Sinh viên  Blog' SV 04:50:30 Ngày 20/04/2024 GMT+7
Chúng tôi lên miền núi công tác
Đã qua chưa cái thủa coi các thành phố lớn như một miền đất hứa, là môi trường gần như duy nhất để phát huy tài năng? Còn miền núi, hải đảo xa xôi hiện lên như xứ “rừng thiêng nước độc”. Với tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ, nhiều người trẻ hiện đại đã chọn cho mình những lối đi riêng và họ tự hào khẳng định rằng: Lên công tác miền núi, chúng tôi không lập dị...

1. Từ phố lên ngàn

"Mày ẩm IC hay sao mà đang cộng tác ở một tờ báo lớn tại Hà Nội lại quyết định mò lên tận miền núi xin việc. Lên đó, vừa nghèo vừa lạc hậu chỉ làm cùn đi ngòi bút của mày thôi". Đó là lời bạn thân của T.Hương khi cô quyết định lên toà soạn báo của một tỉnh miền núi phía Bắc mới được thành lập để làm việc. Trong mắt bạn bè, T.Hương hiện lên như một kẻ lập dị.

"Thằng Th. hình như mới bị bồ "đá", chán đời nên vừa tốt nghiệp Đại học Y loại giỏi mà lại lên tận Lai Châu làm". Còn với Th. câu chuyện của anh được mọi người truyền tai nhau và gọi Th. với biệt danh "anh hùng rơm"; "sĩ diện"; " tỏ vẻ" hay thậm chí "trốn tình"...

Dường như, trong mắt của nhiều người. Những sinh viên tốt nghiệp loại giỏi một trường đại học danh tiếng, nhà thành phố, có năng lực, có điều kiện mà lại tự nguyện lên vùng sâu vùng xa làm việc thì thật "không bình thường".

Có thể tạm lý giải cho những suy nghĩ ấy bởi trước đây cứ nhắc tới cụm từ miền núi hay hải đảo, là trong đầu mọi người lại hiện lên hình ảnh của sự xa xôi, lạc hậu, hoang vu, của xứ rừng thiêng nước độc với điều kiện kinh tế nghèo nàn, giao thông đi lại khó khăn, thậm chí phải “trèo đèo lội suối". Chẳng thế mà khi biết được người viết bài này đến từ Điện Biên có bạn đã hỏi rằng: “ở chỗ bạn không có điện và bạn đi học bằng ngựa à?". Thật là một câu hỏi vừa nực cười vừa chua chát. Nhưng đó chỉ là số ít những người có vốn hiểu biết hơi thấp và hơi hẹp, trong khi đa phần đều biết rằng, với đường lối chính sách đầu tư đúng đắn và hiệu quả của Đảng và nhà nước, bộ mặt kinh tế - xã hội của các tỉnh miền núi, hải đảo xa xôi đang thay đổi rõ rệt, tiến tới theo kịp miền xuôi. Và rằng, chỉ mất 1h đi máy bay là bạn có thể từ Hà Nội lên tận Điên Biên rất dễ dàng chứ không phải đi bằng "ngựa". Và rằng, chính sách thu hút cán bộ ở các tỉnh trên đang rất rộng mở, là "miền đất hứa” để bạn có thể phát huy được năng lực của mình.

Đã có rất nhiều những thanh niên tự nguyện lên xây dựng miền đất mới. Thu Hoà (25 tuổi, công tác tại Ngân hàng nhà nước tỉnh Điện Biên) tâm sự: "Quê mình tận Hà Nam, tốt nghiệp hai trường Học viện Ngân hàng và Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Long đong ở thủ đô 3 năm không tìm được việc phù hợp nên tình nguyện lên đây. Là con gái, lại phải làm xa nhà. Lúc đầu mình cũng rất lo lắng. Nhưng được làm việc đúng sở trường, mọi người giúp đỡ, môi trường làm việc cởi mở. Mình thấy rất yên tâm và hạnh phúc...".

Còn với Long (công an huyện Tủa Chùa - tỉnh Lai Châu) lại hơi khác:

"Tôi là con trai Hà Thành, được điều lên công tác tăng cường ở Lai Châu. Thú thật, lúc đầu cũng “oải” lắm. Vừa buồn, vừa nhớ nhà, nhưng thấy đồng bào dân tộc mình còn khổ quá tự nhiên thấy cần phải làm gì đó có ý nghĩa hơn. Nên dù đã hết thời gian tăng cường nhưng tôi vẫn tự nguyện xin ở lại thêm mấy năm nữa...”. Khi được tôi hỏi nhỏ rằng, còn người yêu ở Hà Nội thì sao? Long cười và khoe với tôi rằng, anh đã thuyết phục được cô ấy cùng lên đây làm một vài năm rồi.

Xa nhà, lại phải sống và làm việc trong môi trường mới mà điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Trước mắt họ hẳn là một con đường không dễ đi. Nhưng có lẽ, đó lại là những điều kiện tốt để thể hiện chính mình. Vì T.Hương sau thời gian công tác tại một tờ báo tỉnh đã thực sự trở thành một nhà báo giỏi. Cô không chỉ biết tìm và phát hiện vấn đề mà còn liên kết với các tổ chức, cơ quan ở trung ương và địa phương xây dựng những dự án hỗ trợ về kinh tế, giáo dục, y tế có hiệu quả cho đồng bào dân tộc nơi đây. Ngòi bút của cô không những không bị "mòn, cùn" đi mà còn được mài sắc thêm từ trong thực tế cuộc sống. Cô trưởng thành trong nghề nghiệp, sống nhiệt thành và có ích hơn rất nhiều những phóng viên "nhàn nhạt" bạn của cô.

2. Người tài không ai phụ...

Không chỉ thu hút những nhân tài ở miền xuôi lên công tác. Nhiều tỉnh có những chính sách đãi ngộ cán bộ rất sáng tạo và hiệu quả, như cử đi học, tạo điều kiện giúp những bạn trẻ sau khi học xong trở về xây dựng quê hương... Những người có gia đình, bạn bè, người thân đang ở miền núi và hơn ai hết họ hiểu được họ có thể đóng góp những gì để cống hiến và giúp đỡ cho chính quê hương của mình và cũng là cho chính bản thân họ. Gần đây, có tỉnh đã có cách làm khá hay khi về tận các trường đại học để tuyển dụng những sinh viên giỏi mới tốt nghiệp, có cơ hội được vào biên chế, hỗ trợ nhà ở cùng với nhiều điều kiện ưu ái khác.

Cũng từng là một thanh niên miền xuôi lên miền núi công tác ông Nguyễn Xuân Quang - Chánh văn phòng UBND thành phố Điên Biên thổ lộ: "Tôi tốt nghiệp Đại học Sư phạm, lên Điên Biên làm việc đã được hơn 20 năm. Tôi hiểu lớp trẻ bây giờ có nhiều hoài bão và nhiệt huyết lắm. Cuộc sống ở đây thay đổi từng ngày, rất cần những bàn tay và sức trẻ góp công xây dựng. Chúng tôi luôn mong chờ, đón nhận và tạo điều kiện cho những người trẻ tài năng lên công tác và cống hiến...".

Được làm việc, phát huy khả năng trong môi trường thành phố năng động là điều mà bất cứ sinh viên nào cũng mong muốn sau khi ra trường, nhưng đó đã không còn là môi trường, là con đường duy nhất để cố gắng theo đuổi. Còn rất nhiều, rất nhiều những con đường, những cánh cửa khác đang rộng mở đón chào các bạn. Và chắc chắn rằng, lên làm việc ở miền núi là một con đường đáng để bạn suy xét và chọn lựa...

 Xuân Quỳnh - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 174, tháng 8/2005
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Các bài cũ hơn
  • Không có bài nào cũ hơn !
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC