Sinh viên  Nhịp cầu bè bạn 06:13:43 Ngày 17/04/2024 GMT+7
Vai trò của người đi trước
Một buổi học của đầu học kỳ II năm thứ nhất, một cậu bạn cùng lớp hỏi tôi: “Cậu có muốn tham gia hoạt động Đoàn không? Tớ giới thiệu cậu với một anh trên Đoàn trường, cứ đến gặp anh ấy rồi quyết định nhé!”.

Người tiếp chúng tôi là anh Phó bí thư Đoàn trường, anh đang cặm cụi bên chiếc máy tính để hoàn thành bản kế hoạch cho một chương trình văn nghệ của Đoàn thanh niên. Dáng vẻ hoạt bát và nụ cười rất thân thiện: “Anh cần một người trong Ban thông tin tuyên truyền, chú giữ vị trí này cho anh!”. Con đường tham gia hoạt động phong trào của tôi đến thật tình cờ như vậy nhưng đó là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời sinh viên cũng như trong mọi suy nghĩ và hành động của tôi.

Trách nhiệm với tập thể

Chắc hẳn với những ai tham gia hoạt động phong trào, điều làm tất cả mọi người cùng hứng thú đó là cùng xây dựng nên một tập thể hòa đồng, vui vẻ, bình đẳng tất cả cùng làm và cùng hưởng thành quả của mình. Nhưng càng vui hơn nữa đó là những người lãnh đạo các hoạt động, những người có công đưa tất cả mọi người đến gần nhau trong một tập thể lành mạnh. Họ có thể không được gì về vật chất, có thể còn mất nhiều thứ như thời gian, công sức, nhưng cái họ có được còn đáng quý hơn nhiều đó là tinh thần, tình cảm của tập thể, là kinh nghiệm cuộc sống cũng như những kỹ năng làm việc. cũng bởi vậy, họ tự mang trên mình một trách nhiệm đối với tập thể. Khi đã mang trên mình trách nhiệm đó, việc góp phần đưa phong trào Đoàn đi lên trở thành mục đích và là điều mong muốn của tôi và có lẽ của tất cả những người tham gia hoạt động công tác Đoàn.

Điều khó nhất khi làm cán bộ Đoàn là làm sao lôi kéo được tất cả mọi người cùng tham gia những hoạt động chung, điều này đòi hỏi không chỉ một cá nhân làm mà phải có một bộ máy, mạng lưới hoạt động. Khi đó phải tìm ra những người có năng lực lãnh đạo, tâm huyết với công việc. Anh Phó bí thư Đoàn trường tôi có nói: “Muốn tìm người làm được việc, có năng lực tốt thì phải giao việc cho họ làm đã”. Một người lãnh đạo thật tốt không phải là người tự mình hoàn thành tất cả những công việc được đề ra mà phải là người định hướng cho cả tập thể cùng tham gia, như vậy không chỉ việc gì cũng thành công mà mọi người cũng sẽ luôn có sự hứng thú để tiếp tục tham gia trong những lần sau. Cũng vì lý do đó, tại sao có những câu lạc bộ được lập ra với những mục đích rất hay nhưng được một thời gian thì gần như không hoạt động nữa, họ không phải là thiếu thành viên hay những chương trình hoạt động hấp dẫn, mà đơn giản là người lãnh đạo không lôi kéo được mọi người tham gia. Vậy tại sao người lãnh đạo hoạt động phong trào không đưa ra ý tưởng và giao trách nhiệm hoàn thành cho mọi người, hướng dẫn mọi người cùng làm việc, tạo cho họ có trách nhiệm với tập thể. Người lãnh đạo không chỉ hoàn thành tốt công việc của mình mà cũng đã hoàn thành trách nhiệm trong sự phát triển chung của hoạt động phong trào.

Nhiệm vụ của những người đi trước

Trong giai đoạn hiện nay, với rất nhiều sự thay đổi lớn của xã hội, tư tưởng của con người cũng có nhiều sự thay đổi, đặc biệt là tầng lớp thanh niên. Dường như một bộ phận lớn thanh niên, sinh viên thời nay không còn hoặc rất ít quan tâm đến những hoạt động chung, họ không muốn gắn bó vào tập thể mà chỉ tìm niềm vui trong những nhóm bạn bè nhỏ với những thú vui mới của thời đại, điều nguy hiểm là những thanh niên như vậy sẽ có bản lĩnh chính trị rất kém. Trong thời điểm chuyển giao xã hội này, hơn bao giờ hết, vai trò của Đoàn Thanh niên trở nên vô cùng quan trọng, bởi chỉ có tổ chức Đoàn và các phong trào thanh niên mới có thể tiếp cận một cách gần gũi được với giới trẻ, hướng họ theo những suy nghĩ và đi con đường đúng đắn. Nhưng để Đoàn Thanh niên phát huy được vai trò của mình, cần phải có đội ngũ cán bộ Đoàn có năng lực, nhiệt tình, sáng tạo, có bản lĩnh chính trị, đối với thời cuộc phải nhanh nhạy, bắt kịp với xu hướng phát triển. Có như vậy phong trào Đoàn mới có thể duy trì, có thể lôi cuốn mọi người cùng tham gia.

Để có đội ngũ cán bộ Đoàn có năng lực như vậy, không ai khác chính là những thế hệ đi trước, những người có nhiệm vụ không chỉ là người kế tục duy trì công tác Đoàn mà còn phải chăm lo, phát triển thế hệ tiếp theo. Việc phát hiện ra những cá nhân xuất sắc để thay thế trong bộ máy cán bộ Đoàn là việc rất khó, đòi hỏi những người đi trước cần có quá trình tiếp xúc, phát hiện và bồi dưỡng những người có khả năng. Với mỗi cơ sở Đoàn, cần thiết phải có những buổi tập huấn về kỹ năng của cán bộ Đoàn, tạo ra những hoạt động chung một cách thường xuyên, giao việc cho tất cả mọi người cùng làm, cùng tham gia, đó chính là cách tốt nhất để những cá nhân có cơ hội thể hiện mình, là bồi dưỡng khả năng của họ.

Có lẽ rằng, một người có công sáng lập ra một tổ chức hay là người khởi xướng một phong trào nào đó sẽ không đành lòng nhìn thấy tổ chức hoạt động không hiệu quả chỉ vì thế hệ sau hoạt động kém. Bởi vậy, tâm huyết với công tác phong trào, những cán bộ Đoàn cần phải phát hiện, chăm lo bồi dưỡng cho thế hệ kế tiếp, cũng như thế hệ trước đã chăm lo cho thế hệ chúng ta ngày nay, để phong trào Đoàn luôn luôn là chỗ dựa về chính trị, tinh thần đáng tin cậy nhất của thanh niên Việt Nam trong quá trình hội nhập và phát triển.

 Đức Nghiệp - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 193, ra tháng 3/2007
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC