ĐHQGHN - Dấu ấn trong tôi 04:36:08 Ngày 23/01/2025 GMT+7
Báo cáo kinh tế thường niên việt nam 2024: tăng cường chuyển dịch năng lượng hướng tới nền kinh tế xanh, bền vững tại Việt Nam
Ngày 20/6/2024, tại hà nội đã diễn ra hội thảo công bố báo cáo thường niên kinh tế việt nam 2024 do viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (vepr), Trường Đại học kinh tế - ĐHQGHN phối hợp với Viện Friedrich Naumannfoundation (FNF) Việt Nam tổ chức. Sự kiện được bảo trợ truyền thông bởi Tạp chí kinh tế Việt Nam - Vneconomy.
CHUYỂN DỊCH NĂNG LƯỢNG HƯỚNG TỚI NỀN KINH TẾ XANH LÀ VIỆC CẤP BÁCH TẠI VIỆT NAM
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn cho biết, Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2024 với chủ đề “Chuyển dịch năng lượng hướng tới nền kinh tế xanh” phù hợp với yêu cầu thực tiễn và xu hướng thời đại, mang tầm vóc toàn cầu. Điều này đang ngày càng trở thành ưu tiên hàng đầu của Việt Nam trên hành trình hội nhập, hướng tới phát triển bền vững và toàn diện. Là một trong những quốc gia châu Á có tham vọng lớn nhất tại COP26, chiến lược phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam cam kết giảm 43,5% lượng khí thải vào năm 2030. Tuy nhiên, áp lực ngày càng tăng từ các quy định nghiêm ngặt về môi trường của các nước phát triển đang thúc giục Chính phủ cũng như các doanh nghiệp Việt Nam tham gia nhanh và mạnh mẽ hơn vào chuyển dịch năng lượng hướng tới xanh hóa nền kinh tế. Điều này vừa là thách thức, vừa là cơ hội để các quốc gia như Việt Nam đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh và tận dụng các cơ hội hợp tác thương mại, đầu tư mới.
Hội thảo công bố Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2024 sẽ là diễn đàn để các nhà hoạch định chính sách, nhà khoa học, doanh nghiệp, chuyên gia trong và ngoài nước cùng trao đổi, thảo luận về bức tranh toàn cảnh kinh tế thế giới năm 2023 và gần nửa đầu năm 2024, tổng quan về một số nền kinh tế lớn và có mối quan hệ chặt chẽ với Việt Nam, triển vọng kinh tế thế giới năm 2024 và xu hướng chuyển dịch năng lượng tái tạo trên toàn cầu. Hội thảo là nơi quy tụ và đúc kết các kinh nghiệm, các nghiên cứu, từ đó đưa ra các hàm ý khuyến nghị tổng thể đối với chính sách thúc đẩy chuyển dịch năng lượng, tăng trưởng xanh và bền vững mà Việt Nam đang quan tâm. Báo cáo năm nay đã đưa ra nhận định về tình hình kinh tế Việt Nam của các năm trước và thảo luận các xu hướng của những năm tiếp theo; đặc biệt, báo cáo phân tích trọng tâm về chủ đề gắn với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. ĐHQGHN mong muốn các kết quả nghiên cứu sẽ đóng góp vào quá trình hoạch định chính sách ngắn hạn và dài hạn của các cơ quan Chính phủ. Đây cũng là mục tiêu của các nghiên cứu đang được thực hiện tại Trường ĐH Kinh tế nói riêng và ĐHQGHN nói chung. Với các nhóm nghiên cứu mạnh trong nhiều lĩnh vực khác nhau, các nghiên cứu khách quan, độc lập, dựa trên bằng chứng của các nhà khoa học từ ĐHQGHN sẽ là những cơ sở hữu ích cho quá trình hoạch định chính sách của các cơ quan Đảng và Chính phủ Việt Nam.
Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Kinh tế Nguyễn Trúc Lê cho biết thêm, Hội thảo sẽ trao đổi, gợi mở xoay quanh các vấn đề như các điểm nghẽn hiện tại trong quá trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam; Kinh nghiệm của các quốc gia phát triển, các nền kinh tế mới nổi, cộng đồng ASEAN khi giải quyết các điểm nghẽn đó; Những điều kiện ràng buộc có thể triển khai để thúc đẩy chuyển dịch năng lượng hướng tới nền kinh tế xanh tại Việt Nam; Tư vấn tham mưu những giải pháp có thể triển khai áp dụng được cho từng giai đoạn cụ thể trong bối cảnh kinh tế - xã hội tại Việt Nam; Các điểm mới về giải pháp cần được công bố, chia sẻ với các nhà hoạch định chính sách trong nước; Cách thức bảo vệ quyền lợi và lợi ích các bên khi tham gia vào sự phát triển bền vững của chuyển dịch năng lượng hướng tới nền kinh tế xanh tại Việt Nam.
GS.TS Andreas Stoffers, Giám đốc Quốc gia Viện FNF bày tỏ, Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2024 đánh dấu 16 năm hình thành và phát triển. Chủ đề của báo cáo năm nay hoàn toàn phù hợp với những thách thức sắp tới của Việt Nam khi nước này đặt mục tiêu trở thành quốc gia công nghiệp hóa vào năm 2045. Trong những thế kỷ qua, tỷ lệ thiên tai nghiêm trọng và thương vong về người trên toàn cầu đã giảm, chúng ta không được phép trở nên tự mãn. Bảo vệ môi trường vẫn phải là ưu tiên hàng đầu. Bất cứ ai đã sống hoặc đến thăm Việt Nam đều có thể chứng thực nhu cầu cấp thiết của quá trình chuyển đổi xanh. Điều này bao gồm sản xuất năng lượng sạch, xử lý chất thải thân thiện với môi trường, xử lý nước thải, giảm rác thải nhựa và tạo ra các thành phố thông minh, đáng sống hơn. Trong những năm gần đây, FNF Việt Nam đặc biệt tích cực trong lĩnh vực thành phố thông minh, góp phần quan trọng vào quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam.
Hơn nữa, điều quan trọng là Việt Nam phải đa dạng hóa và tăng cường quan hệ đối tác, có tính đến các thách thức địa chiến lược. Việc xây dựng các đối tác thương mại đa dạng, bao gồm cả Đức và EU, là rất quan trọng. Việc tham gia nhiều hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu cũng sẽ giúp Việt Nam tiếp cận các thị trường mới. Sự đa dạng hóa này, đặc biệt trong bối cảnh quản lý rủi ro, bảo vệ môi trường và tính bền vững được cải thiện, là điều cần thiết đối với nền kinh tế Việt Nam và các công ty riêng lẻ. Doanh nghiệp Việt Nam phải thích ứng với áp lực cạnh tranh ngày càng gia tăng từ các công ty nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ, sản xuất và thương mại xanh. Điều này bao gồm việc phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế và nhu cầu ngày càng tăng của các đối tác thương mại và người tiêu dùng, đặc biệt là ở các thị trường châu Âu có nhu cầu cao về sản phẩm xanh.
Giám đốc Quốc gia FNF khẳng định, mục đích của Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2024 nhằm thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác giữa một bên là Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN, VEPR và FNF và một bên là các chuyên gia hoạch định chính sách và giới truyền thông. Từ đó đưa ra những khuyến nghị cụ thể cho Đảng, nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và xã hội.
KIẾN NGHỊ NHIỀU GIẢI PHÁP HỮU ÍCH HƯỚNG TỚI NỀN KINH TẾ XANH VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG TẠI VIỆT NAM
Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam năm nay tập trung vào các nội dung trao đổi và bàn luận tới bức tranh toàn cảnh kinh tế thế giới năm 2023 và gần nửa đầu năm 2024, tổng quan về một số nền kinh tế lớn và có mối quan hệ chặt chẽ với Việt Nam, triển vọng kinh tế thế giới năm 2024 và xu hướng chuyển dịch năng lượng tái tạo trên toàn cầu; Tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2023 và gần nửa đầu năm 2024: về tăng trưởng kinh tế, lạm phát, các thị trường tiền tệ, tín dụng, tài chính, lao động và năng lượng; Đánh giá mối quan hệ giữa chuyển dịch năng lượng tái tạo và tăng trưởng kinh tế: tác động của chuyển dịch năng lượng tái tạo tới tăng trưởng kinh tế như GDP, tỷ lệ việc làm và sự phát triển các ngành công nghiệp liên quan; Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế ở các quốc gia như Anh, Đức, Trung Quốc về chuyển dịch năng lượng tái tạo và đưa ra giải pháp thúc đẩy chuyển dịch năng lượng tái tạo tại Việt Nam; Tự do hóa thị trường bán điện trực tiếp để thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam: đưa lý thuyết và nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về xây dựng thị trường mua bán điện cạnh tranh trực tiếp (PDDA) áp dụng trong điện mặt trời mái nhà, nêu lên rào cản và khó khăn khi áp dụng cơ chế mua bán điện trực tiếp đối với điện mái nhà tại các khu công nghiệp, từ đó đề xuất chính sách để thực hiện và áp dụng cơ chế mua bán điện cạnh tranh và trực tiếp tại các khu công nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu xanh.
Tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Anh Thu - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN cho biết, Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam năm 2024 đã đưa ra một số kết luận quan trọng nhằm gợi mở một số khuyến nghị chính sách quan trọng.
PGS.TS Nguyễn Anh Thu chia sẻ trong thời gian ngắn hạn tới đây, để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6-6,5% năm 2024, Việt Nam cần tiếp tục ưu tiên trọng tâm công cụ tài chính của chính sách tài khóa thúc đẩy tổng cầu; tăng cường giải ngân đầu tư công đảm bảo đúng tiến độ và tập trung, đặc biệt là các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng.
Do động lực tiêu dùng nội địa còn yếu, cần tiếp tục giảm thuế VAT trong năm 2024, cân nhắc mở rộng thêm đối tượng áp dụng; có thêm chương trình và chính sách kích cầu tiêu dùng cụ thể và cần đi theo hướng hỗ trợ trực tiếp người tiêu dùng thanh toán chi phí mua sản phẩm/dịch vụ, nhất là để định hướng tiêu dùng theo các xu hướng tiêu dùng xanh, sạch, bảo vệ môi trường góp phần thực hiện cam kết Net Zero vào năm 2050. Ngoài ra, cần có thêm các gói tín dụng cho doanh nghiệp để đầu tư sản xuất bền vững, trung hòa carbon. Chính phủ cần sớm công bố danh mục phân loại xanh để các doanh nghiệp đủ điều kiện có thể dễ dàng tiếp cận các nguồn tín dụng xanh trong nước và nước ngoài; đồng thời, tiếp thêm vốn cho các quỹ bảo lãnh tín dụng ở các địa phương, tăng cường cho vay tín chấp đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ; thúc đẩy thực hiện xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ để làm căn cứ cho các quỹ có thể bảo lãnh tín chấp. Cùng với đó cần đảm bảo hài hoà, hiệu quả trong mục tiêu tăng trưởng tín dụng hỗ trợ sản xuất - kinh doanh cho doanh nghiệp nói riêng, thúc đẩy tiêu dùng và phục hồi tăng trưởng nói chung; thúc đẩy đa dạng hoá các kênh dẫn vốn và đầu tư ngoài tín dụng ngân hàng (nâng cao hiệu quả và tính minh bạch thị trường cổ phiếu, trái phiếu, các kênh dẫn vốn khác gắn với tín dụng xanh, chuyển dịch năng lượng công bằng, cho thuê tài chính…).
PGS.TS Nguyễn Anh Thu cũng nhấn mạnh những giải pháp trung, dài hạn. Theo đó, Việt Nam cần hoàn thiện chiến lược chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy các yếu tố tạo giá trị gia tăng thực của nền kinh tế số, như công nghệ phần mềm, kinh doanh nền tảng thương mại điện tử để tạo ra động lực đổi mới sáng tạo. Cùng với đó, cần thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; bố trí nguồn lực thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; nâng cao năng suất lao động trong kế hoạch chi tiêu ngân sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm (kể cả các dự án trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế) nhằm tạo nền tảng cho tăng trưởng kinh tế bền vững.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện mô hình phát triển nhà ở xã hội để khắc phục những hạn chế hiện nay; thành lập doanh nghiệp nhà nước chuyên thực hiện phát triển nhà ở xã hội (đầu tư, quản lý nhà ở xã hội). Phát triển nhà ở xã hội ngoài mục tiêu chính là hỗ trợ đảm bảo an sinh xã hội, còn có vai trò quan trọng trong hỗ trợ cân bằng thị trường bất động sản. Bên cạnh đó, phát triển nhà ở xã hội là mục tiêu dài hạn, xuyên suốt và việc giao thị trường, nhất là khu vực tư nhân sẽ khó đảm bảo mục tiêu xã hội do tính thương mại và khó khăn trong triển khai dự án đầu tư và quản lý nhà ở xã hội giai đoạn vận hành.
Ngoài ra cũng cần tiếp tục chú trọng các giải pháp kích thích đầu tư, nhất là đầu tư tư nhân để đảm bảo tổng mức đầu tư toàn xã hội đạt mức cao và mở rộng nguồn cung tiền tệ hợp lý nhằm kích thích tăng trưởng; Tập trung tháo gỡ các khó khăn trên thị trường bất động sản, gói tín dụng nhà ở xã hội và phát hành trái phiếu doanh nghiệp; Đồng thời, tiếp tục tăng cường cải cách hành chính, như các giao dịch dân sự, thủ tục đầu tư, phòng cháy chữa cháy...); cải thiện môi trường kinh doanh.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, cần ưu tiên các chính sách và cải cách nhằm tháo gỡ khó khăn, giảm gánh nặng cho các doanh nghiệp, tạo dựng niềm tin vào môi trường đầu tư để khuyến khích doanh nghiệp quay lại thị trường và mở rộng quy mô. Các chính sách hỗ trợ đặc biệt cho các doanh nghiệp cần cụ thể và khả thi. Về lâu dài, các chính sách tổng thể hướng tới nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của ngành, doanh nghiệp. Tại hội thảo, nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế đánh giá cao chất lượng của Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2024. Báo cáo có nhiều giải pháp thiết thực, có tính khả thi cao, đồng thời báo cáo đã có những nội dung mới trúng, phù hợp với chuyển dịch năng lượng hướng tới nền kinh tế xanh của Việt Nam trong thời gian tới.
Các chuyên gia bày tỏ mong muốn báo cáo trong thời gian tới có những chủ đề chi tiết hơn, cần mở rộng thêm các chuyên gia trẻ trong và ngoài nước để tạo nên nhiều thể chế chính sách quan trọng góp phần phát triển bền vững kinh tế Việt Nam.

 An Thái - Bản tin ĐHQGHN
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN (số 395) | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC