TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Tin tức chung 00:00:00 Ngày 06/08/2020 GMT+7
Vì sự phát triển thể thao chuyên nghiệp
Hiện nay, xuất phát từ tình hình thực tế, nhiều bạn trẻ có năng khiếu thể thao, ĐHQGHN đã quyết định xây dựng đề án thí điểm đào tạo một chương trình cử nhân đặc biệt cho các đối tượng có năng khiếu thể thao. Dự kiến chương trình này sẽ thiết kế theo hướng lịch học xây dựng theo thời gian hoạt động và thi đấu thể thao của từng vận động viên. Lớp học có thể tổ chức cho nhóm hoặc một thầy một trò. Để biết rõ hơn về hoạt động giáo dục thể chất, thể thao ở ĐHQGHN, Bản tin đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Việt Hòa – Trọng tài quốc tế môn bóng chuyền, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thể chất và Thể thao, ĐHQGHN.

Ông Nguyễn Việt Hoà điều hành một trận đấu bóng chuyền trong khuôn khổ của ASIAN GAMES 2018 tại Jakarta - Palembang, Indonesia.

ĐHQGHN luôn chú trọng phát triển con người về trí, thể, mỹ. Là đơn vị được giao nhiệm vụ phụ trách hoạt động giáo dục thể chất ở ĐHQGHN, xin ông cho biết trong thời gian qua công tác rèn luyện, giáo dục thể chất trong ĐHQGHN có những chuyển biến gì?

Hiện nay, chúng tôi tiếp tục củng cố và phát huy những mặt tích cực trong công tác tổ chức đào tạo môn học GDTC cho sinh viên các đơn vị đào tạo thành viên và trực thuộc ĐHQGHN theo tinh thần của Nghị quyết 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban chấp hành Trung ương (khóa XI) về việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Trung tâm GDTC&TT, ĐHQGHN đã đưa vào giảng dạy thử nghiệm 3 môn học mới đã thu hút được rất nhiều sinh viên tham gia học tập và đánh giá cao đó là: Bóng chuyền hơi, Tennis, Võ tự vệ. Đồng thời đơn vị tiến hành cập nhật nội dung giảng dạy và kiểm tra đánh giá mới sao cho phù hợp với xu thế phát triển của ĐHQGHN, tiệm cận với xu hướng phát triển giáo dục đại học của các nước trong khu vực châu Á và trên thế giới.

Bên cạnh đó, Trung tâm đã tổ chức được nhiều Hội thảo khoa học, Hội nghị tập huấn về công tác biên soạn đề cương môn học, giáo trình, bài giảng, bài giảng điện tử, đổi mới phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá. Các văn bản hướng dẫn về công tác xây dựng, nghiệm thu đề cương, giáo trình được Trung tâm xây dựng và hoàn thiện… nhằm nâng cao chất lượng đào tạo môn học GDTC tại ĐHQGHN.

Đội ngũ cán bộ giảng dạy, cán bộ nghiên cứu của Trung tâm có trình độ để biên soạn nhiều giáo trình có chất lượng, phù hợp với đối tượng người học. Từ năm 2016 – 2018, Trung tâm đã tổ chức biên soạn được 12 giáo trình và đã được nghiệm thu xếp loại tốt và 6 giáo trình đang trong giai đoạn triển khai biên soạn, dự kiến nghiệm thu vào tháng 11/2018. Giáo trình môn học GDTC được biên soạn theo định hướng lấy người học làm trung tâm, rèn luyện các kỹ năng tự học, tự nghiên cứu của sinh viên thông qua hệ thống các bài tập bổ trợ. Qua đó cũng giúp giảng viên có thể kiểm tra đánh giá sinh viên được thường xuyên.

Để đáp ứng chất lượng đào tạo về giáo dục thể chất trong bối cảnh mới, công tác phát triển đội ngũ cán bộ giảng dạy hiện nay như thế nào, thưa ông?

Trung tâm đặc biệt chú ý đến việc phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, bởi lẽ giảng viên là người giữ vai trò quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng và có ảnh hưởng nhất định đến chất lượng đào tạo. Chính vì vậy, trong những năm qua, các hoạt động kiểm tra, đánh giá chất lượng giảng dạy của giảng viên (thông qua kênh người học) luôn được Trung tâm đặt lên hàng đầu và trở thành hoạt động thường xuyên, được đánh giá định kỳ vào tháng 5-6 hàng năm. Đây được xem là một trong số nhiều kênh thông tin để kiểm soát và đảm bảo chất lượng đào tạo.

Bên cạnh hoạt động giảng viên tự đánh giá với mục đích giúp cung cấp các thông tin từ phía giảng viên về nhiệm vụ của giảng viên góp phần xây dựng các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học, phát triển văn hóa chất lượng trong ĐHQGHN nói chung và Trung tâm nói riêng, hoạt động tự đánh giá của giảng viên cũng được Trung tâm quan tâm triển khai thực hiện vào tháng 6 hàng năm.

Hiện tại, đơn vị có 4 giảng viên có trình độ Tiến sĩ, 2 giảng viên đang học Nghiên cứu sinh, các giảng viên còn lại đều đạt trình độ Thạc sĩ.

Không chỉ là hoạt động rèn luyện thể chất, được biết trong thời gian tới, ĐHQGHN xây dựng đề án thí điểm đào tạo hệ cử nhân đặc biệt cho các tài năng thể thao. Xin ông cho biết rõ hơn?

Hiện nay, xuất phát từ tình hình thực tế, nhiều bạn trẻ có năng khiếu thể thao, nhưng không dám đi theo nghiệp thể thao chuyên nghiệp vì lo ngại về nghề nghiệp và công việc sau khi kết thúc sự nghiệp thể thao ngắn ngủi, ĐHQGHN đã quyết định xây dựng đề án thí điểm đào tạo một chương trình cử nhân đặc biệt cho các đối tượng có năng khiếu thể thao.

Dự kiến chương trình này sẽ thiết kế theo hướng lịch học xây dựng theo thời gian hoạt động và thi đấu thể thao của từng vận động viên. Lớp học có thể tổ chức cho nhóm hoặc một thầy một trò.

ĐHQGHN sẽ kêu gọi tài trợ xã hội cho chương trình đặc biệt này. Chương trình dự kiến bắt đầu triển khai vào năm 2019. Đây sẽ là một cơ hội tuyệt vời cho các tài năng thể thao, góp phần phát triển đội ngũ vận động viên thể thao chuyên nghiệp của đất nước.

Cá nhân tôi đánh giá đây là một chủ trương đúng đắn, mang tính nhân văn cao và thể hiện được tầm chiến lược và sứ mệnh tiên phong trong giáo dục của lãnh đạo ĐHQGHN. Đồng thời đáp ứng nhu cầu cho đông đảo vận động viên cấp cao của Việt Nam, trong bối cảnh thể thao thành tích cao chưa có sự gắn kết với giáo dục đại học. Tôi tin rằng, chương trình đào tạo chuyên ngành này được thể hiện ở ĐHQGHN, ngoài việc giúp đỡ cho các vận động viên có thêm cơ hội việc làm sau khi kết thúc sự nghiệp thi đấu thể thao chuyên nghiệp, còn được xã hội đánh giá cao. Đặc biệt, theo tôi được biết lãnh đạo ngành thể thao cũng đang rất quan tâm đến chương trình đào tạo này của ĐHQGHN.

Chương trình đào tạo có dùng phương thức đào tạo trực tuyến cho một số môn học. Việc tuyển sinh đầu vào cũng sẽ áp dụng phương thức xét tuyển đặc biệt.

Vậy ĐHQGHN có những thế mạnh cũng như chuẩn bị gì để thực hiện đề án trên?

Trước sự phát triển nhanh chóng của KH&CN, đòi hỏi các nhà làm công tác giáo dục cũng phải xây dựng các chương trình đào tạo sao cho phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. Chương trình đào tạo đưa ra vừa phải phù hợp với đặc thù của đơn vị, vừa phải đáp ứng được yêu cầu của xã hội, đồng thời có thể nâng cao năng lực tổ chức, quản lý một cách có hiệu quả trên mọi lĩnh vực của xã hội, đặc biệt là lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Bởi lẽ giáo dục và đào tạo luôn được coi là quốc sách hàng đầu, là một trong những nhân tố quan trọng thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, là điều kiện phát huy nguồn lực con người. Phát triển giáo dục là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, trong đó đội ngũ cán bộ làm công tác giáo dục là lực lượng nòng cốt, đóng vai trò quan trọng trong công tác này.

Thế mạnh của ĐHQGHN là một đại học đa ngành theo hướng đại học nghiên cứu. Vì vậy, việc xây dựng chương trình đào tạo tích hợp nhiều chuyên ngành khoa học khác nhau là một thế mạnh của ĐHQGHN, đồng thời đây cũng là xu thế phát triển giáo dục đại học trên thế giới. Việc ứng dụng phương pháp giảng dạy trực tuyến vừa là thế mạnh của ĐHQGHN, đồng thời đáp ứng được nhu cầu học tập của sinh viên là đối tượng vận động viên đang tham gia tập luyện và thi đấu, nên họ có rất ít thời gian để đến trường như những sinh viên bình thường.

Xin cảm ơn ông!

 Việt Nguyên (Bản tin ĐHQGHN số 336) - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ