22:55:13 Ngày 23/04/2024 GMT+7
15 năm Khoa Báo chí dạy nghề, học nghề
15 năm không phải là một thời gian dài để một cơ sở đào tạo có đủ sự trải nghiệm cần thiết, nhưng cũng chẳng phải quá ngắn để chưa đúc kết được chút kinh nghiệm nào...

Năm nay Khoa Báo chí sẽ tròn 15 tuổi. Thầy và trò Khoa Báo chí, nghĩa là những ai đã tham gia giảng dạy và những ai đã từng học ở Khoa Báo chí sẽ đúc kết được gì trong ngày vui đó? Một biên tập viên đã nêu cho tôi câu hỏi như vậy.

15 năm không phải là một thời gian dài để một cơ sở đào tạo có đủ sự trải nghiệm cần thiết, nhưng cũng chẳng phải quá ngắn để chưa đúc kết được chút kinh nghiệm nào.

Nhà giáo Trần Quang

Khi mà công luận không thèm giấu giếm sự hoài nghi về chất lượng đào tạo của hệ thống đại học trên cả nước và cũng chẳng ít cựu sinh viên đã phàn nàn rằng có cái bằng cử nhân loại ưu mà sao vẫn khó tìm việc đến thế thì việc "kể công" cho một cơ sở đào tạo không dễ gì thuyết phục được người nghe. Đó là một thực tế. Nhưng còn một thực tế nữa chắc cũng khó ai có thể phủ nhận được: Trong số 9 khóa sinh viên đã ra trường đã có gần 50 người đoạt giải báo chí toàn quốc, nhiều người khác không có giải nhưng đã là những cây bút chủ lực của các toà soạn, và còn có hàng trăm người đang làm việc rất tốt ở các cơ quan văn hóa thông tin, ngoại giao, kinh tế, an ninh, quốc phòng... Chẳng lẽ đó không phải là kết quả của một quá trình đào tạo! Có người nhận xét: số lượng giải như vậy là quá ít so với mấy ngàn người đã được đào tạo ở Khoa Báo, phải tính thêm cả số người ra trường mà không viết nổi cái tin chứ. Cũng là một nhận xét thuyết phục. Có điều là, đã trao giải thì làm sao mang tính đại trà được! Còn những người quá kém thì làm sao tránh khỏi, phải tính xem số người như vậy chiếm bao nhiêu phần trăm thì mới đúng. Nếu coi việc cung cấp tri thức và năng lực tiếp nhận của sinh viên trong các trường đại học như một phân số thì, lượng kiến thức các giáo sư, giảng viên trang bị cho sinh viên là công bằng - có lẽ trong giai đoạn này thì đây là thứ công bằng nhất - đó là mẫu số chung cho tất cả mọi sinh viên, bất kể hệ nào. Còn tử số là phần mà mỗi sinh viên tự tích lũy cho riêng mình, tất nhiên là sẽ rất khác nhau. Điều đó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như sự say mê, ý chí lập nghiệp, sự nỗ lực của mỗi cá nhân, và còn liên quan đến chỉ số IQ nữa chứ.

Từ khi thành lập, Khoa Báo chí luôn có điểm tuyển sinh cao nhất trường. Tân sinh viên đa số là những học sinh ưu tú của các trường PTTH, tuy nhiên, bên cạnh hệ chính quy còn có cả hệ tại chức, mở rộng và những sinh viên xuất thân từ những gia đình có công với nước... năng lực của họ rất khác nhau, cho nên kết quả đào tạo cũng không thể đồng đều. Nhưng đã vào "lò luyện nghề" thì khi ra trường dù nhanh hay chậm, sớm hay muộn họ đều có thể làm tốt công việc của một nhà báo.

Nếu chịu khó nhìn lại quá trình phát triển của Khoa sẽ thấy rằng sức lao động của các thầy, cô giáo quả không có gì phải phàn nàn. Năm 1990, cả Khoa chỉ có vài ba giáo viên, rồi tăng lên năm bảy người, mươi mười hai người, cho đến nay cũng chỉ có vẻn vẹn 20 người bao gồm cả nhân viên văn phòng, nhân viên tập sự. Những ngày đầu, các thầy cô thường rất lúng túng khi sinh viên hỏi: Học theo giáo trình nào? Vì quả thật, thời đó cả nước này chưa có lấy một cuốn giáo trình. Có vài tập bài giảng của đơn vị bạn chỉ có giá trị lưu hành nội bộ nên chẳng dễ gì tìm ra. Giáo viên cứ viết bài hôm trước thì hôm sau đã phải mang đi dạy rồi. Vậy mà hôm nay, sau 15 năm, khoảng 80% chương trình đào tạo đã có giáo trình, những môn còn lại đều đã có bài giảng. Nếu biết rằng đời sống giáo viên còn rất thấp, mỗi ngày lương của họ chỉ vài ba chục nghìn, ngoài ra được trợ cấp thêm chút tiền cho những giờ lao động sống, nghĩa là lao động tại trường như giảng bài hay chấm bài. Còn lao động nghiên cứu (có lẽ đây là loại hình lao động nặng nhọc nhất của người trí thức) thì chỉ khi nhà xuất bản phát hành công trình của họ mọi người mới biết. Đó là chưa tính đến 6 cuốn sách chuyên đề “Báo chí - những vấn đề lý luận và thực tiễn" là công trình tập thể của giáo viên trong khoa và cán bộ thỉnh giảng dùng để công bố một cách tập trung kết quả nghiên cứu hàng năm. Ngoài ra mỗi năm có hàng trăm tiểu luận khoa học chuyên ngành được đăng tải trên các tạp chí. Tất cả hợp thành một hệ thống giáo trình phong phú và đa dạng cho sinh viên và nghiên cứu viên học tập và nghiên cứu.

Cũng trong thời gian ngắn ngủi ban đầu ấy, GS. Hà Minh Đức đã kịp tổ chức biên soạn hai cuốn hồi ký "Thời gian và nhân chứng" ghi lại ký ức một thời sóng gió của các nhà báo lão thành. Giáo sư nói: "Nếu chúng ta không kịp làm ngay hôm nay thì sẽ không bao giờ, vì các cụ đã lớn tuổi cả rồi, họ có thể "đi" bất cứ lúc nào." Mà đúng như vậy thật, mới làm xong bản thảo, sách chưa kịp ra mắt công chúng thì nhà báo lão thành Quang Đạm đã ra đi, một thời gian sau đó thì nhà chính luận nổi tiếng Trần Công Mân - nguyên Tổng biên tập báo Quân đội Nhân dân cũng qua đời. Cho đến hôm nay thì số nhà báo lão thành có tên trong hai tập hồi ký ấy cũng chẳng còn nhiều nữa. Chỉ tính riêng về việc này thôi, GS. Hà Minh Đức và thầy trò Khoa Báo chí đã có công lớn trong việc ghi chép lại những trang lịch sử báo chí Việt Nam mà chỉ chậm một chút nữa là không còn cơ hội. Hình như Giáo sư Đức đã quan niệm rằng, giữ lại dấu tích văn hóa cho đời sau cũng là nghĩa vụ của người trí thức hôm nay? Vị giáo sư - Trưởng khoa đầu tiên - này như một cái đầu tàu, điềm đạm và tỉnh táo, lặng lẽ đưa con tàu báo chí vào quỹ đạo. Ông trân trọng từng công trình khoa học của cán bộ, dù đó là công trình lớn hoặc bé. Để rồi người kế nhiệm ông, TS. Đinh Hường - vị trưởng khoa có tuổi đời trẻ nhất trường, được đào tạo ở nước ngoài về vừa có chút lãng mạn, vừa táo bạo trong công tác tổ chức và điều hành. Ông vừa động viên, cổ vũ, vừa hối thúc tất cả cán bộ của Khoa khi có cơ hội ra nước ngoài tu nghiệp đều không được bỏ lỡ. Nhờ vậy mà gần như 100% cán bộ của Khoa đều đã không dưới một lần tu nghiệp ở các nước phát triển.

Viết giáo trình mới, chỉnh sửa giáo trình cũ, tổ chức học theo nhóm, theo tổ, gợi ý đề tài cho sinh viên thực hành nghề nghiệp v.v... là công việc thường xuyên của giáo viên Khoa Báo chí. Các thầy cô đều có quan niệm chung là, cập nhật kiến thức và thay đổi phương pháp truyền đạt cho sinh viên là công việc hàng ngày của người làm nghề dạy học, không cần chờ đến công văn, chỉ thị hay ai đó kêu gọi phát động phong trào. Có lẽ đó là một trong những lý do mà sinh viên Báo chí ngày càng tỏ ra năng động hơn trong thực hành nghề nghiệp, linh hoạt hơn trong việc tiếp nhận tri thức và phương pháp, tự tìm kiếm cho mình cách thức tốt nhất để nâng cao hiệu quả trong học và hành? Những sinh viên khóa đầu của Khoa, đến năm học thứ 3 vẫn tỏ ra rất lúng túng trong chuyện phát hiện tình huống báo chí chứ chưa nói đến chuyện có bài đăng. Vậy mà chỉ sau đó vài ba khóa, sinh viên đã biết chủ động tìm kiếm thông tin, xây dựng tác phẩm, một số sinh viên đã đoạt giải thi phóng sự của báo Tuổi trẻ thành phố Hồ Chí Minh như Phạm Sông Lam (Lớp Báo chí ở Vinh), Phạm Thu Hà (K46 Báo chí ở Hà Nội), còn số sinh viên có thể làm báo từ đầu năm thứ 3 thì không thiếu.

Những gì Khoa Báo chí làm được cho sinh viên không thể không tính đến công lao của các cán bộ thỉnh giảng trong và ngoài trường. Với hơn 40 cán bộ thỉnh giảng đang công tác ở các cơ quan báo, đài là một kho kinh nghiệm quý giá mà sinh viên báo chí đã được tiếp cận và khai thác. Mặt khác, hàng năm, sinh viên Báo chí còn được các nhà báo ở tất cả các tòa soạn hướng dẫn tận tình trong thời gian kiến tập hoặc thực tập. Những hướng dẫn viên ở các tòa soạn thực sự là những người có công lớn trong công tác đào tạo người làm báo.

Khoa Báo chí được đặt trên một cái "nền" văn hóa dày dặn. Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (cũ) vốn có bề dày tri thức và kinh nghiệm đào tạo của nhiều thế hệ giáo sư mà sinh viên Khoa Báo chí được thụ hưởng một cách trọn vẹn và đầy đủ. Kiến thức lịch sử, triết học, kinh tế học, văn học, ngôn ngữ... là thứ không thể thiếu đối với nhà báo chuyên nghiệp. Mà những thứ đó thì các thầy cô của trường lại đủ đầy để thỏa mãn nhu cầu phát triển tri thức và phương pháp tư duy khoa học của sinh viên.

15 năm nhìn lại, chúng ta vui mừng vì sự trưởng thành của thầy trò Khoa Báo chí. Một khoa mới thành lập với bộn bề khó khăn. Từ chỗ chắt chiu gom góp từng bài viết, trang sách phục cho dạy và học đến niềm vui khôn tả khi một cơ quan nọ mang tặng cái máy chữ cũ... Đến nay, dẫu vẫn còn thiếu thốn nhiều thứ, nhưng những phòng máy, studio phục vụ cho học ngành truyền hình... đã phát huy công dụng, dẫu rằng số trang thiết bị đó mới chỉ đủ cho 1/7 đến 1/5 nhu cầu học tập của sinh viên. Đây cũng là dịp ta nhìn lại những gì đáng lẽ đã làm được nhưng vẫn còn là vấn đề băn khoăn của nhiều người, như không phải tất cả sinh viên đều đã nhiệt tình, say mê với công việc học hành; đâu đó vẫn còn người trốn học, bỏ tiết, thậm chí vi phạm cả những chuẩn mực đạo đức của một nhà báo tương lai. Và các thầy, cô giáo chưa phải lúc nào cũng đã thật nhiệt tình và chuẩn mực. Mong sao, như câu ngạn ngữ của người Pháp "Văn hóa là cái còn lại sau khi đã quên", các cựu sinh viên sau khi ra trường, có thể để lại trên đường đời nhiều thứ văn chương chữ nghĩa, nhưng phương pháp khoa học trong tư duy và tấm lòng nhân hậu thì sẽ còn lại mãi mãi và không ngừng được nhân thêm lên nữa.

 Trần Quang - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 172, tháng 6/2005
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Các bài cũ hơn
  • Không có bài nào cũ hơn !
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC