Sinh viên  Nhịp cầu bè bạn 15:44:12 Ngày 19/04/2024 GMT+7
“Cò thủ” thời công nghệ thông tin
Thời công nghệ thông tin mà không ít công dân IT chính hiệu đang phải khổ sở bên chiếc bàn phím với những biệt danh nghe đủ đau khổ: “Cò thủ”, “Nhất dương chỉ”…

"Bán mặt cho… bàn phím"

Giờ tin học của lớp K49 Báo chí, ĐHKHXH&NV, gần 100 sinh viên lúi húi "bán mặt cho… bàn phím" dùng chiêu "nhất dương chỉ" mổ từng chữ cái một cách khó nhọc với bài tập word thầy giáo cho.

“Bệnh” của đa số sinh viên thời công nghệ thông tin là… mổ cò. ở lớp Toán - Tin K49, ĐHKHTN chỉ có 15/100 sinh viên biết sử dụng bàn phím bằng mười ngón. Cũng ở lớp K47 của khoa này, mới chỉ hơn 1 nửa sinh viên năm thứ 3 không còn cảnh cúi mặt xuống bàn phím gõ từng con chữ. Nguyễn Văn Minh, K47 Toán - Tin cười: "Sinh viên Toán - Tin suốt ngày tiếp xúc với máy tính mà mổ cò thì cũng ngại lắm. Nhưng mà bọn tớ không kiên trì được. Hơn một nửa sinh viên trong lớp tớ hiện nay biết dùng cách gõ mười ngón thì chủ yếu là các bạn gái. Con gái vốn chăm chỉ và chịu khó hơn con trai mà!".

Nguyên nhân của những "cò thủ" trước hết là ở chính những người trẻ của chúng ta. Đa số sinh viên tiếp xúc với máy tính lần đầu qua chat chit. Những cuộc trò chuyện kéo dài với phương pháp mổ cò khiến cho các cô cử, cậu cử "lờ" với phương pháp gõ mười ngón. "Mổ cò quen rồi đến khi tập mười ngón khó lắm, gần như phải bắt đầu lại từ đầu. Nếu không có máy tính riêng thì tiền đâu cho đủ để thuê?"- Duy Tùng (khoa Marketing, ĐH KTQD) than thở.

Một nguyên nhân nữa là trong chương trình giảng dạy của nhiều trường hiện nay, môn Tin học còn rất "khiêm tốn" về số tiết. Các khoa cần đến kiến thức tin học khá nhiều như Khoa Báo chí, Khoa Thông tin Thư viện nhưng cả khóa học sinh viên chỉ được học có 2 ĐVHT. Ngay “dân trong nghề” như khoa Toán - Tin của ĐHKHTN cũng phải đến năm thứ hai mới bắt đầu được học tin học. Từ thời phổ thông đã ít được tiếp xúc với máy tính, cho nên khi muốn nâng cao trình độ kỹ năng tin học, nhiều sinh viên đã buộc phải tìm đến các trung tâm.

Khi chỉ dùng máy tính để chat thì chậm một tí cũng có thể chấp nhận được, nhưng đến khi áp dụng vào công việc chuyên môn mới thấy được sự bất tiện khi phải dùng món "nhất dương chỉ".

Vừa vào năm nhất Khoa Báo chí, Lâm Hoài đã tập viết bài. Hừng hực khí thế với bài báo đầu tiên vừa hoàn thành, Hoài cầm bản nháp ra quán Internet gõ bài. Khổ nỗi, kỹ năng về tin học thì mù mờ, đánh mười ngón lại càng không biết. Hì hụi hơn 3 tiếng đồng hồ mới xong bản word 800 chữ thì tự nhiên máy tắt ngấm. Chàng sinh viên năm nhất cuống cuồng bật lại máy nhưng do chưa "save" nên thành quả 3 tiếng cặm cụi "bốc hơi” theo cú cắt điện. Ngậm ngùi ngồi mổ cò lại từng chữ, Hoài vừa bực mình vừa cay cú… cái máy. Bài báo đầu tiên mất cho hàng Internet 19.500đ.

Và những con đường "diệt khổ"

Nhiều người không an phận với danh hiệu “nhất dương chỉ” đã quyết tâm "khổ luyện". Trên màn hình máy tính của Hạnh (K49 ĐHXD) luôn xuất hiện dòng khẩu hiệu "khổ luyện thành giỏi" như một lời nhắc nhở để tập cho được kỹ năng gõ mười ngón.

Vừa vào ở KTX Mễ Trì, Long, sinh viên năm cuối ĐHKHXH&NV đã thể hiện “bản lĩnh người đi trước” bằng chiêu soạn văn bản. Mười ngón tay lướt trên bàn phím một cách điệu nghệ làm bọn đàn em năm thứ nhất, năm thứ hai lác mắt bái phục và không khỏi thèm thuồng. Long nói: "Để có được kết quả này là cả một chặng dài tập từng nốt bàn phím một đấy. Hết tự mày mò đến dùng phần mềm hướng dẫn, khó khăn lắm mới đánh được được như thế này".

Từ tận vùng cao Lạng Sơn xuống Hà Nội học đại học, Sơn (K25 Khoa Công trình, ĐH Thủy lợi) lần đầu tiên tiếp xúc với máy tính. Giờ tin học đầu năm, nghe giảng viên khuyến khích học đánh mười ngón, cậu chàng bắt đầu mày mò. Một anh trong phòng mượn cho cái bàn phím, Sơn bắt đầu với hành trình lóc cóc tập gõ. "Đến giờ thì ổn rồi, mất hơn 3 tháng mày mò, cuối cùng cũng thành công. Nhìn bọn bạn trong lớp khổ sở mổ cò mà mình thấy thật tự hào…".

Nhiều sinh viên sau những lần bị những vố cay cú đã quyết học cho bằng được kỹ năng gõ mười ngón. Từ ngày cả phòng chung tiền mua máy tính, đêm nào phòng 304 cũng thấy Kiên thức thâu đêm với phần mềm hướng dẫn trò chơi, cứ chíu chíu pằng pằng cố để thoát khỏi cái mác “cò thủ". Kiên tâm sự: "Giờ tin học, tớ ngồi chung máy với cô bạn cùng lớp. Cô giáo đọc đề và yêu cầu gõ lên máy luôn. Tớ cứ loay hoay mãi với cái món "nhất dương chỉ" đáng ghét của mình mà không tài nào chép kịp. Cô bạn phải đánh thay. Vừa xấu hổ, vừa cay cú, tớ quyết tâm học cho bằng được kiểu gõ mười ngón".

Hè đến là dịp cho sinh viên thể hiện sự năng động của mình. Không ít người vừa rời phòng thi buổi cuối cùng đã rong ruổi trên con ngựa sắt, đi khắp các phố tìm việc làm thêm. Người thì đăng ký đi tình nguyện cống hiến sức trẻ cho đất nước. Bên cạnh đó, những sinh viên đang đau khổ với danh hiệu “nhất dương chỉ” thì lao mình vào những buổi học thêm kỹ năng tin học. Các trung tâm tin học trên đường Lương Thế Vinh, phố Thái Hà, phố Tạ Quang Bửu thời gian này tấp nập học viên đến đăng ký. Các chương trình được học viên lựa chọn là AutoCard, tin học Văn phòng, powerpoint… Anh Thắng, phụ trách một trung tâm tin học trên đường Lương Thế Vinh cho biết: "Tham gia các khóa học trong hè này chủ yếu là sinh viên, học sinh trung học. Kiến thức tin học của họ còn yếu lắm. Hơn 80% các bạn còn dùng lối mổ cò một ngón. Vào đây chúng tôi gần như phải hướng dẫn lại từ đầu”.

“Khổ luyện” để “thành giỏi" như một số người vẫn tâm niệm, sinh viên thời nay đang thể hiện bản lĩnh của công dân IT (Information Technology, công nghệ thông tin) ngay trong việc nhỏ nhất là cách sử dụng chiếc bàn phím.

 Phan Văn Kiền - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 176, tháng 10/2005
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC