Các sản phẩm công nghệ, kỹ thuật
Trang chủ   >  KHOA HỌC CÔNG NGHỆ  >   Các sản phẩm KHCN  >   Các sản phẩm công nghệ, kỹ thuật
Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam

 
 (Thông tin cập nhật vào tháng 05/2022)
 
Đơn vị thực hiện: Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR),
Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội.
  

Kinh tế Việt Nam 2022: Nâng cao nền tảng số cho ngành dịch vụ

Kinh tế Việt Nam 2021: Định vị lại Việt Nam trong bối cảnh biến động toàn cầu

Kinh tế Việt Nam 2020: Củng cố điểm tựa tài khóa cho phát triển

Kinh tế Việt Nam 2019: Việt Nam trước ngưỡng cửa nền kinh tế số

Kinh tế Việt Nam 2018: Hiểu thị trường lao động để tăng năng suất

Kinh tế Việt Nam 2017: Đẩy nhanh cải cách vì một Nhà nước phát triển

Kinh tế Việt Nam 2016: Thiết lập nền tảng mới cho tăng trưởng

Kinh tế Việt Nam 2015: Tiềm năng hội nhập, thách thức hòa nhập

Kinh tế Việt Nam 2014: Những ràng buộc đối với tăng trưởng

Kinh tế Việt Nam 2013: Trên đường gập gềnh tới tương lai 

Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam là sản phẩm khoa học chính trong chương trình nghiên cứu chiến lược của Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN về “Lý thuyết và chính sách kinh tế vĩ mô trong điều kiện hội nhập kinh tế của Việt Nam” do Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện. Công trình nghiên cứu này bắt đầu được thực hiện vào năm 2009, và được công bố dưới dạng một chuỗi các báo cáo được xuất bản hàng năm nhằm tổng kết các vấn đề kinh tế lớn của năm trước, đồng thời thảo luận về viễn cảnh kinh tế năm tới và khuyến nghị chính sách trong bối cảnh hiện thời.
Năm 2009, với chủ đề “Kinh tế Việt Nam 2008: Suy giảm và thách thức đổi mới”, lần đầu tiên được công bố, Báo cáo đã được giới khoa học và hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô của Việt Nam nhiệt tình đón nhận, và được NXB Tri Thức xuất bản thành sách.
Năm 2010, Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2010 với chủ đề“Lựa chọn để tăng trưởng bền vững” được hoàn thành và xuất bản bằng hai thứ tiếng Việt và Anh, chính thức đưa sản phẩm này ra cộng đồng nghiên cứu quốc tế.
Tiếp nối thành công của những năm trước, Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2011 ra đời trong bối cảnh nền kinh tế thế giới chứa đựng nhiều diễn biến phức tạp, đi liền với những bất ổn kinh tế vĩ mô trong nước. Với tựa đề “Nền kinh tế trước ngã ba đường”, Báo cáo năm 2011 đề cập đến một loạt vấn đề trọng yếu mà nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt khi bước vào một thập niên mới.
Hiện nay, ở Việt Nam đã có một số báo cáo kinh tế thường niên được các cơ quan có chuyên môn và thẩm quyền xuất bản. Đây là những báo cáo có giá trị tham khảo cao, với số liệu được cập nhật chi tiết và hệ thống. Tuy nhiên, các báo cáo này đều có khuynh hướng bao quát những vấn đề lớn của nền kinh tế trong một cấu trúc tương đối ổn định, mà không đi chuyên sâu vào từng chủ đề theo từng năm hay từng thời kì. Thêm vào đó, đa phần các báo cáo này đều do các cơ quan chức năng của Chính phủ xây dựng, mà không phải do một tổ chức học thuật trong trường đại học xuất bản.
Do đó, dự án Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam của VEPR được xây dựng với những đặc thù mới và khác biệt như sau:
1. Có cấu trúc khác với cấu trúc của các báo cáo truyền thống. Mở đầu gồm một hoặc hai chương đánh giá tổng quan nền kinh tế thế giới và Việt Nam trong năm nghiên cứu. Tiếp đó, các chương sau đi sâu vào từng chủ đề quan trọng của năm hoặc trong năm tới. Nội dung của mỗi chương mang tính độc lập tương đối, có đầy đủ các thành phần của một bài nghiên cứu hướng tới giải quyết vấn đề được nêu. Vì vậy, mỗi chương không chỉ đơn thuần mang tính thống kê hoặc phân tích hiện tại, mà còn cung cấp cơ sở lí luận, hệ thống hoá lí luận và kinh nghiệm lịch sử của vấn đề. Trên cơ sở đó, đưa ra những thảo luận và gợi ý chính sách trong điều kiện hiện tại của Việt Nam. Do các chủ để được chọn sẽ thay đổi theo từng năm, tập hợp của Báo cáo qua các năm được kì vọng sẽ có ý nghĩa tham khảo mang tính hệ thống, và có ý nghĩa nhiều hơn một năm.
2. Cơ quan chuyên môn tổ chức thực hiện Báo cáo, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), là một tổ chức nghiên cứu thuộc trường đại học, do đó, có ý thức duy trì những nhận định và thảo luận mang tính khách quan và độc lập nhất có thể (trong mối tương quan với các cơ quan chức năng của Chính phủ hoặc cơ quan lập chính sách.) VEPR cũng không chịu sự chi phối của một hay một nhóm doanh nghiệp, hoặc các tổ chức quốc tế nào.
3. Nhóm tác giả được VEPR mời tham gia đều là các nhà kinh tế hoặc chuyên gia kinh tế có tư duy và tiếng nói độc lập. Thành phần nhóm tác giả có thể thay đổi theo từng năm, phụ thuộc vào các chủ đề chuyên sâu trong mỗi năm. Tuy nhiên, về tổng thể, toàn bộ các tác giả đều thuộc thế hệ các nhà kinh tế trẻ của Việt Nam, được đào tạo bài bản từ các nước phát triển, sử dụng công cụ nghiên cứu hiện đại, giàu kinh nghiệm với thực tiễn kinh tế Việt Nam, và tâm huyết với quá trình phát triển của đất nước. Trong quá trình xây dựng Báo cáo, nhóm tác giả cũng thực hiện các buổi toạ đàm chuyên sâu để lấy ý kiến đóng góp và phản biện từ các nhà kinh tế hàng đầu trong và ngoài nước.
4. Ngoài mục đích cung cấp thông tin, tri thức cho người đọc là doanh nghiệp, tổ chức và giới nghiên cứu, Báo cáo còn được kì vọng như một kênh thảo luận và đối thoại chính sách hữu hiệu với Chính phủ và các cơ quan chức năng trong lĩnh vực quản lí kinh tế. 
 

Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2014: Những ràng buộc đối với tăng trưởng

Tác giả: TS. Nguyễn Đức Thành (chủ biên)

Nhà xuất bản: NXB Đại học Quốc gia Hà Nội

Năm xuất bản: 2014

Nơi xuất bản: Hà Nội

Khổ: 15.5x24cm

Số trang: 432 trang

Giá: 168.000đ

Tiếp nối những báo cáo năm trước, báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2014 chỉ ra những ràng buộc trong nhiều lĩnh vực đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2014 bao gồm 7 Chương và 2 Phụ lục. Ngoài hai chương đánh giá và nhận định về tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam trong năm 2013, nội dung của báo cáo 2014 được dành để phân tích về những vấn đề chuyên sâu về những ràng buộc đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, bao gồm những ràng buộc đối với quá trình tái cơ cấu xét từ góc độ chẩn đoán tăng trưởng; những ràng buộc về mặt tài chính - tiền tệ được tiếp cận thông qua việc đánh giá hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam bằng bộ chỉ số lành mạnh tài chính (FSIs); nhìn lại hành trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam với những kỳ vọng ban đầu; ràng buộc về mặt năng lượng được phân tích thông qua lựa chọn chính sách năng lượng của Việt Nam.

Cuối cùng, báo cáo đưa ra những nhận định chung về viễn cảnh kinh tế năm 2014 và gợi ý các nhóm chính sách phục vụ cho quá trình phục hồi kinh tế đi liền với sự ổn định kinh tế vĩ mô.

Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2014 cũng là một phần trong bộ sản phẩm “Đánh giá độc lập về kinh tế vĩ mô của Việt Nam” do Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia tài trợ cho Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách - Trường ĐHKT (VEPR) thực hiện trong giai đoạn 3 năm, từ 2014 đến 2016.

Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2014 bản tiếng Việt đầy đủ gồm hơn 400 trang sách sẽ được xuất bản dự kiến vào đầu tháng 7 năm 2014. Báo cáo được cập nhật thông tin và số liệu đến hết tháng 12 năm 2013, một số vấn đề thời sự được cập nhật đến hết quý I/2014. Báo cáo tiếng Anh được xuất bản vào tháng 9, phát hành trên thị trường quốc tế.

Đặc biệt, năm 2014, bản thảo tiếng Anh của chuỗi Báo cáo hiện đã được mua bản quyền, tiến tới xuất bản tại Nhật Bản. Như vậy, Báo cáo không chỉ góp phần thiết thực vào việc tăng cường tri thức của độc giả Việt Nam, mà còn đưa tiếng nói của trí thức Việt Nam đến với thế giới.

 

Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2013: Trên đường gập gềnh tới tương lai

Tác giả: TS. Nguyễn Đức Thành (chủ biên)

Nhà xuất bản: NXB Đại học Quốc gia Hà Nội

Năm xuất bản: 2013

Nơi xuất bản: Hà Nội

Khổ: 16x24cm

Số trang: 506 trang

Giá: 172.000đ

Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2013 với tựa đề “Trên đường gập ghềnh tới tương lai” phản ánh dự cảm lo ngại về nguy cơ nền kinh tế Việt Nam khó đạt được sự phục hồi suôn sẻ và bền vững trong những năm tới nếu không có những cam kết mạnh mẽ, thực thi quyết liệt về chính sách tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, và trên hết, hình dung rõ ràng một mô hình kinh tế - xã hội tổng thể cho tương lai Việt Nam.

Báo cáo gồm 7 chương và 2 Phụ lục, cung cấp cái nhìn toàn cảnh về kinh tế thế giới và Việt Nam trong năm 2012, đồng thời đi sâu phân tích những đặc thù của một số thành phần quan trọng quyết định sự dao động của lạm phát tại Việt Nam và các phương án xử lý nợ xấu của Việt Nam hiện nay, đồng thời gợi mở vấn đề nguy cơ “giải công nghiệp hóa sớm” tại Việt Nam trước sức ép tăng lên của nền sản xuất và thương mại Trung Quốc trong bối cảnh tự do hóa gia tăng ở Đông Á. Báo cáo dành một chương nhằm phân tích sự điều chỉnh của thị trường lao động trong thời kỳ biến động kinh tế và tái cơ cấu, giai đoạn 2007-2013. Nhiều khuyến nghị chính sách được đưa ra với mong muốn thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế mạnh mẽ hơn, đem lại nhiều kết quả cụ thể hơn và hy vọng giới điều hành chính sách ý thức tốt hơn về những cơ hội mà Việt Nam đang dần để lỡ. Trên cơ sở đó, Báo cáo đã đưa ra đánh giá chung về nền kinh tế 2013, công bố dự báo về diễn biến kinh tế chính của Việt Nam trong năm 2013.

Báo cáo được cập nhật thông tin và số liệu đến hết tháng 12 năm 2012; một số vấn đề thời sự được cập nhật đến hết quý I năm 2013. Báo cáo tiếng Việt đầy đủ gồm hơn 400 trang sách được xuất bản vào đầu tháng 7/2013. Báo cáo tiếng Anh được xuất bản sau đó một tháng, phát hành trên thị trường quốc tế.

Với ý nghĩa đóng góp thiết thực mà Báo cáo đã trở thành tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà quản lý, hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu cũng như cho tất cả những ai quan tâm đến các vấn đề về kinh tế vĩ mô tại Việt Nam. Đồng thời, chuỗi Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam (2009-2013) đã vinh dự được trao tặng Giải thưởng Bảo Sơn vì sự nghiệp phát triển bền vững.

 
Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2012: Đối diện thách thức tái cơ cấu kinh tế
Tác giả: Nguyễn Đức Thành (chủ biên)
Nhà xuất bản: NXB Đại học Quốc gia Hà Nội
Năm xuất bản: 9/2012
Nơi xuất bản: Hà Nội
Khổ sách:16cm x 24cm
Giá:152,000VNĐ
Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2012 được thực hiện trong bối cảnh nền kinh tế đang đứng trước ngưỡng cửa của những cuộc cải cách quan trọng...
Tiếp theo dòng phân tích của những Báo cáo từ các năm trước, Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2012 được thực hiện trong bối cảnh nền kinh tế đang đứng trước ngưỡng cửa của những cuộc cải cách đã được đề xuất trong năm 2011, với mục đích tái cơ cấu mạnh mẽ nền kinh tế.
Cuốn sách Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2012: Đối diện thách thức tái cơ cấu kinh tế” chính là nỗ lực của nhóm tác giả nhằm cung cấp cái nhìn toàn cảnh về kinh tế thế giới và Việt nam trong năm qua đồng thời thảo luận về viễn cảnh kinh tế năm tới và khuyến nghị chính sách đối với Chính phủ trong bối cảnh hiện nay.
Hàm ý chung tựa đề của cuốn sách là muốn lưu ý những khó khăn, thách thức sẽ bộc lộ khi chúng ta thật sự tác động đến cơ cấu của nền kinh tế. Nền kinh tế vốn được duy trì trong một cấu trúc không mấy lành mạnh: tăng trưởng dễ dãi dựa trên mở rộng tín dụng, phụ thuộc nhiều vào các đại tập đoàn nhà nước kém hiệu quả, không minh bạch và thiếu trách nhiệm, sự hoành hành đầy ngạo mạn của các nhóm lợi ích, năng suất và năng lực cạnh tranh của toàn bộ nền kinh tế liên tục suy giảm, tầm nhìn phát triển mãi dùng dằng với tư tưởng kinh tế nhà nước làm chủ đạo...
Cấu trúc cũ cả trong tư duy lẫn hiện thực như vậy có một sức ỳ, nếu không muốn nói là phản kháng ghê gớm với bất cứ một cải cách cấp tiến nào muốn đưa Việt Nam vào quỹ đạo của một nền kinh tế thị trường lành mạnh.
Cuốn sách gồm 7 chương và 2 phụ lục, tập trung mổ xẻ, phân tích và bình luận một cách chi tiết ba chương trình tái cơ cấu hiện nay theo tinh thần của Hội nghị Trung ương 3 (2011) là tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại, tái cơ cấu hệ thống doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu đầu tư công.
Ngoài ra, để làm rõ tính cấp thiết của chương trình tái cơ cấu kinh tế, cuốn sách dành một chương để phân tích khuynh hướng suy giảm hiệu quả và năng suất của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian gần đây. Nhiều khuyến nghị chính sách được đưa ra với mong muốn thúc đẩy một quá trình cải cách thực sự nền kinh tế.
 Với nội dung và ý nghĩa như vậy, ngoài mục đích cung cấp thông tin, tri thức cho người đọc là doanh nghiệp, tổ chức và giới nghiên cứu, cuốn sách còn được kì vọng như một kênh thảo luận và đối thoại chính sách hữu hiệu với Chính phủ và các cơ quan chức năng trong lĩnh vực quản lí kinh tế.
 
Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2011: Nền kinh tế trước ngã ba đường
Tác giả: Nhóm nghiên cứu của VEPR
Nơi xuất bản: NXB ĐHQG
Năm xuất bản: 2011
Khổ sách: 16x24 cm
Số trang (dự kiến): 500
Hình thức bìa: mềm
Giá bìa: 126.000đ
Giới thiệu nội dung:
Tiếp nối thành công của những năm trước, Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2011 ra đời trong bối cảnh nền kinh tế thế giới chứa đựng nhiều diễn biến phức tạp, đi liền với những bất ổn kinh tế vĩ mô trong nước. Với tựa đề “Nền kinh tế trước ngã ba đường”, Báo cáo năm 2011 đề cập đến một loạt vấn đề trọng yếu mà nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt khi bước vào một thập niên mới.
Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2011 bao gồm 9 Chương và 2 Phụ lục. Theo cách tiếp cận của nhóm nghiên cứu, mỗi chương tương đương với một nghiên cứu độc lập (đề tài nhánh) về một vấn đề tương đối chuyên biệt, nhưng nằm trong kế hoạch nghiên cứu tổng thể của toàn bộ công trình.
Báo cáo được cập nhật thông tin và số liệu đến hết tháng 12 năm 2010, một số vấn đề thời sự được cập nhật đến hết tháng 3 năm 2011.
Báo cáo tiếng Việt đầy đủ gồm hơn 500 trang sách sẽ được xuất bản dự kiến vào đầu tháng Bảy năm 2011. Báo cáo tiếng Anh sẽ được xuất bản sau đó khoảng một tháng, phát hành trên thị trường quốc tế.
 
Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2010: Lựa chọn để tăng trưởng bền vững
Tác giả: Nhóm nghiên cứu của VEPR
Nơi xuất bản: NXB Tri Thức
Năm xuất bản: 2010
Khổ sách: 16x24 cm
Số trang: 415
Hình thức bìa: mềm
Giá bìa: 83.000đ
Giới thiệu nội dung:
Tiếp nối thành công của Báo cáo 2009, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2010: Lựa chọn để tăng trưởng bền vững. Báo cáo được hoàn thành trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang thoát đáy và đi vào quỹ đạo hồi phục từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái giai đoạn 1929-1933. Tuy nhiên, dù chứng kiến những dấu hiệu tích cực của sự phục hồi, nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức to lớn - di sản của giai đoạn nhiều xáo trộn vừa qua: mất cân đối vĩ mô tích tụ trong những năm gần đây, năng lực kết hợp và điều hành chính sách chưa tốt, nhu cầu đẩy nhanh cải cách cấu trúc kinh tế để thích nghi với thế giới hậu khủng hoảng, v.v... Thực tế này đặt Việt Nam vào tình thế phải lựa chọn một loạt chiến lược mới cho phù hợp với điều kiện mới. Đó cũng là lí do chính để nhóm tác giả theo đuổi chủ đề như được nêu rõ trong tên của Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2010.
Ngoài mục đích cung cấp thông tin, tri thức cho người đọc là doanh nghiệp, tổ chức và giới nghiên cứu, Báo cáo còn được kì vọng như một kênh thảo luận và đối thoại chính sách hữu hiệu với Chính phủ và các cơ quan chức năng trong lĩnh vực quản lí kinh tế.
 
Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2009: Kinh tế Việt Nam 2008: Suy giảm và thách thức đổi mới
Tác giả: Nhóm nghiên cứu của VEPR
Nơi xuất bản: NXB Tri Thức
Năm xuất bản: 2009
Khổ sách: 16x24 cm
Số trang: 357
Hình thức bìa: mềm
Giá bìa: 62.000đ
 Giới thiệu nội dung:
 Năm 2008 chứng kiến những biến động lớn của kinh tế thế giới. Suy thoái kinh tế toàn cầu đẩy sâu thêm những khó khăn cho nền kinh tế Việt Nam vốn đã trong tình trạng mất cân đối vĩ mô khá nghiêm trọng, thể hiện qua thâm hụt ngân sách cao, thâm hụt vãng lai cao và tình trạng đô-la hóa cao. Vì những ràng buộc vĩ mô, dư địa cho việc điều chỉnh các nhóm chính sách tài khóa, tiền tệ và cán cân thanh toán không còn nhiều, khiến việc thực hiện các chính sách vĩ mô trong bối cảnh đó là không hề dễ dàng.
 “Kinh tế Việt Nam 2008: Suy giảm và Thách thức đổi mới” gồm 8 chương và 2 phụ lục, công trình đầu tiên trong chuỗi Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam của VEPR (tên khi đó là CEPR), đã đi sâu phân tích bối cảnh vĩ mô đặc biệt này từ nhiều khía cạnh, như chính sách vĩ mô, chính sách thương mại, thị trường tài chính, sức cạnh tranh ngành công nghiệp, v.v…
Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam năm 2009 của VEPR do Báo Sài gòn Tiếp thị đồng tổ chức.

 

 Ban Khoa học công nghệ
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan