Sinh viên  Blog' SV 08:14:47 Ngày 19/04/2024 GMT+7
Tương lai ngắn hạn cho tân cử nhân
Không ít sinh viên hiện nay chỉ dám hoạch định kế hoạch ngắn hạn một vài năm sau khi ra trường. Thậm chí, một số sinh viên phó mặc số phận đến đâu hay đến đó và ngồi một chỗ chờ vận may đường công danh đến với mình.

Còm cõi đồng lương thử việc

Vòng xoáy của đồng tiền, của công việc, khiến không ít tân cử nhân thay đổi đến chóng mặt chỉ sau vài tháng ra trường. Để bám trụ lại đất Hà Nội, họ phải nhoài ra cuộc sống để bươn chải. T.M (SV K49 Báo trường ĐHKHXH & NV) xin tự “cắt viện trợ” khi mới vừa thi xong tốt nghiệp. M. vừa được tờ báo nhận mới mức lương thử việc 300.000 đ/tháng. Ba tháng thử việc cũng không đảm bảo việc M. “chắc chân” ở tòa báo đó. Cô có thể bị “loại” khi phải “chọi” với rất đông các tay viết kỳ cựu.

Thùy Dung (SV K49 Xã hội học ĐH KHXH & NV) đứng ngồi không yên vì sắp ra trường mà không biết “đi đâu về đâu”. Thùy Dung cầm tấm bằng tốt nghiệp thổ lộ: “Có khi mình đã chọn sai nghề ngay từ khi đăng ký thi tuyển, chọn ngành, chọn nghề”. Ra trường, thực sự bước vào cuộc đời, Dung vẫn không tìm được cho mình hướng đi cụ thể.

Bám trụ lại đất Hà Nội là mục tiêu của không ít tân cử nhân. Quốc Trung (SV ĐH Công nghệ ĐHQG Hà Nội) nung nấu ý chí sẽ ở lại Hà Nội lập nghiệp. Mức lương trái nghề của SV mới ra trường chỉ vài trăm nghìn đồng. Trong thời kỳ lạm phát, giá cả tăng vùn vụt, tiền thuê nhà tiền xăng xe, điện thoại cứ, Trung lún ngập trong vòng quay của đồng tiền. Trung dự định: “Mình sẽ nhảy nghề vài nơi lấy năm kinh nghiệm, góp lấy tiền học ngoại ngữ rồi sau đó xin một công việc đúng chuyên ngành”

Huyền Trang (SV K49 Du lịch ĐH KHXH & NV) thực hiện chiến dịch rải thảm hồ sơ xin việc. Hễ bất cứ ở đâu có yêu cầu tuyển dụng, Trang đều đến “rải” hồ sơ. Nơi thu nhập thấp cô “không thông” vì chưa xứng tầm với tấm bằng cử nhân, nơi thu nhập cao thì Trang không với tới vì họ yêu cầu kinh nghiệm, bằng cấp cao. Trang vẫn rải hồ sơ trước mắt để tích lũy kinh nghiệm phỏng vấn và chờ vận may đến với mình.

Mai Hoa (tân cử nhân Du lịch ĐH KHXH & NV). Cô tốt nghiệp là có ngay công ăn việc làm ổn định với mức lương khiến nhiều tân cử nhân mới ra trường phải mơ ước 4 triệu/tháng. Tương lai của cô như “mâm cỗ” đã dọn sẵn, cô cứ tuần tự mà tiến theo sắp đặt của cha mẹ. Cô rất muốn bứt phá khỏi vỏ bọc của bố mẹ.

Đức Hoàng (SV ĐH Bách Khoa Hà Nội) nằm dài thượt ở nhà sau kỳ thi tốt nghiệp. Trong khi bạn bè lao vào để kiếm việc, kiếm tiền lo cho tương lai. Hoàng chẳng mấy hứng thú với những thử thách mới. Hoàng còn nuôi hoài bão sẽ vác ba lô lên vai đi học hỏi cho vững kiến thức của “trường đời” vài năm rồi quay trở về bắt đầu công việc vững với kiến thức hàn lâm và kinh nghiệm tích lũy từ cuộc sống.

Hướng nào cho SV mới ra trường?

Hướng nào cho SV ra trường có công ăn việc làm không phải uổng phí 4 năm đèn sách? Đây đang là câu hỏi lớn của SV, gia đình, nhà trường. và cả xã hội. SV ngành xã hội vốn khó xin việc lại cộng thêm nhà trường không năng động liên hệ công việc cho SV. Một số trường kỹ thuật như ĐH Bách khoa đã tạo cơ hội việc làm cho SV ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Các SV năm cuối sẽ có một bản CV điền đầy đủ những thông tin về trình độ khả năng và nguyện vọng từng cá nhân. Thông tin này được lưu trong máy vi tính. Khi có doanh nghiệp cần tuyển, những ứng viên đủ điều kiện sẽ được nhận được email về cách thức tuyển dụng, mức lương… Hay như trường ĐH Xây dựng, trong buổi trao bằng tốt nghiệp, nhà trường sẽ tổ chức mời các đơn vị đến để tuyển dụng trực tiếp. Có một thực tế, các khối kỹ thuật rất cần nguồn nhân lực. SV khối ngành xã hội và nhân văn bị coi là “mù mờ” hơn về tương lai sau khi ra trường. Cộng thêm sự “hạn hẹp” về nhu cầu nguồn nhân lực trong khối này, “cửa” xin việc dành cho SV xã hội càng hẹp.

Có SV chọn cho mình một công việc trái ngành để lấp chỗ trống và có cảm giác không bị thất nghiệp. Một số tân cử nhân khác vừa tiếp tục học để có thêm bằng cấp và làm thêm để lấy tiền trang trải cho việc học. Xu hướng Nam tiến tích lũy kinh nghiệm và kinh tế ở miền đất trẻ hứa hẹn sự đổi đời. Còn phần lớn tân cử nhân vẫn trong vòng quẩn quanh của giải pháp, còn thiếu những kế hoạch “dài hơi” bước vào cuộc đời.

Thùy Mai (SV Khoa Kinh tế đối ngoại ĐH Ngoại thương) chia sẻ kinh nghiệm với các SV: “Ngay từ khi đăng ký thi ĐH mình đã chọn ngành theo sở thích và năng lực. Trong quá trình học trên giảng đường vẫn phải năng động nhập cuộc xâm nhập thực tế. Mình tự đặt ra các kế hoạch dài hạn và ngắn hạn và phương pháp cụ thể để hoàn thành. Chính mình phải tự cứu mình khỏi nguy cơ thất nghiệp”.

 Lưu Thị Vân - Bản tin ĐHQG Hà Nội, số 208 - 2008
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC