Hợp lực để tạo sức mạnh cộng hưởng phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm từ 2021-2030 của nước ta đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Trong đó, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) là một nội dung quan trọng trong các đột phá chiến lược và được xác định là động lực chính để tăng trưởng kinh tế. Từ thực tiễn hoạt động KHCN&ĐMST trong thời gian qua và yêu cầu cấp thiết của công cuộc phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh, hội nghị này được sáng lập và dự kiến tổ chức hằng năm, tập trung thảo luận, góp ý cho việc hoàn thiện pháp luật về KHCN&ĐMST, tập trung vào các chính sách nhằm tạo môi trường thuận lợi nhất cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ; các chính sách nhằm phát triển thị trường KHCN, thương mại hoá kết quả nghiên cứu;... Quá trình xây dựng văn bản pháp luật này rất cần sự tham gia của các nhà khoa học, các nhà quản lý khoa học công tác tại hai Viện Hàn lâm, hai Đại học Quốc gia, là các đầu mối quản lý KHCN&ĐMST lớn nhất của đất nước, để giúp các chính sách này sớm đi vào thực tiễn cuộc sống. Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, hội nghị này cũng được kỳ vọng là nơi để chia sẻ, bàn bạc về việc thử nghiệm các chính sách có tính đột phá để các cơ quan cùng thống nhất trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành. Đồng thời, hội nghị có thể tập hợp nguồn lực, nhất là nhân lực chất lượng cao để hình thành và giải quyết các bài toán lớn của đất nước, là nơi cùng bàn việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ. Tham luận tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung làm rõ các mục tiêu của Chiến lược phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực, giai đoạn 2021-2030; việc xây dựng môi trường đổi mới sáng tạo; đề xuất các mô hình tư vấn, cơ chế, chính sách phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực; các chương trình hợp tác khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo… Để góp phần thực hiện Chiến lược này cùng với việc tập trung nghiên cứu các vấn đề khoa học xã hội cơ bản về đất nước, văn hóa và con người Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đề xuất một số định hướng, đó là: Thứ nhất, tiếp tục tập trung nghiên cứu, giải đáp những vấn đề lý luận và thực tiễn cơ bản của sự phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa; thứ hai, gắn kết chặt chẽ khoa học xã hội với khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ trong quá trình triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; thứ ba, thu hút, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư cho khoa học xã hội; thứ tư, tăng cường và mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế nhằm quảng bá những thành tựu phát triển, các giá trị văn hóa của con người và dân tộc Việt Nam trong lịch sử cũng như hiện tại với cộng đồng thế giới. Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam kiến nghị thành lập Hội đồng đổi mới sáng tạo quốc gia bởi đây là hoạt động có tính liên ngành cao, cần sự điều phối và phối hợp giữa các bên để có kết quả đi vào thực chất. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có các quỹ đầu tư hỗ trợ các doanh nghiệp spin-off tại các viện nghiên cứu và cơ sở giáo dục đại học lớn; đồng thời, cần hoàn thiện chính sách để thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư cho khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Xây dựng bộ cơ sở dữ liệu dùng chung để tránh đầu tư phân tán, trùng lặp Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP.HCM cùng chung quan điểm về việc hai Đại học Quốc gia và hai Viện Hàn lâm sẽ xây dựng một số nhiệm vụ lớn tạo sản phẩm mang tầm vóc quốc gia, dưới sự chỉ đạo và hỗ trợ của Chính phủ và Bộ Khoa học và Công nghệ như chương trình nghiên cứu sản phẩm trọng điểm quốc gia nhằm khuyến khích các đơn vị tạo ra sản phẩm có tầm vóc, sở hữu công nghệ lõi có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân nhấn mạnh, phát huy thế mạnh liên ngành, tích hợp trí tuệ chặt chẽ giữa các lĩnh vực Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội - Nhân văn, Công nghệ và Kỹ thuật, ĐHQGHN đã thực hiện thành công nhiều nhiệm vụ tầm cỡ quốc gia, giải quyết nhiều vấn đề lớn, phức tạp của thực tiễn cuộc sống mà các trường đại học đơn ngành khó giải quyết được. Để nhanh chóng chuyển giao những thành quả trong đào tạo và nghiên cứu phục vụ xã hội, ĐHQGHN đặc biệt chú trọng tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp, đối tác trong và ngoài nước. Các doanh nghiệp, tập đoàn vừa là đối tác phát triển, vừa là bên sử dụng nguồn nhân lực đồng thời là đơn vị hỗ trợ ĐHQGHN tăng cường năng lực phát triển, cung ứng dịch vụ chất lượng cao cho xã hội. ĐHQGHN phấn đấu tạo dựng được nguồn lực lớn đến từ các hoạt động chuyển giao và hợp tác để đầu tư lại vào các hoạt động nghiên cứu khoa học, đặc biệt là lĩnh vực y học, y sinh và các lĩnh vực khác mà ĐHQGHN mới phát triển. Do đó, Giám đốc ĐHQGHN hy vọng Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục hỗ trợ để hai ĐHQG và hai Viện Hàn Lâm có những hợp tác sâu hơn, nhất là hợp tác về chia sẻ nguồn lực nhân lực, trang thiết bị nghiên cứu và thành lập các doanh nghiệp start-up trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
|