TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Chân dung 00:00:00 Ngày 09/03/2017 GMT+7
Các gương mặt nhà khoa học nữ tiêu biểu Khoa Y Dược
Khoa Y Dược là đơn vị đào tạo và nghiên cứu khoa học trực thuộc ĐHQGHN có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu phát triển ứng dụng chuyển giao công nghệ Y Dược.

Bên cạnh hoạt động đào tạo, hoạt động nghiên cứu khoa học cũng được cán bộ Khoa chú trọng. Trong đó, các nữ nhà khoa học đã có đóng góp tích cực vào sự phát triển của Khoa Y Dược. Hiện nay, tỷ lệ cán bộ nữ của Khoa Y Dược là 61%, trong đó có 13 Tiến sỹ và 4 Phó Giáo sư, chiếm hơn một nửa số các nhà khoa học có học hàm, học vị tương ứng.

Nhân dịp kỷ niệm 107 năm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, Cổng Thông tin Điện tử ĐHQGHN xin giới thiệu một số gương mặt nhà khoa học nữ tiêu biểu của Khoa Y Dược.

PGS.TS Lê Thị Luyến

PGS.TS Lê Thị Luyến - Chủ nhiệm Bộ môn Liên Chuyên Khoa, Chủ tịch Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học là một trong ba nhà giáo – thầy thuốc của ĐHQGHN được vinh danh Thầy thuốc Ưu tú năm 2017.

Đến nay, PGS.TS Lê Thị Luyến đã đảm nhận 01 đề tài cấp Nhà nước, 01 đề tài cấp Bộ Y tế, 03 đề tài cấp Khoa và tham gia thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, biên soạn giáo trình phục vụ đào tạo cử nhân Dược học.

Có thể nói, các kết quả nghiên cứu khoa học của chị đã góp phần ứng dụng phục vụ bệnh nhân và nâng cao sức khỏe cộng đồng.

PGS.TS Dương Thị Ly Hương

PGS.TS Dương Thị Ly Hương là Trưởng phòng Quản lý Khoa học, chủ nhiệm Bộ môn Dược lý – Dược lâm sàng, Khoa Y Dược, ĐHQGHN.

PGS.TS Dương Thị Ly Hương đã chủ nhiệm 01 đề tài cấp Nhà nước, 01 đề tài cấp ĐHQGHN, 01 đề tài cấp Bộ Y tế và nhiều đề tài cấp cơ sở; đồng thời, chị còn tham gia và là thư ký khoa học của một số đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ Y tế, cấp ĐHQGHN khác.

 PGS.TS Dương Thị Ly Hương (thứ ba từ trái sang) tại lễ ký kết giữa Khoa Y Dược và ĐH Dankook, Hàn Quốc

Ngoài tham gia nghiên cứu khoa học, PGS.TS Dương Thị Ly Hương còn tham gia biên soạn giáo trình và sách tham khảo cho sinh viên ngành Dược như Phương pháp nghiên cứu khoa học, Dược lâm sàng - Những nguyên lý cơ bản và sử dụng thuốc trong điều trị, Dược lý học, Dược thư Quốc gia Việt Nam…

TS. Lê Thị Thu Hường

TS. Lê Thị Thu Hường hiện đang công tác tại Bộ môn Dược liệu và Dược học cổ truyền, Khoa Y Dược, ĐHQGHN.

Ngay từ khi còn là sinh viên năm thứ nhất, Trường ĐH Dược Hà Nội, Lê Thị Thu Hường được cử đi học bậc đại học tại Cu Ba theo diện Hiệp định và trở thành sinh viên nước ngoài duy nhất được Bộ Giáo dục Cu Ba trao học bổng toàn phần Tiến sĩ tại Cu Ba. Năm 2013, TS. Lê Thị Thu Hường về nước và làm việc tại Khoa Y Dược, ĐHQGHN.

Với lòng nhiệt huyết và niềm đam mê nghiên cứu khoa học, TS. Lê Thị Thu Hường hiện đang là Trưởng nhóm nghiên cứu tiềm năng về Thiết kế Thuốc của ĐHQGHN. Nhóm nghiên cứu đã có nhiều công trình được đăng tải trên các tạp chí quốc gia và quốc tế có uy tín.

Hiện nay, chị đang chủ trì 1 đề tài cấp ĐHQGHN và tham gia nhiều đề tài các cấp khác. Năm 2014, TS Hường nhận giải nhất tại Hội nghị khoa học công nghệ tuổi trẻ các trường Y Dược Việt Nam lần thứ 17.

TS. Nguyễn Thị Thanh Bình

TS. Nguyễn Thị Thanh Bình - Chủ nhiệm Bộ môn Hóa dược – Kiểm nghiệm thuốc, Khoa Y Dược, ĐHQGHN tốt nghiệp Tiến sỹ Dược học tại Đại học Claude Bernard Lyon 1, Pháp. Chị đã giành nhiều giải thưởng như: “Poster báo cáo khoa học” tại Trường Tiến sĩ liên ngành Khoa học – Sức khỏe Lyon, Cộng hòa Pháp; “Mobilité Accueil ERASMUS” dành cho sinh viên nước ngoài có thành tích xuất sắc tại Viện Khoa học Dược và Sinh học, Đại học Claude Bernard Lyon 1, Cộng hòa Pháp…

 TS. Nguyễn Thị Thanh Bình (thứ hai từ trái sang) cùng các đồng nghiệp

Bên cạnh công tác đào tạo, TS. Nguyễn Thị Thanh Bình còn tham gia biên soạn giáo trình giảng dạy và là tác giả của 03 bài báo trên tạp chí quốc tế thuộc hệ thống ISI/SCOPUS. Ngoài ra, TS. Bình còn là chủ nhiệm của 01 đề tài cấp ĐHQGHN “Nghiên cứu điều chế tiểu phân nano chứa bạc để ứng dụng trong dược phẩm” nghiệm thu đạt loại xuất sắc. Đây là đề tài khoa học đầu tiên trong nước ứng dụng công nghệ nano để tổng hợp nên các tiểu phân nano bạc clorid, mở ra hướng mới cho Việt Nam trong việc phát triển các sản phẩm sát khuẩn vết thương, chữa bỏng an toàn, hiệu quả. Nghiên cứu không chỉ góp phần tích cực vào cuộc chiến chống lại sự đề kháng của vi sinh vật mà còn hứa hẹn giúp giảm bớt chi phí cho bệnh nhân, giảm nhẹ công việc cho cán bộ y tế. Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên các tạp chí trong nước và quốc tế.  

 Hương Giang - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ