ĐHQGHN - Dấu ấn trong tôi 05:39:52 Ngày 20/04/2024 GMT+7
Làm gì trong cuộc chiến biến đổi khí hậu?
Biến đổi khí hậu (BĐKH) mà trước hết là sự nóng lên toàn cầu và mực nước biển dâng đang là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong Thế kỷ 21. BĐKH tác động lên tất cả các lĩnh vực: tài nguyên, môi trường, kinh tế - xã hội và sức khoẻ con người trên phạm vi toàn cầu, đến mức đe dọa sự tồn tại của Trái đất, của Nhân loại và “đòi hỏi thế giới phải hành động ngay và nhanh chóng hơn bao giờ hết, khi chưa quá muộn” (UN, 2007)

Về mặt kinh tế, ấm lên toàn cầu có thể làm kinh tế thế giới suy giảm đến 20%. Nếu không hành động, tổng thiệt hại do BÐKH gây ra sẽ tương đương ít nhất là 5% GDP toàn cầu mỗi năm. Ngược lại, theo ước tính, nếu thế giới chỉ cần 1% GDP cho cuộc chiến chống BÐKH thì có thể tránh được những tác động xấu của thảm họa này.

Trên phạm vi toàn cầu, chưa bao giờ cộng đồng quốc tế lại có sự đồng thuận và quyết tâm cao như vậy trong cuộc chiến chống BÐKH. Ba năm liền, Thông điệp của Tổ chức Môi trường LHQ (UNEP) gửi nhân loại nhân Ngày môi trường Thế giới (ngày 5/6) đều tập trung vào chủ đề BÐKH với mức độ ngày một khẩn thiết hơn: “Băng tan - một vấn đề nóng bỏng?" (2007); “Hãy thay đổi thói quen! Hướng tới một nền kinh tế ít các bon" (2008) và năm 2009 là “Trái đất đang cần bạn! Hãy LIÊN HỢP lại để phòng chống BÐKH".

Nhiều nước trên thế giới đã xây dựng và triển khai các Chương trình, Kế hoạch ứng phó với BÐKH trong đó có Kế hoạch Quốc gia thích ứng với BÐKH của các nước đang phát triển (NAPA).

Thực tế của Việt Nam

Chương trình Mục tiêu Quốc gia Ứng phó với Biến đổi khí hậu (NTP)đã được thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 2/12/2008 và trở thành định hướng và chiến lược cơ bản quốc gia để ứng phó với BÐKH.Chương trình này được thực hiện trên phạm vi toàn quốc theo ba giai đoạn: Khởi động (2009 - 2010), Triển khai (2011 - 2015) và Phát triển (sau 2015). Mục tiêu chiến lược của Chương trình là đánh giá được mức độ tác động của BÐKH đối với các lĩnh vực, ngành và địa phương trong từng giai đoạn và xây dựng được kế hoạch hành động có tính khả thi để ứng phó hiệu quả với BÐKH cho từng giai đoạn ngắn hạn và dài hạn, nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước, tận dụng các cơ hội phát triển nền kinh tế theo hướng cácbon thấp và tham gia cùng cộng đồng quốc tế trong nỗ lực giảm nhẹ BÐKH, bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất. Chương trình tập trung vào các mục tiêu cụ thể: Ðánh giá mức độ biến đổi của khí hậu Việt Nam do BÐKH toàn cầu và mức độ tác động của BÐKH đối với các lĩnh vực, ngành và địa phương; Xác định được các giải pháp ứng phó với BÐKH; Tăng cường các hoạt động khoa học công nghệ nhằm xác lập các cơ sở khoa học và thực tiễn cho các giải pháp ứng phó với BÐKH; Củng cố và tăng cường năng lực tổ chức, thể chế, chính sách về BÐKH; Nâng cao nhận thức, trách nhiệm tham gia của cộng đồng và phát triển nguồn nhân lực; Tăng cường hợp tác quốc tế nhằm tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ của quốc tế trong ứng phó với BÐKH; Tích hợp vấn đề BÐKH vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phát triển ngành và địa phương; Xây dựng và triển khai các kế hoạch hành động của các bộ, ngành và địa phương ứng phó với BÐKH; triển khai các dự án, trước tiên là các dự án thí điểm.

Chúng ta phải làm gì?

Vừa qua, các kịch bản về BÐKH ở Việt Nam, đặc biệt là nước biển dâng từ năm 2010 - 2100 về cơ bản đã được xây dựng và cập nhật. Nhiệm vụ tiếp theo là dựa trên các kịch bản này, tất cả các bộ, ngành và địa phương sẽ phải: Ðánh giá được tác động của các kịch bản BÐKH tới các lĩnh vực hoạt động của ngành, của địa phương, và trên cơ sở đó xây dựng một kế hoạch hành động chi tiết phù hợp cho ngành cũng như địa phương mình để từ năm 2011 chuyển sang giai đoạn tiếp theo giai đoạn 2 – giai đoạn Triển khai thực sự những hoạt động thích ứng và giảm nhẹ BÐKH trên phạm vi toàn quốc.

Ðể là được điều này, chúng ta sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức lớn. Khó khăn trước tiên là sự yếu kém về nhận thức của toàn xã hội, ở mọi cấp, từ các nhà hoạch định chính sách, các cán bộ ở các ngành và địa phương, các tổ chức xã hội cũng như bản thân các cộng đồng về tác động của BÐKH. Vì thế, nâng cao nhận thức về BÐKH rõ ràng là hoạt động cần được ưu tiên đầu tiên, phải được làm ngay và làm một cách hệ thống đối với mọi tầng lớp trong xã hội.

Khó khăn thứ hai là khả năng tích hợp các vấn đề BÐKH vào các quá trình hoạch định chính sách: các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển và sự phối hợp điều hành thực hiện giữa các ban ngành, giữa các cấp từ trung ương tới địa phương. Ðây chính là vấn đề xây dựng năng lực gồm năng lực tổ chức, năng lực khoa học công nghệ, năng lực con người… Các hoạt động này có lẽ cần phải đi trước một bước và cũng phải làm ngay từ bây giờ, trong đó chức năng quan trọng thuộc về các cơ quan giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ…

 GS.TSKH Trương Quang Học - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 219, 2009
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC