Sinh viên  Blog' SV 11:17:37 Ngày 19/04/2024 GMT+7
MC Trịnh Lê Anh: “Có công mài sắt có ngày nên kim”
Vừa giữ vai trò một giảng viên bận rộn với giáo án, bài giảng, những đề tài khoa học, công trình nghiên cứu, vừa đảm đương vị trí là MC của rất nhiều chương trình truyền hình khác nhau, vậy nhưng anh vẫn hoàn thành mỹ mãn tất cả những việc đó. Và quả thực để có được thành công như ngày hôm nay, giảng viên, ThS. Trịnh Lê Anh đã phải trải qua những tháng ngày học tập miệt mài, nghiêm túc, khổ luyện.

Trước thềm kỳ tuyển sinh đại học 2009, anh đã dành cho chúng tôi một cuộc trò chuyện ngắn xoay quanh những bí quyết riêng trong học tập và kinh nghiệm ôn thi của mình...

Anh có còn nhớ ngày nhỏ anh thích học nhất môn gì không?

Từ bé, bố mẹ đã định hướng theo khối A nên mình đã học lớp chuyên toán và học cũng rất được. Sau này, thấy Lê Anh làm MC, nhiều người hỏi có phải hồi nhỏ học chuyên văn phải không? Kỳ thực, lúc nhỏ Lê Anh rất thích đọc sách, truyện và cũng chịu khó viết ra những suy nghĩ của mình trong những bài tập môn văn (còn nhớ năm học cấp 1 đã có bài văn phát biểu cảm nghĩ về bộ phim hoạt hình yêu thích viết dài tới hơn 10 trang). Tuy nhiên điểm môn văn học không được cao nên cứ nghĩ mình “dốt” văn, mãi cho đến khi vào đại học mới nhận ra mình cũng có khiếu cảm thụ ít nhiều. Để bổ trợ cho học tập Lê Anh thường xuyên đọc báo, đọc truyện cổ tích, truyện ngắn…đặc biệt là những đoạn văn có nhiều cảm xúc. Có lẽ nhờ vậy mà mình sớm hình thành óc tưởng tượng phong phú, sáng tạo và học cách tư duy một cách sâu sắc về sự vật hiện tượng xung quanh...

Anh có thể tiết lộ những thành tích đạt được trong thời gian đi học của mình?

Mình từng tham gia thi học sinh giỏi cấp Thành phố môn vật lý, toán học và có lần còn thử nghiệm tham gia thi môn văn, suýt nữa được vào đội tuyển văn của trường. Thành tích của Lê Anh trong những ngày đi học thường gắn liền với các hoạt động của đoàn hội, và mình rất tự hào đã là một thủ lĩnh thanh niên nhiệt huyết và để lại nhiều dấu ấn trong các hoạt động tập thể, cong tác xã hội.

Theo anh hoạt động đoàn thể có tác động như thế nào đến thành tích học tập của anh?

Nhìn chung là các hoạt động này đều tiêu tốn nhiều thời gian nên ảnh hưởng tới học tập là tất yếu. Nhưng hãy nghĩ rằng, dù thế nào thì bạn cũng không thể suốt ngày chỉ tập trung vào sách vở! Mình đã tận dụng thời gian ngoài học trên lớp và tự học một cách tối ưu để tham gia hoạt động phong trào, nếu có những kỳ cuộc tốn thời gian thì phải biết phân bố trước và sau đó một cách phù hợp. Bây giờ thì mình thấy quan trọng nhất vẫn là cách học, 5 phút hay 50 phút cho một bài học là do mình! Bằng cách đó thì mình không thể nói là không có thời gian tham gia hoạt động xã hội! Nếu Lê Anh có được chút ít sự thành công, trưởng thành về mặt xã hội như ngày hôm nay cũng là nhờ rất nhiều vào các hoạt động đoàn thể thời đi học.

Được biết trước đây anh đã từng đỗ 6 trường đại học, vậy khi ôn thi anh có vào “lò luyện” không?

Thời của mình đi ôn thi là một phong trào rất phát triển, hơn nữa đề thi đại học trước đây rất khó, mỗi một cuộc thi đúng là một lần thử lửa. Hầu hết đề thi đại học khi đó đều có những bài không nằm trong chương trình sách giáo khoa và nhiều câu hỏi thực sự khó, thử thách cả những học sinh chuyên. Nếu không đi luyện thi thì rất khó có thể làm được. Ngay từ lớp 10, mình đã đi học ôn 3 môn Toán - Lý - Hóa. Ngày đó, mình học ôn ở rất nhiều nơi, cứ nghe thấy ở đâu có thầy dạy hay là tìm đến nên mình đã học được kiến thức từ rất nhiều thầy cô, đồng thời cũng tự trang bị được thái độ học có chọn lọc, nếu không rất dễ bị rối loạn... Ban đầu, mình ôn thi khối A nhưng khi đi thi lại quyết định chuyển sang khối D. Tuy nhiên mình vẫn đỗ cả 6 trường đăng ký dự thi vì ngày đó có 5 đợt thi đại học, 1 đợt thi cao đẳng. Ai có sức thì cứ đăng ký, không có nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 như bây giờ.

Theo anh, để có được thành công trong học tập yếu tố nào là quan trọng nhất?

Mình nghĩ không có một đứa trẻ nào dốt, quan trọng nhất là môi trường học tập. Số 1 là gia đình, sau đó tới nhà trường và xã hội rồi mới tới yếu tố cá nhân. Mình may mắn có được bố mẹ định hướng cho học tập ngay từ khi còn nhỏ. Mẹ cũng chính là cô giáo đầu tiên dạy mình học. Trước khi biết tự giác học, việc định hướng của gia đình là yếu tố rất quan trọng.

Những tri thức học được có giúp ích nhiều trong công việc hiện tại của anh không?

Nhờ học hành nghiêm túc nên mình thấy không bị hổng kiến thức, luôn chủ động được bản thân trong công việc và trong cuộc sống. Tri thức giúp cho Lê Anh nhận thức được cần phải có trách nhiệm với việc phát ngôn, đặc biệt khi công việc hiện tại của Lê Anh là giảng viên và MC. Cần tránh những nhận định đao to, búa lớn, tránh nhận xét cực đoan hay định kiến áp đặt với người khác. Con người không ai hoàn hảo, việc học tập thường xuyên sẽ giúp hoàn thiện mình hơn.

Khi ôn thi anh có đặt ra mục tiêu cho bản thân?

Có chứ! Mình còn đặt ra mục tiêu cao nhất là 100% phải thi đỗ đại học chứ không có chuyện khoảng 60% hay 80% trong năm đầu, có chăng là khoảng bao nhiều % đỗ thủ khoa hay dành học bổng mà thôi. Mình còn nhớ, trong thời gian đang ôn thi đại học, một hôm đi ăn sáng thấy tờ giấy báo gói xôi có một bài toán rất hay và lạ. Mình đã mang tờ báo về giải bài toán đó bằng được rồi đem tới lớp hỏi các thầy đáp án xem lời giải có đúng không? Thực ra mình ý thức mình không phải người thông minh kiệt xuất gì nên trong học tập luôn cần sự siêng năng, tìm tòi và lòng quyết tâm. Hiện nay, mình thấy có một số bạn trẻ đặt ra mục tiêu trong học tập quá thấp, không có chí tiến thủ. Đã là thanh niên, theo mình cần phải đặt mục tiêu cao trong học tập để đạt được kết quả tốt nhất. Mục tiêu thấp nhiều khi không khám phá hết chính mình, sau này bạn sẽ thiệt thòi hoặc ân hận.

Anh có lời khuyên gì đối với những sĩ tử sắp bước vào kỳ thi đại học 2009?

Những năm gần đây, đề thi không khó như trước nữa, chủ yếu là kiểm tra về phông kiến thức chung trong sách giáo khoa. Vì thế, các bạn cần phải chăm chỉ, giải quyết được căn bản tất cả các bài tập trong sách giáo khoa. Tôi nhấn mạnh chữ “tất cả”. Trong thời gian ôn thi cần sắp xếp thời gian khoa học, không nên học quá khuya để ảnh hưởng đến sức khỏe. Khi bước vào phòng thi phải bình tĩnh, tự tin, tránh sự căng thẳng để làm bài cho tốt. Chúc các bạn thành công!

Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện rất thú vị!

 Nguyễn Dương Phương Vy - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 220, 2009
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC