18:06:21 Ngày 16/04/2024 GMT+7
Kiến tạo Kinh đô Ánh sáng
Thành Paris hoa lệ mà chúng ta biết ngày hôm nay về cơ bản là kết quả của một đồ án quy hoạch hay đúng hơn là một dự án cải tạo đô thị với quy mô và chiều sâu chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Đó là Quy hoạch cải tạo (QHCT) Paris do luật sư Georges Eugene Haussmann đứng đầu vào nửa cuối thế kỷ 19. Khác với những nỗ lực quy hoạch trước và sau Haussmann, QHCT Paris của ông không trình bày viễn cảnh cho tương lai thành phố.

>>>> Bản tin số 254 (pdf)

>>>> Kiến tạo Kinh đô Ánh sáng (pdf)

Paris trước Haussmann

Sau “đêm trường Trung cổ”, thành Paris tiếp nhận Trào lưu đô thị Phục hưng từ nước Ý vào cuối thế kỷ 16 với những công trình đơn lẻ và ít tác động vào cấu trúc đô thị hiện hữu. Gần một thế kỷ sau, kiến trúc sư cảnh quan Le Nôtre, tác giả của vườn Versailles, đã đề xuất kéo dài trục của vườn Tuileries về phía Tây để tạo nên Đại lộ Champs Elysées. Đại lộ này sau đó trở thành trục phát triển chính của thành phố: kết nối đô thị với vùng nông thôn phía Tây và tạo ra một khung phát triển vùng độc đáo trong lịch sử. Cùng với Champs Elysées, một cung đường rộng khác cũng được mở chạy dọc theo tường thành cũ phía Bắc Paris – nay không còn ý nghĩa phòng thủ. Cung đường này do đó được gọi là Boulevard, một từ gốc Bắc Âu có nghĩa là “hàng rào quân sự”.

Vườn Tuileries tráng lệ và Champs Elysées trơ chọi giữa cảnh quan nông thôn tuy giúp định hình Paris tương lai nhưng lại không giúp giải quyết những vấn đề của Paris hiện tại. Thành phố vẫn là một đô thị trung cổ chật chội với nhà cửa lộn xộn và đường phố hẹp. Bên cạnh đó, phần lớn thành phố nằm trên một vùng đất thấp bên hữu ngạn sông Seine nên thường xuyên chịu cảnh ngập lụt. Hệ thống thoát nước yếu kém và việc tới 40% căn nhà trong thành phố không kết nối với hệ thống này khiến cho mỗi khi ngập lụt, phế thải chảy tràn trên đường phố Paris gây ô nhiễm môi trường và bệnh tật nghiêm trọng. Điển hình là dịch tả giết chết 19.000 người vào năm 1848. Cùng lúc đó, cách mạng công nghiệp thu hút hàng trăm ngàn nông dân di cư ra thành phố trong khi hệ thống hạ tầng đô thị yếu kém và ngành vệ sinh dịch tễ chưa ra đời. Đô thị thực sự trở thành địa ngục trần gian với môi trường sống tồi tệ và bất công đầy rẫy.

Khởi sự

Năm 1853, chỉ một năm sau khi trở thành vua nước Pháp, Napoleon III triệu hồi Haussmann, lúc đó 44 tuổi, về Paris để giao cho chức vụ Préfet de Seine, tương đương vị trí “giám đốc quản lý thành phố”, đảm nhiệm việc cải tạo lại toàn bộ thủ đô.

Một trong những công việc đầu tiên mà Haussmann thực hiện là vẽ bản đồ chi tiết thành phố Paris. Ông cho dựng những cây cột gỗ có kích thước cao hơn các công trình xung quanh khắp nơi trong thành phố để tạo thành các điểm khảo sát. Chi tiết thu được được mô tả trên một bản đồ tỷ lệ 1:5000 có kích thước 3,7 x 4,5 mét. Công việc bản đồ hóa hệ thống cống của Paris đã được một sĩ quan trong quân đội bắt đầu thực hiện dưới thời Napoleon I năm 1806.

Vấn đề thứ hai cần giải quyết là xây dựng cơ chế tài chính để triển khai dự án. Nhà vua đã nhấn mạnh rằng ông muốn cải tạo Paris mà không phải tăng thuế. Điều này có nghĩa Haussmann phải tìm phần lớn nguồn vốn ngoài ngân sách. Giải pháp tài chính đầu tiên là bán trái phiếu của thành phố cho công chúng và các quỹ đầu tư. Giải pháp thứ hai là buộc các nhà thầu xây dựng chịu trách nhiệm chi trả cả tiền đền bù cho những công trình bị giải tỏa, tức là chịu gánh nặng tài chính cho toàn bộ dự án. Tuy nhiên, bản thân các nhà thầu không có số tiền lớn như vậy trong khi ngân hàng cũng không sẵn sàng cho vay chỉ dựa trên bản hợp đồng với thành phố. Haussmann giải quyết khúc mắc này bằng một cơ chế tài chính mới: thanh toán trước cho các nhà thầu bằng một loại trái phiếu mà sẽ được chi trả bởi việc tăng nguồn thu thuế do gia tăng giá trị bất động sản sau khi dự án hoàn thành. Với trái phiếu này, các nhà thầu có thể dễ dàng đi vay ngân hàng và khởi động công việc xây cất.

Ý tưởng vay tiền trong hiện tại để cấp vốn cho dự án công dựa vào tín chấp là giá trị thuế gia tăng trong tương lai là một phát minh mới vào thời điểm bấy giờ. Còn giải pháp “ép” nhà thầu xây dựng đứng ra vay tiền ngân hàng thay chính quyền của ông là nhằm “lách luật”, tránh cơ chế giám sát tài chính của Quốc hội. Giải pháp này cuối cùng không thành công như ông dự kiến: giá trị bất động sản tăng xấp xỉ 12 lần khi dự án hoàn thành nhưng thuế thu được chỉ đủ chi trả 1/3 số tiền đã vay. Haussmann chi tiêu tất cả 2,5 tỷ francs trong thời gian 17 năm nắm quyền điều hành dự án và để lại một khoản nợ khổng lồ cho chế độ khiến ông mất việc năm 1870. Tuy nhiên, bất chấp sai lầm này, Haussmann vẫn được coi là một nhà quản lý tài năng, liêm khiết và đầy tâm huyết đã biến Paris thành mô hình mẫu mực trong quy hoạch đô thị cuối thế kỷ 19.

Chú trọng hạ tầng

Một thành phố vĩ đại cần một môi trường sống lành mạnh trước khi cần những công trình hoành tráng. Do đó, chính y tế công cộng chứ không phải kiến trúc là trung tâm của đồ án QHCT Paris. Thoát nước thải và chống ngập hiệu quả, cung cấp đủ nước sạch, thắp sáng đường phố, bố trí đủ nghĩa trang và xây dựng công viên là những mục tiêu đầu tiên được đặt ra. Ba vấn đề cấp bách đối với hệ thống thoát nước thải của Paris là: gia tăng quy mô, chống tràn ngược và dời xa cửa xả khỏi thành phố và nguồn nước sinh hoạt. Lời giải của đồ án QHCT Paris là xây dựng một hệ thống thoát nước dưới lòng đường và gom nước thải vào hai cống lớn hình elip trong khu trung tâm trước khi thoát ra hạ lưu sông Seine, nằm xa về phía Tây Bắc thành phố. Hệ thống cống gom này đủ lớn để con người có thể dễ dàng di chuyển và thực hiện công việc bảo dưỡng trong lòng cống. Mặc dù có quy mô lớn, hệ thống thoát nước này được hoàn thiện trong một thời gian kỷ lục: quy hoạch xong vào năm 1856, hoàn thành hệ thống cống chính vào năm 1868 và toàn hệ thống với tổng chiều dài 500km vào năm 1870. Khi dự án thoát nước kết thúc cũng là lúc Haussmann rời nhiệm sở, để lại một Paris không có nước đọng trên đường phố và rủi ro ngập lụt giảm đáng kể. Hệ thống thoát nước này sau đó trở thành mẫu mực trên thế giới và phần lớn hệ thống vẫn hoạt động tốt cho tới hôm nay. Hệ thống cấp nước cũng không kém phần ấn tượng. Kỹ sư Eugène Belgrand đã tái cấu trúc lại hệ thống với hai nguồn song song: nước suối để uống và nước sông để dùng cho vệ sinh. Để gia tăng gấp đôi lượng nước sạch cung cấp cho thành phố, đạt gần 300 lít/người, Belgrand thiết kế những hệ thống dẫn nước (aqueduct) quy mô lớn từ những nguồn xa thành phố hàng trăm km.

Trong nỗ lực nâng cao chất lượng môi trường sống, QHCT Paris của Haussmann thiết lập nhiều công viên công cộng mới và có quy mô lớn khắp Paris “như một liều thuốc giải độc cho một thành phố đông người và chật chội”. Bản quy hoạch phân bố đều các công viên ra các khu vực khác nhau của thành phố: Bois de Boulogne ở phía Tây, Bois de Vincennes phía Đông, Parc des Buttes-Chaumont phía Bắc và Parc Montsouris phía Nam. Trong nhiều trường hợp, vườn hoàng gia (Tuileries, Luxembourg), nghĩa trang và cả bãi tập duyệt binh của quân đội được chuyển đổi thành những công viên phục vụ tất cả mọi người. Bên cạnh những công viên lớn, đồ án của Haussmann cũng bao gồm 24 công viên nhỏ trong các khu dân cư. Trong vòng chưa đầy 20 năm, diện tích mảng xanh của thành phố tăng lên gấp 10 lần, đạt tổng diện tích 1800 hecta. Về khía cạnh thiết kế, phong cách cảnh quan truyền thống của Pháp, tiêu biểu bởi mạng đường đi bộ hình kỷ hà và những ô trồng cây vuông vắn, được thay thế bởi phong cách “tự nhiên” của Anh Quốc.

 

Những con đường mà QHCT Paris đề xuất bao gồm hai loại: avenue và boulevard. Boulevard thường là những đường vành đai rộng, cây trồng hai bên đường. Trong khi đó, avenue là những đại lộ thẳng tắp có chức năng thiết kế đô thị là kết nối các công trình mang tính biểu tượng quan trọng.. Hệ thống giao thông của Paris được hoàn thiện bằng việc xây dựng các trục Đông-Tây và Bắc-Nam xuyên thành phố và hoàn thành đại lộ vành đai (Boulevard St. Germain). Những thành quả khác của dự án bao gồm: sử dụng nhựa đường thay thế cho đá lát đường; tăng tổng chiều dài vỉa hè từ 250 km năm 1842 lên đến 1000 km vào năm 1870; và xây dựng 7 cây cầu bắc qua sông Seine. Tuy nhiên, giao thông trong đồ án cải tạo Paris của Haussmann không chỉ bó hẹp trong việc xây dựng hệ thống đường cho phương tiện cơ giới. Giao thông công cộng cũng được đầu tư thích đáng. Năm 1954, công ty xe buýt sử dụng ngựa kéo ra đời từ sự hợp nhất nhiều doanh nghiệp nhỏ với 30 tuyến và gần 500 phương tiện. Một tuyến đường sắt hạng nhẹ chạy bằng hơi nước kết nối công viên Bois de Boulogne với Quảng trường Concorde khai trương năm 1854. Một tuyến đường sắt chạy vòng quanh thành phố được đưa vào hoạt động từ 1862 tới 1867 với chiều dài 30km, 27 nhà ga và 3 chuyến mỗi giờ.

Nâng tầm kiến trúc

Nhiều công trình công cộng quan trọng đã được xây dựng trong thời kỳ này như: Nhà hát Opéra Paris, bệnh viện Hôtel Dieu, một nhánh mới của cung điện Lourve và hai nhà ga đường sắt,… Tuy nhiên, ảnh hưởng quan trọng nhất của QHCT Paris với kiến trúc thành phố là một bộ quản lý kiến trúc chi tiết và chặt chẽ. Trước hết, nhằm đạt ý đồ thiết kế đô thị tổng thể của đồ án, các công trình được quy định xây sát vỉa hè nhằm định hình không gian công cộng và tạo thành tuyến nhìn dọc theo các đại lộ tới các công trình điểm nhấn. Không gian đường phố còn được tôn lên thông qua quy ước giới hạn chiều cao tối đa là 6 tầng, chiều cao các tầng phải đồng nhất và tầng mái vát một góc 45o.Dựa trên mô hình nhà chung cư có tên gọi insulatừ thời La Mã cổ đại, các quy định về kiến trúc được đặt ra nhằm đảm bảo độ an toàn và chất lượng sống trong mỗi công trình. Các khối nhà đều có sân trong để lấy ánh sáng và thông gió tự nhiên cũng như bố trí cầu thang. QHCT Paris cũng quy định về mức độ chịu lửa của các bức tường, kiểu cách của mặt tiền và tỷ lệ diện tích mặt kính được sử dụng trong các công trình mới. Những chi tiết kiến trúc có thể khác biệt giữa các công trình không nhiều như chi tiết khung cửa sổ, chi tiết trang trí trên các con-sơn.

Haussmann và cộng sự là tác giả của Paris ngày nay. Khoảng 60% số công trình và đường phố của thành phố được xây dựng dưới sự điều hành của ông. Dự án đã tác động mạnh vào nền kinh tế nước Pháp lúc đó bằng việc sử dụng tới 70.000 lao động và làm tăng giá đất ở Paris khoảng 12 lần. Việc giải tỏa để xây dựng hạ tầng và công trình công cộng cũng tạo ra một lượng lớn bất động sản và tiền được luân chuyển trên thị trường. Các công trình chung cư mới được xây theo quy định kiến trúc của Haussmann đã tạo ra 215.304 căn hộ mới, so với 117.000 căn bị phá dỡ. Tuy nhiên, số lượng căn hộ mới này vẫn không đủ để đáp ứng dòng nhập cư vào thành phố. Bên cạnh đó, giá thuê nhà tăng cao sau khi dự án hoàn thành khiến những người lao động nghèo không có chỗ trong Paris mới tráng lệ.

Phê phán lớn nhất đối với dự án cải tạo Paris của Haussmann chính là việc đẩy người nghèo ra khỏi trung tâm thành phố và tạo ra một sự phân tách về không gian sống giữa các tầng lớp trong xã hội. Một thế kỷ sau, sự tách biệt giữa người giàu và người nghèo vẫn còn gây ra những vấn đề trầm trọng về giao thông công cộng và quản lý xã hội.

 

 Nguyễn Đỗ Dũng - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Các bài mới hơn
  • Không có bài nào mới hơn !
Các bài cũ hơn
  • Không có bài nào cũ hơn !
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC