ĐHQGHN - Dấu ấn trong tôi 04:24:44 Ngày 24/04/2024 GMT+7
GS.TS.NGND Trần Hữu Luyến:Mọi thứ đều bắt đầu từ chữ “duyên”
GS.TS.NGND Trần Hữu Luyến là một người thầy có tâm và có tài. Thầy là người đi tiên phong và có những thành công trong hướng nghiên cứu khoa học mới ở nước ta. Các công trình nghiên cứu của thầy mang tính thực tiễn cao, là những tài liệu quý giá đối với giảng viên, nhà nghiên cứu và quản lý các chuyên ngành ngoại ngữ và đào tạo đại học, sau đại học, không chỉ ở trường ĐHNN - ĐHQGHN, mà trên phạm vi cả nước.

Phải chăng, mọi vật gắn bó khăng khít, mọi sự gặp gỡ trong thế gian này cũng đều bắt đầu từ chữ “duyên”. Tôi đã được gặp thầy trong một buổi chiều đông. Mọi suy tư, lo lắng bộn bề trong cuộc sống đều như tan biến. Tôi ấm lòng hơn trước những lời tâm sự về cuộc sống, sự nghiệp, về những trăn trở, ước ao của thầy. Thầy bảo: “Nếu trời cho tôi một cuộc đời nữa, tôi xin vẫn được làm thầy giáo, để cố gắng có thêm đóng góp, dù ít ỏi, cho ngành giáo dục, cho xã hội”. Ðối với những ai đã từng là bạn, là đồng nghiệp, là học trò của thầy, thì không còn ngạc nhiên với điều đó nữa, vì thầy luôn như vậy, khiêm tốn, giản dị, nhẹ nhàng và trìu mến.

Giáo sư Trần Hữu Luyến sinh ngày 01 tháng 01 năm 1947 tại xã Quang Minh, huyện Mê Linh, Vĩnh Phúc (nay thuộc Hà Nội). Ðây là một vùng quê văn hiến, giàu truyền thống yêu nước, cách mạng, hiếu học và nghĩa tình. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề dạy học (ông nội là cụ đồ, vị thân sinh là giáo viên tiểu học), ngay từ nhỏ, Hữu Luyến đã ước ao sau này được làm thầy giáo và cậu đã tham gia dạy học, từ khi mới học lớp 5 vào các kỳ nghỉ hè. Chẳng là, thời đó, ở làng có phong trào dạy bổ túc văn hóa. Cậu bé Hữu Luyến đã xa nhà, từ khi lên học cấp II ở thị xã Phúc Yên, trường cấp II duy nhất của tỉnh khi đó.

Năm 1965, Hữu Luyến vào học khoa Tiếng Nga, hệ 4 năm, trường Ðại học Sư phạm Hà Nội và tốt nghiệp khi các khoa Ngoại ngữ được tách ra thành Trường Ðại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội. Vào thời gian đó, Nhà trường có chủ trương ngoại ngữ hóa các môn học và với kết quả học tập tốt, Hữu Luyến được giữ lại trường và bố trí công tác ở Bộ môn Tâm lí - Giáo dục học. Dạy tiếng Nga đã khó, dạy bằng tiếng Nga một bộ môn khoa học với những kiến thức khác xa kiến thức đã được đào tạo còn khó gấp bội phần. Vậy mà, không hề lùi bước, thầy vẫn bước đi trên con đường xa ngái đầy thử thách. Trường ÐHSPNNHN khi đó và Trường ÐHNN - ÐHQGHN sau này hơn lúc nào hết, rất cần những người có hiểu biết khoa học giáo dục, có chuyên môn vững vàng để đào tạo con người phục vụ sự phát triển xã hội.

Vừa làm việc, vừa tích cực học Tâm lí - Giáo dục ở Bộ môn của trường và ở Khoa Tâm lí - Giáo dục học, Trường Ðại học Sư phạm Hà Nội, kết thúc khóa học năm trước, đầu năm sau, năm 1972, thầy lên đường nhập ngũ. Cuối năm 1974, thầy trở lại Trường tiếp tục công tác ở Bộ môn Tâm lí - Giáo dục học. Những dự định nghiên cứu khoa học tâm lý lại đến với thầy. Và may mắn, cuối năm 1979, thầy được chọn đi làm nghiên cứu sinh ở Viện tâm lí học thuộc Viện hàn lâm Khoa học Giáo dục Liên Xô. Thầy được thử sức mình trong một môi trường học thuật uyên bác, được trang bị sâu rộng, đầy đủ hơn các kiến thức chuyên ngành tâm lí học. Bảo vệ thành công luận án tiến sĩ với đề tài “Khắc phục khó khăn tâm lí trong nắm vững các âm tiếng Nga ở người học Việt Nam”. Cuối năm 1983, thầy trở về trường cũ, làm chủ nhiệm bộ môn Tâm lí - Giáo dục học. Dưới sự chủ trì của thầy hơn 15 năm, bộ môn đã trở thành một tập thể đoàn kết, có trình độ cao, nghiên cứu khoa học và giảng dạy hiệu quả, được Nhà nước phong tặng Huân chương lao động hạng Ba.

Về sau, khi được nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, thầy tâm sự: Suốt những năm qua, kể từ khi bắt đầu cuộc đời dạy học, nhớ lại và nhìn nhận một cách nghiêm túc, thầy chưa bao giờ và ở đâu lấy những danh hiệu này để phấn đấu, mặc dù thầy rất ngưỡng mộ. Ðối với thầy, nghề dạy học là cao quý. Khi thực sự làm thầy giáo, buổi đầu tiên lên lớp giảng bài đối với thầy là một ngày hội. Thầy cho rằng, hãy làm đi, tất nhiên, phải làm đúng, có trí tuệ và chuyên nghiệp, tất sẽ có kết quả, có năng suất, có đóng góp cho ngành, cho xã hội và như vậy, người thầy giáo sẽ hoàn thành nhiệm vụ được giao và lúc đó danh hiệu sẽ đến như một phần thưởng tất yếu. Phần thưởng chính đáng là cái không thể xin; nó chỉ đến với lao động chân chính của con người. Thầy có quan niệm: Thầy giáo cũng là con người. Ðể làm thầy giáo, phải học làm người. Chỉ khi biết làm người thực sự, mới làm được thầy giáo thực sự. Thầy giáo không chỉ truyền đạt cho người học kiến thức, mà cả nhân cách của mình. Biết bao thế hệ học trò đã từng được nghe thầy giảng, có nhiều sinh viên, học viên, dù không mấy yêu thích môn Tâm lí học dạy học ngoại ngữ hay Tâm lý ngôn ngữ học, cũng không thể không thừa nhận rằng bài giảng của thầy luôn hấp dẫn và đầy sức thuyết phục. Kiến thức sâu rộng, sự uyển chuyển trong cách truyền đạt và nhân cách cao đẹp của thầy đã khiến bài giảng của thầy trở thành những giờ học đầy những khám phá mới mẻ và lí thú.

Ðến với Tâm lí – Giáo dục học, GS. Trần Hữu Luyến đã định hướng cho mình một con đường học thuật mới, đó là nghiên cứu năng khiếu ngoại ngữ, nghiên cứu tâm lí học giảng dạy ngoại ngữ, nghiên cứu tâm lí ngôn ngữ học và nghiên cứu đổi mới việc đào tạo giáo viên ngoại ngữ. Hầu hết các công trình khoa học của thầy đều gắn với giáo dục ngoại ngữ cho người học Việt Nam; cụ thể, đều tập trung vào các vấn đề cần thiết, cơ bản và hiện đại của tâm lí ngôn ngữ học, của tâm lí học dạy học ngoại ngữ, của giáo dục ngoại ngữ và thầy đã có những thành công. Những công trình nghiên cứu khoa học của thầy đã được đưa vào phục vụ sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực, nhân tài ngoại ngữ cho đất nước. Với sự nghiên cứu kiên trì, bền bỉ và khát vọng cống hiến cho sự nghiệp giáo dục ngoại ngữ, đến nay thầy đã công bố hơn 90 công trình nghiên cứu khoa học, gồm 7 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, 12 sách chuyên khảo, giáo trình, tài liệu học tập và hơn 70 bài báo và báo cáo khoa học công bố trên các tạp chí khoa học chuyên ngành, trên các kỉ yếu hội thảo khoa học quốc gia, quốc tế. Trong đó, những công trình khoa học tiêu biểu, được thai nghén nhiều năm trong nghiên cứu và thể hiện trên bục giảng như “Cơ sở tâm lý học dạy học ngoại ngữ”, Nxb ÐHQGHN, 2008; “Các quan điểm tâm lý học dạy học ngoại ngữ”, Nxb ÐHQGHN, 2009; “Những bình diện tâm lý ngôn ngữ học”, Nxb ÐHQGHN, 2010; Tâm lý học đại cương, Nxb ÐHQGHN, 1995 (viết chung, đến 2010, tái bản lần thứ 17)…

Trong thời gian công tác ở Trường ÐHSPNNHN, thầy Trần Hữu Luyến cũng đã trải qua nhiều vị trí công tác như Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Ðảng ủy, Trưởng ban Ban tuyên huấn Ðảng uỷ và Phó Hiệu trưởng phụ trách công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo sau đại học, công tác tư tưởng chính trị - học sinh, sinh viên và công tác thanh tra. Dù ở bất cứ vị trí nào, thầy cũng tận tụy với công việc và có tinh thần đổi mới. Dưới sự lãnh đạo của Ðảng ủy và Ban giám hiệu, thầy đã góp phần tích cực vào việc duy trì sự ổn định của nhà trường, xây dựng phong trào sinh viên lành mạnh, làm cho công tác nghiên cứu khoa học của nhà trường khởi sắc và công tác đào tạo sau đại học không ngừng phát triển.

Ngoài những vị trí nêu trên, thầy đã có thời gian tham gia trong ban chấp hành Hội Khoa học Tâm lí - Giáo dục Việt Nam (Khóa III, IV), trong Ban biên tập Tạp chí Tâm lí học, Ban biên tập Chuyên san Ngoại ngữ thuộc Tạp chí Khoa học ÐHQGHN, trong Hội đồng chức danh giáo sư, phó giáo sư liên ngành Tâm lí - Giáo dục học, làm chủ tịch Hội đồng Khoa học Tâm lí - Giáo dục ÐHQGHN, Ủy viên Hội đồng Khoa học và đào tạo ÐHQGHN, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học – Ðào tạo Trường ÐHNN – ÐHQGHN.

Với những đóng góp có được cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo, Giáo sư Trần Hữu Luyến được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2006, được Bộ Giáo dục - Ðào tạo lựa chọn làm Gương mặt giáo dục Việt Nam 2008 và được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân năm 2010. Ngoài ra, thầy còn được trao tặng Huy chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì, Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục, Huy chương Vì sự nghiệp Khoa học và Công nghệ, Kỷ niệm chương vì sự nghiệp các Hội Khoa học và Công nghệ, Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Tâm lý – Giáo dục.

 Việt Hà - Bản tin ĐHQG Hà Nội số 239/2011
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC