TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Tin tức chung 08:11:22 Ngày 24/01/2020 GMT+7
Vì một cộng đồng khỏe mạnh về tinh thần, cao đẹp về nhân cách
Tâm lý học là ngành học cung cấp những tri thức tổng quát về cách con người suy nghĩ, cảm nhận và hành động trong bối cảnh cá nhân hay xã hội. Toàn bộ thế giới tinh thần phức tạp của con người, từ những rỗi nhiễu tâm lý đến những hành vi cao đẹp hay ý chí phi thường đều là đối tượng nghiên cứu của ngành này.

Ngành học của xã hội hiện đại

Trên thế giới, Tâm lý học chính thức trở thành một ngành khoa học độc lập từ năm 1879. Từ rất sớm, ngành khoa học có sự giao thoa giữa khoa học tự nhiên và khoa học xã hội này đã xuất hiện do nhu cầu cần nghiên cứu, tìm hiểu về sự vận động của tư duy, cảm xúc, tâm lý con người dưới tác động của các yếu tố tự nhiên và xã hội. Các trung tâm đại học hàng đầu thế giới của Mỹ, Pháp, Anh, Úc... cho đến các nước châu Á phát triển đểu không thể thiếu ngành Tâm lý học trong hệ thống các ngành khoa học về xã hội và nhân văn.

Theo PGS.TS Trịnh Thị Linh - Phó trưởng Khoa Tâm lý học, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN giải thích: "Tâm lý là tất cả các hiện tượng của đời sống tinh thần, thế giới nội tâm của con người, nó gắn liền và điều hành mọi hoạt động của con người. Tâm lý học là ngành khoa học chuyên nghiên cứu về các hiện tượng tinh thần của cá nhân và nhóm xã hội, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng đời sống tinh thần của con người. Đây là một khoa học liên ngành và là ngành khoa học của xã hội hiện đại".

Trên thực tế, xã hội càng phát triển, áp lực cuộc sống ngày càng cao dẫn đến các rối nhiễu cũng như bệnh lý về tinh thần ngày càng có xu hướng phổ biến ở các nước phát triển như trầm cảm, tự kỷ, hoang tưởng, lo âu, cô đơn.... Thực trạng này xảy ra không phân biệt độ tuổi, giới tính, nghề nghiệp hay trình độ học vấn của mỗi người. Số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự báo đến năm 2020, trầm cảm là căn bệnh thứ hai tấn công sức khỏe con người chỉ sau tim mạch. Hiện nay, có 3% - 5% dân số thế giới mắc bệnh này. Một nửa các bệnh lý về tâm thần khởi phát ở độ tuổi 14 nhưng phần lớn đều không được phát hiện hay điều trị. Cũng theo nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), khoảng 8%-29% trẻ em vị thành niên Việt Nam mắc các bệnh về sức khỏe tâm thần. Theo nhiều nghiên cứu trong nước, 87% số trẻ em trong mẫu nghiên cứu có vấn đề về tâm lý. Ứớc tính tại Việt Nam có ít nhất ba triệu thanh, thiếu niên có các vấn đề về sức khỏe tâm lý, tâm thần nhưng chỉ có khoảng 20% trong số đó nhận được hỗ trợ y tế và điều trị cần thiết. “Xã hội hiện đại ngày càng phát triển, nghề Tâm lý càng được coi trọng bởi tính cần thiết cũng như giá trị nhân văn mà nghề này mang lại trong việc mưu cầu đời sống hạnh phúc cho con người” - PGS.TS Trịnh Thị Linh khẳng định.

Trong thực tế, Tâm lý học không chỉ giúp chữa trị các bệnh lý về tâm thần hay các rối nhiễu tâm lý mà tri thức Tâm lý học còn có ứng dụng hết sức rộng rãi trong nhiều lĩnh vực xã hội khác nhau. Tâm lý học học đường cung cấp các kiến thức về những lĩnh vực ứng dụng của Tâm lý học vào quá trình giáo dục và dạy học ở trường phổ thông. Tâm lý học du lịch nghiên cứu các hiện tượng và cơ chế vận hành các qui luật tâm lý của con người và nhóm người trong hoạt động du lịch; nghiên cứu sự phát triển các loại hình du lịch và đặc điểm tâm lý của các nhóm du khách; nghiên cứu giao tiếp của con người trong hoạt động du lịch. Tâm lý học xã hội cung cấp cái nhìn toàn cảnh về sự hình thành và phát triển tâm lý của cá nhân trong quá trình gia nhập vào các nhóm xã hội khác nhau. Tâm lý học tuyên truyền quảng cáo nghiên cứu các hình thức, nguyên tắc hoạt động tuyên truyền quảng cáo, tâm thế, ý thức và các yếu tố ảnh hưởng tới hiệu quả và chất lượng của hoạt động tuyên truyền quảng cáo, cách thức tổ chức và qui trình tiến hành một chương trình quảng cáo cụ thể. Tâm lý học pháp lý đánh giá về các hiện tượng tâm lý con người trong lĩnh vực luật pháp. Tâm lý học tôn giáo quan tâm đến góc độ tâm lý trong tín ngưỡng, tôn giáo. Tâm lý học gia đình giải thích cơ sở kết nối, thiết lập mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình. Kỹ năng tham vấn qua điện thoại và internet cung cấp quy trình tham vấn qua điện thoại và internet, cách phân tích tình huống của thân chủ thông qua nghe và nhìn gián tiếp vấn đề của thân chủ...

Gắn lý thuyết với thực hành

Tại Việt Nam, Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN được hình thành từ Bộ môn Tâm lý Xã hội của Khoa Triết học, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và chính thức trở thành Khoa Tâm lý học từ năm 1997. Cho đến nay, Khoa được công nhận là cơ sở nghiên cứu và đào tạo uy tín hàng đầu đất nước trong lĩnh vực Tâm lý học. Khoa có đội ngũ giáo viên đạt chuẩn học vị cao (55 % GS/PGS và 85 % TS) với nhiều thầy, cô là chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực Tâm lý học lâm sàng, Tâm lý học tham vấn, Tâm lý học quản lý và kinh doanh, Tâm lý học xã hội, ... Các đề tài nghiên cứu khoa học của mỗi giảng viên đều gắn liền với các học phần được giảng dạy, đảm bảo sự gắn bó chặt chẽ giữa hoạt động nghiên cứu và giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.

Hiện nay, Khoa Tâm lý học có 02 chương trình đào tạo cử nhân hệ chuẩn và hệ chất lượng cao. Cũng theo PGS.TS Trịnh Thị Linh, đặc trưng đào tạo của Khoa là đào tạo kiến thức nền tảng rộng về Tâm lý học, trên cơ sở đó đi sâu vào các định hướng chuyên ngành.

Kiến thức chuyên sâu trong CTĐT ngành Tâm lý học gồm 3 khối kiến thức chính. Một là khối kiến thức nền tảng về sự hình thành và phát triển tâm lý con người với các môn học như Tâm lý học phát triển, Sinh lý học hoạt động thần kinh cấp cao, Giải phẫu sinh lý, Tâm lý học nhân cách, Tâm lý học thần kinh... Hai là khối kiến thức trang bị những hiểu biết chung nhất về các hiện tượng tâm lý của cá nhân và nhóm xã hội với các môn học như Tâm lý học xã hội, Tâm lý học quản lý kinh doanh, Tâm lý học học đường, Tâm lý học giao tiếp, Tâm lý học gia đình, Tâm lý học dân tộc, Tâm lý học tổ chức, Tâm lý học du lịch... Ba là khối kiến thức chuyên sâu, nền tảng về nhận diện, đánh giá và can thiệp, trị liệu các vấn đề tâm lý với các môn học về Tâm lý học lâm sàng đại cương, Đánh giá tâm lý, Tâm lý học trị liệu, Tâm bệnh học trẻ em và thanh thiếu niên, Tham vấn nhóm, Tham vấn trẻ em và thanh thiếu niên…

Sau 3 năm đào tạo, sinh viên sẽ theo đuổi một trong các hướng chuyên ngành: Tâm lý học lâm sàng, Tâm lý học tham vấn, Tâm lý học xã hội, Tâm lý học quản lý kinh doanh. Trong đó, Tâm lý học lâm sàng định hướng đào tạo bài bản, chuyên sâu về việc nhận diện các vấn đề tâm lý, cách can thiệp và trị liệu... Tâm lý học tham vấn định hướng trợ giúp cho các nhân có các khó khăn, rối nhiễu tâm lý. Tâm lý học quản lý kinh doanh hỗ trợ các hoạt động về nhân sự, kết nối, tuyển dụng, tổ chức trong môi trường doanh nghiệp... Tâm lý học xã hội định hướng các hoạt động nghề nghiệp trong các dự án cộng đồng, trong lĩnh vực gia đình, tôn giáo, giới, hay luật pháp….

CTĐT còn có sự phối kết hợp nhuần nhuyễn giữa nền tảng sâu về lý thuyết và thời gian thực hành nghề. Sinh viên được đi thực tập ngay từ năm thứ hai và đến năm thứ tư, thời lượng thực tập kéo dài trong suốt một học kỳ. Các cơ sở thực tập là các đơn vị chăm sóc sức khỏe tinh thần chuyên biệt như bệnh viện, trung tâm tư vấn tâm lý, trung tâm trợ giúp xã hội... cho đến các trường học, các tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp, các đơn vị tổ chức sự kiện... Các đối tác của Khoa là những đơn vị hàng đầu như Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, Viện Tâm lý học, Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình…. Khi thực tập, sinh viên được giám sát bởi 01 thầy cô trong khoa và 01 người giám sát chuyên môn tại cơ sở. Thông qua đó, người học có điều kiện củng cố lý thuyết và hình thành kĩ năng thực hành để giải quyết các vấn đề thực tiễn.

Năm 2017, CTĐT cử nhân ngành Tâm lý học được kiểm định đạt kết quả tốt theo Bộ tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Năm 2018, chương trình tiếp tục được kiểm định và đạt tiêu chuẩn của Hiệp hội các trường đại học Đông Nam Á (AUN) như một minh chứng cho tính cập nhật, hiện đại và hội nhập của ngành Tâm lý học, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG Hà Nội.

Nở rộ dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần

PGS.TS Trịnh Thị Linh cho biết trong nhiều năm trở lại đây, Tâm lý học là ngành học khá "hot" của xã hội. Ngày nay cùng với sự nâng cao nhận thức của con người về vai trò quan trọng của sức khoẻ tinh thần, tỷ lệ sinh viên Tâm lý học ra trường có việc làm khá cao. Các bệnh viện lớn như Bệnh viện Nhi TƯ, Bệnh viện Tâm thần học Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai ... đều đã có biên chế chính thức dành cho người học tốt nghiệp ngành Tâm lý học. Các trường học tư thục và quốc tế đều có phòng tâm lý học đường để chăm sóc sức khoẻ tâm thần cho các em học sinh. Xu hướng này đang ngày càng lan rộng đến hệ thống các trường công lập.

Sinh viên Tâm lý học còn có thể trở thành chuyên viên trị liệu tâm lý tại các trung tâm cung cấp dịch vụ tư vấn tâm lý, các cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tinh thần, trại cai nghiện, cơ sở giáo dục đặc biệt cho người khuyết tật. Hiện nay, một xu hướng của tương lai là phát triển mạnh các dịch vụ chăm sóc, can thiệp, điều trị sức khoẻ tâm thần, tâm lý cho các cá nhân tại nhà.

Bên cạnh đó, với kiến thức về Tâm lý học, người học còn có thể hoạt động hiệu quả ở nhiều vị trí công việc thuộc nhiều lĩnh vực như: chuyên viên phụ trách nhân sự, quảng cáo, chăm sóc khách hàng, tổ chức sự kiện, ....trong các tổ chức, doanh nghiệp hoặc làm việc tại các cơ quan hành pháp, các dự án trong lĩnh vực tâm lý-xã hội. Các cơ quan nghiên cứu và giáo dục, các doanh nghiệp và các tổ chức phi chính phủ cũng là những đơn vị tuyển dụng đầy tiềm năng đối với cử nhân ngành Tâm lý học. Một bộ phận người học tốt nghiệp cũng đã rất thành công trong lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy về Tâm lý học tại các trường đại học, cao đẳng, các viện nghiên cứu. Trên thực tế, nhiều cựu sinh viên của Khoa đang nắm giữ những trọng trách chuyên môn và quản lý quan trọng tại nhiều bệnh viện, trường đại học, tổ chức, doanh nghiệp...

 

 Song Ngư - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ