Hội thảo được tổ chức thường niên, nhằm chia sẻ những kinh nghiệm, định hướng phát triển giữa các trường đại học đào tạo khối ngành khoa học cơ bản toàn quốc; chia sẻ về chính sách, kinh nghiệm trong phát triển nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, tuyển sinh, đào tạo và thực hiện cơ chế tài chính. Từ đó, đưa ra các giải pháp thúc đẩy hoạt động tuyển sinh, đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác của khối trường đào tạo khoa học cơ bản. Hội thảo có sự tham dự của gần 100 nhà khoa học, nhà lãnh đạo, quản lý của một số cơ quan trung ương và của 6 trường đại học nghiên cứu, đào tạo khoa học cơ bản. Khoa học cơ bản – Nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa 4 nội dung chính được tập trung thảo luận trong Hội thảo gồm vai trò của khoa học cơ bản trong việc tham gia xây dựng văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng Cộng sản Việt Nam; tham gia xây dựng đường lối, chính sách phát triển kinh tế văn hóa xã hội; tham gia tư vấn chính sách; tham gia phát triển địa phương và các cơ hội về hội nhập quốc tế. Phát biểu khai mạc Hội thảo, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN, GS.TS Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh, khoa học nói chung và khoa học cơ bản nói riêng có vai trò vô cùng quan trọng trong tất cả các khía cạnh. Từ thế kỷ 19, Henri Frederic Amiel - nhà phê bình và triết gia người Thụy Sỹ đã chỉ ra “xã hội tồn tại nhờ niềm tin và phát triển nhờ khoa học”. Trong đó, khoa học cơ bản nắm một trong những vai trò then chốt. Theo GS.TS Hoàng Anh Tuấn, khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng là nền tảng để phục vụ cho phát triển xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế sự phân biệt giữa 2 lĩnh vực này không phải lúc nào cũng có thể tách bạch được một cách cụ thể nhất, kể cả khi đưa vào xem xét những thành tố then chốt trong khoa học như động cơ nghiên cứu, sản phẩm nghiên cứu hay những giá trị nội tại. Rất khó để tách bạch nội hàm của khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng, vì không có khoa học cơ bản nghiên cứu thì không thể đưa vào ứng dụng để sản xuất. “Nói một cách biện chứng, tôi xin dẫn lại quan điểm của Bác Hồ trong bài phát biểu tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ I Hội phổ biến khoa học, kỹ thuật Việt Nam ngày 18.5.1963: Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải tiến đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi”, GS.TS Hoàng Anh Tuấn cho hay. GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội Những điều này cho thấy vai trò của khoa học cơ bản, cùng thực tiễn phát triển và các khuynh hướng nhận thức, điều tiết, dẫn dắt khoa học cơ bản ở Việt Nam là một trong những vấn đề rất được quan tâm. Trong đó, có vai trò của các trường đại học với tư cách là “cái nôi” đào tạo, sản sinh ra nhân lực khoa học cơ bản cũng như tiếp tục bồi dưỡng, phát triển, hội nhập quốc tế và quay trở lại đưa khoa học cơ bản vào thực tiễn cuộc sống. Theo Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN, thời điểm này khi cả nước đang rất sôi động về các từ khóa như trách nhiệm quốc gia, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Hội thảo dù được tổ chức thường niên nhưng lại rất đúng thời điểm và rất trúng vấn đề. Ông bày tỏ kỳ vọng các ý kiến của chuyên gia, lãnh đạo các trường đại học tại Hội thảo sẽ giúp đưa ra các giải pháp thúc đẩy hoạt động tuyển sinh, đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác của khối trường đào tạo khoa học cơ bản thời gian tới. Phân tích vai trò của các ngành khoa học cơ bản, báo cáo của đại diện Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM cho thấy sự đóng góp sâu sắc và đa dạng của những lĩnh vực này trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo tồn di sản văn hóa của đất nước. Các ngành triết học, văn học, lịch sử đã tích cực tham gia vào việc tư vấn chính sách và đóng góp vào chiến lược phát triển địa phương thông qua nghiên cứu và đào tạo. Bên cạnh đó, các ngành thông tin - thư viện, lưu trữ học - quản trị văn phòng, tôn giáo học và địa lý đã thể hiện thế mạnh trong việc kết nối và lan tỏa giá trị tích cực đến cộng đồng, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Với những số liệu cụ thể về kết quả nghiên cứu, Trường ĐHKHXH&NV Hồ Chí Minh đã hỗ trợ các vấn đề tại địa phương đã cho thấy sự ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học cơ bản vào việc giải quyết các vấn đề phát triển địa phương, như mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, phát triển kinh tế gắn liền với an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền quốc gia; chính sách dân tộc, tôn giáo và bảo tồn văn hóa. Đại diện Trường ĐHKH Tự nhiên, ĐHQG-HCM khẳng định vai trò của khoa học cơ bản trong thực hiện thành công chiến lược khoa học công nghệ quốc gia. Những thành tựu của khoa học cơ bản là nền móng vững chắc cho sự phát triển bền vững và đổi mới sáng tạo của Việt Nam. Khoa học cơ bản cung cấp những hiểu biết sâu sắc về tự nhiên và xã hội, làm sáng tỏ các quy luật tự nhiên, là tiền đề để phát triển các công nghệ đột phá. Những phát hiện quan trọng từ khoa học cơ bản đã dẫn đến những ứng dụng mang tính cách mạng trong công nghiệp và đời sống. Nhất trí với những phân tích trên về vai trò của khoa học cơ bản, PGS.TS Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh: “khoa học cơ bản có một vai trò nền tảng, nếu không có thành tựu nghiên cứu của khoa học cơ bản, trong đó có khoa học lí luận thì không thể có nhiều ngành khoa học khác, đất nước không thể phát triển. Hội đồng Lí luận Trung ương đánh giá rất cao vai trò tư vấn của các cơ quan đào tạo, nghiên cứu về các ngành khoa học cơ bản. Hội thảo hôm nay quy tụ các trường đại học hàng đầu cả nước về lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và khoa học giáo dục, với thực tiễn và kinh nghiệm đào tạo, nghiên cứu trong thời gian qua chắc chắn sẽ có những đóng góp chất lượng tham gia xây dựng Nghị quyết văn kiện Đại hội XIV của Đảng”. Định hướng đào tạo nhân lực chất lượng cao trong khoa học cơ bản Phát biểu đề dẫn Hội thảo, GS.TS Lại Quốc Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN nhấn mạnh, khoa học cơ bản với tất cả các hoạt động rất đặc thù như nghiên cứu cơ bản, đào tạo nhân lực khoa học cơ bản và tư vấn khoa học ở tầm đổi mới tư duy, hoạch định đường lối, chính sách quốc gia đã có những đóng góp quan trọng và đầy trách nhiệm. Phó Hiệu Trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN GS.TS Lại Quốc Khánh Điều cần nhấn mạnh là không chỉ trên phương diện tính đặc thù của khoa học cơ bản, trong thời đại liên ngành, các tổ chức nghiên cứu và đào tạo khoa học cơ bản và giới trí thức khoa học cơ bản cũng đồng thời có những đóng góp đầy tính ứng dụng, trên cả ba phương diện nghiên cứu, đào tạo và tư vấn chính sách. Theo ông đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình với nhiều nhiệm vụ lớn đang đặt ra như tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển nhanh và bền vững đất nước; đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, lấy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo làm động lực chủ yếu; phát triển mạnh mẽ, toàn diện văn hóa và con người Việt Nam. Bên cạnh đó là nhiệm vụ tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn lực con người; đẩy mạnh phát triển, tăng cường ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; quản lý phát triển xã hội bền vững; bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội; quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường quốc phòng, an ninh; xây dựng quân đội nhân dân, công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Nhất trí với những phân tích trên về vai trò của khoa học cơ bản, PGS.TS Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương đánh giá rất cao vai trò tư vấn của các cơ quan đào tạo, nghiên cứu về các ngành khoa học cơ bản. Hội thảo quy tụ các trường đại học hàng đầu cả nước về lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và khoa học giáo dục, với thực tiễn và kinh nghiệm đào tạo, nghiên cứu trong thời gian qua chắc chắn sẽ có những đóng góp chất lượng tham gia xây dựng Nghị quyết văn kiện Đại hội XIV của Đảng”. Định hướng đào tạo nhân lực chất lượng cao trong khoa học cơ bản, một trong những giải pháp để khoa học cơ bản đạt thành tựu vượt bậc trong thời gian tới và phát huy vai trò nền tảng trong chiến lược phát triển quốc gia chính là đào tạo đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực khoa học cơ bản. Dựa trên phân tích cụ thể về vai trò và vị trí của việc đào tạo nguồn giáo viên và nhân lực khoa học cơ bản trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Miền Trung, đại biểu Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) nhấn mạnh hệ thống các trường đại học nghiên cứu, trường sư phạm cần được đầu tư để đào tạo đội ngũ các nhà khoa học, nhà sư phạm hàng đầu, có tầm khu vực và thế giới trên các lĩnh vực”. GS.TS Phùng Hữu Phú - nguyên UVTW Đảng, nguyên Phó Trưởng ban thường trực, Ban Tuyên giáo Trung ương; Chủ tịch HĐ KH&ĐT Trường ĐHKHHX&NV, ĐHQGHN đánh giá cao ý tưởng về diễn đàn khoa học của các trường nòng cốt trong đào tạo và nghiên cứu khoa hoc cơ bản tại Việt Nam GS.TSKH Vũ Hoàng Linh, Hiệu trưởng Trường ĐHKH Tự nhiên, ĐHQGHN chia sẻ thực trạng hiện nay người học, người dạy đặc biệt là người học giỏi, dạy giỏi không mặn mà với các ngành khoa học cơ bản. Vì vậy, các cơ quan cần phải có giải pháp thích ứng cho lĩnh vực này như đầu tư thích đáng về tài chính, thời gian, chính sách đãi ngộ, … cho cán bộ giảng viên, người học để họ toàn tâm toàn ý cống hiến và theo đuổi đam mê khoa học. Đào tạo khoa học cơ bản là đào tạo tinh hoa không thể chạy theo số lượng chỉ để đáp ứng chỉ tiêu về tuyển sinh. Hội thảo “Khoa học cơ bản với trách nhiệm quốc gia” đã nhận được sự hưởng ứng, ủng hộ mạnh mẽ của các đơn vị, với nhiều báo cáo tham luận rất có chất lượng như “Khoa học cơ bản trong tư vấn chính sách, tham gia phát triển địa phương”, “Vai trò của khoa học cơ bản trong chiến lược phát triển khoa học và công nghệ Việt Nam đến năm 2030”, “Vị trí, vai trò của cơ sở giáo dục đào tạo giáo viên và khoa học cơ bản trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung”, “Khoa học cơ bản với hội nhập quốc tế”, ... Các chuyên gia đánh giá đây là những báo cáo rất giá trị, đề cập đến những vấn đề rất thiết thực, không chỉ khẳng định trách nhiệm quốc gia của các tổ chức nghiên cứu và đào tạo khoa học cơ bản, mà còn gợi mở rất nhiều định hướng cho tương lai. >>> Tin bài liên quan: - Hội thảo quốc gia 2024: Nâng tầm khoa học cơ bản trong phát triển bền vững - [Infographic] Chương trình học bổng dành cho các ngành khoa học cơ bản -Lần đầu tiên ĐHQGHN triển khai chương trình gói học bổng bao gồm hỗ trợ sinh hoạt phí cho sinh viên ngành Khoa học Cơ bản - Sinh viên thuộc 9 ngành khoa học cơ bản tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn sẽ nhận được học bổng Thu hút tài năng từ năm học 2022-2023
|