Sinh viên  Nhịp cầu bè bạn 22:27:01 Ngày 19/04/2024 GMT+7
Sinh viên báo chí - Cần hơn nữa những giờ học “Đổi gió”
Bổ ích, lý thú, thiết thực và giàu tính thực tiễn, đó là những gì mà sinh viên lớp Báo chí chúng tôi cảm nhận được sau gần 3 giờ đồng hồ trò chuyện cùng nhà báo nổi tiếng Huỳnh Dũng Nhân - Phó ban đại diện báo Lao động tại TP. HCM...

Theo đúng tinh thần: Truyền nghề. Nhà báo, nhà giáo Huỳnh Dũng Nhân đã làm những sinh viên Báo chí chúng tôi thực sự thích thú khi anh trình bày một cách hết sức lôi cuốn về một thể loại báo chí rất khó: thể loại phóng sự.

Sự bất biến, phóng vạn biến

Vẻ mặt thản nhiên, đôi mắt sáng thông minh, phong cách nói chuyện dí dỏm, lôi cuốn, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đã đưa sinh viên đi hết từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Đọc những phóng sự như “Tôi đi bán tôi”, “Ăn Tết trong rừng chó sói”,… mỗi sinh viên đều có một Huỳnh Dũng Nhân cho riêng mình. Nhưng đến khi được tận mắt tiếp xúc với nhà báo tiền bối, nhiều bạn không khỏi bất ngờ vì cây bút bấy lâu nay mình chịu ảnh hưởng lại là người thật giản dị. “Không ngờ chú Huỳnh Dũng Nhân lại thân mật và uyên thâm đến thế”- Xuân Lâm, một sinh viên tâm sự. Còn Minh Tiến lại nhận xét: “Có cảm giác Huỳnh Dũng Nhân là một kho kinh nghiệm thực tiễn đầy dí dỏm, thú vị…”.

“Sự bất biến, phóng vạn biến” - lời tổng kết của nhà báo về công việc viết phóng sự tuy ngắn gọn nhưng làm cho sinh viên rất “thấm”. Bằng một phong cách nói chuyện lôi cuốn, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đã tận tình mổ xẻ cho sinh viên cách viết một bài phóng sự như thế nào, cách tìm ra đề tài giữa muôn ngàn cái bình thường trong cuộc sống ra sao, cách xử lý số liệu thế nào cho hiệu quả. Tất cả những điều mà nhà báo dày dạn kinh nghiệm đã truyền đạt cho sinh viên không giống như một người thầy đứng lớp mà có cảm giác như một bác thợ cả đang tận tình kèm cặp cho những anh thợ mới vào nghề.

Lớp học nóng lên rất nhanh chỉ sau ít phút trò chuyện. Những vấn đề khó khăn của mỗi người cầm bút viết phóng sự đã được tháo gỡ và giải quyết thấu đáo. Có nhiều vấn đề sinh viên nghĩ trong đầu chưa kịp hỏi, nhà báo tài hoa đã nhanh nhạy giải đáp ngay bằng những mẩu chuyện thực tế rút ra từ chính kinh nghiệm cầm bút vui có, buồn có của mình. Tất cả đối với chúng tôi thật mới mẻ, bổ ích và dễ tiếp nhận, bởi chúng đầy ắp tiếng cười. Mượn lời cố nhà văn Raxun Gamzatốp (Đaghetan): “Đừng nói cho tôi đề tài, hãy nói cho tôi đôi mắt”, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đã động đến một trong những “khâu yếu nhất” của sinh viên khi viết phóng sự: tìm đề tài. Anh nhấn mạnh: “Đề tài của phóng sự luôn đầy ắp xung quanh chúng ta, vấn đề là phải có con mắt phát hiện ra nó. Chúng ta phải giống như những nhà thiên văn học hay nhà địa chất, luôn đi tìm cái mới trên bầu trời, trong lòng đất…”

Các em sinh viên hãy cố gắng trở thành… những con gà

Không chỉ truyền đạt kỹ năng làm phóng sự điều tra, phóng sự nhân vật,… nhà báo Huỳnh Dũng Nhân còn không ngần ngại chia sẻ cho sinh viên những kinh nghiệm nghề nghiệp mà mình đã tích luỹ được sau gần ba mươi năm cầm bút. Một trong những kinh nghiệm của anh là coi bạn đọc như những người thân thiết nhất. Khi có một sinh viên hỏi anh điều gì là quan trọng nhất đối với một người viết phóng sự, anh vui vẻ đáp ngay: “Đó là cái tôi, là phong cách của tác giả. Bài viết không có phong cách và chính kiến thì chỉ là bài báo trung tính, không màu, không mùi, không vị…”.

Anh kể có một nhà báo đồng nghiệp của anh ở báo Lao động, một người không viết phóng sự bao giờ nhưng sau đợt nghỉ ốm đã có một phóng sự dài hơi về phương pháp trị bệnh tiểu đường, mà sau đó nó tác động rất lớn đến độc giả. Rõ ràng hiệu ứng xã hội của phóng sự là rất lớn. Ông nhấn mạnh: Tin làm cho người đọc chú ý, còn khiến cho độc giả cảm thấy xúc động thì chỉ có phóng sự. Sinh viên lớp K47 ngồi nghe như nuốt lấy từng lời và thích thú ghi chép những điều anh nói. Bởi những gì mà các nhà báo tương lai thu nhận được là những kiến thức thực tiễn còn đang nóng từ một nhà báo dày dạn kinh nghiệm chứ không phải là những mớ kiến thức bùng nhùng trong sách vở.

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân tâm sự: “Bản thân tôi rất tâm đắc một câu nói của GS. Trần Văn Giàu: Tôi như con gà, lúc nào cũng bươi. Đói cũng bươi. No cũng bươi. Không có gì làm cũng bươi chơi. Bươi đến chết thì thôi.” Cứ bươi mãi, bươi mãi ắt rồi sẽ tìm ra muôn vàn cái thú vị. Anh kết luận: Các em sinh viên hãy cố gắng giống như những con gà của GS. Trần Văn Giàu, luôn luôn làm việc, làm việc không mệt mỏi, phải hình thành trong mình một phản xạ báo chí và có khả năng làm việc mọi lúc, mọi nơi, ở trên máy bay hay thậm chí ở nhà chờ xe buýt…

Học cách tư duy theo lối khác và tập tác phong làm việc chuyên nghiệp, đó là những gì mà sinh viên K47 Báo chí chúng tôi tiếp nhận được sau 3 giờ lên lớp cùng nhà báo Huỳnh Dũng Nhân. Hy vọng những sinh viên Báo chí chúng tôi sẽ được tạo điều kiện nhiều hơn để có thể tiếp xúc với thực tiễn báo chí sôi động của nước nhà.

 Nguyễn Hoàng - Trần Văn - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 178, tháng 12/2005
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC