ĐHQGHN - Dấu ấn trong tôi 16:04:52 Ngày 20/04/2024 GMT+7
Công bố quốc tế hay công bố quốc nội
"Sự quan tâm về con người và số phận của con người lúc nào cũng phải là một mục tiêu trong tất cả mọi nỗ lực của khoa học kỹ thuật." (Albert Einstein)

Giá trị các bài báo cáo khoa học

Một người nào đó đã nói, "Có hai nguồn tri thức: một là do mình tạo ra, hai là tận dụng tri thức của người khác biến thành của mình". Vì vậy, trong một bất cứ công trình nghiên cứu nào, viết bài báo cáo trở thành một thông lệ bắt buộc dù là công bố quốc tế hay công bố quốc nội, tiếng mẹ đẻ hay tiếng Anh. Bài báo cáo khoa học với một nội dung nói về quá trình nghiên cứu thí nghiệm, mang nhiều ý nghĩa. Trước hết đây là một thành tích cá nhân. Đối với cơ quan cung cấp kinh phí nghiên cứu, bài báo cáo là một bằng cớ chứng tỏ người nhận kinh phí đạt được kết quả của những điều đã dự kiến hay đã hứa trong đề án xin kinh phí. Đối với cộng đồng nghiên cứu khoa học, đây là việc phổ biến tri thức cần thiết mà các đồng nghiệp có thể tham khảo, so sánh, triển khai, dẫn chứng và kiểm chứng.

Mọi nước trên thế giới cần phải có những chính sách cụ thể phát triển khoa học và công nghệ tùy theo hoàn cảnh khách quan của mình. Tuy nhiên, việc truyền đạt và thực dụng hóa tri thức là một mẫu số chung không phân biệt sự giàu nghèo của một quốc gia. Việc công bố thành tựu của một công trình là bước đầu trong việc truyền đạt và thực dụng hóa tri thức. Nó có thể ở dạng một bài báo cáo trong một tạp chí hàn lâm, tài liệu báo cáo nội bộ, tài liệu mật mang tính chất thương mãi hay quốc phòng. Dù trong ở dạng nào các bài báo cáo cần qua một quá trình thẩm định của chuyên gia đồng nghiệp (peer review). Trong những công trình nghiên cứu ứng dụng, những kết quả mang tính đột phá, sáng tạo thường đưa đến việc công bố ở dạng "đăng ký phát minh" (patent). Quá trình thẩm định để chấp nhận đây là một "phát minh" phải qua nhiều giai đoạn phức tạp liên quan đến luật pháp, cần nhiều thời gian và phí tổn.

Trong cộng đồng nghiên cứu khoa học người ta thường nghe câu, "Publish or perish". Một lối chơi chữ trong tiếng Anh; "publish""perish" có phát âm hơi giống nhau. Ý muốn nói nếu không có "công bố" thì sẽ "tiêu đời nhà ma". Dù là một câu nói có sự bông đùa nhưng phản ánh một phần sự thật. Những người nghiên cứu nhất là các giáo sư đại học đã bỏ phần lớn thì giờ viết đề án xin kinh phí để có tiền "nuôi" nhiều nghiên cứu sinh, mua thiết bị và cuối cùng để sản xuất các bài báo cáo đăng trên các tạp chí với "chỉ số ảnh hưởng" càng cao càng tốt. Số lượng các bài báo cáo lại được dùng như một thành tích để tiếp tục xin kinh phí cho các đề án khác, tạo thành một vòng luân chuyển trong suốt cuộc đời nghiên cứu của một số nhà khoa học. Cứ như thế con đường hoạn lộ càng mở rộng, tăm tiếng càng bay xa.

Vì sức ép kinh phí cộng với một chút "sân si", những người này quay cuồng trong cái vòng lẩn quẩn, thậm chí trở thành nô lệ với số lượng bài báo. Việc này đưa đến những tệ nạn như dùng một kết quả để "biến hóa" ra nhiều phiên bản khác nhau tăng thêm số lượng bài viết. Trường hợp tệ hại hơn là "đạo văn" kết quả của đồng nghiệp hay ngụy tạo kết quả. Những điều tối kỵ trong khoa học nhưng vẫn xảy ra. Hai trường hợp ngụy tạo nổi tiếng xảy ra gần đây làm chấn động cộng đồng nghiên cứu khoa học là trường hợp của giáo sư Woo Suk Hwang và tiến sĩ Jan Hendrik Schön. Các hội đồng thẩm định đề án nghiên cứu và cung cấp kinh phí chú trọng chất lượng hơn số lượng, đã từ lâu phá bỏ cái vòng ác nghiệt này bằng cách yêu cầu các ứng viên cung cấp những bài báo tiêu biểu trong cuộc đời nghiên cứu của mình.

Hướng đến con người

Như Einstein đã từng nói, "Sự quan tâm về con người và số phận của con người lúc nào cũng phải là một mục tiêu trong tất cả mọi nỗ lực của khoa học kỹ thuật. Đừng bao giờ quên rằng yếu tố này nằm đâu đó giữa những biểu đồ và công thức của bạn". Mọi nghiên cứu không chỉ dừng ở điểm thỏa mãn sự hiếu kỳ hàn lâm. Nhà khoa học cũng không thể đứng ngoài vòng xã hội, chỉ biết hãnh diện với số bài báo cáo khoa học của mình. Tri thức khoa học chỉ thực sự có giá trị nhân sinh và xã hội khi được tận dụng để đào tạo ra vật chất, sản phẩm, đóng góp vào việc kiến thiết hạ tầng cơ sở, nâng cao mức sống người dân, nền kinh tế quốc dân và an ninh quốc phòng. Khoa học kỹ thuật là nguồn vốn tinh thần và vật chất của một dân tộc, là chìa khóa của sự hùng mạnh và tương lai xán lạn của một quốc gia. Có thể nói là không có sự phát triển kinh tế nếu không có tri thức khoa học. Đồng thời, tri thức khoa học chỉ có giá trị kinh tế khi được phổ biến rộng rãi và tận dụng đúng cách. Nhưng nhà khoa học chỉ có thể tự giải phóng ra khỏi tháp ngà nghiên cứu khi nào có một môi trường nghiên cứu thuận lợi cho sự sáng tạo, phổ biến và thực dụng hóa tri thức. Và đây là trách nhiệm của một chính phủ.

Tình cờ tôi đọc được một bài viết về việc tranh luận "công bố quốc tế" hay "công bố quốc nội" của các đề án khoa học trong một buổi họp mặt của các đồng nghiệp trong nước. Nó thoang thoảng cái bệnh thành tích cố hữu trong cung cách làm việc của ta. Chuyện công bố với hình thức này hay hình thức khác là việc đương nhiên phải làm, không phải để tạo tăm tiếng "uy phong" nhưng vì những lý do đã được nêu bên trên. Cuộc tranh luận chỉ nêu ra vấn đề "ngọn", trong khi những vấn đề "gốc" như chính sách giáo dục, phát triển khoa học và công nghệ, chế độ cung cấp và sử dụng kinh phí nghiên cứu, thái độ và môi trường nghiên cứu, phương hướng đào tạo các khoa học gia tương lai vẫn là những vấn đề nổi cộm chưa được giải quyết. Khi những đề án tốt nghiệp của sinh viên năm cuối đại học, thậm chí sau đại học chỉ là những đề án lan man, chung chung lập lại những điều đã biết, khi viết luận văn thì có khuynh hướng "cắt và dán", thì có lẽ còn rất lâu ta mới có thể hội nhập quốc tế.

Chỉ khi nào những vấn đề cơ bản về "trồng" con người khoa học và thiết lập chính sách được chính phủ quan tâm đúng mức và thi hành triệt để, việc "công bố quốc tế" sẽ tự nhiên thành, không cần phải gượng ép. Trên bình diện kinh doanh của một doanh nghiệp hay an ninh quốc phòng của một quốc gia, một bài báo cáo viết về những bí mật chế tạo thương phẩm hay cách điều chỉnh đường bay tên lửa, quỹ đạo tàu vũ trụ, dù là tiếng mẹ đẻ hay tiếng Anh đều có giá trị như nhau. Để bên ngoài những luận điểm chính trị, những quan điểm đạo đức tốt xấu, việc Bắc Triều Tiên ngang nhiên thử bom nguyên tử hay bắn tên lửa tầm xa, tầm gần, thách thức cộng đồng thế giới, gây ra lắm chuyện đau đầu cho các nước xung quanh và khiến các "đàn anh" Nga, Trung Quốc phải kiêng dè lắng nghe, phản ánh những thành tựu to lớn của các nhà khoa học Triều Tiên. Chắc chắn phần lớn các khoa học gia này chưa bao giờ có "công bố quốc tế".

Tại các nước đang phát triển như Việt Nam, công bố quốc tế của một công trình khoa học có lẽ không phải là một vấn đề phải đem ra bàn cãi khi trình độ nghiên cứu tại bậc đại học chưa đạt đến một chuẩn mực, xin được gọi là "đẳng cấp quốc tế". Tuy nhiên, những luận văn tốt nghiệp Thạc sĩ hay Tiến sĩ cũng như các bài báo cáo cần phải được phổ biến tích cực trên các tạp chí trong nước sau khi qua một quá trình thẩm định nghiêm túc, có tóm tắt tiếng Anh để đăng trên các dịch vụ tóm tắt (abstract services) như Chem Abstract, Scirus, Scopus Database. Những thẩm định viên có thể là những chuyên gia trong nước hay chuyên gia Việt kiều.

Một vấn đề cơ bản quan trọng khác nằm trong chính sách phát triển khoa học công nghệ là việc sử dụng tiền thuế nhân dân để cung cấp kinh phí nghiên cứu. Những đề án nghiên cứu xin kinh phí trước hết phải có định hướng ứng dụng theo những ưu tiên được quy định bởi một Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia. Các ứng viên phải là chuyên gia trong ngành với những thành tích giảng dạy, chỉ đạo, nghiên cứu cụ thể được đánh giá qua những bài viết, báo cáo, giáo trình hay các sản phẩm chế tạo. Những đề án cấp quốc gia cần phải có sự thẩm định và phản biện của các chuyên gia ẩn danh trong và ngoài nước. Quá trình thẩm định các bài báo cáo hay đề án xin kinh phí là những hoạt động miễn phí trong cộng đồng nghiên cứu khoa học.

Chúng ta đang ở một thế kỷ trong đó nền tảng xã hội, sự hùng mạnh kinh tế, sự an nguy dân tộc tùy thuộc vào tri thức và thực tiễn hóa tri thức. Chúng ta phải có một tầng lớp lãnh đạo kỹ trị, hiểu rõ sức mạnh của khoa học kỹ thuật. Ta hãy xuất phát từ cái cơ bản nhất là: nên quên đi đường lối giáo dục tạo những con gà nòi Olympic, chỉ tập trung vào một thiểu số ưu tú có một vài kỹ năng đặc biệt mang cho ta một tự hào nhất thời, mà nên khám phá tiềm năng của số đông để sản sinh ra những đàn đại bàng biết bay xa, tung hoành ngang dọc, và những đại thụ làm rợp bóng thế giới.

Cơ bản hơn, phải có một cuộc cải cách lương bổng cho các khoa học gia và giáo sư đại học; đánh giá đúng tài năng khoa học không phải qua móc nối liên hệ hay sự thâm niên. Phải có một cơ cấu phản biện nghiêm túc, chọn lựa các đề án nghiên cứu để cấp kinh phí, thẩm định các bài báo cáo và luận văn Thạc sĩ và Tiến sĩ theo đúng chuẩn mực. Quan trọng hơn hết, phải có cơ cấu phòng chống sự rò rỉ kinh phí và tham nhũng trong khoa học, bòn rút của công.

Thiết nghĩ, bây giờ không phải là thời điểm bàn về "công bố quốc tế" hay "công bố quốc nội", viết tiếng Anh hay tiếng Việt, tạp chí uy tín hay lá cải, "chỉ số ảnh hưởng" cao hay thấp. Một đồng nghiệp trong nước đã phải thốt lên, "Nghiên cứu để công bố quốc tế và nghiên cứu để phục vụ nhu cầu thiết thực cho đất nước cái nào quan trọng hơn?". Câu trả lời thật quá hiển nhiên.

 TS. Trương Văn Tân - Viện Khoa học và Công nghệ Úc - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 223, 2009
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC