Sinh viên  Lăng kính sinh viên 09:19:03 Ngày 19/04/2024 GMT+7
Tiến sĩ xử lý môi trường
Mười tám tuổi, chưa một lần hò hẹn, chưa biết nắm tay người con gái nào, hành trang du học từ cái thuở cách đây gần hai chục năm của Nguyễn Đắc Vinh là nỗi nhớ nhà đau đáu, nhớ người thân và hoài bão được mở rộng chân trời khoa học.

Cho tới bây giờ, chàng tiến sĩ ngoài ba mươi vẫn không quên cái cảm giác bồi hồi khó tả khi ngồi trong phòng kính chờ lên máy bay, phía bên ngoài là cha, mẹ, người thân cùng bạn bè, ý nghĩ chỉ một lát nữa thôi, sau bước chân lên tới cửa máy bay, có thể tới 5, 6 năm nữa mới lại được trở về khiến trái tim chàng tú tài Hà thành gốc Nghệ không khỏi bùi ngùi. Từ đây, con đường học vấn bắt đầu mở ra thênh thang với Vinh, tận dụng và phát huy được lợi thế này hay không chỉ còn phụ thuộc vào nỗ lực chính bản thân anh mà thôi. Nguyễn Đắc Vinh may mắn được sinh ra trong một gia đình trí thức, bố anh, tiến sĩ Nguyễn Thụa và mẹ là kỹ sư Trần Thị Luật đều đã từng là du học sinh tại Đức và Tiệp Khắc. Nhiều người bảo anh có “số học” bởi đường học vấn của anh khá trơn tru, nói thế không phải không đúng. Tốt nghiệp tú tài trường cấp III Yên Hoà, Nhân Chính, Hà Nội, thi vào Trường ĐH Bách khoa, Vinh thừa điểm đi du học nước ngoài. Mười năm rèn giũa nơi xứ người đủ để chàng trai “bẻ gãy sừng trâu” năm nào trở thành một tiến sĩ hoá học Nguyễn Đắc Vinh, tiếp nối vẻ vang sự nghiệp của cha mẹ. Như một sự định hướng có ý thức, cả hai mẹ con Vinh đều đã từng học tập tại Trường Đại học Công nghệ Slovak của Tiệp (gọi tắt là trường STU). Chỉ có điều, sau khi về nước năm 1972, bà Luật, mẹ Vinh đã không quay lại Tiệp để làm nghiên cứu sinh mà chấp nhận hy sinh sự nghiệp để có anh. Mười tám năm khôn lớn, thời gian sống bên cha của Vinh không nhiều vì cha anh thường xuyên phải công tác qua lại ở nước ngoài, và tất nhiên người có ảnh hưởng nhất với anh trong quãng thời gian ấy chính là mẹ. Hẳn là cái tên “Đắc Vinh” của anh đã gói ghém biết bao kỳ vọng của bà, có lẽ bà mong nhiều ở anh khi lớn lên sẽ hoàn thành nốt và bước tiếp trên con đường khoa học mà bà chưa có cơ hội làm được nhiều điều.

Đất nước Tiệp Khắc thanh bình và yên ả đã trở thành mảnh đất màu mỡ ươm mầm cho tài năng của Nguyễn Đắc Vinh. Chàng học trò gốc Quỳnh Lưu, Nghệ An đắm chìm và miệt mài trong môi trường nghiên cứu, giảng dạy rất đỗi mới mẻ và hấp dẫn của một quốc gia có nền khoa học tương đối phát triển tại Châu Âu. Mười năm trời chỉ học, học và học, thời giờ rảnh rỗi Vinh dành cho thể thao, đi xem phim và nghe nhạc pop. Vinh bảo, học trò ngày ấy như Vinh chẳng có nhiều tiền để đi chơi và cũng chưa biết yêu đương mạnh dạn như thanh niên ngày nay nên những trò vui chơi, giải trí chỉ xoay quanh có vậy. Những năm tháng làm nghiên cứu sinh cũng là dịp để Vinh biết tới bà phó giáo sư Takascova tốt bụng, rất mực yêu quý học trò nhất là học trò Việt Nam. Bà Takascova đã dạy Vinh một phong cách làm việc nghiêm túc, độc lập và biết tôn trọng tuyệt đối sự minh xác trong nghiên cứu khoa học. Sau ngày về nước, Vinh được biết, bà phó giáo sư hướng dẫn luận án cho anh vẫn còn dán ảnh của anh và tiến sĩ Đặng Minh Nhật (hiện đang công tác tại Đại học Bách khoa Đà Nẵng) lên bàn làm việc như lưu lại một hồi ức đẹp về những nghiên cứu sinh Việt Nam một thời. Cho tới bây giờ, ấn tượng về đất nước Tiệp Khắc còn nguyên vẹn nhất trong anh chính là những buổi chiều thu của miền khí hậu ôn đới, trời cao xanh trong vắt, ngồi nhâm nhi vài cốc bia với dăm ba người bạn, nói chuyện trên trời dưới đất để rồi bao giờ cũng thảng thốt một nỗi nhớ quê nhà.

Vinh tâm sự, không phải bởi một lý do nào quá to tát nhưng anh lúc nào cũng muốn sống và làm việc trên đất nước mình. ý nghĩ phải trở về phục vụ tổ quốc có lẽ được nhen nhóm ngay từ những ảnh hưởng của cha mẹ anh, và thêm nữa còn vì anh thích sống ở Việt Nam, thích môi trường ở đất nước mình, thích làm việc như bao người Việt bình thường khác. Năm 2000, sau khi bảo vệ luận án đạt loại xuất sắc về bảo quản thực phẩm, tiến sĩ hoá học Nguyễn Đắc Vinh đã bình thản chối từ những lời đề nghị mời làm việc của các công ty nước ngoài để trở về Việt Nam, làm một giảng viên của Bộ môn Hoá học thuộc Trường ĐHKHTN (ĐHQGHN). Môi trường giảng dạy ở đại học chính là điều kiện và cơ hội để Vinh tiếp tục hoài bão khoa học của mình, những kiến thức hoá học về bảo quản thực phẩm giờ lại được anh đem ra ứng dụng trong lĩnh vực xử lý nước thải. Nghe thì có vẻ rất ngược đời bởi nếu bảo quản thực phẩm là nghiên cứu tìm cách ngăn cản, làm chậm quá trình ô xy hoá thì xử lý nước thải lại là tìm cách đẩy nhanh quá trình này lên, nhưng quan trọng nhất là khi đã tường tận quy luật hoạt động của các chất thì chuyện xuôi ngược đó hoá ra lại giúp ích cho nhau rất nhiều. Tính tới nay, Vinh đã có tất cả 36 bài báo nghiên cứu đăng trên các tạp chí khoa học trong và ngoài nước mà điểm nhấn vẫn là những công trình giải quyết xử lý nước thải.

Nhận thấy nước ta đang trong quá trình chuyển sang giai đoạn công nghiệp hoá, hiện đại hoá với rất nhiều vấn đề còn bỏ ngỏ mà chất thải chính là một trong số đó, Vinh bắt đầu bỏ tâm sức vào việc nghiên cứu xử lý nước thải. ấp ủ ngay từ những ngày mới về nước, nhưng phải tới năm 2003, Vinh mới thực hiện được đề tài cấp Bộ là “Nghiên cứu đề xuất phương án xử lý nước thải của làng nghề tơ lụa Vạn Phúc - Hà Đông”. Sở dĩ chọn Vạn Phúc làm đối tượng nghiên cứu vì theo Vinh, ngoài ý nghĩa là làng nghề truyền thống có tiềm năng du lịch lớn thì Vạn Phúc còn là khu vực nông thôn như nhiều vùng khác trên cả nước vốn chưa được quan tâm nhiều trong vấn đề xử lý chất thải gây ô nhiễm; nếu làm tốt ở Vạn Phúc thì khả năng nhân rộng mô hình ở nhiều làng nghề dệt nhuộm khác là điều có thể tính tới. Những ngày thực hiện công trình nghiên cứu không thể không kể tới chuyện Vinh đã được người dân nơi đây ủng hộ nhiều tới mức nào. Thấy được lợi ích có thể mang lại từ công trình nghiên cứu của anh tiến sĩ trẻ, nhiều người dân ở đây đã “liều bộc bạch” cả bí quyết gia truyền về các thành phần phẩm nhuộm trong lụa, giúp Vinh rút ngắn công đoạn tìm hiểu thành phần nước thải trong việc phân tích, đây là điều không dễ có được khi ai cũng hiểu, nhuộm và dệt vải chính là sinh kế của hàng trăm hộ gia đình nơi đây. Chưa hết, tài “dân vận” của tiến sĩ Vinh còn thuyết phục được bác Chỉnh, một người dân làng Vạn Phúc nhiệt tình đồng ý cho anh để nhờ và trông coi giúp cả hệ thống thử nghiệm xử lý nước thải trong vườn ròng rã suốt mấy tháng trời. Vinh khẳng định, nếu không có sự giúp đỡ như vậy của người dân, chắc chắn anh không thể hoàn thành được công trình nghiên cứu của mình. Chỉ tiếc, dù đã thử nghiệm thành công nhưng cho tới nay, người dân làng lụa nổi tiếng đất Hà Đông vẫn chưa được hưởng lợi từ kết quả nghiên cứu của Vinh chỉ vì tỉnh Hà Tây vẫn chưa có đủ ngân sách để triển khai xây dựng hệ thống xử lý nước thải trên quy mô lớn xuất phát từ mô hình pilot do Vinh đề xuất. Và vậy là, mong muốn được tri ân với những người đã hết lòng giúp đỡ mình trong công tác nghiên cứu của Vinh chắc chắn sẽ không thể thực hiện được trong ngày một ngày hai.

Sau thành công đáng kể của công trình nghiên cứu đề tài cấp Bộ về xử lý nước thải đó, Công ty Dệt len mùa đông đã đề nghị Vinh giúp họ triển khai hệ thống lọc nước thải dệt nhuộm chứa phẩm nhuộm cho họ. Công trình cấp thành phố này lại là một thử thách mới với Vinh bởi không phải khi đã có một mô hình xử lý nước thải là anh cứ bê nguyên xi tới mọi nơi để áp dụng. Mỗi mô hình sản xuất, công nghệ pha chế màu nhuộm lại cần một cách xử lý riêng. Ba tiêu chí mà nhà khoa học trẻ này hướng tới trong mọi nghiên cứu bao giờ cũng là công nghệ phải đáp ứng được mục đích đặt ra, giá thành rẻ và tiện sử dụng. Nghe thì đơn giản nhưng để làm được điều đó, Vinh đã phải lao tâm khổ tứ với một thái độ làm việc hết sức nghiêm cẩn, cầu toàn. Anh nói: “Với mình, dù làm việc đơn giản đến mấy thì cũng rất cần sự nghiêm túc và mình luôn ủng hộ thái độ nghiêm túc trong công việc”. Thành công trong công trình xử lý nước thải ở Công ty Dệt len mùa đông một lần nữa đã khẳng định năng lực nghiên cứu cũng như tính ứng dụng cao trong các công trình của Nguyễn Đắc Vinh.

Tất nhiên, bên cạnh những thành công đếm được trên đầu ngón tay ấy là hàng loạt những gian nan, thất bại không đếm xuể trên con đường nghiên cứu khoa học. Không kể tới những chặng đường khó khăn ban đầu lúc mới về nước, cơ sở vật chất thiếu thốn, trường sở chật hẹp, giáo viên, học sinh còn phải chen chúc trong phòng thực nghiệm thì những trắc trở nảy sinh từ chính thực tiễn nghiên cứu cũng đủ làm nản lòng những người thiếu đam mê, nhiệt huyết. Tính linh hoạt, đa dạng của thành phần chất thải không ít phen khiến Vinh điêu đứng. Lần nghiên cứu thất bại khi giải quyết vấn đề nước thải rỉ từ bãi rác ở Sóc Sơn, Hà Nội là một ví dụ. Thành phần chất thải quá đa dạng, lại thường xuyên thay đổi, do đó, mô hình thử nghiệm không đáp ứng nổi và sụp đổ hoàn toàn. Hay như lần tìm cách xử lý nước rỉ đường ở Nhà máy đường Lam Sơn, chất thải gắn kết quá bền trong môi trường nước, không thể tách ra để loại bỏ được nên Vinh đành “bó tay” không triển khai nổi mô hình xử lý được. Đó là 2 trong rất nhiều thất bại mà có những cái tới tận bây giờ chàng tiến sĩ mới hơn 6 năm tuổi nghề chưa thể giải quyết xong xuôi.

Gần 4 năm tuổi Đảng, cái duyên với công tác Đoàn còn đang “bện” vào Vinh rất chặt. Vừa làm giảng viên, vừa làm Bí thư Đoàn trường kiêm Phó bí thư Đoàn TN ĐHQGHN, không biết đã bao lần Vinh ao ước “thân này ví xẻ làm… ba được” khi công việc cứ tối ngày dồn dập mà việc nào anh cũng muốn làm tốt, làm có trách nhiệm. Hỏi Vinh về những thành tích của anh trong quá trình hoạt động Đoàn, Vinh cười và chỉ khiêm tốn “khoe” một thành tích duy nhất của tập thể đó là danh hiệu cho đơn vị 3 năm liền dẫn đầu phong trào thi đua cấp tỉnh khối đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp giai đoạn 2003 - 2006. Tuy Vinh không chịu nói ra nhưng bề dày thành tích cá nhân của anh quả thực rất đáng nể: Bằng khen của Thành Đoàn Hà Nội năm học 2001 - 2002 và 2002 - 2003; Bằng khen của TW Đoàn năm học 2003 - 2004, 2005 - 2006; Bằng khen của TW Đoàn cho thành tích hoạt động giai đoạn 2000 - 2005; Thanh niên tiêu biểu của thủ đô Hà Nội năm 2006; Giải thưởng 26/3 về KHCN của Trung ương Đoàn năm 2006; Bằng khen của Hội Hoá học Việt Nam cho thành tích tổ chức Olympic Hoá học Toàn quốc năm 2003 và Bằng khen của Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội cho thành tích tại Hội chợ Techmart Hải Phòng năm 2004; Gương mặt trẻ tiêu biểu ĐHQGHN năm 2004, 2005, 2006; Bằng khen của Giám đốc ĐHQGHN năm 2005; Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở năm 2005, chiến sĩ thi đua cấp ĐHQGHN năm 2006. Thành tích gần đây nhất của anh chính là được bầu chọn là 1 trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu Việt Nam năm 2006 và đại diện cho giới thanh niên tham gia đối thoại với chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trong lần gặp mặt ngày 25/3/2007 tại ĐHQGHN.

Bước qua tuổi “tam thập nhi lập”, giờ đây Nguyễn Đắc Vinh lại đang dấn thân trên một con đường gian truân, nghiệt ngã nhưng cũng đầy vinh quang là nghiên cứu khoa học. Thành công thì ít, thất bại thì nhiều còn gian lao thì không kể xiết, nhưng cứ nhìn phong thái điềm đạm, rắn rỏi, cởi mở gần gũi của Vinh, có thể tin rằng nhà khoa học trẻ này còn đang rất sung sức để tự tin khẳng định độ chín trong sự nghiệp nghiên cứu của mình và sẽ còn đóng góp được nhiều hơn nữa vào sự nghiệp trồng người, dựng xây đất nước.

 Dương Kim Thoa - Ảnh: Bùi Tuấn - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 193 , ra tháng 3/2007
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC