từ trầm tích ra nước ngầm với nồng độ lên tới hơn 1000 µg/L. Giới hạn an toàn đối với asen trong nước ăn uống tại hầu hết các quốc gia là 10 hoặc 50 µg/L, và đối với mangan là 400 µg/L.
Asen gây nên nhiễm độc mãn tính nếu hấp thu thường xuyên với liều lượng nhỏ. Vấn đề ô nhiễm asen trong nước ngầm mang tính cấp bách tại Việt Nam và nhiều khu vực Nam Á (ví dụ, Bangladet, Campuchia, Ấn Độ, Myanmar, Nepal, Pakistan, Sumatra (Indonesia). Ô nhiễm asen cũng được tìm thấy trong nước uống ở một số nước khác như Argentina, Trung Quốc, Croatia, Hungary, Mexico, New Zealand, Romania và Hoa Kỳ. Nhiễm độc asen mạn tính có thể gây nên các bệnh như tổn thương da, sừng hóa da, bệnh hắc tố, ung thư da và ung thư cơ quan nội tạng. Mangan đặc biệt có hại cho trẻ sơ sinh và trẻ em vì nó cản trở sự phát triển trí tuệ của trẻ.
Đồng bằng sông Hồng, Việt Nam là một trong những khu vực đông dân cư nhất trên thế giới. Vào năm 1998, ô nhiễm asen trong nước ngầm đã được phát hiện tại thành phố Hà Nội và các khu vực lân cận, tiếp theo là các địa điểm khác của đồng bằng sông Hồng [Berg et al. 2001 và Winkel et al. 2011]. Để xác định các khu vực an toàn và không an toàn về asen tại đồng bằng sông Hồng, bắt đầu vào năm 2005 chúng tôi đã thực hiện một chiến dịch lấy mẫu nước giếng khoan trên toàn bộ khu vực này. Các chỉ tiêu phân tích bao gồm asen, mangan, selen, bo, sắt, độ mặn, phốt phát, a-mô-ni, sun phát, carbon hữu cơ hòa tan, và 30 thông số hóa học khác. Các bản đồ ô nhiễm và mô hình về nguy cơ ô nhiễm asen cho thấy hàng triệu cư dân sinh sống tại đồng bằng sông Hồng có nguy cơ nhiễm độc asen mạn tính và/hoặc nhiễm độc mangan.
Các dữ liệu điều tra nước ngầm tại đồng bằng sông Hồng (Việt Nam) được trình bày dưới dạng các bản đồ thủy địa hóa bao gồm 42 thông số hóa học khác nhau. Chúng tôi nhận thấy rằng 65% các giếng nghiên cứu có nồng độ asen, mangan, bari, selen hoặc tất cả các nguyên tố này cao hơn các giá trị cho phép của WHO. Như vậy, ô nhiễm nước ngầm nguồn gốc tự nhiên ở đồng bằng sông Hồng đặt ra mối đe dọa sức khỏe lâu dài và nghiêm trọng đối với khoảng 7 triệu người. Điều này đặc biệt đáng lo ngại vì nước ngầm là nguồn nước chủ yếu dùng cho ăn uống của người dân khu vực này.
Đường link tới file đầy đủ của bài báo và tóm tắt:

 

 Tập thể tác giả: TS. Lenny H.E Winkel, TS. Phạm Thị Kim Trang, ThS. Vi Mai Lan, Caroline Stengel, TS. Manouchehr Amini, TS. Nguyễn Thị Hạ, GS.TS. Phạm Hùng Việt, TS. Michael Berg, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – ĐHQGHN.
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :