Nhiệm vụ chiến lược
Trang chủ   >  Nhiệm vụ chiến lược  >   Thông tin về chương trình  >   Hóa học
GIỚI THIỆU VỀ CHƯƠNG TRÌNH HÓA HỌC BẬC CỬ NHÂN, THẠC SỸ, TIẾN SỸ

1.1. Giới thiệu về đơn vị thực hiện Đề án thành phần
Trường ĐHKHTN thuộc ĐHQGHN là trường ĐH hàng đầu ở Việt Nam trong đào tạo, nghiên cứu các ngành, chuyên ngành khoa học cơ bản về khoa học tự nhiên. Trường ĐHKHTN luôn dẫn đầu trong cả nước về đội ngũ GV có trình độ cao, có nhiều thành tích trong đào tạo và NCKH. Trường luôn là một trong những đơn vị dẫn đầu trong cả nước có số công trình khoa học được công bố trên các tạp chí quốc tế và cũng là cơ sở đào tạo đầu tiên trong cả nước có hệ đào tạo cử nhân khoa học tài năng, hệ chất lượng cao và chương trình tiên tiến. Hàng năm, Trường đã đào tạo và cung cấp hàng nghìn cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ có phẩm chất đạo đức tốt, trình độ chuyên môn cao và hoài bão khoa học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Khoa Hóa học thuộc trường ĐHKHTN - ĐHQGHN là một trong số các khoa được thành lập đầu tiên của trường ĐH Tổng hợp Hà Nội từ năm 1956 (nay là trường ĐHKHTN thuộc ĐHQGHN). Trải qua trên 55 năm phấn đấu và trưởng thành, Khoa đã đào tạo thành công 52 khoá đại học hệ chính quy ngành Hóa học, 12 khoá ngành Công nghệ Hóa học, 10 khoá hệ đào tạo Cử nhân khoa học tài năng, 6 khoá Sư phạm Hóa học, 01 khóa cử nhân tiên tiến hóa học và 33 khóa đại học hệ tại chức, 20 khóa thạc sĩ và 20 khóa bậc tiến sĩ thuộc các chuyên ngành khác nhau của ngành Hóa học. SV của Khoa tốt nghiệp ra Trường đã được xã hội chấp nhận và đánh giá cao. Nhiều SV được đào tạo từ Khoa đã và đang là những nhà khoa học đầu ngành, những nhà lãnh đạo và nghiên cứu chủ chốt ở các Viện nghiên cứu, các Trường Đại học trong và ngoài nước, các Trung tâm khoa học, những nhà quản lý từ cấp Trung ương đến địa phương trong cả nước và đã có nhiều cống hiến cho các lĩnh vực Hóa học, Công nghệ Hóa học, Dầu khí, Hóa chất, Nông học, Các hợp chất thiên nhiên, Dược học, Môi trường.
Tháng 05/2012, chương trình đào tạo ngành Hóa học được tổ chức kiểm định chất lượng thuộc mạng lưới các Trường Đại học Đông Nam Á (AUN) kiểm định đạt kết quả 5.0/7.0. Đây là kết quả cao nhất trong số các chương trình đào tạo đã được kiểm định ở Việt Nam và thứ hai trong số 14 lần kiểm định chương trình thuộc mạng lưới các Trường đại học Đông Nam Á.
Nhiều cử nhân Hóa học, Công nghệ Hóa học và GV, nghiên cứu viên của Khoa đang được đào tạo tiếp tục hoặc đang là những cộng tác viên giảng dạy, nghiên cứu ở các Trường Đại học, các Trung tâm nghiên cứu tại Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật, Hà Lan, Nga, Hàn Quốc, Singapo, Trung Quốc.... Nhiều SV tốt nghiệp từ Khoa Hóa học đi học sau đại học ở các nước tiên tiến đều được xếp hạng trong nhóm đầu về kết quả học tập và nghiên cứu khoa học. Các GV của Khoa còn được mời dạy ở một số khoa trong Trường và nhiều trường ĐH khác trong cả nước.
Song song với sự nghiệp đào tạo, nhiều thế hệ thầy, trò của Khoa đã và đang có nhiều đóng góp rất lớn về các nghiên cứu thuộc lĩnh vực Hóa học, đặc biệt trong các lĩnh vực nghiên cứu cơ bản của các quá trình hóa học và công nghệ hóa học. Hầu hết cán bộ của Khoa đều chủ trì hoặc tham gia nhiều đề tài NCKH Quốc tế (Nghị định thư), cấp Nhà nước, cấp Bộ/cấp ĐHQGHN, cấp cơ sở.... Trong khuôn khổ các đề tài hợp tác nghiên cứu với nhiều nước trên thế giới và tổ chức quốc tế, cán bộ của Khoa đã hoàn thành nhiều công trình nghiên cứu có giá trị cao và một số đề án đào tạo quốc gia về hóa học và công nghệ hóa học và xử lý ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí. Kết quả của các công trình NCKH này đã, đang và sẽ được sử dụng có hiệu quả trong công cuộc phát triển kinh tế xã hội, hiện đại hoá đất nước.
1.2. Giới thiệu về đối tượng dự án thành phần.
a) Ngành Hóa học
Ngành Hóa học được xây dựng và phát triển tại khoa Hóa học thuộc trường ĐHKHTN - ĐHQGHN và là một ngành mạnh của Trường. Hàng năm, hàng trăm SV thuộc các hệ chính quy, hệ cử nhân khoa học tài năng... tốt nghiệp ngành Hóa học cùng với các học viên cao học, nghiên cứu sinh tốt nghiệp các chuyên ngành thuộc ngành Hóa học đã đảm nhận các vị trí khác nhau tại nhiều cơ quan nghiên cứu về khoa học cơ bản về Hóa học và công nghệ hóa học, quản lý và chuyên gia trong các đơn vị sản xuất và chế biến các chế phẩm hóa học, dầu mỏ, nông nghiệp và các đơn vị hoạt động kinh doanh trong thực tế công nghiệp nặng, luyện kim, khoáng sản, dầu khí, men sứ, v.v...
Các môn học trong khung chương trình đào tạo của ngành hiện nay bao trùm các vấn đề cơ bản của ngành Hóa học và các lĩnh vực liên quan như Hóa học Vô cơ, Hóa học Hữu cơ, Hóa học Dầu mỏ, Hóa học Phân tích, Hóa lý và Hóa lý thuyết, Công nghệ các quá trình hóa học, Hóa học môi trường, Hóa học các hợp chất thiên nhiên, Hóa dược và một số lĩnh vực khác. Khung chương trình đào tạo được cập nhật đổi mới phù hợp với điều kiện phát triển của ngành và nhu cầu của xã hội, xu thế hội nhập thế giới. Chương trình đào tạo của ngành luôn chú trọng việc “học đi đôi với hành” giúp SV có kỹ năng thực hành tốt trong phòng thí nghiệm cũng như trong thực tế. Hiện nay, chương trình đào tạo ngành Hóa học của trường ĐHKHTN đang được nhiều trường trong toàn quốc tham khảo và sử dụng. Trong điều kiện giao lưu và hội nhập quốc tế, chương trình hiện thời còn bộc lộ những nhược điểm khó khắc phục: số tín chỉ lý thuyết lớn, hạn chế thực hành và vận dụng kiến thức; cấu trúc chương trình chưa thể hiện được sự liên thông giữa các bậc học, khó chuyển đổi giữa các chương trình Hóa học ở các trường đại học tiên tiến trên thế giới, vv.
Tính đến năm 2012, Khoa Hóa học có 89 cán bộ và GV, trong đó có 53 TS và TSKH với 25 PGS. Khoa có 16 GS và 18 PGS nguyên là cán bộ của Khoa đã nghỉ hưu, hiện đang cộng tác chặt chẽ với Khoa trong công tác đào tạo và NCKH. 1/2 cán bộ trên được đào tạo sau đại học ở nước ngoài, 21/53 cán bộ giảng dạy và 03 cán bộ quản lý đã được gửi đi học tập, trao đổi khoa học, quản lý đạo học tại Trường Đại học Illinois (USA) trong Chương trình phát triển đội ngũ cán bộ thuộc đề án đào tạo tiên tiên ngành Hóa của Bộ Giáo dục và Đạo tạo, giai đoạn 2006-2013. Phần lớn đội ngũ GV tiếp cận với PPGD, KTĐG và NCKH thông qua công việc chuyên môn và chưa được đào tạo, bồi dưỡng bài bản, các CBQL (bao gồm Ban chủ nhiệm Khoa và chuyên viên chuyên trách) là các cán bộ chuyên môn chưa được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức kỹ năng về quản trị đại học tiên tiến trong cũng như ngoài nước. Bên cạnh đó, Khoa Hóa học đã triển khai chương trình đào tạo tiên tiến ngành Hóa được 6 năm, 02 khóa sinh viên tiên tiến đã ra trường và đánh dấu sự khởi đầu thành công của chương trình này. Như vậy, khoa Hóa học đã có những cơ sở nền tảng để phát triển toàn diện ngành Hóa học sớm bắt kịp trình độ quốc tế nếu được tăng cường đầu tư và phát triển cả về số lượng cũng như chất lượng đội ngũ GV và CBQL, cơ sở vật chất, trang thiết bị nghiên cứu.
Với đội ngũ như trên, bên cạnh công tác đào tạo, trong 3 năm gần đây Khoa Hóa học hiện đã và đang thực hiện 28 đề tài cấp Nhà nước, cấp ĐHQGHN và cấp cơ sở. Các đề tài NCKH của Khoa Hóa tập chung vào các hướng chính là: Tổng hợp vật liệu mới; Tổng hợp và ứng dụng các hợp chất composit chống ăn mòn; Tổng hợp và ứng dụng các hợp chất thiên nhiên và các hợp chất có hoạt tính sinh học, dược phẩm; Nghiên cứu trong lĩnh vực hóa sinh vô cơ; Nghiên cứu trong lĩnh vực xúc tác hấp phụ; Nghiên cứu trong lĩnh vực chuyển hóa dầu mỏ và tổng hợp nhiên liệu sinh học; Nghiên cứu chế tạo các hợp chất nanocomposit, vật liệu màng; Nghiên cứu trong lĩnh vực hóa sinh và hóa dược; Nghiên cứu hóa lý thuyết và tính toán ứng dụng. Khoa đã tổ chức 06 hội thảo khoa học quốc tế; công bố 190 bài báo khoa học trên các tạp chí chuyên ngành trong nước và 20 bài báo khoa học trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế; 02 công trình khoa học được ứng dụng vào thực tiễn; xuất bản được 05 sách chuyên khảo; có khoảng 30 báo cáo NCKH của SV tham gia hội nghị khoa học cấp Trường ĐHKHTN, cấp ĐHQGHN và Bộ Giáo dục.
Về đào tạo, khoa Hóa học có chương trình Cử nhân Hóa học, Cử nhân Công nghệ Hóa học hệ chuẩn với hệ thống học liệu và tài liệu học tập, tạp chí được dùng chung tại thư viện ĐHQGHN được trang bị, bổ sung cập nhật thường xuyên. Bên cạnh chương trình đào tạo cử nhân Hóa học theo hệ chuẩn với hơn 55 năm phát triển, Khoa đã triển khai chương trình đào tạo cử nhân Khoa học tài năng từ năm 1998, cử nhân Tiên tiến từ năm 2006. Đây là tiền đề quan trọng để xây dựng chương trình đào tạo cử nhân ngành Hóa học đạt trình độ quốc tế.
 Tính đến thời điểm năm 2012, Khoa đang sử dụng hơn 50 phòng, bao gồm: phòng học, phòng máy tính, phòng thí nghiệm cơ sở, phòng thực hành, phòng chuyên đề… phục vụ cho công tác đào tạo và NCKH. Trong số đó, ¾ số phòng trên mới được đầu tư, cải tạo, nâng cấp, trang bị từ các dự án Nhà nước, Quốc tế đáp ứng được nhu cầu đào tạo theo chuẩn quốc tế.
Về hợp tác trong nước, Khoa đã thiết lập quan hệ hợp tác, NCKH với nhiều trường đại học, với các địa phương, bảo đảm kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo, NCLH và phục vụ thực tiễn.
Khoa có quan hệ hợp tác quốc tế rộng rãi với các cơ sở khoa học tại nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, và các nước trong khu vực. Từ năm 2006 đến nay, Khoa đã và đang có 8 đề tài hợp tác với nước ngoài. 
b) Chuyên ngành Hóa hữu cơ
            Từ ngày thành lập (năm 1956), Khoa Hóa học; Bộ môn Hoá học Hữu cơ gắn liền với truyền thống phát triển của trường Đại học Tổng hợp, nay là trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội trong sự nghiệp đào tạo đội ngũ cán bộ giảng dạy và nghiên cứu khoa học cho cả nước. Bộ môn Hoá học Hữu cơ luôn là đơn vị mạnh của khoa Hoá học về đào tạo cũng như trong nghiên cứu khoa học cơ bàn và khoa học công nghệ, góp phần cùng khoa Hoá học trong việc đào tạo nguồn nhân lực ngành Hoá học, trong đó có chuyên ngành Hoá Hữu cơ cho đất nước với số lượng đào tạo trên dưới 30 thạc sĩ và trên dưới 10 tiến sĩ hoá học hàng năm.
Uy tín về đào tạo và nghiên cứu khoa học của Bộ môn Hoá học Hữu cơ và của khoa Hoá học đã được các khoa đồng nghiệp trong nước và quốc tế công nhận. Đối tác quốc tế thường xuyên của khoa và Bộ môn là các khoa Hoá học của các trường ĐHTH Matxcơva (CHLB Nga), ĐHTH Quốc gia Lào, ĐHTH Amsterdam (Hà lan), ĐHTH Tự do - ULB (Vương quốc Bỉ), ĐHTH Pari VI, ĐHTH Lyon (CH Pháp), ĐHKT Dresden (CHLB Đức), ĐH Công nghệ Tokyo, ĐHTH Kochi, Viện công nghệ cao JAIST (Nhật bản), ĐHTH Myongji, Viện KHCN KAIST (Hàn quốc), ĐHTH Hoàng gia Chulalongkorn (Thái lan), ĐHTH Quốc gia Singapore, Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ OPEC, Tập đoàn Hoá chất SOLVAY (Vương quốc Bỉ). Hàng trăm cán bộ của khoa đã được đi hợp tác nghiên cứu, đào tạo, nâng cao trình độ tại các trường và viện nói trên. Ngoài ra, Bộ môn cùng với Phân Hội Hoá học Hữu cơ (Hội Hoá học Việt Nam) thường xuyên tổ chức Hội nghị “Khoa học và Công nghệ Hoá học Hữu cơ” thường niên.
Trong khuôn khổ các dự án hợp tác quốc tế, từ những năm 1980 Bộ môn Hóa hữu cơ -khoa Hoá đã nhận được viện trợ máy móc thiết bị hàng triệu đô la Mỹ cho hai phòng thí cơ bản và chuyên đề. Các thiết bị nghiên cứu hiện đại góp phần quan trọng nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học của khoa Hóa học và Bộ môn trong thời gian qua.
Chuyên ngành Hóa học hữu cơ được xây dựng và phát triển tại khoa Hóa học thuộc trường ĐHKHTN - ĐHQGHN và là một chuyên ngành mạnh của Khoa và của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên. Hàng năm, các học viên cao học, nghiên cứu sinh tốt nghiệp chuyên ngành Hóa học Hữu cơ hoàn toàn đủ kỹ năng và kiến thức để đảm nhận các vị trí khác nhau tại nhiều cơ quan nghiên cứu về hóa học và công nghệ hóa học, quản lý và chuyên gia trong các đơn vị sản xuất và chế biến các chế phẩm hóa học, dược phẩm và các đơn vị hoạt động kinh doanh trong thực tế như công nghiệp hương liệu, chất mầu, hay thực phẩm vv.
1.3. Giới thiệu về trường đối tác
a) Đối tác cho ngành Hóa học, trình độ cử nhân
Trường ĐHKHTN lựa chọn đối tác cho đề án xây dựng ngành và chuyên ngành Hóa học đạt chuẩn quốc tế là ĐH Illinois của Hoa Kỳ. ĐH Illinois là một ĐH có lịch sử phát triển lâu dài, với 10 giải thưởng Nobel về Hóa học. Hiện nay, ĐH Illinos bao gồm 3 cơ sở chính ở Urbana-Champain, Chicago, Springfield (đều thuộc bang Illinois). ĐH Illinois là một trong những ĐH nghiên cứu tiên tiến của Hoa Kỳ, nằm trong danh sách xếp hạng 25 trường ĐH hàng đầu thế giới năm 2010[1] và được xếp thứ 19 trong bảng xếp hạng các trường ĐH hàng đầu Hòa Kỳ năm 2010[2]. Theo số liệu năm 2011, ĐH Illinois-Urbana-Champain có 13 đơn vị đào tạo thành viên, với tổng số 5.654 cán bộ, tổng số SV là 76.886 bậc ĐH, 19.047 sinh viên tốt nghiệp năm học 2008-2009.
Sứ mệnh và tầm nhìn của ĐH Ilinois3 là xây dựng một trường ĐH lớn mạnh, với năm mục tiêu chính. Thứ nhất, ĐH Illinois định hướng xây dựng một trường ĐH mạnh dựa trên yếu tố con người, xây dựng đội ngũ GV, cán bộ và SV giỏi, nhằm thu hút nhiều hơn nữa GV và SV giỏi đến với Trường. Thứ hai, ĐH Illinois có sứ mệnh tạo lập một môi trường học tập đa dạng về văn hóa và ngành đào tạo. Thứ ba, ĐH Illinois định hướng đào tạo SV khả năng làm việc được trên các lĩnh vực liên ngành. Thứ tư, ĐH Illnois định hướng chương trình đào tạo tích hợp với hoạt động nghiên cứu, để hai hoạt động này thúc đẩy lẫn nhau phát triển vững mạnh. Thứ năm, tạo lập nguồn tài chính tốt để thực hiện các sứ mệnh trên.
b) Đối tác cho chuyên ngành Hóa hữu cơ, trình độ sau đại học
Đại học Rennes 1, CH Pháp (năm 2012, ngành hóa học đứng vị trí 151-200 thế giới) năm 2010 trường Đại học Rennes 1 được xếp hạng trong các trường Excellent châu Âu về Hóa học trong số 7 trường Đại học danh tiếng nhất của Pháp được xếp hạng). Là một trường đại học đa ngành ở vùng Tây Bắc, Đại học Rennes 1 có đội ngũ giáo sư giỏi, được đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại nhất hiện nay và là thành viên chính của Trung tâm quốc tế nghiên cứu phát triển Hóa dược trong hệ thống các đại học nổi tiếng của Pháp, Nhật Bản, Hồng Kông, Ấn Độ, Australia…
Được thành lập từ năm 1969 trên cơ sở kế thừa đại học Breton (ra đời từ năm 1461), Đại học Rennes 1 là một trung tâm đào tạo đa ngành đa lĩnh vực chuyên về khoa học tự nhiên và công nghệ, luật, kinh tế, quản lý, triết học và lĩnh vực sức khỏe. Hiện tại đại học Rennes 1 có khoảng 23.280 sinh viên theo học, với 3.353 cán bộ gồm: 1.601 giảng viên, 1.130 nhân viên và 622 nghiên cứu viên, trong đó 81% giảng viên và nghiên cứu viên (1.150 người) tham gia các hoạt động nghiên cứu với kinh phí nghiên cứu lên tới 20 triệu euro/năm. Rennes 1 có 221 chuyên ngành đào tạo, trong đó có 151 chuyên ngành đại học, 51 chuyên ngành thạc sĩ và 19 chuyên ngành tiến sĩ.
Chương trình đào tạo thạc sĩ chuyên ngành Hóa hữu cơ-Hóa dược của Đại học Rennes 1 là chương trình tiên tiến, hiện đại, tương xứng với các trường đại học hàng đầu thế giới. Các môn học trong khung chương trình chuyên sâu về tổng hợp hữu cơ, dược phẩm, hợp chất thiên nhiên, hợp chất bất đối xứng và quang hoạt và các lĩnh vực liên ngành (kim loại-phức chất, dược phẩm, nông học, y dược…). Khung chương trình của Đại học Rennes 1 cô đọng trong 3 học kỳ (thời gian đào tạo 1 năm), theo hệ thống tín chỉ tích lũy.
Chương trình đào tạo tiến sĩ chuyên ngành Hóa hữu cơ của Đại học Rennes 1 là một chương trình tiên tiến, hiện đại của một trường Đại học tầm cỡ thế giới. Các môn học trong khung chương trình bao trùm các vấn đề cơ bản của chuyên ngành Hóa hữu cơ và các lĩnh vực liên quan.           Khung chương trình đào tạo tiến sỹ hữu cơ hóa dược của Đại học Rennes 1 với thời gian đào tạo là 3 năm, được xây dựng theo hệ thống tín chỉ với cách quản lý có tính linh động cao.
1.4. Sự cần thiết của việc thực hiện đề án thành phần
ĐATP xây dựng và phát triển ngành Hóa học và chuyên ngành Hóa hữu cơ trình độ sau đại học đạt trình độ chuẩn quốc tế là một trong các ĐATP thuộc NVCL của ĐHQGHN tạo tiền đề và điều kiện để phát triển bộ môn Hóa hữu cơ và khoa Hóa học, trường ĐHKHTN, Quốc gia Hà Nội đạt chuẩn quốc tế, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao tri thức và sức cạnh tranh, thương hiệu của Đại học Quốc gia Hà Nội, góp phần đổi mới cơ bản giáo dục đại học Việt Nam. ĐATP xây dựng và phát triển hệ thống tổ chức và quản trị đại học tiên tiến, gắn kết chặt chẽ đào tạo và nghiên cứu khoa học, chuyển giao tri thức; môi trường làm việc, học tập, nghiên cứu, giảng dạy; tạo ra hệ thống cơ sở dữ liệu về Nhiệm vụ chiến lược, cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao tri thức. Sản phẩm của ĐATP cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực chất lượng cao về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và thị trường lao động quốc tế; Nâng cao chất lượng và hiệu quả các hoạt động khoa học và công nghệ để có các sản phẩm khoa học và công nghệ đạt trình độ quốc tế, tiêu biểu của quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước; Phát triển liên kết, hợp tác, thu hút các nguồn lực để xây dựng bộ môn Hóa hữu cơ, khoa Hóa học, trường ĐHKHTN và Đại học Quốc gia Hà Nội từng bước đạt chuẩn quốc tế, thu hút các nhà khoa học và sinh viên quốc tế xuất sắc đến học tập, nghiên cứu và làm việc.
Thế kỷ XXI là thế kỷ của nhiên liệu sạch, hóa học xanh. Con người đang trông chờ vào những thành tựu mới của khoa học sự sống để có cuộc sống được đảm bảo hơn về nhu cầu ăn, mặc, ở, sức khỏe,... với môi trường sống ngày càng được cải thiện. Để đóng góp ngày càng nhiều hơn và ngang tầm với vị thế của mình trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội bền vững của từng quốc gia và trên phạm vi toàn cầu, ngành Hóa học buộc phải có những bước tiến nhanh và có những đột phá mới. Bước khởi đầu và có tính quyết định là đào tạo được đội ngũ những nhà khoa học hóa học chất lượng cao đủ sức tiếp thu, vận dụng, phát huy các thành tựu KH&CN tiên tiến của thế giới phục vụ cho sự tăng trưởng nhanh bền vững của nền kinh tế và yêu cầu phục vụ đời sống con người.
Trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa, yêu cầu về hợp tác giữa các khu vực và các nước, cũng như các tổ chức, trường ĐH, viện nghiên cứu là nhu cầu tất yếu. Mặt khác, chương trình xây dựng mạng lưới gồm hàng trăm trường ĐH mới của Chính phủ hiện nay cùng với việc gia tăng các viện và trung tâm nghiên cứu thì yêu cầu tăng nhanh về số lượng GV và cán bộ nghiên cứu ngành Hóa học có trình độ cao trong thập kỷ tới ngày càng trở nên cấp bách. Với yêu cầu này, việc đào tạo các cán bộ khoa học ngành Hóa học trong nước có trình độ cao tương đương với trình độ quốc tế là hết sức cần thiết. Xã hội càng phát triển thì nhu cầu về nguồn nhân lực có chất lượng cao càng lớn với sự đa dạng hóa về ngành nghề và các lĩnh vực nghiên cứu khác nhau liên quan tới hóa học như năng lượng, nhiên liệu mới và nhiên liệu tái tạo, nhiên liệu sạch, công nghệ vật liệu nano, xử lý ô nhiêm môi trường- chống biến đổi khí hậu, dầu mỏ và chất dẻo, các cơ sở đào tạo và NCKH.... Hiện nay, nhu cầu trong và ngoài nước về nhân lực của ngành Hóa học là rất cao. Các trường ĐH, trung tâm nghiên cứu của các nước phát triển hàng năm nhận rất nhiều SV giỏi thuộc ngành Hóa học của Việt Nam thông qua các chương trình học bổng như VEF (Mỹ), Monbogakusho (Nhật), DAAD (Đức), Hàn Quốc (KAIST), Singapore (NUS).... Phát triển ngành Hóa học đạt chuẩn quốc tế với khả năng đào tạo cán bộ có trình độ cao, chúng ta có thể đảm bảo cung cấp nguồn nhân lực các nhà khoa học hóa học đáp ứng nhu cầu trong và ngoài nước.
Trong chủ trương và chính sách đầu tư có trọng điểm của Đảng và Nhà nước cho sự nghiệp giáo dục, ĐHQGHN có sứ mạng tiên phong trong sự nghiệp đổi mới và nâng cao vị thế nền GDĐH Việt Nam ngang tầm khu vực và các nước tiên tiến trên thế giới. Trong chiến lược của ĐHQGHN nói chung và trường ĐHKHTN nói riêng, việc phấn đấu trở thành một trường ĐH nghiên cứu tiên tiến, ngang tầm khu vực, với hệ thống bằng cấp tương đương các nước tiên tiến, với khả năng đào tạo SV nước ngoài, năng lực giảng dạy, nghiên cứu và hệ thống bài giảng bằng tiếng Anh, phòng thí nghiệm hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế được xem như là những mục tiêu nhất thiết phải đạt được.
Hiện nay, trường ĐHKHTN - ĐHQGHN là một trong những địa chỉ đào tạo ra những cử nhân Hóa học đạt chuẩn quốc tế, đào tạo có chất lượng cao cho cả nước thông qua chương trình đào tạo cử nhân khoa học tài năng có uy tín. Để duy trì và nâng cao những lợi thế vốn có của Trường, ĐATP sẽ tích hợp chương trình đào tạo tài năng, chương trình đào tạo tiên tiến vào chương trình đào tạo thuộc nhiệm vụ chiến lược của Đại học Quốc gia Hà Nội và đảm bảo mục tiêu đào tạo của từng chương trình riêng biệt. Mục tiêu của chương trình cử nhân khoa học tài năng ngành hóa là đào tạo ra những cử nhân khoa học có kiến thức chuyên sâu, rộng, có khả năng ngoại ngữ tốt, đáp ứng như cầu nghiên cứu, học tập, trao đổi học thuật chuyên môn. Chương trình tài năng cung cấp nguồn cán bộ chất lượng cao cho các trường đại học, viện nghiên cứu chuyên sâu hóa học. Trong khi đó, chương trình tiên tiến đảm bảo yêu cầu chuẩn đầu ra của sinh viên nhiệm vụ chiến lược của Đại học Quốc gia Hà Nội; có kiến thức cơ bản vững vàng và có khả năng giao tiếp học thuật bằng tiếng Anh, có thể làm việc trong lĩnh vực hóa học và liên quan đến hóa học trên phạm vi toàn cầu.
Để đạt được mục tiêu đó, cần phải phát triển các ngành và chuyên ngành trong khoa Hóa học đạt chuẩn, trước tiên là ưu tiên đầu tư phát triển đạt chuẩn quốc tế ngành Hóa học, một ngành có truyền thống và kinh nghiệm đào tạo lâu năm với đội ngũ đông đảo cán bộ khoa học có trình độ cao được đào tạo từ nhiều nước khác nhau trên thế giới.
ĐATP xây dựng và phát triển ngành Hóa học đạt trình độ quốc tế thực hiện chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước trong việc đẩy nhanh tiếp cận trình độ KH&CN tiên tiến của thế giới, đổi mới chất lượng và phương thức đào tạo đại học và NCKH, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội, đáp ứng nhu cầu hội nhập và phát triển. Đây là cơ hội lớn để khoa Hóa học tiếp tục đổi mới, cập nhật chương trình đào tạo, phương pháp và chất lượng dạy và học, đạt hiệu quả cao trong hoạt động KH&CN, tạo lập và phát triển mối quan hệ hợp tác lâu dài và triển bền vững với các trường hàng đầu trên thế giới, nhằm tiếp tục duy trì và phát triển chương trình và sản phẩm đào tạo đạt chuẩn khu vực và thế giới.
Với các lý do trên, việc thực hiện ĐATP Xây dựng và phát triển ngành Hóa học bậc cử nhân, chuyên ngành Hóa học hữu cơ bậc thạc sỹ và tiến sỹ đạt chuẩn quốc tế tại trường ĐHKHTN là cần thiết và khả thi. ĐATP được thực hiện từ năm 2012-2015, tại khoa Hóa học, trường ĐHKHTN- ĐHQGHN với dự kiến tuyển sinh hàng năm khoảng 50-60 SV/năm ngành Hóa học, khoảng 15 học viên /năm trình độ thạc sĩ và khoảng 3-4 nghiên cứu sinh/năm

 
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
  • Không có tin nào liên quan!
Trang: