Nhiệm vụ chiến lược
Trang chủ   >  Nhiệm vụ chiến lược  >   Nội dung chi tiết  >   Tài chính
Tài chính

Nguồn kinh phí
1. Kinh phí hỗ trợ được giao từ Nhiệm vụ chiến lược.
2. Kinh phí do ngân sách nhà nước cấp cho đào tạo thường xuyên.
3. Kinh phí do Ngân sách nhà nước cấp từ nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản (nếu có).
4. Kinh phí do Ngân sách nhà nước cấp từ nguồn sự nghiệp khoa học và công nghệ.
5. Học phí của người học thuộc Nhiệm vụ chiến lược.
6. Nguồn thu từ hợp tác nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước, chuyển giao tri thức, dịch vụ với địa phương, doanh nghiệp, tài trợ, viện trợ dành cho đề án thành phần.
7. Các nguồn thu hợp pháp khác của đơn vị dành cho đề án thành phần.
Căn cứ, nguyên tắc và phân bổ kinh phí
1. Căn cứ phân bổ ngân sách nhà nước
a) Chỉ tiêu đào tạo của các ngành, chuyên ngành được Đại học Quốc gia Hà Nội phê duyệt;
b) Dự toán theo lộ trình hàng năm của đề án thành phần đã được Đại học Quốc gia Hà Nội phê duyệt, bao gồm:
- Kinh phí chi cho đào tạo và quản lý đào tạo (bao gồm cả kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và mời cán bộ giảng dạy);
- Kinh phí chi từ nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản (các dự án đầu tư phát triển ngành, chuyên ngành nếu có);
- Kinh phí chi cho các đề tài, dự án khoa học và công nghệ từ hoạt động khoa học và công nghệ thường xuyên;
- Kinh phí chi từ các nguồn thu bổ sung của đơn vị.
c) Ngoài các nguồn kinh phí nêu trên, các đơn vị phải tích hợp và sử dụng các nguồn kinh phí hợp pháp khác của đơn vị phù hợp với nội dung công việc của Nhiệm vụ chiến lược nhằm huy động được mọi nguồn lực hỗ trợ cho Nhiệm vụ chiến lược.
Các nguồn kinh phí này phải được đưa vào kế hoạch nhiệm vụ năm học, kế hoạch khoa học và công nghệ hàng năm của đơn vị. Việc xét chọn, phê duyệt, triển khai thực hiện và quản lý, nghiệm thu, thanh quyết toán kinh phí tuân thủ theo các quy định hiện hành của Nhà nước và của Đại học Quốc gia Hà Nội theo phương châm tạo điều kiện chủ động cho các đơn vị trong việc thực hiện Nhiệm vụ chiến lược.
2. Phân bổ kinh phí Ngân sách nhà nước 
a) Nguyên tắc phân bổ
Căn cứ dự toán Đại học Quốc gia Hà Nội đã đăng ký và được Bộ Tài chính giao, sau khi kế hoạch và dự toán kinh phí theo lộ trình hàng năm của các đề án thành phần, của các đơn vị giảng dạy các môn chung được Đại học Quốc gia Hà Nội phê duyệt, các đơn vị tham gia giảng dạy chương trình đạt chuẩn quốc tế được phân bổ kinh phí và có trách nhiệm quản lý và được phép sử dụng nguồn kinh phí ngân sách nhà nước do Đại học Quốc gia Hà Nội giao cũng như nguồn thu học phí theo đúng Luật ngân sách, các quy định hiện hành của Nhà nước và của Đại học Quốc gia Hà Nội.
b) Tỉ lệ phân bổ
- Kinh phí thường xuyên
Phân bổ kinh phí giảng dạy các môn học chung bao gồm ngoại ngữ, lý luận chính trị, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng an ninh cho bậc đại học theo định mức chi ngân sách thường xuyên bình quân cho 1 tín chỉ của từng đơn vị đào tạo, số sinh viên theo học môn chung.
+ Năm thứ nhất
Đối với môn ngoại ngữ: (i) Trường Đại học Ngoại ngữ được hưởng 85% để tổ chức đào tạo và quản lý sinh viên Nhiệm vụ chiến lược năm thứ nhất; (ii) Đơn vị có chương trình đạt chuẩn quốc tế được hưởng 15% để phối hợp với Trường Đại học Ngoại ngữ theo dõi, giám sát, quản lý và điều phối các hoạt động đào tạo, tổ chức hoạt động ngoại khóa cho sinh viên.
Đối với các môn giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng - an ninh: (i) Đơn vị giảng dạy được hưởng 80%; (ii) Trường Đại học Ngoại ngữ được hưởng 5% để quản lý sinh viên; (iii) Đơn vị có chương trình đạt chuẩn quốc tế được hưởng 15% để phối hợp với Trường Đại học Ngoại ngữ theo dõi, giám sát, quản lý và điều phối các hoạt động đào tạo, tổ chức hoạt động ngoại khóa cho sinh viên.
Đối với môn lý luận chính trị: (i) Đơn vị giảng dạy được hưởng 70%; (ii) Trường Đại học Ngoại ngữ được hưởng 15% (trong đó 10% cơ sở vật chất và 5% quản lý sinh viên); (iii) Đơn vị có chương trình đạt chuẩn quốc tế được hưởng 15% để phối hợp với Trường Đại học Ngoại ngữ theo dõi, giám sát, quản lý và điều phối các hoạt động đào tạo, tổ chức hoạt động ngoại khóa cho sinh viên.
Đối với các môn chuyên môn do đơn vị có chương trình đạt chuẩn quốc tế giảng dạy: (i) Trường Đại học Ngoại ngữ được hưởng 15%; (ii) Đơn vị có chương trình đạt chuẩn quốc tế được hưởng 85%.
+ Từ năm thứ hai
Tỷ lệ kinh phí 70% (vì có tính học phí để cấp học bổng) bậc đại học đối với các môn ngoại ngữ, lý luận chính trị; 80% đối với các môn giáo dục thể chất và giáo dục quốc phòng   an ninh.
Phân bổ kinh phí giảng dạy các môn ngoại ngữ và triết học bậc sau đại học cho các đơn vị được giao nhiệm vụ theo nguyên tắc tương tự như đại học chính quy, với tỷ lệ 70% kinh phí dành cho giảng dạy các môn học chung.
- Kinh phí thuộc Nhiệm vụ chiến lược
+ Năm thứ nhất
Đối với môn ngoại ngữ: (i) Trường Đại học Ngoại ngữ được hưởng 85% để tổ chức đào tạo và quản lý sinh viên năm thứ nhất chương trình đạt chuẩn quốc tế; (ii) Đơn vị có chương trình đạt chuẩn quốc tế được hưởng 15% để phối hợp với Trường Đại học Ngoại ngữ theo dõi, giám sát, quản lý và điều phối các hoạt động đào tạo, tổ chức hoạt động ngoại khóa cho sinh viên.
+ Từ năm thứ hai
Tỷ lệ kinh phí 70% đối với ngoại ngữ.
Phân bổ kinh phí giảng dạy ngoại ngữ và triết học bậc sau đại học cho các đơn vị được giao nhiệm vụ theo nguyên tắc tương tự như đại học chính quy, với tỷ lệ 70% kinh phí dành cho giảng dạy các môn học chung.
3. Học phí
Căn cứ Nghị định 49/2010/CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ về việc quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010 - 2011 đến năm học 2014 - 2015, Thủ trưởng các đơn vị đề xuất và trình Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội phê duyệt mức học phí đóng góp của người học thuộc đề án thành phần. Mức học phí cụ thể phải phù hợp với chi phí thực tế/người học/ngành, chuyên ngành đảm bảo thu bù chi và có tích lũy, phải được công bố công khai với người học trước khi tuyển sinh.
a) Nguyên tắc thu học phí
- Đơn vị trực tiếp giảng dạy chương trình đạt chuẩn quốc tế sẽ thu học phí của người học theo số tín chỉ thực tế giảng dạy, với định mức học phí cho mỗi tín chỉ do đơn vị có chương trình đạt chuẩn quốc tế xác định;
- Đơn vị thu học phí trích chuyển tỷ lệ % học phí cho Văn phòng Đại học Quốc gia Hà Nội, Trung tâm Thông tin - Thư viện, Trung tâm Hỗ trợ sinh viên theo qui định;
- Đơn vị thu học phí chuyển cho đơn vị có chương trình đạt chuẩn quốc tế: Học phí dành để cấp học bổng, tổng học phí dôi ra do chênh lệch định mức học phí cho mỗi tín chỉ giữa hai đơn vị và kinh phí phối hợp quản lý sinh viên.    
b) Tỉ lệ học phí cần điều chuyển
Sau khi trừ đi kinh phí trích chuyển cho Văn phòng Đại học Quốc gia Hà Nội, Trung tâm Thông tin - Thư viện, Trung tâm Hỗ trợ sinh viên, phần kinh phí còn lại được phân bổ như sau:
- Học phí dành để cấp học bổng (đối với bậc đại học): 15%.
- Tổng học phí dôi ra do chênh lệch định mức học phí cho mỗi tín chỉ giữa hai đơn vị được tính như sau: A = a x b x (c - d). Trong đó a là số tín chỉ thực tế giảng dạy; b là số sinh viên; c là định mức học phí cho mỗi tín chỉ của đơn vị có sinh viên; d là định mức học phí cho mỗi tín chỉ của đơn vị trực tiếp giảng dạy.
- Kinh phí phối hợp quản lý sinh viên của đơn vị có chương trình đạt chuẩn quốc tế: 15% .
c) Phương thức thực hiện
- Các đơn vị tham gia giảng dạy, quản lý chương trình đạt chuẩn quốc tế thống nhất và cung cấp cho Ban Đào tạo (qua Văn phòng Ban chỉ đạo Nhiệm vụ chiến lược) thẩm định số tín chỉ đảm nhiệm giảng dạy của từng đơn vị theo khóa học và từng môn học chung, các môn chuyên môn.
- Các đơn vị tham gia giảng dạy, quản lý chương trình đạt chuẩn quốc tế cùng với Văn phòng Ban chỉ đạo Nhiệm vụ chiến lược thống nhất số học phí thực tế được hưởng của từng đơn vị.
- Các đơn vị trực tiếp giảng dạy chương trình đạt chuẩn quốc tế sẽ thu và chuyển học phí của người học theo nguyên tắc như nêu ở trên.
+ Năm thứ nhất
Đối với môn ngoại ngữ: sau khi trừ tổng học phí dôi ra do chênh lệch định mức học phí cho mỗi tín chỉ giữa hai đơn vị - được chuyển cho đơn vị có chương trình đạt chuẩn quốc tế, (i) Trường Đại học Ngoại ngữ được hưởng 70% để tổ chức đào tạo và quản lý sinh viên năm thứ nhất chương trình đạt chuẩn quốc tế; (ii) Các đơn vị có chương trình đạt chuẩn quốc tế được hưởng 15% để phối hợp với Trường Đại học Ngoại ngữ theo dõi, giám sát, quản lý và điều phối các hoạt động đào tạo, tổ chức hoạt động ngoại khóa cho sinh viên, đồng thời được hưởng 15% để cấp học bổng cho sinh viên.
Đối với môn giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng an ninh: sau khi trừ tổng học phí dôi ra do chênh lệch định mức học phí cho mỗi tín chỉ giữa hai đơn vị - được chuyển cho đơn vị có chương trình đạt chuẩn quốc tế, (i) Đơn vị giảng dạy được hưởng 65%; (ii) Trường Đại học Ngoại ngữ được hưởng 5% để quản lý sinh viên; (iii) Các đơn vị có chương trình đạt chuẩn quốc tế được hưởng 15% để phối hợp với Trường Đại học Ngoại ngữ theo dõi, giám sát, quản lý và điều phối các hoạt động đào tạo, tổ chức hoạt động ngoại khóa cho sinh viên, 15% để cấp học bổng cho sinh viên.
Đối với môn lý luận chính trị: sau khi trừ tổng học phí dôi ra do chênh lệch định mức học phí cho mỗi tín chỉ giữa hai đơn vị - được chuyển cho đơn vị có chương trình đạt chuẩn quốc tế (i) Đơn vị giảng dạy được hưởng 55%; (ii) Trường Đại học Ngoại ngữ được hưởng 15% (trong đó 10% cơ sở vật chất và 5% quản lý sinh viên); (iii) Các đơn vị có chương trình đạt chuẩn quốc tế được hưởng 15% để phối hợp với Trường Đại học Ngoại ngữ theo dõi, giám sát, quản lý và điều phối các hoạt động đào tạo, tổ chức hoạt động ngoại khóa cho sinh viên, 15% để cấp học bổng cho sinh viên.
Đối với các môn chuyên môn do đơn vị có chương trình đạt chuẩn quốc tế: (i) Trường Đại học Ngoại ngữ được hưởng 15%; (ii) Các đơn vị có chương trình đạt chuẩn quốc tế được hưởng 85%.
+ Từ năm thứ hai
Tỷ lệ kinh phí 55% đối với các môn ngoại ngữ, lý luận chính trị.
Tỷ lệ kinh phí 65% đối với các môn giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng an ninh bậc đại học.
Phân bổ kinh phí giảng dạy các môn ngoại ngữ và triết học bậc sau đại học cho các đơn vị được giao nhiệm vụ theo nguyên tắc tương tự như đại học chính quy, với tỷ lệ 55% kinh phí giành cho giảng dạy các môn học chung.
4. Kinh phí từ các nguồn hợp pháp khác
Các đơn vị bố trí kinh phí hỗ trợ cho Nhiệm vụ chiến lược theo đề án thành phần đã được phê duyệt.
5. Kinh phí do Ngân sách nhà nước cấp từ nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản
Các đơn vị được cấp kinh phí cho Nhiệm vụ chiến lược theo quyết định của Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội đã phê duyệt.
6. Kinh phí do ngân sách nhà nước cấp từ nguồn sự nghiệp khoa học và công nghệ
Các đơn vị được cấp kinh phí cho Nhiệm vụ chiến lược theo quyết định của Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội đã phê duyệt.
Các định mức chi cụ thể
1. Căn cứ pháp lý
a) Thông tư số 91/2005/TT-BTC ngày 18/10/2005 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí cho cán bộ, công chức nhà nước đi công tác ngắn hạn ở nước ngoài do Ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí;
b) Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập; Thông tư số 71/2006/TT-BTC ngày 9/8/2006 của Bộ tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ;
c) Hướng dẫn số 2100/KHTC ngày 29/11/2006 của Đại học Quốc gia Hà Nội về việc xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ đối với đơn vị sự nghiệp trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính;
d) Thông tư số 44/2007/TTLT-BTC-KHCN ngày 07/5/2007 của Liên Bộ Tài chính - Bộ Khoa học Công nghệ hướng dẫn xây dựng định mức xây dựng và phân bổ kinh phí đối với các đề tài, dự án khoa học công nghệ có sử dụng Ngân sách nhà nước;
e) Thông tư liên tịch số 144/2007/TTLT-BTC-BGDĐT-BNG ngày 05/12/2007 của liên Bộ Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Ngoại giao về hướng dẫn chế độ cấp phát và quản lý kinh phí đào tạo lưu học sinh Việt Nam ở nước ngoài bằng nguồn vốn Ngân sách nhà nước;
f) Đề án “Đào tạo theo chương trình tiên tiến tại một số trường đại học Việt Nam giai đoạn 2008-2015” ban hành theo Quyết định số 1505/QĐ-TTg ngày 15/10/2008 của Chính phủ;
g) Thông tư số 123/2009/TT-BTC ngày 17/6/2009 của Bộ Tài chính quy định nội dung chi, mức chi xây dựng chương trình khung và biên soạn chương trình, giáo trình các môn học đối với các ngành đào tạo Đại học, Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp;
h) Thông tư 139/2010/TT-BTC ngày 21/9/2010 của Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí từ Ngân sách nhà nước dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức;
i) Đề án 911, Đề án TRIG và chương trình tiên tiến được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt;
k) Các hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo liên quan.
2. Nội dung và định mức chi cụ thể
Đại học Quốc gia Hà Nội có Quy định riêng về nội dung và định mức chi cụ thể cho Nhiệm vụ chiến lược. Căn cứ khung định mức (mức trần) của Đại học Quốc gia Hà Nội, Thủ trưởng các đơn vị có đề án thành phần qui định cụ thể định mức chi của đơn vị phù hợp với tình hình thực tế (nhưng không được trái với Qui định của Đại học Quốc gia Hà Nội) thông qua Quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị, trong trường hợp đặc biệt trình Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội xem xét, quyết định và chịu trách nhiệm thanh quyết toán theo quy định hiện hành của Luật Ngân sách nhà nước và hướng dẫn của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Sử dụng kinh phí
Trên cơ sở các đề án thành phần đã được Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội phê duyệt, Thủ trưởng các đơn vị lập dự toán chi theo nhiệm vụ của đề án thành phần với các nội dung chi như sau:
1. Phát triển đội ngũ
a) Chi phí thu hút giảng viên có trình độ tiến sĩ;
b) Cử giảng viên đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá, nghiên cứ khoa học tiên tiến ở nước ngoài;
c) Đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn đối với giảng viên để nâng cao trình độ chuyên môn, phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá, nghiên cứ khoa học tiên tiến ở trong nước;
d) Hỗ trợ giảng viên dự giờ giảng của giảng viên nước ngoài;
e) Cử giảng viên đi học tiếng Anh trong nước (để đạt chuẩn 6,0 IELTS hoặc tương đương);
f) Chi phí cán bộ quản lý đi đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về quản trị đại học tiên tiến ở nước ngoài;
g) Đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn đối với cán bộ quản lý ở trong nước;
h) Cử cán bộ quản lý đi học tiếng Anh trong nước (để đạt chuẩn 5,5 IELTS hoặc tương đương);
2. Nâng cao chất lượng và hiệu quả các hoạt động khoa học và công nghệ.
a) Triển khai thực hiện đề tài cấp Nhà nước;
b) Triển khai thực hiện đề tài ngoài Đại học Quốc gia Hà Nội;
c) Triển khai thực hiện đề tài nghiên cứu cơ bản và nhiệm vụ bảo vệ môi trường;
d) Triển khai thực hiện đề tài cấp Đại học Quốc gia Hà Nội (nhóm A);
e) Triển khai thực hiện đề tài cấp Đại học Quốc gia Hà Nội (nhóm B);
f) Triển khai thực hiện đề tài cấp cơ sở;
g) Chuẩn bị và tổ chức hội thảo khoa học quốc tế;
h) Hỗ trợ công bố kết quả nghiên cứu ở tạp chí quốc tế;
i) Hỗ trợ xuất bản sách chuyên khảo;
k) Hỗ trợ nghiên cứu khoa học sinh viên.
3. Hiện đại hóa chương trình, học liệu, phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá và cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học
a) Hoàn thiện, điều chỉnh và bổ sung khung chương trình song ngữ Anh-Việt;
b) Biên tập và ban hành chương trình song ngữ Anh-Việt;
c) Xây dựng đề cương môn học;
d) Thẩm định toàn bộ chương trình đào tạo;
e) Điều tra khảo sát ý kiến của các đối tượng liên quan đến chương trình đào tạo, trong đó có sinh viên tốt nghiệp;
g) Tự đánh giá kiểm định chất lượng chương trình với trường đại học đối tác;
h) Thuê đánh giá ngoài kiểm định chất lượng chương trình với trường đại học đối tác;
i) Thiết kế và chuẩn hóa bộ đề thi;
k) Biên soạn giáo trình và sách chuyên khảo tiếng Việt;
l) Biên dịch tài liệu tiếng Anh;
m) Mua giáo trình;
n) Mua tài liệu tham khảo;
o) Đầu tư nâng cấp, sửa chữa phòng học, phòng điều hành, phòng hội họp, sinh hoạt chuyên môn chung (bao gồm cả phòng, thiết bị phục vụ làm việc);
p) Tủ sách (bao gồm: giá sách, hệ thống thông tin phục vụ tủ sách, các đầu sách, tạp chí tham khảo);
q) Phòng thí nghiệm (cơ sở, chuyên đề);
r) Bảo trì, bảo dưỡng thiết bị phòng thí nghiệm;
s) Mua hoặc xây dựng phần mềm giảng dạy;
t) Xây dựng và duy trì Website chương trình.
4. Hợp tác Quốc tế
a) Tổ chức các hội thảo quốc tế;
b) Mời giảng viên nước ngoài;
c) Hỗ trợ người học là người nước ngoài đến học các chương trình đạt chuẩn quốc tế và hỗ trợ người học các chương trình đạt chuẩn quốc tế đi trao đổi học tập ở nước ngoài.
5. Hoạt động đào tạo
a) Tổ chức giảng dạy ngoại ngữ năm thứ nhất;
b) Tổ chức đào tạo chuyên môn bằng tiếng Anh tại đơn vị;
c) Tổ chức đào tạo chuyên môn bằng tiếng Việt tại đơn vị;
d) Thực hành, thực tập cho người học;
e) Hỗ trợ người học thực tập cuối khóa trong hoặc ngoài nước;
f) Hướng dẫn người học làm khóa luận, luận văn, luận án tốt nghiệp;
g) Xây dựng đề án thành phần;
h) Thẩm định đề án thành phần;
i) Tổ chức hội nghị, hội thảo, tổng kết năm học;
k) Hỗ trợ người học: học bổng, khen thưởng;
l) Văn phòng phẩm, thông tin liên lạc, công tác phí;
m) Kiểm định chất lượng/đánh giá/ kiểm tra/tổng kết chương trình.
6. Học bổng
Học bổng cho người học được xét trên cơ sở các quy định hiện hành của Nhà nước và của Đại học Quốc gia Hà Nội. Các mức học bổng bao gồm: xuất sắc, giỏi và khá. Trong đó mức thấp nhất dành cho loại khá tương đương 100% học phí một người học phải nộp. Số lượng và mức học bổng sẽ được điều chỉnh hàng năm theo quyết định của Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội dựa theo kết quả học tập, nghiên cứu khoa học và rèn luyện của người học.
Học bổng được xét và cấp dựa vào tổng điểm của các tiêu chí trong quy định của Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội theo thứ tự từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu của từng loại học bổng. Mỗi người học đạt tiêu chuẩn chỉ được nhận một loại học bổng. Kết quả xét học bổng được thông báo công khai.
Tạm thời áp dụng các tiêu chí sau đây để xét và cấp học bổng (trong một tiêu chí, chỉ xét một kết quả cao nhất).
a) Đào tạo đại học
- Đối với sinh viên năm thứ nhất, căn cứ theo tổng điểm của ba thành tích sau đây:
+ Thành tích thi học sinh giỏi
Cấp quốc tế: giải nhất: 5,0 điểm; giải nhì: 4,5 điểm; giải ba: 4,0 điểm; giải khuyến khích:     3,5 điểm.
Cấp khu vực và quốc gia: giải nhất: 3,0 điểm; giải nhì: 2,5 điểm; giải ba: 2,0 điểm; giải khuyến khích: 1,5 điểm.
Cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và tương đương: giải nhất: 1,0 điểm; giải nhì: 0,7 điểm; giải ba: 0,5 điểm; giải khuyến khích: 0,3 điểm.
+ Trung bình cộng điểm thi tuyển sinh đại học (nếu có) và điểm học ba năm học Trung học phổ thông của các môn học thi tuyển vào đại học (không tính hệ số): từ 9,5 – 10 điểm: 3,0 điểm; từ 9,0 – 9,4 điểm: 2,5 điểm; từ 8,5 – 8,9 điểm: 2,0 điểm; từ 8,0 – 8,4 điểm: 1,5 điểm.
+ Đối với hệ chuyên có môn học chuyên phù hợp thì xét điểm ưu tiên về học lực của cả ba năm học Trung học phổ thông: loại giỏi: 1,0 điểm; loại khá: 0,5 điểm.
- Đối với sinh viên năm thứ hai trở đi, căn cứ theo tổng điểm của các thành phần sau:
+ Thành tích học tập: Điểm trung bình chung học kỳ;
+ Thành tích nghiên cứu khoa học:
Đạt giải thưởng cấp Đại học Quốc gia Hà Nội hoặc cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo: giải nhất: 0,20 điểm; giải nhì: 0,15 điểm; giải ba: 0,1 điểm; giải khuyến khích: 0,07 điểm;
Đạt giải thưởng cấp đơn vị: giải nhất: 0,1 điểm; giải nhì: 0,07 điểm; giải ba: 0,05 điểm.
Công trình khoa học của một tác giả đăng ở tạp chí khoa học hoặc tuyển tập công trình hội nghị khoa học (có phản biện): cấp quốc tế: 0,4 điểm; cấp quốc gia: 0,3 điểm; cấp cơ sở: 0,2 điểm. Đồng tác giả được tính tỷ lệ điểm thưởng này theo cách tính do Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước quy định.
b) Đào tạo thạc sĩ
- Đối với học viên cao học năm thứ nhất, căn cứ theo tổng điểm của các thành phần sau:
+ Điểm trung bình chung tích lũy các môn học thuộc khối kiến thức chuyên môn của bậc đại học (bao gồm kiến thức cơ sở của ngành, chuyên ngành, khóa luận/thi tốt nghiệp);
+ Trung bình cộng điểm thi tuyển sinh cao học các môn cơ bản, cơ sở (nếu có);
+ Thành tích nghiên cứu khoa học: Điểm thưởng nghiên cứu khoa học áp dụng như đối với bậc đại học.
- Đối với học viên cao học năm thứ hai, căn cứ theo tổng điểm của các thành phần sau:
+ Thành tích học tập: Điểm trung bình chung tích lũy;
+ Thành tích nghiên cứu khoa học: Điểm thưởng nghiên cứu khoa học áp dụng như đối với bậc đại học. Mức điểm thưởng cho các thành tích khác về nghiên cứu khoa học do Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội xem xét, quyết định.
c) Đào tạo tiến sĩ
- Đối với nghiên cứu sinh năm thứ nhất, căn cứ theo các điểm thành phần sau:
+ Điểm trung bình chung tích lũy khối kiến thức nhóm chuyên ngành và chuyên ngành của bậc thạc sĩ;
+ Trung bình cộng điểm thi nghiên cứu sinh các môn cơ bản, cơ sở (nếu có);
+ Điểm thưởng nghiên cứu khoa học được áp dụng như đối với bậc cao học;
+ Điểm bảo vệ luận văn thạc sĩ.
- Đối với nghiên cứu sinh năm thứ hai trở đi, căn cứ theo các điểm thành phần sau:
+ Điểm trung bình chung tích lũy khối kiến thức nhóm chuyên ngành và chuyên ngành của chương trình đào tạo thạc sĩ (nếu có);
+ Điểm trung bình chung các chuyên đề tiến sĩ;
+ Điểm thưởng thành tích nghiên cứu khoa học được áp dụng như cách tính điểm công trình của Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước, bao gồm: điểm giáo trình, sách chuyên khảo; các bài báo khoa học; chủ trì và tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, bằng phát minh, sáng chế, giải thưởng và các sản phẩm khoa học và công nghệ có giá trị khác. Tất cả các công trình khoa học trên phải được thực hiện và công bố lần đầu trong thời gian làm nghiên cứu sinh. Ban Khoa học Công nghệ làm đầu mối đánh giá và xác định thành tích nghiên cứu khoa học của người học.

Về đầu trang

 
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
  • Không có tin nào liên quan!
Trang: