Sinh viên  Lăng kính sinh viên 05:49:45 Ngày 19/04/2024 GMT+7
Sinh viên tiết kiệm thời “bão” giá
Xây dựng và nâng cao ý thức tiết kiệm cho sinh viên là mục tiêu hướng tới của Đoàn Thanh niên ĐHQGHN trong việc tổ chức các hoạt động của mình. Với những hoạt động phong phú, thiết thực, hiệu quả đã thu hút được nhiều sinh viên tham gia và mang ý nghĩa quan trọng trong thời buổi kinh tế khó khăn hiện nay.

>>>> Bản tin số 255 (pdf)

>>>> Sinh viên tiết kiệm thời “bão” giá (pdf)

Rời khỏi chiếc ghế phổ thông, xa vòng tay gia đình, bắt đầu cuộc sống tự lập, nhiều sinh viên không khỏi bỡ ngỡ trong chi tiêu sinh hoạt hàng ngày. Đặc biệt, hiện đang là thời điểm kinh tế khó khăn, giá cả leo thang, thì việc “cơm, áo, gạo, tiền” của sinh viên lại càng thêm thiếu thốn vất vả. Giữa vô vàn nhu cầu của cuộc sống như học thêm, mua giáo trình, sách vở, thuê nhà, chi phí sinh hoạt,... khiến nhiều sinh viên rơi vào tình trạng “đầu tháng thì xông xênh, cuối tháng cháy túi”. Nguyễn Ngọc My, sinh viên Trường ĐHKHXH&NV cho biết: "Sinh viên chúng em bị ảnh hưởng rất nhiều mỗi khi thị trường có biến động về giá cả. Khi chuyển từ ở chung với bố mẹ ra sống riêng ngoài thành phố, việc phải tự chi tiêu trong khoản cho phép là rất khó khăn." Văn Trung, sinh viên Trường ĐHKHTN chia sẻ: “Hàng tháng cứ đến ngày mùng 10, sau khi trả tiền nhà, tiền học là em hết tiền. Không dám xin thêm tiền bố mẹ, bởi gia đình em nghèo, bố mẹ còn phải lo cho cả em của em ăn học nữa, nên thời gian cuối tháng em thường phải làm bạn với mì tôm".

Một trong những nguyên nhân của sinh viên gặp khó khăn trong chi tiêu là do họ không được trang bị kỹ năng quản lí tài chính cá nhân cần thiết. Vậy làm sao để sinh viên biết đặt kế hoạch cho bản thân trong khoản tài chính có hạn? Làm sao để không bị động trước những tình huống khẩn cấp cần đến tiền? Đâu là bí quyết quản lý tài chính cá nhân cho các bạn trẻ? Đó là những trăn trở của các cán bộ Đoàn Thanh niên ĐHQGHN. Để tìm ra lời giải cho bài toán này, Đoàn Thanh niên ĐHQGHN đã phối hợp với Ban Thư ký Hội Sinh viên Thành phố Hà Nội, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức chương trình “Tọa đàm trao đổi về kỹ năng quản lý tài chính cá nhân”. Tại buổi tọa đàm các bạn sinh viên được các chuyên gia tài chính chia sẻ những kinh nghiệm, bài học về cách chi tiêu trong cuộc sống như lên kế hoạch tài chính, xây dựng quỹ tiết kiệm cá nhân, quản lý ngân sách và chi tiêu một cách hiệu quả - những kiến thức cơ bản đã giúp các bạn trẻ quản lý và chi tiêu một cách hợp lý số tiền các bạn có. Đây cũng là cơ hội để các bạn bày tỏ những suy nghĩ còn đắn đo trong cách chi tiêu của mình giữa cuộc sống đời thường. Bùi Hương Giang, Trường Đại học Kinh tế kể lại: "Ai cũng cần phải có kiến thức về quản lý tài chính. Lâu nay, kinh nghiệm chi tiêu của chúng em chỉ do bố mẹ nhắc nhở, còn chưa có kiến thức bài bản. Chỉ khi sống tự lập các bạn sinh viên mới thấy rõ quản lý thu chi cá nhân không dễ chút nào. Qua tư vấn của các chuyên gia, hàng tháng khi nhận tiền sinh hoạt từ gia đình, em lên ngay kế hoạch sử dụng: trích 10% cho quỹ khẩn cấp như quỹ chăm sóc sức khỏe, hỏng xe...; quỹ chi tiêu bắt buộc như nhà ở, ăn uống, học hành và cuối cùng là cắt giảm những khoản chi tiêu không cần thiết như shoping và các hoạt động vui chơi giải trí. Thời gian vừa qua, em đã không gặp khó khăn trong chi tiêu như trước đây".

Từ việc tư vấn cho sinh viên tiết kiệm trong chi tiêu cá nhân, Đoàn Thanh niên ĐHQGHN còn phát động phong trào Sinh viên thực hành tiết kiệm, tổ chức diễn đàn trao đổi, chia sẻ về những hành động cụ thể, thiết thực nhằm sử dụng hiệu quả, tiết kiệm thời gian,… hình thành và thực hiện triệt để các thói quen như: chỉ bật quạt, đèn trong lớp học khi cần thiết và đủ mức, vặn vòi nước đủ dùng; hạn chế sử dụng túi nilon, hộp xốp khi mua hàng, mua cơm; đi xe đạp hoặc xe bus đến trường… Ngọc Mai – Khoa Luật cho rằng: “Thông qua các hoạt động tuyên truyền của Đoàn, sinh viên chúng em đã ý thức được việc tiết kiệm năng lượng. Đã không còn tình trạng “cha chung không ai khóc”, hay tâm lí “của chùa”. Các bạn sinh viên đã tự giác trong việc tiết kiệm điện, tiết kiệm nước tại nơi công cộng.”

Trong chuỗi các hoạt động nhằm nâng cao ý thức tiết kiệm trong sinh viên ĐHQGHN, còn phải kể đến Ngày hội đổi đồ “Mottainai”. Đây là hoạt động thường kỳ mang đậm dấu ấn của ĐHQGHN. Để chuẩn bị cho ngày hội, Ban tổ chức đã thực hiện thu đồ cũ tại sân các giảng đường. Những cuốn sách, quần áo, món đồ lưu niệm, đồ gia dụng còn giá trị sử dụng đã được các bạn sinh viên nhiệt tình tham gia ủng hộ.

Anh Nguyễn Hải Minh, Bí thư Đoàn ĐHQGHN cho biết: “Hoạt động này nhằm phát huy tinh thần tiết kiệm và ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên, các câu lạc bộ, các trường có cơ hội được giao lưu, gặp gỡ, phát huy tinh thần tương thân tương ái qua các hoạt động từ thiện ủng hộ các vật phẩm sau chương trình. Đây cũng là hoạt động thể hiện tinh thần cộng đồng, sự đoàn kết, khả năng liên kết hoạt động giữa các đơn vị trực thuộc Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên ĐHQGHN”.

Chia sẻ về chương trình, Hà Phương, Trường ĐHKHXH&NV tâm sự: “Mottainai VNU tạo cơ hội cho tất cả các bạn sinh viên có thể chia sẻ đồ dùng và rèn luyện đức tính tiết kiệm. Hơn nữa, mọi người còn có thể đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình trong công tác xã hội và từ thiện. Mình cảm thấy rất hứng thú và đã đổi được nhiều sách có ích như: sách giáo trình, sách tham khảo, truyện tranh, tiểu thuyết... Hi vọng đồ dùng của mình cũng sẽ được chuyển đến những người thực sự cần nó”.

Phát huy truyền thống của Đoàn Thanh niên ĐHQGHN, tương thân, tương ái vì cộng đồng, các bạn sinh viên ĐHQGHN còn tham gia hưởng ứng rất đông đảo chương trình tình nguyện Mùa đông ấm, quyên góp các quần áo cũ để tặng đồng bào ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Đến những nơi này, các bạn sinh viên còn mang sức mình, những kiến thức đã được học để giúp đỡ gia đình, những người nghèo khó.

Anh Nguyễn Hải Minh cho biết: “Đây là hoạt động truyền thống của thanh niên ĐHQGHN. Chương trình nhằm mục đích nâng cao ý thức tiết kiệm trong sinh viên, đồng thời giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta “lá lành đùm lá rách, lòng nhân ái và ý thức cộng đồng”. Hoàng Tuấn, Trường ĐHKHXH&NV tâm sự: “Em rất cảm động khi những quần áo cũ của chúng em lại góp phần tạo nên một mùa đông ấm áp cho các đồng bào ở vùng sâu, vùng xa còn khó khăn.”

 TUỆ ANH - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC