ĐHQGHN - Dấu ấn trong tôi 20:55:28 Ngày 18/04/2025 GMT+7
Samsung tuyển 40 sinh viên ưu tú để đào tạo ngành bán dẫn
Đại học Quốc gia Hà Nội và Samsung dự kiến đào tạo khoảng 40 sinh viên ưu tú trở thành nhà lãnh đạo trong tương lai về lĩnh vực bán dẫn.
Kế hoạch này nằm trong chương trình VNU-Samsung Tech Track (V-STT), do Trường ĐH Công nghệ thuộc ĐHQGHN ký kết hợp tác với Samsung. Trong hai năm, sinh viên sẽ được đào tạo về các chuyên môn của công nghiệp bán dẫn như thiết kế mạch tích hợp, vật liệu, sản xuất và phân tích chất bán dẫn, tại cả Trường ĐH Công nghệ và Tập đoàn Samsung. Ngoài ra, họ được học tiếng Hàn Quốc với chuẩn đầu ra tối thiểu là TOPIK cấp độ 3 (chứng chỉ năng lực tiếng Hàn gồm 6 cấp độ). Sau khi tốt nghiệp, học viên được làm việc tại tập đoàn Samsung ở Hàn Quốc ít nhất hai năm với chế độ đãi ngộ như người bản xứ. Toàn bộ chi phí đào tạo do Samsung tài trợ. Samsung hiện là nhà sản xuất chip nhớ (DRAM) lớn nhất thế giới, sử dụng trong nhiều thiết bị như điện thoại thông minh, máy tính. Năm 2024, Trường ĐH Công nghệ cũng thông báo tuyển sinh chương trình này.
Theo đó, chương trình xét tuyển sinh viên đại học năm cuối hoặc đã tốt nghiệp đại học các ngành kỹ thuật, gồm Kỹ thuật điện - điện tử, Viễn thông, Kỹ thuật máy tính, Vật lý kỹ thuật, Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa. Với sinh viên đã tốt nghiệp, thời gian từ khi tốt nghiệp tới khi đăng ký không quá 3 năm. Chương trình mở đơn đăng ký sơ tuyển online với hai đợt: ngày 26/2-31/3 và ngày 1/6-31/7. Trường ĐH Công nghệ và Samsung sẽ xét tuyển lần lượt vào tháng 4 và tháng 8. Nếu trúng tuyển, học viên nhập học vào ngày 1/6 và 1/9. GS. Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Công nghệ, đánh giá việc bắt tay với "ông lớn" Samsung mở ra cơ hội vàng cho Trường ĐH Công nghệ nói riêng, ĐHQGHN và Việt Nam nói chung. "Việt Nam sẽ tham gia sâu và khẳng định vị trí trong chuỗi giá trị và hệ sinh thái thiết kế, chế tạo chip vi mạch bán dẫn toàn cầu", ông Đức chia sẻ. Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng của ngành sản xuất chip và linh kiện bán dẫn.
Theo công ty nghiên cứu Technavio, thị trường chất bán dẫn tại Việt Nam dự kiến tăng 1,65 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2025, với tốc độ tăng trưởng khoảng 6,5% mỗi năm. Ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam cần 10.000 kỹ sư mỗi năm, nhưng nguồn nhân lực hiện đáp ứng chưa tới 20%. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2030, Việt Nam sẽ đào tạo được 50.000 kỹ sư. Tiếp Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam Choi Joo Ho, chiều 4/3, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đề nghị Samsung hỗ trợ Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu này. Trước nhu cầu lớn, nhiều đại học cho biết sẽ tăng cường hoặc mở mới chuyên ngành đào tạo về vi mạch, bán dẫn như Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn, Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, Trường ĐH Cần Thơ, Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn (SIU), Trường ĐH Phenikaa, Trường ĐH FPT... Riêng ĐHQGHN hiện có khoảng 20 ngành liên quan đến bán dẫn như Điện tử Viễn thông, Kỹ thuật điện tử, Kỹ thuật máy tính, Công nghệ thông tin, Cơ điện tử, Vật lý, Vật liệu hóa học.
 Bản tin ĐHQGHN
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN (số 399) | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC