Tin tức  Tin tức chung 14:23:28 Ngày 20/04/2024 GMT+7
Đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 theo phương thức Nhật Bản
Năm 2023, lần đầu tiên Trường ĐH Việt Nhật, ĐHQGHN triển khai chương trình đào tạo Cơ điện tử thông minh và sản xuất theo phương thức Nhật Bản (đào tạo đại học kết hợp thạc sĩ ngành Kĩ thuật cơ điện tử). Chương trình nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo ra tri thức toàn diện trong lĩnh vực Cơ điện tử, Cơ khí chính xác và vật liệu. Người học được trang bị năng lực cạnh tranh trên thị trường lao động trong và ngoài nước, đặc biệt là các công ty xuất sắc của Nhật Bản tại Việt Nam.

 

Lợi thế kép dành cho người học

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - Trưởng ban Đào tạo ĐHQGHN cho biết, năm học 2022-2023, ĐHQGHN đã mở một số ngành đào tạo cử nhân kết hợp thạc sĩ tại Trường Quốc tế gồm: Công nghệ tài chính và kinh doanh số, Công nghệ thông tin ứng dụng, Kỹ thuật Hệ thống công nghiệp và Logistics. Năm 2023, ĐHQGHN tiếp tục mở thêm nhiều ngành mới trong đó có CTĐT kỹ sư kết hợp thạc sĩ chất lượng cao Cơ điện tử thông minh và sản xuất theo phương thức Nhật Bản (ngành kỹ thuật cơ điện tử). Đây là ngành học được các chuyên gia đánh giá cao về chất lượng và tính chuyên biệt.

CTĐT nhằm tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao có tri thức toàn diện trong lĩnh vực Cơ điện tử, Cơ khí chính xác và vật liệu; có khả năng tự thích ứng trong bối cảnh công nghệ liên tục thay đổi; có năng lực cạnh tranh trên thị trường lao động trong và ngoài nước, đặc biệt là các công ty hàng  của Nhật Bản tại Việt Nam.

Ngoài ra, khi theo học CTĐT này, sinh viên chỉ cần học thêm 1 năm nữa là có thể tốt nghiệp và nhận bằng thạc sĩ chất lượng cao.

CTĐT được xây dựng từ triết lý giáo dục khai phóng, giúp người học có nền tảng kiến thức cơ bản tương đối rộng, từ đó nuôi dưỡng tính sáng tạo, khả năng tự thích nghi với sự thay đổi liên tục của môi trường và điều kiện làm việc. Bên cạnh đó, người học tiết kiệm được thời gian học tập để nhận tấm bằng thạc sĩ và duy trì tính liên tục trong đào tạo.

CTĐT có 3 định hướng chuyên sâu: Hệ thống cơ điện tử thông minh; Cơ khí chính xác và Kỹ thuật vật liệu. Với cấu trúc như vậy, CTĐT giúp cho người học sau khi ra trường thích ứng được với môi trường làm việc đa dạng về công nghệ và kỹ thuật. CTĐT được phân tầng với 166 tín chỉ đối với trình độ kỹ sư và 196 tín chỉ đối với trình độ thạc sĩ (học tiếp 35 tín chỉ sau khi hoàn thành CTĐT kỹ sư).

Triết lý “Monozukuri” - sản xuất theo phương thức Nhật Bản - được áp dụng triệt để, xuyết suốt quá trình đào tạo. Nhiều học phần được thiết kế và giảng dạy bởi các giáo sư của Đại học Osaka, Nhật Bản. Mô hình đào tạo kết hợp với các doanh nghiệp được triển khai thông qua các thỏa thuận hợp tác với các công ty của Nhật Bản tại Việt Nam như MITANI SANGYO Co., Ltd.; KOGANEI SEIKI Co., Ltd… giúp sinh viên được trải nghiệm môi trường và phương thức sản xuất ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Cơ hội trao đổi sinh viên quốc tế cùng chính sách học bổng hấp dẫn

Trong quá trình học, người học sẽ được tham gia nhiều chương trình trao đổi sinh viên đa dạng, linh hoạt với các trường đại học hàng đầu của Nhật Bản như Đại học Osaka, Đại học Tokyo… giúp sinh viên có cơ hội trải nghiệm học tập tại đất nước “Mặt trời mọc”, môi trường quốc tế tự do phát triển.

Ngôn ngữ chính được sử dụng trong CTĐT là tiếng Việt, tiếng Anh và Tiếng Nhật. Vì vậy, sinh viên khi ra trường có nhiều lợi thế về ngôn ngữ, đặc biệt trong các công ty về công nghệ và kỹ thuật của Nhật Bản tại Việt Nam.

Các chính sách học bổng dành cho người học của CTĐT kỹ sư kết hợp thạc sĩ cũng vô cùng hấp dẫn. Mỗi học kỳ, có ít nhất 20% sinh viên mỗi khóa được cấp học bổng, bao gồm loại A (100% học phí và hỗ trợ chi phí học tập); loại B (100% học phí) và loại C (50% học phí). Xếp loại học bổng dựa trên kết quả đầu vào ở học kỳ 1 và kết quả học tập của học kỳ trước, cùng nhiều học bổng tài trợ, học bổng trao đổi, thực tập khác tại Nhật Bản.

Đa dạng vị trí việc làm sau tốt nghiệp

Sau khi tốt nghiệp, sinh viên theo học chương trình Cơ điện tử thông minh và sản xuất theo phương thức Nhật Bản có thể đảm nhận các vị trí công việc trong lĩnh vực Công nghệ - kỹ thuật Cơ điện tử và Cơ khí chính xác, Robotics, Kỹ thuật vật liệu như: Kỹ sư thiết kế, chuyên gia tư vấn kỹ thuật, vận hành và quản lý hệ thống kỹ thuật, quản lý dự án kỹ thuật. Người học có cơ hội trở thành nhà nghiên cứu, phát triển sản phẩm về công nghệ, kỹ thuật trong các công ty hoặc các viện, trung tâm nghiên cứu trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, người học có thể lựa chọn trở thành cán bộ giảng dạy tại các trường đại học về công nghệ và kỹ thuật hoặc tiếp tục học lên bậc tiến sĩ tại các trường đại học hàng đầu của Việt Nam và Nhật Bản.

Thông tin tuyển sinh Chương trình đào tạo Cơ điện tử thông minh và sản xuất theo phương thức Nhật Bản (đào tạo đại học kết hợp thạc sĩ ngành Kỹ thuật Cơ điện tử)

- Mã trường: VJU

- Mã ngành: 7520114 (ĐH)

- Chỉ tiêu: 60 sinh viên

- Thời gian đào tạo:

+ 4,5 năm học đối với trình độ Kỹ sư

+ 5,5 năm học đối với trình độ Thạc sĩ 

- Tổ hợp xét tuyển kỳ thi tốt nghiệp THPT: A00 (Toán, Lý, Hóa); A01 (Toán, Lý, Anh); D28 (Toán, Lý, Nhật);  D07 (Toán, Hóa, Anh); D23 (Toán, Hóa, Nhật).

- Phương thức tuyển sinh

+ Xét tuyển hồ sơ năng lực và phỏng vấn (đặc biệt tại VJU) (dự kiến 30% chỉ tiêu)

+ Xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT (30%)

+ Xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá năng lực học sinh THPT của ĐHQGHN năm 2023 (30%)

+ Xét tuyển theo phương thức khác (10%)

>>> Chính thức phê duyệt hai chương trình đào tạo mới tại Trường Đại học Việt Nhật (vju.ac.vn)

 

 Bản tin ĐHQGHN
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC