ĐHQGHN - Dấu ấn trong tôi 04:11:09 Ngày 20/04/2024 GMT+7
Làm đẹp thêm “dòng sông” ngôn ngữ
Thấy tôi là người giảng dạy Ngôn ngữ học, nhiều bạn bức xúc do những tình huống giao tiếp khác nhau, đã than phiền với tôi: “Chúng nó (lớp trẻ) làm hỏng hết tiếng Việt rồi”; “Ngày xưa thì lễ phép, còn bây giờ thì bát nháo. Mở miệng ra là chửi bậy, nói tục… Lại còn nói lắp, nói ngọng… nói năng vô lối nữa!”.

Nói tóm lại, cứ theo những lời phản ảnh này thì có thể nói, mọi chuyện sai sót trong nói năng, giao tiếp tiếng Việt hiện nay “trăm sai đổ lên đầu lớp trẻ”.

Tôi cười chia sẻ, rồi nói: Ừ cứ cho là như thế đi. Nhưng tôi nghiên cứu ngôn ngữ học, mà ngôn ngữ học là khoa học của bằng chứng. Bạn cứ thử quan sát kĩ xem, có bao nhiêu phần trăm trong lớp trẻ nói năng như thế nào và bình tĩnh hơn một chút cùng nhau làm một “ phản biện xã hội” xem sao.

Chúng ta gọi là nói tiếng mẹ đẻ nhưng thực ra học từ bố mẹ thì ít mà học từ xã hội thì nhiều. Một em bé khi 6 - 7 tuổi chưa thể làm được toán lớp ba, lớp bốn, nhưng cái gọi là ngữ năng (khả năng nói) đã rất hoàn chỉnh. Về cơ bản, chúng đã có thể nói được mọi điều, diễn đạt được mọi suy nghĩ. Từ đó, trong xã hội hình thành những chuẩn mực trong nói năng mà mọi người tự nguyện tuân theo: Cứ nói đúng rồi sẽ nói hay.

“Người bản ngữ (người nói tiếng mẹ đẻ) luôn luôn đúng” vì chuẩn mực ngôn từ thuộc về họ: cả chuẩn ngôn ngữ và chuẩn văn hóa. Lệch chuẩn là lệch cái này, sai chuẩn cũng là sai cái này.

Xét ngôn ngữ lớp trẻ hôm nay, nhiều người hơi bi quan: “Tiếng Việt bây giờ chán quá! Bao giờ cho đến… ngày xưa!”. Ngày xưa thưa gửi, gọi dạ bảo vâng, đâu vào đấy, nền nếp lắm. Người Thăng Long - Hà Nội nói năng nhẹ nhõm, thanh lịch đúng kiểu “người Tràng An”, chứ có đâu bặm trợn “loạn xà ngầu” như bây giờ! Tôi lại hỏi: “Vậy có bao nhiêu phần trăm lớp trẻ ăn nói bặm trợn?” Người ta lại bảo: "Ðó là nói chung thôi, con sâu làm rầu nồi canh". Một nhận xét như vậy rõ ràng thiên về cảm xúc nhiều hơn là lí trí.

Muốn hiểu lớp trẻ hôm nay nói năng thế nào ta cần phải xuất phát từ bối cảnh xã hội và môi trường xã hội nơi thế hệ trẻ đang sống. Xã hội vừa là nhu cầu, vừa là động lực cho sự phát triển ngôn ngữ. Xã hội ta xưa, chỉ cần tính từ đầu thế kỉ XX đến Cách mạng tháng Tám, về căn bản là xã hội phong kiến cát cứ với làng xã tách biệt, giao thông khó khăn, giao lưu hạn chế,… Ðiều này hình thành nhiều đơn vị cư dân “khép kín” hoặc gần như khép kín. Tiếng Việt tồn tại với vô số ốc đảo của tiếng địa phương và các thổ ngữ, giữ lại những lối nói năng nhiều đời không thay đổi, trong đó việc xưng hô bị đóng khung trong lễ giáo gia đình và lề thói tôn ti làng xã. Cái khung ấy được coi là chuẩn mực xã hội (trên bảo, dưới nghe, cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy), được tôn trọng và ngầm hiểu là nề nếp, gia phong và chuẩn mực giao tiếp. Hai từ “thưa” và “bẩm” có tần số xuất hiện rất cao trong sử dụng. Mặt trái của nó là ngôn ngữ thiếu đi tính dân chủ trong quan hệ giao tiếp, nhiều khuôn phép trở nên sáo và cứng nhắc (Cứ xem người ta nói năng, mời mọc, chúc tụng nhau trong các bữa cỗ bàn, lễ tết thì biết). Lớp trẻ theo lớp già, dưới danh nghĩa là giữ gìn gia phong nhưng thực chất là bảo thủ, không có chính kiến làm cho nhịp sống đã chậm lại càng chậm hơn.

Cách mạng tháng Tám đã đổi đời dân Việt, hai cuộc kháng chiến tiếp theo đã làm thay đổi cả vận mệnh quốc gia, dân tộc. Chế độ phong kiến không còn nữa. Xã hội đã có những cuộc lưu thông lớn, đã “thổi” vào từng gia đình, đến số phận từng con người. Ngôn ngữ của con người tự do phải khác với ngôn ngữ của quá khứ. Những thay đổi lớn trong lời ăn tiếng nói đã diễn ra, ngày một mạnh mẽ hơn, tự tin hơn, chắc chắn hơn. Lớp trẻ rời gia đình, rời lũy tre đến với những trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân lớn hơn (đi bộ đội, vào thanh niên xung phong, đi học ở trong và ngoài nước, xây dựng kinh tế mới,…) Họ nói với nhau, với đồng bào, đồng chí bằng ngôn ngữ mới mà trước đó chưa từng có. Ngôn ngữ phản ánh cuộc sống. Cuộc sống mới với những quan hệ mới, tư tưởng mới đã làm ngôn ngữ “chuyển mình” đổi theo. Tiếng địa phương cũng nhạt dần trong mỗi người do mở rộng tiếp xúc mà không sợ “chửi cha không bằng pha tiếng” như khi ở làng.

Xã hội mới, do tính tập trung cao của sự bao cấp nên “chủ nghĩa tự do” trong phát ngôn bừa bãi có bị hạn chế. Bận rộn sản xuất, chiến đấu, không có nhiều xung đột lợi ích, ngôn từ của thanh niên trong giao tiếp một thuở dường như trở nên “văn minh trong khuôn phép”, “dĩ công vi thượng” (lấy việc công làm trọng). Ðó rõ là mặt tốt. Nhưng mặt khác, cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp kéo dài cũng làm hạn chế các sáng tạo ngôn ngữ. Người ta thấy lớp trẻ nói năng, phát biểu, viết lách một thời na ná giống nhau trong một bộ “đồng phục” ngôn ngữ. Không ai muốn nói khác nhau, muốn thể hiện phong cách riêng với sự sáng tạo và cá tính. Trẻ em lên sân khấu cũng nói những câu khuôn sáo, “ông cụ non” bắt chước người lớn, mất đi cái hồn nhiên của tuổi thơ. Tâm lí mất tự tin dẫn đến những phát ngôn thiếu bản sắc, không hồn nhiên sinh động.

Công cuộc Ðổi mới (1986) đã mang lại sự đổi thay có tính cách mạng cho đất nước ta. Nền kinh tế thị trường và việc hội nhập quốc tế thành công đã làm thay đổi diện mạo cả nông thôn và thành thị, nhịp sống trở nên sôi động và nhanh hơn nhiều lắm. Tất cả những gì diễn ra trong bối cảnh đó đều thể hiện trong giao tiếp xã hội và cá nhân mà ngôn ngữ là công cụ quan trọng nhất. Lớp trẻ là thế hệ nhạy bén nhất mà tiếp thụ mau lẹ nhất các biến thiên xã hội, và các biến thiên ấy thể hiện ngay trong ngôn từ và các lối nói của họ. Ðời sống xã hội dân chủ hơn thì ngôn ngữ cũng dân chủ hơn. Lớp trẻ thời bình trong một xã hội cởi mở sẽ tự nhiên khi đứng trước nhiều cơ hội và lựa chọn trong ngôn ngữ và văn hóa.

Quan sát ngôn ngữ hôm nay của lớp trẻ ta thấy họ tự tin hơn, “người lớn” hơn rất nhiều trong giao tiếp đời thường và trong quan hệ công chúng. Lớp trẻ đầy năng động, tự tin và sáng tạo trong ngôn từ. Họ không bị gò bó trong những lối nói sáo mòn, công thức. Hãy nhìn lên tivi sẽ thấy lớp trẻ tự tin, chững chạc như thế nào trong lời nói của những người dẫn chương trình và cả những người tham gia các cuộc chơi dù đó là văn nghệ, thể thao hay tổ chức các sự kiện truyền thông. Hãy nhìn vào bàn đàm phán thương mại xem lớp trẻ nghiêm túc, tự tin và thông minh thế nào.

Vậy còn lời than phiền về ngôn ngữ thiếu chuẩn mực của lớp trẻ vẫn còn đó?

Ðó là một thực tế của quá trình phát triền ngôn ngữ trong một xã hội đang phát triển. Không phải là ngôn ngữ của lớp trẻ mà là ngôn từ của một số bạn trẻ nhận thức còn thấp, chưa đạt đến chuẩn mực văn hóa của thời đại mình bởi những lí do khác nhau. Hiện tượng này cũng giống như việc đua xe, không phải là của số đông bạn trẻ nhưng phản cảm và gây bức xúc. Một nhà lãnh đạo của ta đã nói một cách hình tượng: “Mở cửa thì có gió mát nhưng ruồi muỗi cũng bay vào. Tuy nhiên, đừng vì thế mà đóng cửa, hãy tìm cách đuổi ruồi muỗi ra hay khéo léo dùng vợt mà diệt chúng”. Ngôn ngữ lớp trẻ ngày nay đang đi tiên phong trong đổi mới. Thế hệ trẻ không làm hỏng ngôn ngữ của cha ông mà trái lại đang làm phong phú nó, làm cho nó dân chủ và sáng tạo hơn. Có cái “quậy” phá rối nhưng có những cái quậy bắt nguồn từ sự thông minh, “phá cách” một cách sáng tạo. Tất nhiên, cái gì cũng có tính tự phát và cần có sự can thiệp, điều chỉnh của pháp luật và dư luận xã hội. Ai cũng sợ dư luận, sợ phản ứng của cộng đồng. Một khi nói tục, nói bậy, dùng những hành vi ngôn ngữ phi chuẩn mực trong giao tiếp mà không bị lên án thì cái chưa đẹp vẫn có cơ phát triển. Tất cả sẽ xoắn lại thành một dòng chảy làm đục, làm rối dòng chủ đạo. Thực tế xã hội ta hiện nay chưa làm tốt chức năng giáo dục trong việc này, nhất là ở trách nhiệm gia đình, nhà trường và đoàn thể. Chính lớp trẻ cũng cần coi việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt thời mở cửa và hội nhập như một trách nhiệm xã hội - văn hóa thì dụng ngôn mới thành công.

Nói chung, cách nói năng của lớp trẻ hiện nay có chuyện này chuyện nọ nhưng không phải là phổ biến, không phải số đông. Nếu ta biết giáo dục, định hướng theo chiều tích cực thì “trăm sông sẽ chảy về biển cả”. Tiếng Việt ngày xưa không chỉ vẫn vẹn nguyên, vẫn đẹp mà còn được bồi đắp, giàu đẹp thêm nhiều. Công lao đó, không tính cho lớp trẻ thì tính cho ai?

 GS.TS Đinh Văn Đức - Bản tin ĐHQG Hà Nội số 239/2011
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC