Hình ảnh 14:59:57 Ngày 19/04/2024 GMT+7
Nữ giới vẫn bị kì thị trong khoa học
Bất bình đẳng giới trong khoa học công nghệ luôn là một đề tài nghiên cứu nóng bỏng. Ấn tượng chung là nữ giới chiếm số lượng khiêm tốn trong các lĩnh vực khoa học, dù họ chiếm hơn phân nửa dân số. Câu hỏi là tại sao nữ giới có sự hiện diện thấp trong khoa học đã được “mổ xẻ” rất nhiều. Một trong những lí do được nhắc đến nhiều nhất là nữ giới bị kì thị (chính xác là bị nam giới kì thị), và đây chính là một trong những yếu tố cho phong trào nữ quyền. Nhưng trong thực tế có một nghiên cứu ở Ý chỉ ra rằng trong việc xét duyệt đề cương nghiên cứu, chính nữ kì thị nữ hơn là nam kì thị nữ.

>>>> Bản tin số 254 (pdf)

>>>> Nữ giới vẫn bị kì thị trong khoa học (pdf)

Báo cáo Women in STEM: A Gender Gap to Innovation của Bộ Thương mại Mĩ công bố vào tháng 8/2011 cho thấy vài con số thú vị. Báo cáo này chủ yếu sử dụng số liệu năm 2009. Có thể tóm tắt báo cáo đó như sau:

Trong tổng số người đang lao động (trong tất cả ngành nghề) bên Mĩ, nữ chiếm 48%. Nhưng trong các ngành khoa học, công nghệ, kĩ thuật, và toán (gọi tắt là STEM), nữ giới chỉ chiếm 24%. Trong các ngành kĩ thuật, tỉ lệ nữ giới chỉ khoảng 20%.

Trong lĩnh vực STEM, cũng có khác biệt đáng kể giữa nam và nữ. Trong năm 2009, có 2.5 triệu nữ có trình độ đại học làm việc trong lĩnh vực STEM, so với 6.7 triệu nam. Trong số 6.7 triệu nam, 6% làm trong các lĩnh vực liên quan đến toán; con số này ở nữ là 10% (tính trên 2.5 triệu người). Chỉ có 18% nữ làm về kĩ thuật, so với nam là 48%. Ngược lại, hơn phân nửa nữ (57%) làm trong lĩnh vực khoa học sự sống (chủ yếu là y sinh học), trong khi đó chỉ 31% nam làm trong lĩnh vực này.

 Về thu nhập, nữ làm việc trong lĩnh vực STEM có thu nhập bình quân mỗi giờ là 31.11 USD, còn nam là 36.34 USD. Nữ làm ngoài lĩnh vực STEM có thu nhập bình quân là 19.26 USD/giờ, vẫn thấp hơn đồng nghiệp nam (24.47 USD/giờ). Số liệu này một lần nữa cho thấy nữ vẫn bị thiệt thòi về lương bổng cho dù đã bước vào lĩnh vực STEM hay ngoài STEM.

Trong giới khoa bảng với chức danh professor (giáo sư thực thụ), chỉ có 25% là nữ giới.   Nhưng tỉ lệ này không đồng đều giữa các chuyên ngành. Chẳng hạn như trong tổng số giáo sư thuộc ngành di truyền học có khoảng 27% là nữ giới; tỉ lệ này cho ngành hoá học chỉ 15%, sinh hoá 17%, và vi sinh học ~21% (theo báo cáo của AWIS) . Ấy thế mà số giải thưởng về khoa học nữ giới được trao tặng chỉ chiếm 7% (còn nam giới chiếm 93%). Những số liệu này cho thấy nữ không được ghi nhận xứng đáng như nam!

Tại sao có sự bất cân đối giới tính trong khoa bảng? Theo báo cáo của AAUW thì vấn đề là … văn hoá. “Văn hoá” ở đây có nghĩa là nữ phải công bố nhiều hơn nam để được đề bạt chức danh tương đương với nam. Nói cách khác, nếu nam cần k công trình để được đề bạt chức danh giáo sư, thì nữ phải có k + c công trình để được đề bạt chức danh đó. Tình trạng này có vẻ rất giống với tình trạng sắc tộc trong khoa bảng. Để được đề bạt chức danh giáo sư, người gốc Á châu (nam) phải công bố nhiều hơn và có thành tích khoa học lớn hơn đồng nghiệp da trắng; ngược lại, nữ gốc Á châu thì không cần phải công bố nhiều hơn nữ đồng nghiệp da trắng để có cùng chức danh. Điều này cho thấy về phân biệt sắc tộc, nam kì thị hơn nữ!

Đó là tình hình bên Mĩ, còn ở Việt Nam thì chúng ta chưa có những con số thống kê về lương bổng (hay có mà tôi không biết). Nhưng bài báo “Phụ nữ Việt Nam – Niềm tự hào của dân tộc” có vài con số thống kê đáng chú ý:

Phụ nữ chiếm 50% lao động khu vực nông thôn;

61% lao động ngành y tế là nữ;

Nữ đại biểu Quốc hội khóa XIII chiếm 24%;

Nữ công chức trong cơ quan nhà nước từ cấp huyện trở lên chiếm 31%;

Trong lĩnh vực Giáo dục – Đào tạo, phụ nữ chiếm 74% trong tổng số 1,044,035 nhà giáo trực tiếp đứng lớp;

Phụ nữ chiếm gần 40% số người có trình độ thạc sỹ, 21% số người có học vị tiến sỹ, 14% số giáo sư và 38% số phó giáo sư.

Như vậy, tình trạng bất cân đối giới tính trong lao động cao cấp và khoa học cũng có ở Việt Nam, và tình trạng này có thể còn nặng nề hơn so với Mĩ. Chẳng hạn như chỉ có 14% số giáo sư là nữ (con số này của Mĩ là 25%).

 

 NVT - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC